TTCT - Không có gì kéo tầm nhìn của nhân loại về cùng hướng như một cuộc chiến thảm khốc - có thể coi đó là chủ đề bất thành văn của Hội nghị an ninh Munich năm nay. Năm ngoái, chỉ 5 ngày trước cuộc chiến Ukraine, những quốc gia tham dự hội nghị vẫn không tin rằng điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra.Đối với châu Âu, năm nay cũng là lúc nói lời tạm biệt sự ngây thơ của chính họ. Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin thú nhận: "Rõ ràng Nga sẽ tấn công Ukraine, chỉ có điều chúng ta không muốn tin vào điều đó". Nên nhớ là bà Marin trước đó không lâu đã vận động tranh cử với khẩu hiệu "Phần Lan không vào NATO!".Ảnh: The TimesChỉ một năm sau thì NATO, EU hay cộng đồng thế giới nói chung đã học và triển khai được nhiều bài học cay đắng mới.Thực và đạoTạm bỏ qua chuyện tổn thất về con người mà chưa ai tính được, cũng như khó ai tin vào số liệu do hai phe thống kê, để nghĩ đến bữa cơm hay cái bánh mì hằng ngày. Khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz hứa sẽ cung cấp cho Ukraine 14 xe tăng Leopard 2, Hiệp hội Người đóng thuế Đức tính ngay: một con báo đời áp chót (Leopard 2 trang bị đầy đủ) giá xuất xưởng 7 triệu euro, tương đương 20.000 tấn lúa mì ở thời điểm tháng 1-2022, trước khi bùng nổ chiến sự. Hay nói cách khác là đến cuối tháng 3 tới, Đức sẽ chở qua cho ông Volodymyr Zelensky 280.000 tấn lúa mì, ngót ngét số lương thực mà một nước châu Phi hạn hán liên miên như Ethiopia phải nhập mỗi năm để khỏi chết đói (theo Tổ chức Nông Lương thế giới - FAO)!Ấy là chưa kể mỗi cục sắt công nghệ cao ấy cứ 100 cây số lại ngốn 530 lít dầu diesel, nhấn cò một phát đạn DM11 với điểm nổ hẹn giờ là đi tong 9.000 euro nữa, vân vân và vân vân, tất cả đều móc từ túi người dân. Rồi nữa, tổng số xe tăng các chủng loại mà Mỹ và châu Âu dự tính cung cấp cho Kiev trong chuyến đầu là đủ cho ba tiểu đoàn, hay 120 chiếc. Mỗi chiếc Leopard 2 đưa đi sẽ được quân đội Đức mua thay thế một chiếc Leopard A27 hiện đại hơn, đơn giá hòm hòm 9 triệu euro.Là nước sản xuất, Đức phải bật đèn xanh cho các đồng minh NATO thì họ mới được tái xuất Leopard 2 qua Ukraine, và khó có lý do để phương Tây thất hứa, chừng nào họ còn muốn hỗ trợ Ukraine: quân đội Ukraine chủ yếu sở hữu vũ khí từ kho Liên Xô cũ, gồm khoảng 2.600 xe tăng T72 khá lạc hậu, rất lép vế so với 12.420 chiếc đủ chủng loại của quân Nga.Liền sau thỏa thuận về xe tăng, yêu cầu của Kiev về máy bay chiến đấu không còn bị từ chối thẳng thừng nữa. Để tăng sức chiến đấu của 318 chiến đấu cơ hiện tại trước 4.173 chiếc phía Nga, Tổng thống Zelensky yêu cầu NATO cung cấp máy bay hiện đại. Dĩ nhiên lại phải quy ra tiền: một chiếc F35 của Mỹ giá 100 triệu euro, Eurofighter của châu Âu còn nhỉnh hơn chút.Cuộc chiến ở Ukraine như vậy là góp phần gia tăng nạn đói vốn đã trầm trọng ở châu Phi. Nga và Ukraine là hai nước cung cấp lúa mì lớn nhất nhì thế giới, nay cùng lao đao trên thương trường và chi phí vận tải tăng vọt. Nhưng đó mới là phần nổi của tảng băng, vì cuộc suy thoái kinh tế đang lan tràn ra khắp thế giới.Xe tăng Leopard 2. Ảnh: 19FortyfiveAi được, ai mấtCòn lâu mới có đoạn kết ở Ukraine, nhưng ta đã biết những ai hưởng lợi và ai thiệt hại: chắc chắn có nhiều lĩnh vực kinh tế phất lên hoặc tàn lụi vì chiến tranh.Đức - đầu tàu NATO ở châu Âu - tiếp tục bán hàng tỉ USD vũ khí ra nước ngoài: chiến sự Ukraine làm dấy lên nhu cầu về an ninh và giúp ngành công nghiệp vũ khí tăng mạnh doanh số. Chính phủ Đức quyết định lập quỹ đặc biệt 100 tỉ euro cho quân đội, trong các năm tới sẽ đầu tư trung bình 2% GDP vào quốc phòng; số tiền lấy từ các phúc lợi xã hội khác sẽ biến thành xe tăng, máy bay, súng đạn với một lượng không nhỏ cho Ukraine. Dễ hiểu là nhiều nhà đầu tư đâm đầu vào mua cổ phiếu các công ty vũ khí. Chẳng hạn, giá cổ phiếu của nhà sản xuất xe tăng Leopard 2, Công ty Düsseldorf Rheinmetall, đã tăng hơn gấp đôi so với tháng 12-2021.Ukraine thường được gọi là vựa lúa mì của thế giới. Năm 2021, nước này sản xuất khoảng 70 triệu tấn ngũ cốc và hạt giống cho nước ngoài, chủ yếu nhờ loại đất đen đặc biệt. Giờ thì nhiều nông dân thất nghiệp, đồng ruộng bị hủy hoại và các tuyến giao thông đứt gãy. Với các nhà sản xuất ngũ cốc lớn khác của thế giới - Mỹ, Canada và Nga, sự sụt giảm nguồn cung từ Ukraine là tin tốt vì họ có thể bán sản phẩm với giá cao hơn đáng kể. Giá lúa mì - vốn đã có đà tăng từ trước - càng bùng nổ sau tháng 2-2022. Tình trạng này không chỉ do nguồn cung khan hiếm hơn, mà còn do chi phí cao hơn với nông dân: phân đạm đắt lên gấp bội vì được sản xuất bằng khí đốt tự nhiên.Khí tự nhiên đóng vai trò quan trọng trong chính sách năng lượng châu Âu. Trước đây, Đức phải mua 55% lượng khí đốt từ Nga, cuối năm 2021 còn khoảng 35%, và cuối năm 2022 chỉ là 30%. Trong 100 ngày đầu tiên của cuộc chiến, Điện Kremlin đã kiếm được 7,8 tỉ euro, tức khoảng 78 triệu euro mỗi ngày, chỉ từ Đức. Do vậy Đức chuyển dần sang mua khí hóa lỏng của Mỹ, Na Uy và Qatar - vốn bị coi là rất có hại cho khí hậu vì quá trình sản xuất cần nhiều năng lượng.Tất nhiên đây đó cũng lóe lên tia hy vọng, ví dụ như trong công nghệ Internet. Chỉ cần vài giờ mất Google hay Facebook là ta thấy bất lực ra sao khi không có Internet. Ở Ukraine, các cột sóng di động và trạm phân phối là những mục tiêu chiến lược bị phá hoại đầu tiên. Một công ty cung cấp công nghệ thay thế là SpaceX của Elon Musk, thông qua mạng vệ tinh Starlink gồm khoảng 2.300 vệ tinh nhỏ trong không gian và cho phép kết nối Internet không cần cột sóng hoặc đường dây. Nói một cách vô duyên là chiến tranh đã góp phần thúc đẩy công nghệ Internet không dây lên tầm cao mới, để một ngày không xa, bất cứ nơi nào trên thế giới cũng được phủ sóng một cách kinh tế.Một người Ukraine ở Kherson ở cạnh một trạm phát wifi Starlink. Ảnh: Financial TimesĐiểm qua vài nét sau một năm chiến sự ở Ukarine và tác động bi thảm của nó với toàn thế giới vậy thôi, chưa ai đoán được nó sẽ còn kéo dài bao lâu. Ngân hàng Thế giới dự đoán phí tổn tái thiết Ukraine - trong trường hợp ngừng chiến vào giữa năm 2022 - là 350 tỉ USD, gấp rưỡi GDP nước này trước chiến tranh. Bao nhiêu sinh mạng người mất đi ở cả hai phe, bao nhiêu gia đình ly tán, bao nhiêu trái tim tan nát không bao giờ lành... thì không ai tính được. ■ Khủng hoảng địa chính trịThực tế là Hội nghị Munich không và không thể bàn đến chủ đề nào khác, vì sau một năm chiến sự Ukraine, phương Tây đang ở thời khắc định mệnh. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói: "Chúng ta đang trải qua bước ngoặt của lịch sử…, kết quả cuộc chiến này không chỉ quan trọng với châu Âu mà cả với toàn cầu". Quả thật, nếu cái gọi là "chiến dịch đặc biệt" của Nga thành công, nó sẽ ấn định một tiền lệ nguy hiểm - cho cả châu Á.Nga không được mời đến Munich, nhưng Trung Quốc cử một nhân vật cao cấp của Bộ Chính trị là Vương Nghị. Khi ông Vương lên bục phát biểu, thoạt đầu có vẻ ông đề cập đến quyền bất khả xâm phạm biên giới của Ukraine: "Vì một thế giới an toàn, nguyên tắc chủ quyền và toàn vẹn quốc gia phải được tôn trọng". Nhưng sau đó ông rẽ qua ngả khác: "Vi phạm các chuẩn mực quốc tế là đi ngược quy tắc cơ bản của hệ thống quốc tế. Điều này cũng áp dụng cho bất kỳ động thái nào vi phạm nguyên tắc Một Trung Quốc".Rồi ông tố cáo Mỹ đang thực hiện chiến dịch bôi nhọ và có hành vi hung hãn với Trung Quốc, thúc đẩy chính sách bảo hộ qua các chế tài chống Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn và phản ứng thái quá khi bắn hạ một quả khinh khí cầu của nước này. Thế giới hiện bị thu hút bởi cuộc chiến ở Ukraine nhưng Mỹ không vì thế mà bớt quan tâm đến Trung Quốc. Vài tuần trước, một biên bản ghi nhớ của tướng Mike Minihan, chỉ huy Bộ tư lệnh lưu động không lực Hoa Kỳ, bị rò rỉ. Trong đó, ông linh cảm rằng Mỹ sẽ xung đột quân sự với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan ngay vào năm 2025. Thời điểm đó có thể hơi khó tin, nhưng nên nhớ, cũng đã nhiều người không tin cuộc chiến Ukraine sẽ nổ ra. Tags: Tấn công UkraineQuân đội UkraineMáy bay chiến đấuLiên Xô cũNgaChiến đấu cơChiến tranhMunich
Tranh cãi 'lối đi ưu tiên' sẽ thu 100.000 đồng/khách tại sân bay Đà Nẵng CÔNG TRUNG 01/12/2024 Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sẽ trở thành sân bay đầu tiên trong 22 sân bay tại Việt Nam thí điểm thu phí dịch vụ "lối đi ưu tiên" tại khu vực kiểm tra an ninh soi chiếu 100.000 đồng/khách.
Rần rần trend 'đám giỗ bên cồn' của Lê Tuấn Khang: Rồi bên cồn có đám cưới không? THƯỢNG KHẢI 01/12/2024 'Đám giỗ bên cồn' - một câu 'thương hiệu' của TikToker Lê Tuấn Khang xuyên suốt các video do anh đăng tải trên TikTok, Youtube đang là từ khóa gây sốt trên mạng xã hội.
Ông Zelensky: Ukraine cần lá chắn NATO để sống sót TRẦN PHƯƠNG 01/12/2024 Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói nước này cần sự đảm bảo an ninh từ NATO và nhiều vũ khí hơn trước khi bước vào đàm phán với Nga.
Ông Đồng Văn Thanh được bầu làm bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang LÊ DÂN 01/12/2024 Ông Đồng Văn Thanh, chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, được bầu làm bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025.