Chủ tịch Hồ Chí Minh trên bìa tạp chí Time

PHẠM XUÂN NGUYÊN 29/08/2009 20:08 GMT+7

TTCT - Tạp chí Time của Mỹ ra đời năm 1923. Trong hơn 85 năm qua, đã năm lần hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện trên trang bìa tạp chí này.



Lần đầu tiên chân dung Hồ Chí Minh xuất hiện ở bìa số ra ngày 22-11-1954 với chủ đề “Hồ Chí Minh của Đông Dương”. Bài viết cho ảnh trang bìa nói về sự kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, miền Bắc VN sống dưới chế độ cách mạng của chính quyền Hồ Chí Minh.

Tác giả mô tả lại quang cảnh Hà Nội ngày giải phóng, khi đoàn quân Việt Minh từ rừng núi tiến về. Tiếp đó, hành trình cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được kể lại cùng với quá trình diễn ra cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. 

Lần thứ hai chân dung Hồ Chí Minh xuất hiện ở bìa số ra ngày 16-7-1965 với chủ đề “VN: miền Bắc không khoan nhượng”. Đây là một năm sau ngày Mỹ đưa máy bay ra ném bom phá hoại miền Bắc. 

Bài viết cho ảnh trang bìa mang đầu đề Bắc VN: nhà mác xít trong rừng sâu: “Hà Nội đã chuẩn bị cho cuộc chiến tranh toàn thể. Hồ Chí Minh là thế, vị thánh râu dài của nước VN cộng sản, ở tuổi 75 ông là lãnh tụ cộng sản già nhất, từng trải nhất. Ông Hồ của Bắc VN đã đưa ra lập trường cuối cùng và kiên định nhất của mình, và cả đất nước non trẻ của ông đã sẵn sàng chiến thắng hay là chết cùng với ông. Dù cho không lực Mỹ bỏ bom ngày càng sát gần Hà Nội đông dân cư nhưng vẫn không thấy ông Hồ tỏ ra có dấu hiệu nao núng”. 

Lần thứ ba Hồ Chí Minh xuất hiện trên trang bìa tờ Time là trong bức ảnh chụp chung với nhà ngoại giao Shelepin số ra ngày 14-1-1966. Bìa số này đăng hai bức ảnh, phía trên bức này là bức ảnh chụp tổng thống Mỹ Johnson và các cố vấn đang họp bàn tại Ranch. Chủ đề của số này là “Cuộc tấn công hòa bình của Mỹ và sự đáp trả của cộng sản”.

 Bài viết cho ảnh trang bìa là Nhiệm kỳ tổng thống: sự thay đổi trên sân khấu đề cập thông điệp liên bang hăng năm của tổng thống Mỹ lúc đó là Lyndon Johnson mà trọng tâm vẫn là vấn đề cuộc chiến VN. 

Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trang bìa để nhấn mạnh hơn điều mà bài báo nêu lên khi bình luận bản thông điệp hăng năm của tổng thống Mỹ: “Công việc đầu tiên và quan trọng nhất của ông ta sẽ phải là quyết xem nước Mỹ sẽ đi về đâu trong cuộc chiến tranh VN”.

Lần thứ tư chân dung Hồ Chí Minh xuất hiện trên trang bìa Time là số ra ngày 12-9-1969. Lúc này lãnh tụ VN vừa mất nên chủ đề của số là “Kỷ nguyên mới ở Bắc VN” cùng với bài viết cho ảnh trang bìa có tên Di sản của Hồ Chí Minh: “Khi vị Chủ tịch Bắc VN qua đời vì bệnh tim tuần trước ở Hà Nội, ông đã để lại một di sản được hoàn tất rất ấn tượng. Ông đã đưa lại ý niệm quốc gia cho nước VN. Ông đã tiến tới thể hiện một hình thức “chủ nghĩa cộng sản dân tộc” vừa giúp ông tách ra khỏi quỹ đạo Xô - Trung, lại vừa thúc đẩy cả hai cường quốc đó săn đón ông. 

Với nguồn tài nguyên hạn chế của một dân tộc châu Á nghèo khổ - cộng với sự giúp đỡ từ Bắc Kinh và Matxcơva - ông đã chống lại được hỏa lực to lớn của một nước công nghiệp mạnh nhất trên Trái đất. Khi làm thế, ông đã buộc một tổng thống Mỹ phải rời khỏi nhiệm sở và làm hoen ố ký ức về một tổng thống khác. Ông đã đi sâu vào xã hội Mỹ thông qua cuộc chiến tới mức tác động đến giới trẻ phản kháng, đến những người da đen lo lắng không yên, đến những cận vệ binh của các giá trị cũ đang bị đe dọa - chính ngay hình ảnh của đất nước. Cả cuộc đời Hồ Chí Minh là dành để tạo ra một nước VN thống nhất, thoát khỏi sự đô hộ của ngoại bang. Không một lãnh tụ dân tộc nào còn sống hiện nay ngoan cường đứng vững được lâu đến thế trước mũi súng kẻ thù. Sự qua đời của ông chắc chắn sẽ còn lan rộng ảnh hưởng ở Bắc VN, châu Á và xa hơn nữa”.

Lần thứ năm chân dung Hồ Chí Minh xuất hiện trên bìa tờ Time là số ra ngày 12-5-1975, gần hai tuần sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam. Bức ảnh mang dòng chữ “Người chiến thắng” với chủ đề là “Cái gì tiếp theo ở châu Á?”. 

Bài viết "Lời tạm biệt nghiệt ngã cuối cùng" bình luận về thắng lợi của nhân dân VN. Sự nghiệp giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh và nhân dân VN đã chiến thắng. Nước Mỹ từ đây sẽ phải điều chỉnh lại đường hướng của mình trên thế giới, nhưng không dễ mà “bỏ VN lại phía sau”.



Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận