TTCT - * Tôi năm nay 45 tuổi, dạo gần đây không hiểu sao người tôi “bốc mùi”, mồ hôi ra nhiều hơn và hôi hơn mọi khi. Xin hỏi bác sĩ đó có phải là triệu chứng bệnh? Bệnh gì? (N.H.Nghĩa, Bình Dương) Tăng tiết mồ hôi do các hoạt động thể lực thì không nên lo - Ảnh: Quang Định Bình thường chúng ta chỉ đổ mồ hôi khi thân nhiệt tăng. Tăng tiết mồ hôi được xem là bất thường khi xảy ra không nhằm để điều nhiệt cho cơ thể. Có hai loại: tăng tiết mồ hôi nguyên phát và tăng tiết thứ phát. Mồ hôi tăng tiết dù nguyên phát hay thứ phát đều có thể có mùi hôi do những sản phẩm phụ của vi khuẩn thường trú ở da. Căng thẳng làm tăng tiết mồ hôi Tăng tiết mồ hôi nguyên phát xuất hiện nhiều nhất ở tuổi thiếu niên, càng ít dần ở người già (cho thấy chứng này thoái triển tự nhiên). Trẻ con có xu hướng tăng tiết mồ hôi ở bàn tay và bàn chân. Tăng tiết mồ hôi ở nách thường gặp sau dậy thì vì gắn liền với thời điểm phát triển của tuyến mồ hôi vùng nách. Nách là nơi thường bị ảnh hưởng nhất, kế đến là lòng bàn tay, bàn chân, da đầu và ít nhất là vùng bẹn. Có đến 60% người tăng tiết mồ hôi nguyên phát liên quan đến di truyền. Đổ nhiều mồ hôi có thể thường xuyên hoặc không, nhưng luôn tăng nhiều khi có những kích thích từ môi trường và tình cảm như căng thẳng, vận động thể lực, hút thuốc lá, uống rượu và ăn cay. Bệnh không gây tác hại gì, chỉ ảnh hưởng tinh thần như người bệnh mất tự tin trong giao tiếp, đôi chút khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày như khó cầm bút. Nhưng người trưởng thành bỗng một thời điểm nào đó trong cuộc đời bị tiết nhiều mồ hôi mà trước đó không có thì được xem là tăng tiết mồ hôi thứ phát. Khi đó tiết mồ hôi nhiều toàn thân, mới xuất hiện gần đây và quan trọng nhất là chúng đều có nguyên nhân. Thần kinh tự chủ (thuộc hệ thần kinh ngoại biên) chi phối các tuyến mồ hôi và acetylcholine là chất dẫn truyền thần kinh chính. Tủy sống ngực 1 đến ngực 4 (ngực 1-4) chi phối bài tiết mồ hôi ở mặt - mi mắt, tủy sống ngực 2-8 chi phối da ở hai tay, ngực 4-12 cho thân mình, các tủy sống ngực cuối đến thắt lưng chi phối bài tiết mồ hôi ở chân. Vì vậy những tổn thương thần kinh tự chủ đều có thể làm rối loạn bài tiết mồ hôi. Ngoài ra những bệnh lý gây tăng hoạt động của tuyến mồ hôi hay quá sản tuyến bã tuyến mồ hôi cũng làm tăng tiết mồ hôi và da rất nhờn. Biểu hiện này gặp trong bệnh to đầu chi: tuyến yên tăng tiết nhiều hormone tăng trưởng (tuyến yên là một tuyến nội tiết nhỏ trong não, đóng vai trò như nhạc trưởng của dàn nhạc nội tiết tố của cơ thể). Lắng nghe cơ thể báo động Có khá nhiều nguyên nhân tăng tiết mồ hôi thứ phát: - Nhiễm trùng: nhiễm virút, vi khuẩn cấp tính lẫn mãn tính như lao, sốt rét, bệnh brucella. - Thuốc: kháng sinh ciprofloxacin, acyclovir, esomeprazole, sertraline, những thuốc chống trầm cảm khác. - Chất kích thích gây nghiện: rượu, cocain, heroin (trong cơn phê lẫn cả khi cai thuốc). - Bệnh nội tiết: đái tháo đường, tăng huyết áp, cường giáp, mãn kinh, có thai, hội chứng cận ung thư, cường tuyến yên (bệnh to đầu chi), u tủy thượng thận. - Bệnh thần kinh trung ương: gồm nhóm bệnh thần kinh do thoái hóa như bệnh Parkinson, và nhóm không liên quan đến thoái hóa như đột quỵ, chấn thương cột sống, uốn ván, bất thường vỏ não sau chấn thương nặng hay viêm nhiễm, tổn thương cuống não hay tiểu não. - Bệnh thần kinh ngoại biên thường gặp nhất là biến chứng của đái tháo đường nhiều năm, hoặc do thuốc hay độc tố. - Lý do khác: lo lắng căng thẳng, bệnh khác như suy tim, ung thư hạch, hội chứng tăng sinh tủy, vã mồ hôi liên quan đến ăn uống xảy ra sau cắt tuyến mang tai. Nhiễm trùng gây sốt cơ thể đều phản ứng lại bằng cách vã mồ hôi nhằm hạ thân nhiệt. Nhưng trong ung thư máu hoặc nhiễm khuẩn lao người bệnh hay đổ mồ hôi trộm ban đêm. Một số thuốc có thể gây tác dụng phụ vã mồ hôi, nhất là rượu, thuốc gây nghiện (thuốc phiện, cocain). Nếu do bệnh tật, chúng ta cần phải theo dõi những dấu chứng toàn thân vì hầu hết trường hợp cơ thể đều phát tín hiệu báo động. Hãy quan tâm lắng nghe cơ thể mình, vì bất kỳ một triệu chứng nào xuất hiện hiếm khi đơn độc, luôn có những biểu hiện đi kèm. Phải đi khám sớm để được làm những xét nghiệm chẩn đoán phù hợp. Tags: BS LÊ TUYẾT HOA
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Cô ơi, nhờ có cô con mới biết đến học bổng Tiếp sức đến trường NGUYỄN THỊ HOA PHƯỢNG (Giáo viên) 23/11/2024 Cô giáo Nguyễn Thị Hoa Phượng đã gửi đến Tuổi Trẻ lời cám ơn của mình, sau khi cô nhận được lời cám ơn của đứa học trò vừa nhận được học bổng Tiếp sức học bổng đến trường năm 2024.
Nghiên cứu chục năm vẫn chưa xong tiến sĩ MINH GIẢNG 23/11/2024 Có nghiên cứu sinh làm chục năm chưa xong tiến sĩ, nhiều người bỏ ngang. Cơ chế hiện nay không khuyến khích giảng viên học tiến sĩ vì quá cực.
'Ông lớn' chứng khoán SSI bị cơ quan thuế truy thu, xử phạt hàng tỉ đồng BÔNG MAI 23/11/2024 Công ty cổ phần chứng khoán SSI vừa báo cáo với cơ quan lãnh đạo thị trường chứng khoán về quyết định liên quan đến Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế).
Ông Medvedev: Phương Tây xác định mục tiêu và dẫn đường cho các tên lửa đánh Nga THANH BÌNH 23/11/2024 Ngày 22-11, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo bất kỳ kịch bản leo thang nào đều có thể xảy ra trong xung đột Nga - Ukraine vì những gì phương Tây đang làm.