Concept artist: Những họa sĩ chơi đùa cùng ý tưởng

TRỌNG NHÂN 24/01/2023 05:22 GMT+7

TTCT - Một trò chơi điện tử hoàn chỉnh là công trình tập thể của hàng trăm con người, nhưng người đầu tiên vẽ nên bối cảnh, định hình nhân vật và phác họa các yếu tố thị giác khác chính là concept artist (họa sĩ ý tưởng).

Vinh dự đó gắn với đòi hỏi cực cao, vì chính họ là người đặt nền móng cho hàng loạt giai đoạn tiếp theo - dựng 3D, đồ họa vi tính, lập trình - cho đến khi có sản phẩm cuối cùng.

Dù xuất phát sau so với nhiều quốc gia, hiện thị trường lao động concept artist tại Việt Nam khá sôi động, chủ yếu làm việc từ xa cho các công ty và studio ở Mỹ, châu Âu, Trung Quốc… 

Anh Lâm Quốc Gia Vinh, trưởng một nhóm concept artist tại một công ty ở TP.HCM, cho rằng concept artist Việt được các công ty nước ngoài đánh giá không thua kém so với các đồng nghiệp quốc tế, nhất là trong mảng game.

Một concept art bối cảnh của Quản Đình Phước. Ảnh: NVCC

Một concept art bối cảnh của Quản Đình Phước. Ảnh: NVCC

Để chi tiết kể chuyện

Theo Trần Minh Hải, hiện là một concept artist tự do tại TP.HCM, concept artist là "cha đẻ" cho những nhân vật trong game. Tất cả phần nhìn của sản phẩm đều khởi đi từ concept artist: dựng bối cảnh (môi trường bên ngoài và nội thất bên trong), tạo hình nhân vật, trang phục, vũ khí, phụ kiện... Mỗi chi tiết sẽ phải "kể" được câu chuyện về xuất xứ, tính năng và điểm nhấn cho nhân vật sở hữu chúng.

"Concept art là câu chuyện của ý tưởng. Niềm vui của các concept artist là biến được những ý tưởng chưa có trước nay trở nên hiện hữu. Nhưng ý tưởng cũng là thách thức. Concept artist phải biết chắt lọc hình ảnh, dữ liệu, chi tiết tạo được ấn tượng, để khi nhắm mắt lại, người xem vẫn có thể nhớ những chi tiết về nhân vật, cảnh quan do concept artist sáng tạo" - Nguyễn Hoàng Sơn, hiện là một trong những concept artist chính tại Công ty Wolffun Game, chia sẻ. Nhiệm vụ của Sơn và các họa sĩ đồng nghiệp là phát triển hệ thống nhân vật, bối cảnh cho chính các con game của công ty.

Wolffun Game là một trong những công ty có đội concept artist riêng; đa số concept artist trong nước hiện làm việc cho các studio chuyên gia công thiết kế cho các công ty sản xuất game. 

Tại các studio, concept artist chỉ là một phần của "dây chuyền sản xuất" - các mẫu nhân vật "ra đời" dưới bàn tay của concept artist sẽ tiếp tục chuyển sang cho các bộ phận vẽ minh họa, dựng 3D, tạo hiệu ứng chuyển động. Đứng đầu những nhóm vẽ và thiết kế này thường sẽ là giám đốc hình ảnh (art director) - người đưa ra định hướng mỹ thuật, thiết kế cho các dự án.

Với đội ngũ in house (trực thuộc công ty), nhiệm vụ của concept artist sẽ có sự liên tục. Họ sẽ "đi theo" một con game từ đầu đến cuối, qua nhiều phiên bản, xem nó như "đứa con tinh thần", theo Hoàng Sơn.

Một tác phẩm của Gia Vinh. Ảnh: NVCC

Một tác phẩm của Gia Vinh. Ảnh: NVCC

Nhưng dù là ở đâu, với concept artist, mọi chi tiết trong game, và mỗi lựa chọn mỹ thuật, từ nét vẽ đến màu sắc, đều phải được cân nhắc và chăm chút kỹ lưỡng. Chẳng hạn, theo Minh Hải, cùng là một nhân vật, nếu tạo dựng hình dáng cho nó bằng nhiều hình tròn sẽ cho cảm giác dễ thương, gần gũi, trong khi hình vuông biểu hiện sự góc cạnh, cứng cáp, hình tam giác hiện ra sự nguy hiểm, ác tính. Màu sắc cũng vậy: cần sôi nổi thì màu nóng, muốn trầm tĩnh thì màu tối.

"Đó là một số quy tắc chung, dù vậy khi sáng tạo, một số concept artist sẽ mang vào cá tính riêng. Cá tính ấy sẽ được thể hiện ở sự phối hợp các quy tắc trên cộng thêm kinh nghiệm vẽ, vốn hình ảnh sẵn có của concept artist ấy. Từ đó, anh ta sẽ tính toán dùng nét vẽ, ánh sáng, màu sắc để tạo điểm nhấn riêng cho nhân vật của mình" - Hải nói.

Đôi khi, chỉ một chi tiết thêm bớt lạ mắt cũng sẽ tạo được chất riêng cho nhân vật. Có lần, Hải nhận vẽ một nhân vật game với yêu cầu thật nam tính có một số sở thích trẻ con. Vậy là Hải sáng tạo một hình tượng nam vẻ ngoài vạm vỡ nhưng trên tay cầm theo một con… thú bông. Sự đối lập lạ mắt này tạo nên điểm nhấn cho nhân vật.

Ý tưởng không tự đến

"Cần nữ chiến binh vũ trụ. Đặc điểm: Bí hiểm. Trang phục: Phong cách khoa học viễn tưởng. Vũ khí: Thanh kiếm sấm sét…". "Cần một nhân vật game, nam giới, thuộc bộ tộc da đỏ. Đặc điểm: Cơ thể gân guốc, nam tính, gương mặt thân thiện. Trang phục: Để ngực trần, quần quấn khố. Yêu cầu khác: Có hình xăm, đeo trang sức đặc trưng vùng Nam Mỹ…".

Đó là một vài "gạch đầu dòng" mà khách hàng thường giao cho các concept artist vẽ nhân vật cho các tựa game hay truyện tranh. Ngoài ra, concept artist cũng có thể nhận yêu cầu sáng tạo các bối cảnh cho những bối cảnh của phim. 

"Công việc của mình là giúp đạo diễn có thể hình dung những ý tưởng về bối cảnh, nhân vật và đạo cụ, để họ có thể so sánh giữa những gì đang suy nghĩ khi được triển khai ngoài thực tế sẽ ra sao" - Quản Đình Phước, một concept artist có nhiều kinh nghiệm vẽ cảnh quan cho các phim, hiện đang cộng tác với một studio tại Mỹ, cho biết.

Khi nhận các "đề bài" khá sơ khai như trên, các concept artist sẽ bóc tách từng đặc điểm, tính cách theo yêu cầu rồi "mã hóa" sang hình ảnh. Nghe đơn giản nhưng để ra được ý tưởng ban đầu, trước hết các concept artist phải hiểu thật rộng và sâu mỗi đầu bài. Kiến thức, kinh nghiệm tích lũy là đương nhiên, nhưng hầu như lúc nào cũng phải đọc, học thêm rất nhiều trước khi xử lý một yêu cầu của khách.

Các giai đoạn của một ý tưởng, từ bản phác thảo đầu tiên đến bản cuối cùng sau khi dựng thành 3D. Ảnh: Facebook Quản Đình Phước

Các giai đoạn của một ý tưởng, từ bản phác thảo đầu tiên đến bản cuối cùng sau khi dựng thành 3D. Ảnh: Facebook Quản Đình Phước

Đình Phước kể anh từng nhận được một yêu cầu lên ý tưởng về một căn phòng của những tên cướp biển theo phong cách Nhật Bản. Việc đầu tiên của anh phải làm là đọc, xem, nghe nhiều tư liệu trên mạng về văn hóa, kiến trúc Nhật, thậm chí cả về lịch sử cướp biển ở Nhật.

Cũng có khi, đầu bài cho Đình Phước lại là về một khung cảnh ở thành bang tại vương quốc Ba Tư ngàn năm trước. Muốn vẽ, concept artist cần hiểu những đặc trưng về kiến trúc, kết cấu nhà cửa, đất đai, cây cảnh cũng như đời sống của dân địa phương vào đúng thời đại ấy. Không ít lần sau khi nhận được đầu bài, Phước dành một vài ngày để đọc sách để hiểu hầu hết những đặc trưng về văn hóa, lịch sử của cảnh quan khách hàng yêu cầu trước khi bắt tay phác họa.

Dù phần lớn đều đến từ trí tưởng tượng, các sản phẩm concept art vẫn phải cần thêm tính thực tiễn, vì dù độc đáo, sáng tạo cỡ nào mà không thực tế thì các khâu kế tiếp không chạy được.

Chẳng hạn, một concept artist được giao lên ý tưởng cho một bộ áo giáp cho nhân vật trong game. Anh ta thỏa sức sáng tạo với đủ loại hình dạng và chi tiết cho bộ giáp thật ấn tượng nhưng bộ giáp ấy lại liền một mạch ở vị trí khớp tay, khớp chân. Ý tưởng này sẽ không thể dựng 3D bởi không biết cho nhân vật di chuyển với bộ giáp "nguyên khối" kia như thế nào.

Theo Hoàng Sơn, một trong những sự chuẩn bị cơ bản của nhiều concept artist là thư viện hình ảnh. Những concept artist sẽ luôn phải quan sát và góp nhặt thật nhiều ảnh từ những truyện, game, phim… từ đó rút tỉa những cái hay về nét vẽ, màu sắc, ánh sáng, cách phối hợp các chi tiết. Một số concept artist còn bỏ công lưu lại và phân loại những hình ảnh đẹp, ấn tượng mỗi khi lướt mạng hay xem phim để thuận tiện tra cứu.

Thư viện hình ảnh này rất giá trị. Khi nhận được một dự án, Hoàng Sơn sẽ chia "đầu bài" nhận được thành những "từ khóa". Chẳng hạn, "chiến binh" là một từ khóa, "Trung cổ" là một từ khóa, "Trung Hoa" là một từ khóa… Sơn thường đối chiếu các từ khóa này với thư viện hình ảnh của mình, kết hợp với cốt truyện riêng của từng game để sáng tạo nhân vật. 

"Concept artist sẽ luôn phải sẵn sàng cho mọi yêu cầu ý tưởng. Một người có ít thư viện hình ảnh vẫn có thể làm ra những sản phẩm concept art, tuy nhiên nếu giàu thư viện hình ảnh, họ sẽ có nhiều điều kiện để tham khảo, đối chiếu, so sánh, từ đó sáng tạo ra những ý tưởng mới lạ và độc đáo", Sơn nói.■

Theo Gia Vinh, nếu làm cho các đơn vị nước ngoài, concept artist thường có thể phát triển chuyên sâu vào từng mảng nhân vật, cảnh quan hay đạo cụ, đúng thế mạnh của mình. Trong khi đó ở Việt Nam, các công ty thường đề cao tiêu chí đa nhiệm: một concept artist có thể phải kiêm luôn cả việc dựng 3D, vẽ minh họa...
Xu hướng này một phần do thị trường trong nước còn mới mẻ, chưa đạt đến ngưỡng để một số công ty nhận thấy cần thiết có một đội ngũ chỉ chuyên lên ý tưởng concept art. Theo Minh Hải, vì phải "gánh" nhiều đầu việc nên các concept artist "đa nhiệm" thường chịu áp lực thời gian rất lớn.

Một số công ty thường "ép" thời hạn, đòi hỏi các sản phẩm concept art sẽ "ra lò" trong… một buổi. Chưa kể, số bộ sản phẩm mà họ phải gửi cho khách hàng lựa chọn có khi đến 10 bộ. "Dù vậy tôi nghĩ trong tương lai, chuyên môn hóa sẽ là xu thế tất yếu khi thị trường trong nước lớn hơn" - Minh Hải nói.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận