Công lý đám đông không chừa ai

SĨ PHU 29/05/2019 21:05 GMT+7

TTCT - Nhiều người cứ tưởng đã là sinh viên đại học Harvard hay Yale (Mỹ) ắt phải có tư tưởng phóng khoáng, cởi mở, cấp tiến lắm. Hai câu chuyện dưới đây có thể làm họ suy nghĩ lại.

 

Mất chức vì biện hộ cho kẻ xấu

Giáo sư Ronald S. Sullivan Jr. và vợ, Stephanie Robinson, đều là giảng viên ngành luật tại Đại học Harvard. Họ còn làm trưởng (faculty deans) tòa nhà Winthrop, một trong 12 tòa nhà ký túc xá dành cho sinh viên Harvard kể từ năm 2009 và là hai người da đen đầu tiên giữ chức vụ này trong lịch sử của Harvard.

Nhưng Harvard vừa mới đưa ra quyết định: khi nhiệm kỳ của họ kết thúc vào 30-6, họ sẽ hết làm faculty deans. Điều đáng nói là Harvard đưa ra quyết định này dưới sức ép của các nhóm sinh viên phản đối ông Sullivan khi ông này chấp nhận làm luật sư bào chữa cho Harvey Weinstein.

Harvey Weinstein - nhà sản xuất phim nổi tiếng vừa bị hàng loạt cáo buộc quấy rối tình dục từ nhiều diễn viên điện ảnh (lên đến 80 phụ nữ), chính là đầu dây mối nhợ làm bùng lên phong trào #MeToo. Ông ta đang chờ ngày hầu tòa vào tháng 9 tới và “chết tên” với tệ nạn lạm dụng vị thế quyền lực để quấy rối tình dục và kể cả hiếp dâm.

Có thể hiểu được tâm lý bất mãn của nhiều sinh viên Harvard khi nghe tin giáo sư Sullivan đồng ý tham gia đội ngũ luật sư bào chữa cho Weinstein. Họ tổ chức phản đối, biểu tình ngồi, vẽ khẩu hiệu lên án Sullivan, thậm chí đã xảy ra va chạm giữa những sinh viên phản đối và nhân viên tòa nhà Winthrop. Lập luận của sinh viên cho rằng khi quyết định đại diện cho một kẻ lạm dụng phụ nữ, ông Sullivan đã đánh mất vai trò lãnh đạo sinh viên nên phải từ chức.

Nhưng nhiều giáo sư luật khác nói ông Sullivan chỉ đang làm tròn vai trò một luật sư bởi bất kỳ ai cũng được quyền được bào chữa trước tòa, nguyên tắc là khi tòa chưa kết án thì chưa ai có tội phải được tôn trọng. 52 giáo sư luật đồng nghiệp của ông Sullivan đã ký một lá thư ủng hộ ông.

Đáng tiếc là Đại học Harvard quyết định chiều theo sức ép của sinh viên, tạo ra một tiền lệ xấu cho môi trường nghiên cứu. Ông chồng Sullivan “vạ lây” khiến bà vợ Stephanie Robinson bị cách chức luôn. Khi tờ New Yorker hỏi ông liệu có thể nói những bị cáo da trắng, giàu có, đầy quyền lực bị ghét bỏ lại là loại bị cáo bị thua thiệt [đáng bỏ công biện hộ], GS Sullivan trả lời: “Đương nhiên rồi. Bởi họ bước vào tòa án với giả định đã có tội, khác với nguyên tắc suy đoán vô tội”.

Nhưng sau đó một tuần, ông Sullivan quyết định rút lui không làm luật sư cho Harvey Weinstein nữa. Lý do đưa ra là lịch xử vào tháng 9 xung đột với lịch dạy của ông ở trường luật Harvard, nhưng rõ ràng ông đã phải chùn chân trước áp lực dư luận. Dù hết làm faculty deans, cả hai vợ chồng đều tiếp tục giảng dạy tại Harvard; ông Sullivan còn giữ chức giám đốc Viện Tư pháp hình sự.

Theo New York Times, giáo sư Sullivan chuyên nghiên cứu các trường hợp bị kết án sai. Sau trận bão Katrina, ông dẫn đầu một nhóm lật lại các vụ án trong đó bị cáo là những người nghèo khó, không có luật sư giỏi biện hộ - kết quả hàng ngàn tù nhân được trả tự do. Với vụ án Weinstein, ông phải đầu hàng sớm, chịu thua “công lý đám đông” mà ông từng lên án.

Giáo sư Ronald S. Sullivan Jr. và vợ, Stephanie Robinson tại lễ tốt nghiệp Harvard năm 2017. Ảnh: seattletimes.com
Giáo sư Ronald S. Sullivan Jr. và vợ, Stephanie Robinson tại lễ tốt nghiệp Harvard năm 2017. Ảnh: seattletimes.com

Bị sỉ nhục vì ý tưởng của vợ

Giáo sư Nicholas Christakis từng dạy ở Đại học Chicago, Harvard trước khi chuyển đến dạy tại Yale từ năm 2013. Năm 2009 ông được báo Time chọn là 1 trong 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất. Nhưng dân Mỹ khi nghe tên ông thì chỉ nhớ đến video ông bị sinh viên Yale bao quanh, lăng mạ, chửi mắng, hạ nhục trong khi ông im lặng vòng tay lắng nghe (https://www.youtube.com/watch?v=9IEFD_JVYd0).

Câu chuyện xảy ra vào mùa thu năm 2015. Vợ ông, bà Erika, lúc đó cũng đang dạy tại Yale, cho lưu hành một bức thư trong đó bà chất vấn một lệnh cấm của Yale không cho sinh viên hóa trang trong những bộ đồ Halloween nhạy cảm về mặt văn hóa. Bà nói sinh viên lớn rồi, có thể tự kiểm duyệt chính mình và phải có tự do, cả tự do có hành vi sai lầm và bản lĩnh để đối phó với hậu quả. Bà viết chồng bà cũng đồng ý thế.

Nhưng sinh viên bừng bừng nổi giận. Hàng trăm sinh viên ký một lá thư ngỏ lên án bà Erika, hàng trăm người khác biểu tình đòi trừng phạt cặp vợ chồng này. Trong video nổi tiếng nói trên, giáo sư Christakis bình tĩnh nghe chửi mắng, ông xin lỗi nếu thư của vợ ông gây ra nỗi đau cho ai đó nhưng từ chối phủ định nội dung thư. Một sinh viên thét lớn như bị kích động, dùng những lời lẽ nặng nề với ông, “ông im đi”; “ông là kẻ đáng kinh tởm”...

Các sinh viên giận dữ vì họ muốn Yale xây dựng một môi trường bình yên, không ai được dùng Halloween như một dịp để kích động thù hằn, phân biệt chủng tộc dù dưới cớ đùa vui. Còn bà Erika nhìn vấn đề từ góc độ tự do biểu đạt và chịu trách nhiệm cho hành vi.

Giáo sư Nicholas Christakis

Có lẽ trong môi trường nạn phân biệt màu da quay trở lại Mỹ, cách nhìn của bà khó được chấp nhận nhưng cũng thật khó hiểu khi sinh viên Yale muốn sống trong một bong bóng ngăn cách, không dám đương đầu thực tế bằng sức mạnh trí tuệ như mong muốn của ông Christakis. Một khi sinh viên nhường quyền quyết định nên ăn mặc như thế nào cho giới quản lý, họ đã đánh mất một phần tự do trong các quyết định khác.

Mặc dù 91 giáo sư Yale viết thư ủng hộ hai vợ chồng Christakis nhưng bà vợ quyết định không dạy ở Yale nữa và ông chồng xin nghỉ một thời gian.

Vụ việc này đi vào nhiều tác phẩm nghiên cứu và cả tiểu thuyết lẫn phim ảnh. Có lẽ chương trình truyền hình hài hước The Simpsons tóm gọn tinh thần câu chuyện này hay nhất khi để một nhân vật châm biếm nhận xét: “Chúng ta cũng cần thuê thêm nhiều giáo sư nữa để quyết định hộ chúng ta bộ đồ Halloween nào mặc là phải đạo nhất”. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận