Chưa thật sự là chính sách xã hội

NGỌC LỮ 05/08/2008 18:08 GMT+7

TTCT - Kết quả đợt rà soát mới nhất tình hình hộ nghèo trên địa bàn TP.HCM của Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo (XĐGN) và việc làm TP cho thấy từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP đã phát sinh thêm 186 hộ nghèo (có thu nhập bình quân dưới 6 triệu đồng/người/năm), nâng tổng số hộ nghèo TP lên 17.219 hộ, chiếm 1,35% tổng số hộ dân TP.

Phóng to
T.T.D.

Nguyên nhân được cho là do tình hình lạm phát, chỉ số tiêu dùng (CPI) tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và chi tiêu của người nghèo, dẫn đến nguy cơ tái nghèo, phát sinh hộ nghèo mới.

Theo Ban chỉ đạo XĐGN và việc làm TP.HCM, mặc dù có phát sinh thêm hộ nghèo nhưng bên cạnh đó số hộ vượt qua chuẩn nghèo (thu nhập bình quân trên 6 triệu đồng/người/năm) vẫn tăng: đã có 123 phường, xã được công nhận hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo. Xét ở góc độ hoạch định chính sách, đây có vẻ như là con số tuyệt vời để đánh giá sự thành công chính sách XĐGN của TP.HCM.

Nhưng nếu nhìn vào số tiền mà TP đã đổ vào cho đối tượng nghèo (có hộ khẩu TP) để kéo họ vượt qua chuẩn nghèo sẽ thấy chính sách giúp người dân thoát nghèo vẫn chưa căn cơ, bền vững. Nói chính xác là một khi Nhà nước chấm dứt các khoản hỗ trợ, cho vay vốn thì việc tái nghèo, phát sinh hộ nghèo vẫn xảy ra, người nghèo không tự thoát nghèo được. Cụ thể, từ đầu năm đến nay quỹ XĐGN đã trợ vốn trên 167 tỉ đồng cho người nghèo, quỹ quốc gia về việc làm cho vay gần 34 tỉ đồng, quỹ vì người nghèo chi chăm lo trên 46 tỉ đồng, chương trình hỗ trợ cho nông dân vay vốn trợ lãi suất gần 558 tỉ đồng. Ngoài ra còn vô số quỹ hỗ trợ khác từ các địa phương, tổ chức đoàn thể... hỗ trợ cho trên 17.200 hộ nghèo.

Theo một chuyên gia từ Viện Kinh tế TP.HCM, nếu những số vốn đã báo cáo đến được tay người nghèo thì người nghèo TP.HCM, tính theo con số thu nhập, đã thoát chuẩn nghèo gần hết. Thế nhưng vì sao vẫn phát sinh hộ nghèo và nguy cơ tái nghèo luôn được đặt ra?

Bản chất vấn đề nằm ở các chính sách XĐGN. Các chính sách luôn hướng từ trên xuống theo một giải pháp tồn tại mấy chục năm nay: rót vốn cho người nghèo để họ có thêm tiền để thoát nghèo (theo tiêu chí). Còn việc người nghèo sử dụng đồng vốn đó như thế nào, bản thân người nghèo thụ hưởng các chính sách XĐGN như thế nào, tâm lý người nghèo trước các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ra sao... vẫn chưa được đánh giá, thẩm định đúng mức, thậm chí không hề được quan tâm.

Chính sách XĐGN luôn được coi như một chính sách hành chính chứ chưa hẳn là một chính sách xã hội. Các báo cáo thành tích luôn đính kèm thành tích XĐGN, điều đó dẫn đến thực tế là rất nhiều người nghèo được xóa nghèo trên giấy, trong khi thực tế cuộc sống nghèo của họ không một chút thay đổi dù có thêm những khoản hỗ trợ. Do đó, khi có những tác động từ biến động tình hình kinh tế - xã hội (thiên tai, dịch bệnh, lạm phát...) đến những biến động trong chính gia đình (bệnh tật, thay đổi công việc...), người nghèo rơi vào tình hình khó khăn hơn. Các chính sách XĐGN cho đến nay vẫn chưa có những giải pháp hiệu quả. Và đây là nguyên nhân chính làm phát sinh hộ nghèo, tái nghèo cũng như gia tăng khoảng cách giàu nghèo, kể cả ở những địa phương luôn được đánh giá là “làm tốt và có hiệu quả nhất” các chính sách XĐGN.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận