Công nghệ 2024: Thuyền to trong sóng lớn

TỊNH ANH 31/12/2024 06:57 GMT+7

TTCT - Thuyền càng to sóng càng lớn, và đi đâu thì cũng quay về chuyện trí tuệ nhân tạo - giàu AI, khó cũng AI. Ấy là tình cảnh của những gã khổng lồ công nghệ trong năm 2024 vậy.

Công nghệ 2024: Thuyền to trong sóng lớn - Ảnh 1.

Ảnh: Jakub Porzycki/NurPhoto

Google - kẻ độc quyền

Cho đến đầu tháng 12, CEO Google Sundar Pichai vẫn nói về vị thế dẫn đầu của công ty trong cuộc đua phát triển AI, phủ nhận chỉ trích từ đối thủ và cho rằng các vụ kiện chống độc quyền nhằm vào gã khổng lồ này không nghiêm trọng như người ta tưởng. Cứ suy ngược những gì Pichai phát biểu ở hội nghị DealBook Summit do báo The New York Times tổ chức ngày 4-12 là thấy được trọn một năm vất vả của Google.

Đúng là Google đã tăng tốc phát triển AI - đến cuối tuần rồi (21-12) vẫn còn công bố bản thử nghiệm mô hình AI biết tư duy Gemini 2.0 Flash Thinking - nhưng họ buộc phải tham gia cuộc chơi trong thế tìm cách vượt qua thế lưỡng nan: AI tạo sinh đe dọa thay thế bộ máy tìm kiếm, vốn là cần câu cơm chính của hãng (Google hiện chiếm 89% thị phần tìm kiếm toàn cầu), nhưng không tham gia thì tụt hậu với đối thủ và không bắt kịp thời cuộc.

Pichai coi nhẹ các cuộc chiến chống độc quyền, dù sự thật là Google đã thua vụ kiện chống độc quyền vào tháng 8 liên quan đến sự thống trị trong thị trường tìm kiếm trực tuyến và đang chờ phán quyết trong một vụ kiện chống độc quyền khác liên quan đến mảng công nghệ quảng cáo. 

"Google là một doanh nghiệp độc quyền và đã hành xử như vậy để duy trì vị thế độc quyền của mình" - thẩm phán Amit Mehta tuyên bố ngày 5-8. Phán quyết này là một đòn giáng mạnh vào Google và là bài học cảnh báo cho các gã khổng lồ công nghệ khác trong tương lai.

Sau thua kiện, Google có thể phải tách trình duyệt web Chrome - nơi tích hợp hàng loạt dịch vụ phổ biến nhất của hãng - thành một pháp nhân độc lập để khắc phục hành vi độc quyền trong lĩnh vực tìm kiếm. 

Nếu buộc phải tách rời Chrome, độ phổ biến của công cụ tìm kiếm Google có thể suy giảm, kéo theo doanh thu từ quảng cáo theo từ khóa tìm kiếm. Công cụ tìm kiếm và các hoạt động kinh doanh liên quan đã mang về 175 tỉ USD cho Google năm ngoái (chiếm 57% tổng doanh thu 2023).

Thực tế sự thống trị của Google Search đã bị thách thức đáng kể trong năm 2024. Trước cả sự trỗi dậy của AI, người trẻ đã tìm kiếm thông tin ở nơi khác, từ TikTok đến Reddit, thay vì Google như thế hệ người dùng trước. 

Giờ thì người dùng ChatGPT bản miễn phí cũng đã được tích hợp tính năng tìm kiếm. Sau tất cả, Pichai thừa nhận thách thức nhưng tin rằng Google sẽ sáng tạo đủ nhanh để vượt qua mọi thứ. Ở vị trí thuyền trưởng, ông đâu thể nào nói khác.

Điều gì đã xảy ra với Intel?

Từng là một biểu tượng hàng đầu của Thung lũng Silicon, Intel đã rơi vào vòng xoáy suy thoái trong nhiều năm. Công ty không nắm bắt được cuộc cách mạng smartphone, gặp phải các vấn đề về kiểm soát chất lượng chip, mất khách hàng lớn như Apple vào tay các nhà cung cấp bộ vi xử lý khác, và sang năm 2024 thì đặc biệt tụt lại trong kỷ nguyên AI tạo sinh so với các đối thủ như Nvidia, Qualcomm và AMD.

Cổ phiếu của Intel đã giảm gần 50% trong năm nay, công ty đối mặt với hàng tỉ USD thua lỗ, cùng các đợt sa thải lớn và nhiều thất bại khác. Ba năm rưỡi trước, CEO Pat Gelsinger từng công bố một kế hoạch đầy tham vọng để xoay chuyển tình hình Intel trong vòng bốn năm; rốt cuộc ông bị sa thải trước khi kịp hiện thực hóa mục tiêu. 

Công nghệ 2024: Thuyền to trong sóng lớn - Ảnh 2.

Ảnh: Reuters

Tình hình xảy ra nhanh đến mức Intel chưa chuẩn bị sẵn người kế nhiệm, và cũng dứt khoát đến mức Gelsinger sẽ không ở lại làm cố vấn mà dứt áo ra đi hoàn toàn từ đầu tháng 12.

Nếu Intel thực sự sụp đổ, đó không còn là chuyện riêng của một tập đoàn Mỹ, mà là vấn đề an ninh quốc gia. Intel là một trong những công ty cuối cùng vừa thiết kế vừa sản xuất chip ngay tại Mỹ, thay vì gia công phần sản xuất ở châu Á (chủ yếu thông qua gã khổng lồ chip Đài Loan TSMC). 

Vì lẽ đó, Intel là một trong những công cụ hiếm hoi mà Mỹ có thể sử dụng để giảm sự phụ thuộc vào Đài Loan trong lĩnh vực chip bán dẫn, trong trường hợp Trung Quốc tìm cách kiểm soát khu vực này. Tóm lại đây là công ty "không thể để sập", và chắc chắn sẽ có kế hoạch "giải cứu" trong năm sau. Nhưng tương lai của Intel sẽ đi về đâu thì vẫn chưa rõ.

Vua chip AI

Tháng 11, Intel lần đầu tiên trong 25 năm mất vị trí trong nhóm Dow Jones Industrial Average (chỉ số theo dõi 30 công ty lớn nhất và có ảnh hưởng nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ) vào tay Nvidia. Đối nghịch với cơn sa sút của Intel là sự trỗi dậy của Nvidia, hiện đang thống trị thị trường chip AI, được cho là công nghệ nóng nhất và được thèm muốn nhất năm 2024.

Theo Bloomberg, Nvidia chiếm gần 90% thị phần chip AI tính đến tháng 6-2024. Nvidia cũng chính thức đạt mức vốn hóa thị trường 2.000 tỉ USD, trở thành nhà sản xuất chip đầu tiên vượt qua ngưỡng này và chỉ đứng sau Apple (2,83 ngàn tỉ) và Microsoft (3,06 ngàn tỉ). 

Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của Nvidia trong năm 2024, tài sản ròng của CEO Jensen Huang cũng tăng vọt. Theo Bloomberg Billionaires Index, Huang đã bổ sung thêm 76 tỉ USD vào tài sản của mình kể từ đầu năm, nâng tổng giá trị tài sản lên 117 tỉ USD.

Trong khi OpenAI, Microsoft, Google hay Meta chạy đua với các mô hình AI cả năm qua, 2024 còn chứng kiến một cuộc đua khác, sẽ nối dài sang năm sau: làm sao soán ngôi "vua chip AI" của Nvidia.

Công nghệ 2024: Thuyền to trong sóng lớn - Ảnh 3.

Tổng giám đốc điều hành Nvidia Corp Jensen Huang phát biểu tại diễn đàn COMPUTEX ở Đài Bắc vào ngày 29 tháng 5 năm 2023. Ảnh: REUTERS

Theo The New York Times, suốt nhiều năm, nhiều công ty đã cố gắng cạnh tranh với chip của Nvidia, vốn nổi tiếng với sức mạnh tính toán vượt trội dành cho các tác vụ AI, nhưng không mấy tiến triển. 

Tuy nhiên, các lựa chọn thay thế đáng tin cậy cho Nvidia đang dần xuất hiện, xét tới phản hồi tích cực từ người dùng với dòng chip mới do AMD và Amazon phát triển. Đó cũng là một điểm đáng theo dõi trong năm 2025, cùng với diễn biến tiếp theo của cáo buộc CEO Juang né thuế tới 8 tỉ USD.

OpenAI - không muốn cũng phải nhắc

Người ta có thể không để ý đến OpenAI - cha đẻ của ChatGPT nay đã ở tuổi lên 2 - suốt cả năm, để rồi ngợp với những món "đồ chơi" công ty này liên tiếp tung ra trong chuỗi sự kiện hoành tráng "12 ngày của OpenAI" vào cuối năm. 

OpenAI giấu bài đến tận ngày cuối cùng 21-12 mới công bố bản thử nghiệm o3 - mô hình AI biết tư duy mới nhất, một bước gần hơn tới trí thông minh nhân tạo tổng quát (AGI) và tương lai mà AI không chỉ tạo nội dung mà còn suy nghĩ và giải quyết vấn đề.

Việc o3 tung ra gần như cùng lúc với mô hình AI tư duy Gemini 2.0 Flash Thinking của Google cho thấy cuộc cạnh tranh giữa OpenAI và Google, cùng các nhà cung cấp mô hình AI khác, đang trở nên khốc liệt hơn. 

OpenAI và các đối thủ sẽ không chỉ cạnh tranh ở mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) mà tiến tới các mô hình AI biết tư duy, có thể ứng dụng hiệu quả hơn vào các vấn đề khó trong khoa học, toán học, công nghệ, vật lý và nhiều lĩnh vực khác.

Dù chưa rõ liệu cuộc cạnh tranh này cuối cùng có dẫn tới AGI hay không, có thể khẳng định bức tranh công nghệ năm tới vẫn không gì ngoài AI. Và có lẽ sẽ là những cuộc đốt tiền mới (OpenAI dự kiến lỗ 5 tỉ USD trong năm 2024, dù đã thu hút được hơn 1 triệu người dùng trả tiền).

Quản lý big tech kiểu Úc

Liên minh châu Âu vẫn thường là lá cờ đầu trong việc ban hành và thực thi các quy định ghìm cương những gã khổng lồ công nghệ, nhưng năm 2024, nước Úc mới là tâm điểm chú ý. Tháng 11, nước này trở thành quốc gia đầu tiên cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội, động thái được coi là chuẩn mực cho cách các chính phủ khác xử lý các tập đoàn công nghệ lớn. Các công ty như Google, TikTok và Meta sẽ nằm trong phạm vi điều chỉnh của quy định mới này.

Trước đó, Ủy ban An toàn điện tử Úc cũng đã công bố dự thảo các quy tắc về kiểm tra độ tuổi đối với nội dung người lớn. Theo đó, các nhà cung cấp dịch vụ, trang web, mạng xã hội, trò chơi điện tử, công cụ tìm kiếm, công ty phát triển ứng dụng và cửa hàng ứng dụng sẽ phải xác minh người dùng trên 18 tuổi trước khi cho phép truy cập nội dung khiêu dâm và các nội dung nhạy cảm khác.

Theo The Guardian, có khả năng xảy ra sự chồng chéo giữa hai quy định trên. Một trong những vấn đề phức tạp là xác định quy định nào sẽ được áp dụng cho từng trang web. Ví dụ, nền tảng X của Elon Musk có chứa nội dung người lớn, vì vậy không rõ người dùng từ 16 đến dưới 18 tuổi có được phép truy cập hay không.

Đến giữa tháng 12, Chính phủ Úc lại cho biết đang lên kế hoạch ban hành các quy định mới, gia tăng áp lực lên các tập đoàn công nghệ toàn cầu như Meta (chủ sở hữu Facebook) và Alphabet (chủ sở hữu Google), yêu cầu các nền tảng này trả tiền cho các nhà xuất bản nội dung Úc, nếu không phải đối mặt với rủi ro phải chi hàng triệu USD để duy trì hoạt động tại quốc gia này.

Những gì diễn ra ở Úc chắc chắn là bài học tham khảo quan trọng cho nhiều quốc gia trong năm 2025.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận