Còn những thương yêu

THUẤN NHÃ ĐA 10/10/2011 04:10 GMT+7

TTCT - Hôm chú Tám vừa mất, tôi không kịp sắp xếp để về tận Bến Tre, vả chăng thím đi coi thầy và thầy bảo phải chôn ngay trong đêm. Đến bữa nay về thắp nhang thì trùng với ngày mở cửa mả.

Phóng to
Minh họa: Lê Thiết Cương

Vì lâu quá không đi Bình Đại nên quên mất đường, tôi phải nhờ Mười Vinh dẫn dắt. Khi mọi thứ xong xuôi, lộn ngược về Mỹ Tho, Vinh đòi dừng lại ở quán lá ven đường. Ly cà phê được mang ra từ nẫm, nước đá tan hết rồi mà hắn vẫn ngồi thừ ra đó, ngó quanh quẩn đăm chiêu. Tôi hỏi mấy lần, Vinh thở dài thườn thượt: “Mấy tấm hình rửa sẵn định đưa cho chú Tám từ mấy tháng nay rồi, chưa kịp đưa thì ổng thăng mất. Đâu có biết ổng thăng bất ngờ như vậy!”.

Lúc nói câu này, Mười Vinh nhìn ra lộ nên không thấy tôi suýt bị sặc ly nước mía. Một cảm giác tiếc nuối, gần như là ăn năn chạy dài từ dưới bao tử lên tới tim, ngọ nguậy thoáng chốc rồi vọt thẳng đến cổ họng. Tôi cũng vậy, nghĩa là cũng để dành mấy cái đĩa vọng cổ và vài chai dầu thơm, vì chú Tám thích xức chút dầu thơm rồi ngồi ca cổ. Bụng bảo dạ là đem về tặng cho chú vui, nhưng từ sáu tháng nay hết việc công này tới chuyện tư khác, đủ cớ sự để hẹn lần khất lữa. Mỗi lần như vậy lại tự lý luận “hôm nay không về thì mai mốt về, đâu có gì gấp!”.

“Bi giờ thì còn con khỉ gì nữa mà về!”. Mười Vinh buột miệng làm tôi mém sặc lần nữa vì câu nói quá khớp với dòng suy nghĩ của tôi. “Em quyết định rồi - hắn vừa nói tiếp vừa quậy quậy ly nước đá - Tối nay về, cơm nước nghỉ ngơi xong em đưa bà xã với mấy đứa nhỏ ra chợ để coi chương trình văn nghệ. Vụ này em hứa tới hứa lui cũng lâu, bà xã nhắc mấy lần rồi. Em không muốn phải hối hận lần nữa”.

Mười Vinh miên man nói tiếp về những bộ quần áo sẽ mua cho vợ, về tiệc mừng thọ sẽ tổ chức cho mẹ, về món tiền sẽ cho anh trai mượn để tăng vốn, lấy thêm hàng tạp hóa, về…

Mỗi lời đầy quyết tâm của hắn cứ như từng vết cứa vào lòng tôi. Trước kia thỉnh thoảng tôi về Hóc Môn thăm cậu Năm, uống cùng cậu vài ly lưa thưa với loại mồi đơn sơ không thể nào đơn sơ hơn, thí dụ như cái đuôi con cá chiên to bằng hai ngón tay tréo, bơi trong đĩa nước mắm tỏi ớt còn dư lại từ bữa ăn hồi sớm. Trong khung cảnh đìu hiu hơi nóng bức khi trưa bước sang chiều, hai cậu cháu thỉnh thoảng nâng ly, tuy không khí không sôi nổi nhưng những khoảnh khắc ấy hết sức viễn tuyệt.

Sau đó cậu Năm có hứa nhượng lại miếng đất để tôi xây dựng. Đến hồi tôi đem tiền lên chồng, cậu lại đổi ý không bán, cớ là gia đình sẽ tự cất nhà ở. Vài tháng sau nữa, miếng đất được sang tên cho người khác với giá cao hơn. Vì chút giận hờn, tôi “biến mất” suốt mấy tháng không lên thăm cậu nữa. Giận thì giận, nhưng trong bụng vẫn tự nhủ “đợi tới mùa Trung thu, mua hộp bánh lên biếu ổng, đâu có gì mà gấp gáp!”. Cách Trung thu mười ngày, con trai của cậu cho biết “Ba mất rồi!”.

“Nói nghe, anh đừng cười - Mười Vinh cắt ngang những hoài niệm cắn rứt của tôi - Cái ao cá phía sau mà Gái Nhỏ đòi hoài, chiều nay về em cho đứt nó luôn, không làm nữa. Em sẽ để dành thời giờ vui vẻ với vợ con, thăm thú những ai lâu rồi chưa thăm thú. Anh em mình cũng vậy, không còn mấy ai, mình phải siêng gặp nhau hơn.

Rủ thêm Tony Thinh với mấy anh em nữa, ít nhất mỗi tháng mình ngồi với nhau một lần đi anh. Vài chục cây số đường quê đâu có xa xôi gì!”. Hắn dự định đem bộ ly nhạu quý hiếm ra sử dụng, không cất trong tủ kiếng nữa, rồi mua tặng chị Ba Lượng mấy chai thuốc bổ tuổi già, lại còn điện thoại làm hòa với Hai Tô cho dù từ nhiều năm anh Hai này không chịu về dự đám giỗ ông nội.

Nghe hắn nói mà lòng đắng ngắt, những tưởng đó là lời của chính mình. Tôi vỡ ra một lẽ quá đổi hiển nhiên: sẽ dùng khoảng thời gian còn lại của cuộc đời để đến với những người thân và ít thân hơn một chút cũng được. Đột nhiên tôi ý thức được mình may mắn vô cùng vì còn có người để trao và nhận thương yêu. Tôi quyết định sẽ xóa khỏi “quyển sách hứa” của mình những cụm từ “mai mốt”, “hôm khác”, “ngày nào đó”…

“Để mai…”, ngày mai đó biết đâu sẽ là xa lắm…

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận