Con là vật trang trí hay sao?

BẢO NHI 22/07/2016 01:07 GMT+7

TTCT - Tôi được mời tư vấn giúp em khi cha mẹ đã hết cách và em đã một hai lần tìm đến cái chết, nhưng may là thần chết trả về.

 


Chuyện bắt đầu khi em đang học lớp 10 tại một trường chuyên nổi tiếng trong tỉnh. Ba mẹ em là giáo viên dạy giỏi toán và lý trong chính ngôi trường em đang học. Gần như dân chúng cả một vùng ai cũng biết ba mẹ của em.

Phụ huynh cạy cục nhờ các mối quan hệ xa gần để gửi con em họ tới nhà cha mẹ em xin học thêm. Em là con trai duy nhất của ba mẹ. Hai người kỳ vọng ở em rất nhiều. Từ lớp 1 tới lớp 8, em luôn là học sinh giỏi, xếp hạng nhất nhì trong lớp.

Thế nhưng khi em thi cuối cấp II (lớp 9) lại khá “đuối”. Ba mẹ khá bất ngờ về điều này. Khi thi vào lớp 10 trường chuyên, em không đủ điểm. Cha mẹ đã âm thầm xin điểm cho em và thống nhất là cần phải làm em... tỉnh ngộ bằng những phương pháp “mạnh tay”.

Họ không tiếc lời rằng đã quá thất vọng về em... Em im lặng nhận lãnh tất cả những lời đe nẹt đó, không phản kháng. Em tỏ ra ngoan và chăm học hơn vì em vốn như thế ngay từ nhỏ.

Một kế hoạch được vạch ra. Ba mẹ em lên một thời khóa biểu cực kỳ sít sao, buộc em phải học thêm rất nhiều môn học. Tất cả những hoạt động như tập hát và diễn kịch với các bạn trong lớp, dự các buổi sinh nhật hay xem phim với bạn... đều nhận được chữ “không!” to tướng.

Cặp và điện thoại của em, mẹ kiểm soát. Phim ảnh, các loại phim tâm lý xã hội, mẹ không cho xem. Thỉnh thoảng em được coi đá banh nhưng không được quá khuya. Facebook với thời lượng hạn chế cũng là vì một số thầy cô trong trường dùng để dặn dò học sinh làm bài tập, thậm chí công bố kết quả kiểm tra trong lớp...

Đầu năm lớp 11 em bắt đầu có dấu hiệu trầm cảm, mất ngủ, buồn bã, không thấy niềm vui trong học tập, trong sinh hoạt, trong đời sống hằng ngày. Em thường ngồi ủ rũ, nụ cười vắng bóng trên môi, thầy cô trong trường cảnh báo nhưng cha mẹ không quan tâm lắm.

Thi học kỳ 1 lớp 11 em bị điểm thấp gần nhất lớp, em như đã “đuối toàn tập”. Rồi em bị “cạo gió” một trận nên thân: “Ba rất xấu hổ về con. Ba không nghĩ con lại làm cho ba mẹ thất vọng kinh khủng như vậy. Với cái đà này, con rồi cũng đi bán vé số hay đi phụ hồ vặt vãnh chứ làm sao là kỹ sư, bác sĩ được...”. Mùa hè năm lớp 11 em mất ngủ triền miên.

Một hôm, mẹ bắt gặp một lá thư em viết cho mẹ nhét dưới gối, vẻn vẹn hai dòng run rẩy: “Chào mẹ con đi. Con thật bất hiếu với mẹ nhưng con không muốn tồn tại nữa”. Đó cũng là lúc có người gọi điện báo cho gia đình biết em bị tai nạn giao thông, thật ra là em tự đâm đầu vào một xe hơi ngay gần trường. Cũng may chưa phải là một cái kết bi thảm. Cha mẹ em chết đứng và không hiểu tại sao con mình lại dại dột như vậy.

Tình hình sức khỏe tâm thần của em ngày một xấu đi. Em rất hay nổi nóng, đập phá, thường đóng cửa phòng ngồi một mình, không chịu ăn, không chịu ngủ, không học hành, không làm bài tập, không trò chuyện với bất kỳ ai... Em đã âm thầm đi mua một dây thừng ở chợ về giấu đi và cũng may chiều hôm đó, cô giúp việc phát hiện cuộn dây và hét toáng lên...

“Em luôn nghĩ về cái chết” - em nói với tôi sau nhiều lần gặp nhau chuyện trò. Em nghĩ đến cái chết vì cho rằng mình bị sỉ nhục và không còn chút giá trị gì trên cuộc đời này... Tôi thuyết phục ba mẹ cho em tạm thời về quê nội sống một thời gian.

Năm lớp 12, em bình yên học hành tại quê nội của mình. Thay vì học thêm, em đi thả diều, câu cá, lội ruộng bắt cua đồng... Em nói với tôi: “Em thấy mình rất ổn rồi cô à, đừng lo lắng nữa. Em thấy mình tìm được niềm vui sống, không phải vật trang trí của ba mẹ, không phải là cục nợ của ba mẹ nữa...”.

Nhiều tháng liền sau đó cậu bé chỉ nói chuyện với tôi và không bắt máy khi ba mẹ gọi tới. Ca tư vấn này ngốn thời gian của tôi hơn một năm. Cậu bé nay đã đậu vào khoa cơ khí một trường nghề đúng theo sở thích của mình.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận