TTCT - Như nhiều quốc gia láng giềng thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, thủ đô Abu Dhabi bơi trong dầu mỏ, nguồn tài nguyên dường như bất tận, hay ít nhất là quyền lực của nó đối với thế giới khát năng lượng hầu như vô tận. Và lại một lần nữa, các ông vua dầu mỏ ở đó chứng tỏ với thế giới rằng sức mạnh của đồng tiền có thể chinh phục từ Leonardo da Vinci qua Vincent van Gogh đến Jeff Koons. Bảo tàng Louvre Abu Dhabi đã đón 1 triệu lượt khách tham quan trong năm đầu hoạt động. Ảnh: CNNDưới ngọn cờ mang tên Nối liền Đông - Tây thì nỗ lực mua nghệ thuật - kể cả bằng đồng tiền vàng đen đẫm mồ hôi culi xây dựng - để đem đến với công chúng luôn có giá trị thiêng liêng. Ai chê cười nó ắt chưa nghĩ kỹ về nguồn gốc các viện bảo tàng.BỐ ƠI, BẢO TÀNG LÀ GÌ?Theo một cuốn bách khoa thư tiếng Việt, bảo tàng/viện bảo tàng là “nơi giữ gìn trân trọng những di tích lịch sử”. Đó cũng là câu giải thích của bậc phụ huynh khi dụ con đi xem bảo tàng vào sáng chủ nhật, thay vì để chúng vọc cát hay chơi điện tử. Nếu cặn kẽ hơn nữa thì sẽ tiếp đến câu - cũng lấy từ cuốn bách khoa thư khả kính trên: “Tiếng Việt đầu thế kỷ 20 còn dùng danh từ “viện tàng cổ” để chỉ những cơ sở này”. Vâng, đến đây đã đạt giới hạn hiểu biết của con người đương đại trung bình, như anh và tôi.Vì lý do nào đó, các học giả khả kính làm từ điển đã lờ đi nguồn gốc thực của viện bảo tàng. Nơi mà chúng ta hôm nay trầm ngâm ngả mũ và cảm thấy vô cùng nhỏ bé như một tín đồ bước vào thánh đường, nơi hôm nay được coi là đất lành cho lòng bao dung và khả năng khai sáng - lại chính là hệ quả của bạo lực và máu me.Không có bạo lực thì không có sở hữu nghệ thuật, không có chiến tranh và chinh phạt các dân tộc khác thì hôm nay không có những bảo tàng tuyệt tác như Louvre, Hermitage, British Museum...Hãy thử hình dung những địa chỉ đáng kính đó trần trụi ra sao, lấy ví dụ Louvre, nếu Napoleon không cướp từ Ai Cập về những hiện vật vô giá, cũng như từ bao nhiêu bảo tàng Rome, Venice, Berlin, Vienna... Lâu đài hoàng gia Palais du Louvre lộng lẫy ấy cũng không thể trở thành viện bảo tàng Musée du Louvre hôm nay, nếu thiếu cảnh đầu rơi máu chảy thời Cách mạng Pháp - khi giới vua chúa bị tước đoạt từ tranh cổ đến mạng sống.Tất nhiên hôm nay ta gọi đó là biểu tượng của một thời đen tối đã qua, nhưng cũng không hại gì nếu ta cho con cháu biết sâu hơn chút về lịch sử và cả lịch sử nghệ thuật. Những gì thuộc sở hữu của vua chúa xưa, nay ta nghiêng mình thưởng lãm trong lâu đài nghệ thuật.Cảm giác đó có thể sẽ loáng thoáng trong đầu các vua dầu mỏ Abu Dhabi khi họ bắt tay với Pháp trong một dự án lớn mang tên Louvre II - một dự án lẽ ra không sinh ra nếu không có sự hủy diệt giới quý tộc, xét về vị thế xã hội là có họ có hàng với nhà giàu bên vịnh Ba Tư. Sự báo thù muộn màng của chế độ quân chủ mà không cần súng đạn chăng? Hôm nay, vũ khí quan trọng nhất là đồng tiền mà!230 NĂM SAUChiến lũy trên đường phố Paris và cả vị hoàng đế Nepoleon vĩ đại đã nhạt nhòa trong ký ức, nhưng người Pháp hôm nay vẫn còn phải đương đầu với những hệ lụy từ thời đem gươm súng đi thôn tính các dân tộc khác.Trong một lần nói chuyện trước sinh viên ở Đại học Ouagadougou (Burkina Faso) năm 2017, Tổng thống Macron trang trọng hứa trong 5 năm tới sẽ tạo khung pháp lý để trả lại những hiện vật và tác phẩm nghệ thuật cho châu Phi.Đây là một cuộc cách mạng thực sự, vì cho đến nay chưa quốc gia châu Âu nào dám đưa ra một tiền lệ nặng cân như vậy. Đột nhiên, người Ai Cập cũng thấy đã đến lúc đòi lại vô số xác ướp và báu vật mà người Pháp và Đức đã chở về làm của riêng từ mấy thế kỷ. Hà Lan chắc cũng giật thột. Và cuộc giành giật này hứa hẹn không sớm có hồi kết. Các ông lớn thực dân ngày nào đã nhận ra trách niệm phải thanh toán nhiều món nợ truyền kiếp.Tổng thống trẻ Macron không chỉ nói đãi bôi. Một ngày nắng đẹp trời ở vùng Vịnh, ông đứng cạnh Thái tử Mohammed bin Sayed al-Nahyan của Abu Dhabi và Mohammed bin Rashid al-Maktoum, Tiểu vương Dubai. Họ lim dim nhìn lên trời xanh, ngắm chiếc Airbus 380 của Etihad Airways bay thấp, bốn turbin lấp lánh logo của Louvre Abu Dhabi.Sự hiện diện của Macron ở đây là điểm sáng trong lễ khai mạc của công trình 1,5 tỉ euro, cộng 10 năm xây dựng. “Jean Nouvel, ông đã xây một ngôi đền thờ cái đẹp”, tổng thống mỉm cười nhìn sang kiến trúc sư Nouvel.Quả thật, trong đời kiến trúc sư tài ba này hiếm khi có một chủ đầu tư dễ tính như vậy: chỉ cần hoành tráng, không cần biết tốn bao nhiêu tiền!NHÀ HẢO TÂM DẦU MỎ?Người ta có thể khen hay chê kiểu vung tiền chơi trội của nhà giàu, nhưng không thể không thấy mặt tích cực của khai sáng nghệ thuật ở xứ sa mạc. Với vé vào cửa 14 euro cho người lớn - rất rẻ so với cả châu Âu và Bắc Mỹ - khách có thể làm một chuyến du ngoạn qua mọi thời đại.Các tác phẩm kinh điển của da Vinci, Tizian, Gauguin, van Gogh... ngự trị cạnh tượng Ai Cập và La Mã, thậm chí không vắng cả sắp đặt hiện đại của Ngải Vị Vị.Ngay cả các tác nhân liên văn hóa ở mức hi hữu cũng cần được nhấn mạnh: có lẽ đây là nơi duy nhất được bày cạnh nhau ba cuốn Kinh Thora của Do Thái giáo, Koran của Hồi giáo và Kinh thánh của Kitô giáo.Nhìn chung, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất trong hai thập kỷ gần đây đổ tiền tấn vào lĩnh vực du lịch: họ đổ đất lấn biển, xây một loạt đảo nhân tạo xa xỉ, hàng loạt khu khách sạn hào nhoáng, chủ nhà của Expo 2020, và mấy thương vụ nghệ thuật như Louvre chưa phải là cú ra tay cuối cùng.Trong khi các cơ sở nghệ thuật cả thế giới này hoàn toàn trông vào bầu sữa của nhà nước, người giàu Ả Rập “đi tắt đón đầu” bằng cách bỏ tiền ra ngắt ngọn thị trường nghệ thuật.Trong khi cựu bộ trưởng văn hóa Pháp Jack Lang ra sức bảo vệ dự án cộng tác với Abu Dhabi, nữ giám đốc bảo tàng Francoise Cachin phản đối kịch liệt trên tờ Le Monde tình trạng xung đột lợi ích giữa các bảo tàng: Khi các giám tuyển sưu tầm tác phẩm nghệ thuật, họ vừa phải tuân thủ hợp đồng tư vấn cho Abu Dhabi, lại vừa phải phụng sự cơ sở của mình ở Pháp. Bản thân họ có nghĩa vụ bảo vệ di sản dân tộc Pháp, song lại được trả tiền để săn lùng nghệ thuật cho Louvre Abu Dhabi nằm trong sở hữu tư nhân của gia đình Tiểu vương Abu Dhabi!Sau ngày khai trương, một khán giả phát hiện trên bản đồ các con đường giao thương lịch sử vắng hẳn bán đảo Qatar! Ai là người can thiệp vào hình vẽ đó? Ta biết, bản đồ nói lên nhiều điều về người vẽ bản đồ...Một góc Louvre Abu Dhabi.HÒN ĐẢO HẠNH PHÚC - CHO MỘT SỐ ÍTLouvre Paris không phải là cơ sở duy nhất được hưởng lợi trong vụ đổi chác này. Các tên tuổi lừng danh khác như Guggenheim Museum và British Museum cũng nhận được lời mời tương tự: cả ba được nhận một diện tích nhất định trên hòn đảo nhân tạo Saadiyat, sát hàng rào Đại học New York University danh tiếng đã cắm neo ở đó nhiều năm.Không phải đợi lâu, dư luận Pháp lớn tiếng chỉ trích Tổng thống Macron vì sao không nhận ra những cái tên vừa nêu đều là đại diện cho tự do ngôn luận, đa nguyên và dân chủ, trong khi ở thế giới Ả Rập đó là những giá trị khá hiếm hoi. Nói cách khác, phương Tây nhận tiền để bán rẻ những giá trị ấy?Xét về khía cạnh nào đó, món tiền khổng lồ trả cho hòn đảo Saadiyat, dãy khách sạn xa hoa và các bảo tàng nghệ thuật không chảy từ hầu bao của các ông vua dầu mỏ, mà do đội quân hàng triệu công nhân di trú gánh chịu. Trong tiếng Ả Rập, Saadiyat là “Hòn đảo hạnh phúc”, song có lẽ nó không đem hạnh phúc cho tất cả.“Saadiyat là ảo ảnh về sự hiện đại, che khuất chế độ bóc lột của công nhân di trú”, theo lời giáo sư Andrew Ross. Ông từng đồng hành và phỏng vấn nhiều năm các công nhân nước ngoài xây Louvre II và New York University.“Chỉ 10% trong số 9 triệu dân Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất có quốc tịch của nước sở tại. 90% kia đến từ Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka, Pakistan và họ không có quyền gì. Họ là người xây các tòa nhà hiện đại cho dân địa phương và du khách nhưng bị tách rời hoàn toàn khỏi xã hội. Họ như tàng hình trước dân địa phương và cả khách du lịch nước ngoài” - giáo sư Ross nói.Ông đã vào những container dùng làm nhà ở cho công nhân nước ngoài, 10 người trên 10m2, hầu như không có nhà vệ sinh và nhà tắm. Họ không có bảo hiểm tai nạn hay ốm đau, nếu đi bác sĩ là phải vay tiền của chủ để trả rồi trừ lương. Làm thêm giờ sau ca 12 tiếng mà không được trả thêm lương là chuyện thường.Cơ sở cho tình trạng đó tên là hệ thống Kafala, thịnh hành ở hầu hết các quốc gia vùng Vịnh: khi nhập cảnh, công nhân nước ngoài phải nộp hộ chiếu và phải vay tín dụng của chủ lao động để trả các khoản tạm ứng cho vé bay, nơi ăn ở... Lương của năm đầu tiên vừa vặn đủ thanh toán nợ. Những tháng hợp đồng còn lại có lẽ chỉ để gửi về cho gia đình chứ không phải để vào bảo tàng xem tranh da Vinci…■10 dữ kiện về công trình Louvre Abu Dhabi1. Vòm mái dài 360m, cao 36m, chỉ có bốn điểm đỡ.2. 8.000 ngôi sao kim loại gắn vào nhau thành một mái vòm nặng 7.500 tấn, gần bằng tháp Eiffel của Paris.3. Những giọt nắng di động trên tường nhà bêtông đặc biệt, trắng như tuyết, được gọi là “mưa ánh sáng”, và bóng đen gợi nhớ những cành cọ phất phơ trong gió.4. Khu đất rộng 24.000m2, nằm ở mũi đảo Saadiyat, dưới mái vòm là 55 khu nhà riêng biệt theo chủ đề.5. Louvre Abu Dhabi không chỉ có đối tác là Louvre Paris, mà còn hợp tác với Bảo tàng Orsay, Cung điện Versailles, Centre Pompidou…6. Abu Dhabi trả cho Paris hơn 1 tỉ đôla để được mang tên Louvre trong 30 năm. Bù lại, Pháp phải dùng một phần tiền đó để mở rộng thêm phòng triển lãm mang tên cựu tiểu vương Dubai, và chỉ trưng bày nghệ thuật Hồi giáo trong quần thể Louvre.7. Mỗi năm Louvre II được mượn 300 tác phẩm nghệ thuật của Pháp, cho đến năm 2027.8. Pháp giúp Louvre II xây dựng một bộ sưu tập nghệ thuật riêng và nhận 965 triệu đôla cho các bảo tàng Pháp.9. Để chiêm ngưỡng 600 tác phẩm nghệ thuật trên 8.600m2 triển lãm, khách trả tiền vé vào cửa 14 euro, dưới 13 tuổi miễn phí.10. Theo quy định của đạo Hồi, bảo tàng không trưng bày tranh khỏa thân. Ngoại lệ duy nhất là tác phẩm Madonna col Bambino Benedicente của Giovanni Bellini, sáng tác năm 1510.Bức tranh Madonna col Bambino Benedicente của Giovanni Bellini, vẽ năm 1510. Tags: Dầu mỏLouvreBảo tàng nghệ thuậtLouvre Abu DhabiSưu tập nghệ thuật
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
TP.HCM nằm trong nhóm 5 thành phố lún nhanh nhất thế giới THANH HIỀN 22/11/2024 Nghiên cứu mới đây của tạp chí khoa học Nature Sustainability cho thấy TP.HCM nằm trong nhóm 5 thành phố bị lún nhanh nhất thế giới.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Đình chỉ nhiều kiểm toán viên, có cả ‘phó tổng’ từng ký báo cáo tài chính SCB BÌNH KHÁNH 22/11/2024 Một số kiểm toán viên thuộc các công ty nổi tiếng như Ernst & Young Việt Nam, KPMG vừa bị đình chỉ đến hết năm 2024. Ngoài ra, Kiểm toán DFK Việt Nam và Moore AISC cũng có kiểm toán viên bị đình chỉ.
Nhân viên quán bia kể lúc đập khóa, dập tắt ngọn lửa trong căn nhà bốc cháy HỒNG QUANG 22/11/2024 Phát hiện đám cháy bùng lên trong căn nhà khóa cửa, 3 người đàn ông làm việc ở quán bia gần đó đã tiếp cận để phá khóa. Họ sau đó dùng bình cứu hỏa để dập tắt ngọn lửa.