Cuộc chiến viết tắt

LÊ QUANG 30/11/2023 08:00 GMT+7

TTCT - Trong đời sống thường nhật, ngôn ngữ nào cũng có sẵn một kho các từ viết tắt để nói và viết nhanh hơn. Song cũng ở đây, chữ viết tắt rất nhiều khi là nỗi đau đầu gần chết.

UBND thì người lớn nào cũng biết là gì rồi, sau khi phải viết cả xấp đơn từ trong đời. Tương tự, TP.HCM là một địa danh quen thuộc, dù rằng lắm người tỏ vẻ hay chữ vẫn ưu tiên viết HCMC (Ho Chi Minh City). 

Trong đời sống thường nhật, ngôn ngữ nào cũng có sẵn một kho các từ viết tắt để nói và viết nhanh hơn. Song cũng ở đây, chữ viết tắt rất nhiều khi là nỗi đau đầu gần chết.

Cuộc chiến viết tắt- Ảnh 1.

Chỉ cần vài ví dụ sương sương. Liệu có phải ai cũng nhận dạng được ngay LLCSBVBVN là Lực lượng Cảnh sát bảo vệ biển Việt Nam, VTTTTC là Vụ Thể thao thành tích cao? PGS.TS Phạm Văn Tình kể trong một bài viết rằng giáo sư Vũ Tuyên Hoàng, chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, từng phải yêu cầu bản tin liên hiệp hội không viết tắt tổ hợp chức danh của ông "giáo sư viện sĩ" là GS VS bởi ông cho rằng "nhân dân không mấy ai biết đến từ viện sĩ và họ sẽ đọc hai chữ "VS" này thành "vệ sinh" ngay".

Chưa kể các ung bướu mới mọc của một sinh ngữ, nhưng đọc riết thành quen như GATO (ghen ăn tức ở), OMC (Oh my chuối), QTQĐ (Quá trời quá đất), ATSM (Ảo tưởng sức mạnh)…

Ngày xửa ngày xưa

Ai đọc hay viết bản thảo đều muốn nó không có lỗi hoặc không sinh ra hiểu lầm, nhưng do vội vàng hoặc thói quen (xấu?) mà chữ viết tắt đã trở thành một hiện tượng phổ biến, và lỗi diễn dịch các khái niệm viết tắt cũng phổ biến không kém.

Muốn hay không, ta đã phải sống chung với hiện tượng đó. Thậm chí các nhà nghiên cứu ngôn ngữ cổ còn dựa vào hiện tượng đặc thù đó để xác định niên đại của các bản thảo hoặc xác định việc sử dụng các bản thảo thời xa xưa. Dù yêu hay ghét, đây là một trào lưu không thể ngăn chặn được vì tính tiện lợi của nó, cho dù ai cũng dự báo được việc nó sẽ rắc sạn vào sự trong sáng, rõ ràng của ngôn ngữ.

Hiện tượng viết tắt không chỉ xuất hiện từ thời Trung cổ mà đã tồn tại từ thời cổ đại. Hôm nay ta biết cái chức danh GĐ bên cạnh triện đỏ là giám đốc, nhưng ngay cả thời xưa, tên hoặc chức danh chính thức đều được khắc tắt trên văn bia đá. Những người chép sách tiếp tục sử dụng các ký tự viết tắt này vào thời Trung cổ. 

Động lực không chỉ là tiết kiệm không gian và thời gian mà còn là truyền thống viết lách, thói quen đọc hay sở thích cá nhân của người viết. Trong sách vở và tài liệu chính thức, mục đích chính là rút gọn những từ thường gặp bằng một ước lệ thống nhất. 

Những chữ viết tắt này quen thuộc với người đương thời mà trước tiên chúng ta phải hình dung là một giáo sĩ hay học giả có trình độ học vấn cao. Họ quen tung hứng chữ nghĩa và biết cách nhận diện chúng một cách chính xác.

Nhưng những người đương thời cũng nhận ra sự khó khăn khi các chữ viết tắt thường xuyên gây ra hiểu sai. Ví dụ vào thời hoàng đế Justinian. Để duy trì tính thống nhất về mặt pháp lý, ngài ra lệnh cấm viết tắt trong các văn bản pháp luật. Nhưng phép vua thua lệ làng, trong dân gian phương tiện này vẫn xông xênh tồn tại.

Cuộc chiến viết tắt- Ảnh 2.

Đủ kiểu đi tắt

Vào thế kỷ 19, nhà lưu trữ người Ý Adriano Cappelli đã thống kê được hơn 14.000 khái niệm được viết tắt trong văn bản thời Trung cổ. Capelli xếp loại các hình thức sử dụng chữ viết tắt cơ bản cần thiết, ba trong số đó xảy ra đặc biệt thường xuyên: rút gọn thành chữ cái đầu, rút gọn nhiều từ thành một công thức, và viết tắt bằng các ký tự cố định.

Một trong những hình thức viết tắt lâu đời nhất là cái gọi rút gọn. Với cách viết tắt này, chỉ có chữ cái đầu tiên hoặc một vài chữ cái đầu tiên được viết ra. Phần còn lại được ký hiệu bằng dấu chấm hoặc dấu gạch ngang, hoặc kệ cho người đọc tự suy diễn. 

Kiểu viết tắt này thường được sử dụng cho tên riêng, học vị hoặc chức danh chính thức như ThS (Thạc sĩ), TGĐ (Tổng giám đốc), q. HBT (quận Hai Bà Trưng), TQ (Tuyên Quang hoặc Trung Quốc).

Hình thức viết tắt thứ hai thường được người khu vực tiếng gốc Latin sử dụng cho cái gọi là nomina sacra, tức là tên của các vị thánh và chức sắc trong giới tu hành. Sau này nó lan rộng ra "đời thường", ví dụ etc. là "et cetera" (vân vân), vs. là "versus" (chống lại, ví dụ vụ xét xử A kiện B thì viết là "A vs. B").

Kiểu tắt thứ ba là dùng ký hiệu được thống nhất, như ta vẫn thấy & thay cho "và", hay ml để chỉ "mililitre". Bảng chữ tắt Tiron được phát triển từ thời cổ đại bởi Marcus Tullius Tiron, thư ký riêng của một nguyên thủ La Mã Cicero. Chúng thậm chí vẫn có thể được tìm thấy trong sử dụng ngày nay, chẳng hạn như dấu cộng (+) hoặc ký hiệu phần trăm (%).

À, đấy là chữ viết tắt của "không viết tắt cho cái gì cả".

À, đấy là chữ viết tắt của "không viết tắt cho cái gì cả".

Dở khóc dở cười

Ở Việt Nam có lẽ mới chỉ có một nghị định quy định việc viết tắt, chỉ dành riêng cho công tác văn thư và quản lý nhà nước về công tác văn thư (nghị định 30/2020/NĐ-CP). Nghị định này cũng chỉ quy định cách viết tắt dùng trong 30 loại văn bản hành chính, chẳng hạn QĐ là quyết định, QyĐ là quy định, BC là báo cáo... 

Chưa thấy văn bản quy định quy tắc viết tắt nào có tính thống nhất cao hoặc ít nhất mang tính ấn định cho học sinh, do đó ta thường gặp những tai nạn không đáng có. Một người ít vi vu trong cõi mạng, chẳng may gặp phải "vđ" mà không dịch được thành "vấn đề" hay "vãi đái" thì cũng chẳng vì thế mà phiền lòng ai đó than vãn trên phây "bùn wá, bjt l j bi h" (buồn quá, biết làm gì bây giờ)... cũng chẳng hại đến ai. 

Thạc sĩ "ThS" bị trêu là thiến sót, CN (cử nhân) có thể là "công nhân", "công nghiệp" hay "chi nhánh", ĐC (địa chỉ) có thể là "đồng chí", NLĐ (người lao động) lại có thể là "nhà lãnh đạo"... thì cũng phiền. Các thông tư/nghị định được người đứng đầu Chính phủ phê chuẩn, dùng "TTg" (Thủ tướng) mà cứ kiên cường viết "TT" thì thật thiếu nghiêm túc. 

Máy chữ ngày xưa thời Pháp thuộc không có chữ "Ư" thì ta viết tắt Trung ương là TW, nhưng hôm nay thì sao cứ tiếp diễn? Sau các chữ cái viết tắt (chẳng hạn GPĐKKD cho "Giấy phép đăng ký kinh doanh") có dấu chấm (G.P. Đ.K. K.D.) hay không, viết các chữ tách ra hay viết liền, viết hoa hay viết thường?

Nếu không nhanh nhanh ban hành quy định và áp dụng nghiêm túc từ bậc phổ thông, sẽ còn ra đời vài thế hệ làm loạn môi trường chữ nghĩa. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận