TTCT - Xưa nay người ta đều nói văn hóa truyền thống người Việt là “văn hóa làng”. Nói thế cũng tức là ngầm thừa nhận xã hội người Việt không có truyền thống đô thị. Thế nhưng dù sao thì đô thị đã xuất hiện ở xứ này ngay thời quân chủ; bên cạnh các “thành” các “phủ” các “trấn”, các lỵ sở nhiệm sở của vua chúa, quan lại các cấp, dần dần xuất hiện các “phố”, nơi ở của nhóm dân cư làm các loại dịch vụ, phục vụ các mặt sinh hoạt của những người sống trong thành. Phóng to Về phần đất trong “thành”, các kiến trúc có chức năng làm trụ sở các bộ, các viện, các tòa... có lẽ cũng được bố trí theo một quy hoạch nào đó; nhưng phần đất ngoài phố thì thường là khá tùy tiện. Điều này thấy rõ nhất là ở các đô thị nhỏ, công sở chỉ chiếm số ít, các phố xá thì do cư dân tự kiếm đất dựng nhà, kết cục là rất khó tìm thấy ở đâu có những đoạn phố thẳng tắp trải dài; trái lại, chỗ nào cũng gặp nhà cửa lô nhô, cái thụt ra cái thụt vào… Cứ nhìn vào những con phố thuộc khu vực hiện được gọi là “phố cổ” ở Hà Nội ngày nay thì đủ hình dung cái lộn xộn tự phát thiếu quy hoạch khi xưa. Cái phần phiền toái nhất của sự cộng cư nơi đô thị có lẽ là việc tổ chức quản lý cho chuyện... bài tiết của con người như thế nào. Nói không quá, đến trên một nửa điều kiện để có sinh hoạt văn minh là gồm trong việc này. Một người gốc từ Đàng Trong nhưng từng sống và chết ở Hà Nội là Phan Khôi (1887-1959) sớm tìm hiểu và biết rằng trước thời Tự Đức, tức giữa thế kỷ 19 trở về trước, ở khu “phố cổ” bây giờ nhà dựng san sát, trong từng nhà không có cầu xí, cũng không có ngõ sau, nên cả thành phố đều lấy dải đất ven hồ Gươm làm nơi phóng uế! Chuyện ấy có thể khiến bạn trẻ ngày nay giật mình, khó tin nhưng là chuyện thật đấy! Và là chuyện trải dài đến dăm sáu trăm năm, ấy thế nhưng không ai vì thế không coi kinh thành là nơi thanh lịch; đó là một thời đại khác! Cũng theo Phan Khôi, từ khoảng thời Đồng Khánh hoặc Thành Thái, tức là từ giữa những năm 1880, chính quyền thành phố Hà Nội bắt buộc mỗi nhà phải nhận một chiếc thùng, đặt trong chiếc cầu tiêu xây bằng gạch. Cùng lúc đó, người ta mở con đường vòng quanh hồ Gươm. Việc này tuy có làm mất ngôi chùa đẹp mang tên Quan Thượng, nhưng giữ được diện tích mặt hồ khỏi bị lấn chiếm thêm, lại tạo điều kiện cải thiện dần cảnh quan để nơi đây dần dần thành một nơi thanh lịch, có thể dạo mát, thư giãn hay ăn kem! Thế nhưng “mô hình” cái thùng được giữ lại khá lâu. Nhà phố hình ống, không có ngõ sau, cách dăm ba tối một lần phu đổ thùng lại tới, mang thùng mới đổi thùng cũ, đi theo cửa chính. Thành thử những đồ nội thất sang trọng, nào sập gụ tủ chè, giường Hong Kong, salon kiểu Louis XV, màn che các loại, lỡ ra cái xú uế mà phu đổ thùng lỡ làm dây vào thì thật tai hại! Hình ảnh đổ thùng tất nhiên đi vào văn chương tiền chiến. Ở một vài truyện ngắn đầu tay của Vũ Trọng Phụng chắc hẳn có cảnh êm đềm thơ mộng của cặp uyên ương trên căn gác giữa đêm trung thu bỗng bị cắt ngang bởi tiếng gọi cửa đổ thùng! Vài nhà văn có óc trinh thám đã dựa vào đây để tạo ra ứng xử cho nhân vật, chẳng hạn anh chàng ở trọ đi chơi đêm về muộn, không vào được nhà, đành nấp đâu đó chờ phu đổ thùng tới gọi cửa rồi theo đó lẻn vào! Nhiều cuộc đột nhập ly kỳ hơn gây hậu quả tệ hơn, cũng được hư cấu từ sự cố đổ thùng! Cho đến giữa những năm 1980, “mô hình” (hoặc “văn hóa”) cái thùng vẫn còn thông dụng ở không ít phố phường Hà Nội. Trong khi ở những “phố tây” đã dần dần áp dụng kiểu bể ngầm bán tự hoại, một vài năm công ty vệ sinh cho xe chuyên dụng tới bơm hút một lần, thì ở sâu bên trong các căn nhà phố cổ vẫn là những bệ gạch cũ kỹ với những chiếc thùng sắt, nơi ngự trị của gián và chuột và mùi hôi không tránh khỏi. Vả chăng đây còn dính đến công nghệ. Suốt thời bao cấp, ở miền Bắc hầu như không có nơi nào sản xuất các đồ gốm sứ vệ sinh. Những vận động tích cực nhất chỉ nhắm vào “mô hình” hố xí hai ngăn, chỉ hạn chế chứ không ngăn được mùi hôi lan tỏa! Không phải ngẫu nhiên, từ những năm 1990 các phố đồ sứ vệ sinh mọc ra tơi tới, mua bán tấp nập. Nhà nhà ngầm đua nhau sửa sang khu vệ sinh, biến nó từ chỗ là khu vực hôi hám bất đắc dĩ phải có trong nhà thành nơi thơm tho mà mỗi lần sử dụng người ta đều thấy dễ chịu. Chỉ thế thôi mà không hiểu sao cũng phải mất ngần ấy thời gian để thay đổi. Một ông bạn già thường ít khi bằng lòng với mọi sự xung quanh, một hôm, nhân bàn chuyện vệ sinh bỗng thở ra như một thú nhận ngoài ý muốn: Ờ, cứ như chuyện vệ sinh này thì cuộc sống bây giờ quả có đổi mới ra thật, tốt đẹp lên thật! Tags: Phiếm đàmVăn hóaLại Nguyên ÂnChuyện vệ sinh
Hà Nội trong nhạc điện tử: Từ quan họ trên nền Drum'n'Bass đến 'Electrùnic' XUÂN TÙNG 02/02/2023 1835 từ
50 năm Hiệp định Hòa bình Paris: Ký ức lịch sử của một người phiên dịch ĐINH THÚY NGA 27/01/2023 3890 từ
Lần đầu tiên chọn giám đốc bệnh viện qua thi tuyển: Để nghĩ xa hơn một vùng an toàn HOÀNG LỘC - K.YÊN 23/01/2023 1609 từ
Dịch vụ y tế theo yêu cầu: "Khám giáo sư" và chuyện viện phí đúng, đủ L.ANH - X. MAI - D.LIỄU 23/01/2023 1751 từ
Vụ dùng xe cứu hỏa để đòi nợ phí duy tu: Khu công nghiệp Tân Tạo nói gì? ÁI NHÂN 03/02/2023 Đến ngày 3-2, Khu công nghiệp Tân Tạo đã cho rút các xe cứu hỏa, thay đổi biện pháp chặn lối ra vào của một doanh nghiệp do không trả phí duy tu.
Giá vàng thế giới bất ngờ lao dốc mạnh, trong nước giảm chậm ÁNH HỒNG 03/02/2023 Sau khi lên mức cao nhất trong vòng 9 tháng, chiều 3-2, giá vàng thế giới bất ngờ giảm 50 USD/ounce, chỉ còn 1.910,7 USD/ounce.
Cán bộ hải quan Nội Bài gây áp lực đòi khách xóa bài trên Facebook: Chỉ là sơ suất ứng xử? L.THANH 03/02/2023 Liên quan sự việc cán bộ hải quan gây áp lực, yêu cầu khách xuống máy bay xóa bài trên Facebook xảy ra tại sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) ngày 28-1, Tổng cục Hải quan cho biết sẽ thanh tra, xác minh để làm rõ thông tin này.
Mạng VinaPhone bị mất sóng ở nhiều khu vực T. HÀ 03/02/2023 Chiều 3-2, hàng loạt thuê bao VinaPhone ở nhiều khu vực đồng loạt phản ánh tình trạng mất sóng, mất liên lạc, không sử dụng được data.
Ông Putin tuyên bố 'bị lừa hoài' nên mới đánh Ukraine NHẬT ĐĂNG 18/01/2023 Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine được phát động nhằm chấm dứt cuộc chiến tại miền đông Ukraine, sau thời gian dài Matxcơva bị lừa liên tục, theo Tổng thống Nga Vladimir Putin.