Cuộc "cách mạng rác" ở Nagoya

TTCT - Nagoya, thành phố 2 triệu dân, đã trở thành “thủ đô xanh” của Nhật Bản với những nỗ lực cải thiện môi trường không ngừng của chính quyền và nhân dân thành phố. Và cuộc “cách mạng rác” luôn được nhắc tới như thành tựu đáng tự hào nhất.

Phóng to

Nagoya trải qua gần 10 năm liền có lượng rác thải sụt giảm - Nguồn: city.nagoya.jp

Năm 1997, Nagoya bắt đầu cảm thấy sức ép từ một cuộc khủng hoảng rác thải mà thành phố sắp phải đối diện. Quỹ đất trống trong thành phố làm bãi rác đã cạn kiệt, trong khi kế hoạch xây dựng bãi rác thải mới tại khu vực gần bờ biển Fujimae gặp phải sự phản đối quyết liệt từ phía dư luận. Lãnh đạo chính quyền địa phương bị chỉ trích mạnh mẽ từ mọi thành phần xã hội và buộc phải tìm ra giải pháp cho tình hình.

Giảm rác

Cuộc khủng hoảng ở Nagoya đến vào lúc lượng rác thải ra ở thành phố này mỗi năm một cao thêm và ở mức 1,2 triệu tấn khi tuyên bố về khủng hoảng rác của chính phủ được ban hành. Mục tiêu ban đầu là giảm 258.000 tấn rác cho tới năm 2000.

Trong khi đó, chính quyền trung ương Nhật Bản đã ban hành một hệ thống luật nhắm tới việc xây dựng một xã hội xanh với ưu tiên hàng đầu cho những sản phẩm tái chế. Nagoya quyết tâm trở thành một trong những nơi tiên phong. Năm 1999, kế hoạch xây bãi rác mới bị hủy bỏ và “tuyên bố về tình trạng khẩn cấp trong quản lý rác thải” được ban bố, kêu gọi công dân địa phương tham gia tối đa những biện pháp cắt giảm rác thải do chính quyền phát động. Năm 2000, hội đồng thành phố thông qua luật về túi đựng rác tái chế.

Và thành phố Nagoya đã làm được điều đó. Số liệu của nhà chức trách thành phố xác nhận rác thải giảm từ 1.022.000 tấn năm 1998 xuống còn 917.000 tấn vào năm 1999 rồi 787.000 tấn năm 2000, chỉ còn cách mục tiêu dự kiến một chút. Chính quyền mở rộng những địa điểm tập kết rác tái chế như chai nhựa, vỏ lon nước ngọt trên phạm vi toàn thành phố và trở thành một trong những nơi đầu tiên yêu cầu người dân sử dụng lại nhiều lần túi hàng đi chợ. Việc phân tích và tái chế các loại rác thải hữu cơ từ nhà bếp bắt đầu vào tháng 3-2003.

Kết quả thật đáng khâm phục, không chỉ trong việc giảm bớt rác thải rắn mà còn cả khí thải độc hại như CO2 và các khí NOX. Một điểm cộng thêm là khu vực bờ biển Fujimae được thiết kế lại thành khu bảo tồn thiên nhiên vùng ngập nước vào năm 2002.

Phóng to
Giảm lượng rác thải giúp người dân Nagoya có điều kiện tăng cường các mảng xanh cho thành phố

Sống xanh

Cuộc cách mạng không chỉ giải quyết vấn đề hiện tại của thành phố, nó còn mang tới một kết quả vô giá. Không “ngủ quên trên chiến thắng”, thói quen sống xanh đã ăn sâu vào nếp suy nghĩ của người dân và họ thấy thoải mái hơn nếu không xả rác. Mức rác thải giảm xuống chỉ còn 760.000 tấn vào năm 2001, tức là giảm 25% trong ba năm. Những số liệu thống kê mới nhất của thành phố cho biết rác thải chỉ còn 722.000 tấn vào năm 2006, tức giảm 30% so với năm 1998. Gọi là phi thường cũng không quá đáng. Tương ứng, khối lượng rác tái chế tăng từ 151.000 tấn vào năm 1998 lên 355.000 tấn năm 2002, tức tăng hai lần chỉ trong bốn năm.

Người ta vẫn nói tình hình cực đoan cần các giải pháp cực đoan, nhưng thật ra trong trường hợp này, thành công của Nagoya lại phản ánh sự kiên trì và quyết tâm cao độ của chính quyền cùng nhân dân thành phố. Họ có một mục tiêu cụ thể cần đạt được và các hội đồng phường, quận ngồi lại với người dân để bàn cách hiệu quả nhất đạt được mục tiêu đề ra. Các tờ rơi và những phương tiện thông tin, giáo dục rẻ tiền có sức lan tỏa nhanh với sự hỗ trợ từ chính quyền được phát cho người dân để hướng dẫn họ cách đơn giản nhất phân loại rác thải và những gì có thể tái chế được.

Tất nhiên, người dân vẫn là ngôi sao chính của cuộc cách mạng, bởi họ háo hức và ý thức được tầm quan trọng của việc chung tay cùng chính quyền giải quyết vấn đề của chính họ.

Vẫn chưa hài lòng

Ở nhiều thành phố khác trên thế giới, các chiến dịch cũng được phát động rầm rộ nhưng cùng với thời gian, lòng nhiệt tình xẹp xuống và kéo theo kết quả chẳng đạt được bao nhiêu. Nagoya tránh được điều này bằng những nỗ lực biến việc cắt giảm rác thải trở thành một phần trong đời sống hằng ngày của người dân, cho họ thấy sống thân thiện với môi trường mới là “mốt thời thượng”. Những ai không quan tâm tới rác thải, chỉ muốn vứt đi mọi thứ là “lạc hậu” và “lỗi thời”. Bởi lẽ thói quen bầy đàn là một phần của bản chất con người, khi tất cả mọi người xung quanh đều cố gắng thêm một chút để giải quyết vấn đề rác, thật không dễ dàng cho một cá nhân nào đó xé rào. Đó chính là bí quyết thành công của Nagoya.

Giống như bất kỳ cuộc cách mạng nào, luôn có điều gì đó khiến người dân còn chưa hài lòng. Nhiều người bày tỏ quan ngại về việc những luật lệ mới chưa có điều luật “kẻ gây ô nhiễm phải trả tiền”, yêu cầu các nhà sản xuất túi nilông, chai nhựa, hộp kim loại... phải gánh một phần trách nhiệm và chi phí. Thay vì thế, tất cả khoản chi cho việc thu gom, vận chuyển, lưu kho và tái chế rác đều từ tiền ngân sách, tức là tiền thuế của người dân.

Thêm vào đó không phải tất cả người dân đều hiểu và thông cảm với sự cần thiết của thói quen thu gom, phân loại và tái chế rác. Trong ba tháng đầu tiên kế hoạch triển khai, chính quyền địa phương nhận được 20.000 lời phàn nàn từ những người phải thay đổi thói quen trước kia của họ.

Thành phố phản hồi bằng cách giúp các chính quyền địa phương tổ chức những buổi hội thảo cho người dân trong đó đưa ra giải thích chi tiết và tỉ mỉ về tầm quan trọng của việc tái chế rác, đảm bảo tất cả mọi người cùng chia sẻ và đồng thuận với kế hoạch của thành phố cũng như ý thức được tầm quan trọng của việc tái chế rác và cả việc toàn bộ chu trình sẽ được tiến hành như thế nào.

Bài học cho toàn Nhật Bản

Nhờ cuộc “cách mạng rác”, Nagoya giờ đang có tỉ lệ rác thải trên đầu người thấp nhất, tỉ lệ rác tái chế trên đầu người cao nhất và tỉ lệ rác thải ra bãi rác thấp nhất trong số các thành phố lớn trên toàn Nhật Bản. Chính quyền thành phố vẫn đang nỗ lực để giữ ngôi đầu. Những mục tiêu mới được đặt ra, như việc giảm lượng rác xuống còn 620.000 tấn vào năm 2010, tức bằng với mức của năm... 1976. Tham vọng hơn nữa là việc giảm lượng rác thải ra bãi rác xuống còn... zero. Một kết quả phụ khác là chính quyền thành phố tin tưởng có thể tăng diện tích đất công viên trên đầu người từ 9,25m2 (tháng 4-2005) lên 10m2 vào năm 2010, điều gần như không tưởng với những khu đô thị đất đai mắc mỏ ở Nhật Bản.

Rất nhiều bài học đáng giá có thể học được từ Nagoya. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất có lẽ là phải sâu sát với người dân, ngay lập tức cung cấp cho họ thông tin về những tiến bộ đã đạt được, lập tức có câu trả lời thích đáng cho thắc mắc của họ và lập tức nói lời cảm ơn những ai đã đóng góp vì lợi ích chung của thành phố.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận