TTCT - Sau chuyến đi với đoàn Canada trở lại Việt Nam cuối năm 2011 rồi qua Singapore vừa qua, Kim Thúy còn đi tiếp trong hành trình giới thiệu cuốn Ru ở Romania và Pháp. Chuyến về lại Việt Nam với Thúy cuối năm 2011 này thật đặc biệt vì trong danh sách tháp tùng của một phái đoàn chính phủ. Thúy khóc ngon lành, khóc quá chừng nhiều vì vui... Phóng to Nhà văn Kim Thúy - Ảnh: Phi Hà Ru - cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Kim Thúy, do NXB Libre Expression phát hành vào tháng 10-2009, bán bản quyền cho 11 nước trên thế giới. Sách đã được trao Giải thưởng văn học 2010 của toàn quyền, giải Grand Prix RTL/2010 và Grand Prix du Salon du Livre de Montréal 2010. Giải thưởng đã có ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của bà mẹ có hai con nhỏ này: “Ngoài giải ban đầu đã có 20 xứ mua bản quyền cuốn sách. Chỉ viết chơi thôi, không nghĩ là sẽ đi theo nghề viết, nhưng những chuyện xảy ra đã cho phép tôi tiếp tục ngồi viết” - Kim Thúy tâm sự. Nghe thấy cả trái tim đập của người Việt Chỉ riêng tên gọi tác phẩm cũng phần nào nói lên sự gắn bó của tác giả với ngôn ngữ mẹ đẻ, khi từ Ru có ý nghĩa cả trong tiếng Pháp lẫn tiếng Việt (tiếng Pháp Ru là dòng suối nhỏ; tiếng Việt là lời ru). Đây là tác phẩm có tính tự truyện, gồm nhiều đoạn văn ngắn kể lại những biến cố trong cuộc đời tác giả. Khi tôi thắc mắc học lại tiếng Việt, Thúy có e ngại vốn tiếng Pháp của mình có thể bị ảnh hưởng bởi cách viết tiếng Việt không, chị nói: “Tôi nghĩ khi học thêm được một thứ tiếng mới thì mình lại hiểu sâu đậm thêm thứ tiếng đầu. Vì tự nhiên sẽ có sự so sánh, so sánh là một quá trình buộc chúng ta khám phá, suy nghĩ và học thêm được nhiều hơn. Hiểu thêm một thứ tiếng là hiểu thêm một văn hóa, một truyền thống, là có thêm được không biết bao nhiêu báu vật từ những hình ảnh, âm thanh, văn phạm, hương vị, nhạc điệu... Có lẽ nhờ vậy Ru có được một tiếng nói hơi khác hơn bình thường. Ru được viết bằng tiếng Pháp nhưng có lẽ các hình ảnh và nhạc điệu của nó rất Việt Nam. Có những độc giả ở Canada đã nói cách viết của tôi đúng là tiếng Pháp, nhưng cách nghĩ, cách nhìn lại là của người Việt Nam”. Khi còn làm cho Công ty luật Stikeman, Thúy có cơ hội về Việt Nam và làm việc ở đây từ năm 1996-2000. Những năm này, Stikeman hợp tác với Việt Nam trong một dự án do Canada tài trợ, với nhiều đối tác, nhưng đối tác quan trọng nhất là tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về các chính sách cải cách. Thúy được sếp chọn về cùng vì là người gốc Việt. Xa đất nước từ khi còn nhỏ xíu, được về làm việc ở Hà Nội, với Thúy giống như đi tới một xứ sở khác: “Tôi quá vui vì cơ hội này cho mình thêm một cách nhìn mới. Nền văn hóa mới nào tôi cũng thích hết, nhưng ở Việt Nam thì đặc biệt hơn vì là văn hóa của tiếng mẹ đẻ, tôi hiểu rõ hơn về văn hóa của mình. Và vì hiểu nhiều hơn, tự nhiên cảm thấy mình giàu có hơn khi có được tới hai nền văn hóa. Nhờ có chút tiếng Việt, tôi học được nhanh hơn, và nhiều khi như mình nhớ lại, hiểu sâu hơn, cảm nhận sâu sắc hơn những điều mới biết qua đôi chút. Ở nước ngoài mình chỉ có một cách nhìn của người nước ngoài, hay của những người Việt ở nước ngoài về Việt Nam - dù muốn dù không cũng không hẳn là 100% Việt Nam nữa rồi. Nhưng ở đây được nhìn qua đôi mắt của chính mình, nghe được thêm không biết bao nhiêu người Việt có cách nhìn rất khác nữa nên có cảm tưởng như nghe thấy cả trái tim đập của người Việt vậy. Tôi kinh ngạc thấy tiếng Việt mình sao mà hay quá, sao dồi dào, phong phú đến thế. Cuốn sách thứ hai của Kim Thúy có tên tiếng Pháp À toi (tạm dịch: Cho bạn), đã được xuất bản ở Québec, Canada, ra mắt độc giả vào tháng 9-2011, cũng nằm trong danh sách best-seller của Québec bốn, năm tuần lễ, sau đó đã được mua bản quyền xuất bản tại Pháp, Romania, Thụy Điển. Thúy viết cuốn sách này cùng với Pascal Janovjak, một nhà văn người Thụy Sĩ chị đã gặp tại Monaco - nơi cả hai đều vào chung kết giải thưởng Literary Award. Nếu Ru nói về việc cố gắng sống sót, thì À toi nói về học cách sống. “Học cách sống vì khi mình đi sang một xứ khác phải học lại một thứ ngôn ngữ khác, một văn hóa khác. Có những gia đình cha mẹ không biết ngoại ngữ, những đứa con lại phải nhận lãnh thay vai trò của cha mẹ, làm cầu nối cho cha mẹ với môi trường xung quanh. Mọi trật tự thông thường như đã bị đảo lộn. Và những đứa trẻ như tôi đều phải bắt buộc cố gắng chạy để kịp lấy lại thời gian đã bị trễ. Mình không có sự lựa chọn cho sở thích, đam mê, nghề nghiệp nữa. Từ việc đi ăn một cây kem cũng thấy rất tội lỗi, vì vừa mất thời gian, vừa tốn tiền trong khi cả gia đình khó khăn lắm mới kiếm được đồng tiền. Khi mải chạy đua với thời gian như thế, chẳng có lúc nào để ngước lên nhìn bầu trời, nhìn thiên nhiên, mơ mộng... Đến khi bắt đầu hòa nhập được, lại phải học từ đầu cách giao tiếp các mối quan hệ xã hội, học ăn mà thưởng thức cái mình ăn... Học sống như thế đấy” - chị tâm sự. “Hên vậy thôi” Kim Thúy nói ở Canada thường nhà văn viết bằng tiếng Pháp không sống được bằng nghề này. Chỉ Québec có độc giả tiếng Pháp, mà nơi này chỉ có khoảng 7 triệu dân. Một cuốn sách văn học best-seller thường chỉ bán được 3.000-5.000 cuốn là đã nhiều: “Tác giả nhận được khoảng 10% của giá bán, mà giá bán trung bình là 20 đôla. Như thế 3.000 cuốn mới được 6.000 đô, mà phải ba năm tác giả mới nhận được tính từ khi bắt đầu viết đến khi được xuất bản. Cứ nhìn như thế thì thấy nhà văn lấy gì mà sống, khi ở đất Canada này nhà cửa một tháng đã mất khoảng 1.000 đôla rồi. Chỉ ngồi viết không thì chắc “cạp đất mà ăn” nên rất ít người có thể sống bằng nghề này. Ở Việt Nam chắc cũng cùng vấn đề như thế”. Nhưng Thúy “hên” vì Ru bán được cả trăm ngàn cuốn ở Québec. Và hơn thế nữa, như chị tự trào lộng thì: “Thúy rất hên vì không phải lo lắng chuyện tiền nong, có ông chồng chấp nhận nuôi Thúy với tụi nhỏ nên viết cũng được, không viết cũng chẳng sao, vẫn có thức ăn như thường! Viết sách không phải để kiếm tiền, có điều với Thúy thì may mắn là Ru ra đời rất tốt. Vì sau đó mình lên truyền hình, đi nói chuyện hay viết bài cho nơi này nơi kia... những thứ đó lại có tiền hơn”. Trước khi viết văn, Kim Thúy từng làm rất nhiều việc: hái trái cây, làm thợ may, phiên dịch, luật sư, đầu bếp, chủ nhà hàng, là khách mời của chương trình nấu ăn trên các chương trình phát thanh và truyền hình. Con đường sự nghiệp của Thúy ai cũng thấy là có những thành công không dễ dàng đạt được, phải nỗ lực suốt một thời tuổi trẻ mới có, nhưng với cách nhìn của Thúy thì mọi chuyện đều rất vui: “Tôi rất thích viết, nhưng sang đây viết thì sống bằng gì, chết đói thôi. Không học văn được, đành đi học phiên dịch, rồi làm thông dịch... Tụi em tôi bảo chị nói nhiều quá nên đi học luật đi, nói cho người khác nghe, tụi nó ngán nghe quá rồi. Thế là học luật. Hồi đó tôi làm việc rất nhiều, thông dịch 100 tiếng một tuần, lại còn học ngành luật, tụi bạn chắc chắn là tôi sẽ rớt vì tội ngủ gục quá nhiều trong lớp, vậy mà chẳng biết sao lại qua được. Rồi hên là lại được Stikeman Elliott - một trong hai công ty luật lớn nhất ở Canada - nhận vào làm”. Trả lời về quá khứ di cư, bắt đầu từ tập thích nghi, hòa nhập ở một vùng đất hoàn toàn mới mẻ, là cái cớ cho sự ra đời tác phẩm văn học đầu tay của chị, Kim Thúy nói: “Việc được sống qua thử thách ấy là một việc rất hên. Ví như nếu tôi không trải nghiệm những điều đó thì ngày hôm nay không thể vừa nói được tiếng Pháp, vừa tiếng Anh, vừa tiếng Việt. Nếu không trải qua chuyện đó, không có mình mạnh mẽ ngày hôm nay”. Thúy rất hay dùng từ “do mình hên vậy thôi”. “Hên” nên làm gì cũng thấy mình được nhận lấy một cái gì đó từ cuộc đời, “hên” nên có giải thưởng văn học “vì nhiều tác phẩm văn học khác cũng hay lắm chứ”. Giọng Thúy tưng tửng nhẹ như không, khuôn mặt luôn rạng ngời với cách nhìn cuộc sống mỗi ngày một niềm vui, mỗi ngày mỗi khám phá mới. Mỗi một nhà văn đến và ở lại được trong lòng người đọc đều phải nhờ tài kể chuyện. Có lẽ văn chương cũng như con người Kim Thúy, có ấn tượng đặc biệt với độc giả vì tinh thần vị tha, vì khả năng vượt qua mọi biên giới. Một cái nhìn trong vắt của đứa trẻ, một đôi mắt trong trẻo, luôn tò mò khám phá cuộc đời, luôn nhìn ra ở cuộc đời có điều gì đáng sống, đáng thương yêu, chia sẻ. Dịch giả Phạm Toàn khi trích dịch và giới thiệu Ru trên tạp chí Nhà Văn đã viết: “Tác phẩm - vẫn thông qua những đoản khúc - kể lại nhiều chuyện. Của cá nhân. Của gia đình. Của cộng đồng. Những cuộc hồi tưởng...”. ...Kể nhiều thế mà vẫn chỉ trong vòng 150 trang sách. Đó là vì cách hành văn như những gợi ý. Những nét chấm phá. Những bức họa xinh xinh. Tóm lại, những bài thơ. Như chính lời tác giả “Riêng từng người, hoặc tất cả cùng nhau, các nhân vật đó của quá khứ riêng tôi đều đã rũ lớp cáu ghét tích tụ dần trên lưng họ và dang rộng đôi cánh của họ với những đám lông màu đỏ và vàng, để cùng nhau lao ra khoảng không gian to rộng màu xanh nước biển, họ trang trí bầu trời của các con tôi theo cách ấy, khiến các con tôi nhận ra một chân trời này lại giấu khuất đi một chân trời nọ, và mãi mãi cứ thế không bao giờ hết, cho tới khi đến được cái đẹp không sao diễn tả nổi của sự đổi thay mới mẻ, cho tới khi gặp được cái mê hồn không sao sờ nắn thấy. Với riêng tôi, cứ thế mà đi, cho tới khi đến được cuốn sách tưởng chừng như không sao viết ra nổi này, cho tới khi ngôn từ của tôi trôi trượt trên đường cong những cặp môi của bạn, cho tới những trang giấy trắng này đang chạy theo vạch nước sau đuôi con tàu của riêng tôi, hoặc đúng hơn là những vạch xé nước của những con tàu những người có trước tôi, chúng vì tôi mà xé nước... ". Tags: Người ViệtVăn hóaNhân vậtKim Thủy
Cảnh sát giao thông có quyền trấn áp người vi phạm không chấp hành hiệu lệnh HỒNG QUANG 23/11/2024 Theo thông tư mới của Bộ Công an, khi lái xe không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, bỏ chạy, xúi giục lôi kéo người khác cản trở người thi hành công vụ, cảnh sát giao thông có quyền giải thích, trấn áp người vi phạm đó.
2 cô gái trang điểm bị gia đình chú rể lục vali, yêu cầu cởi đồ vì nghi lấy 20 triệu HOÀI THƯƠNG 23/11/2024 Hai cô gái chuyên trang điểm cho cô dâu bị một gia đình chú rể ở Tiền Giang giữ lại để lục vali, đồ đạc và yêu cầu cởi đồ để lục soát chỉ vì bị mất 20 triệu đồng, khiến nhiều người bức xúc.
Vi rút H5N1 liên tục đột biến, nguy cơ lây lan nhanh ở người UYÊN PHƯƠNG 23/11/2024 Sau khi phát hiện một ca nhiễm vi rút cúm gia cầm H5N1 đột biến ở thành phố Vancouver, Canada, các nhà khoa học lo ngại vi rút cúm này có thể lây lan nhanh hơn ở người.
Mỹ nghi Triều Tiên sắp thử hạt nhân, ông Trump nhắc tên ông Kim Jong Un THANH BÌNH 23/11/2024 Ông Trump nhắc tên nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un khi thông báo đề cử nhân sự mới, giữa lúc căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.