Cuộc chơi mới đầy màu sắc

LAN ANH - LÊ NAM 13/08/2015 17:08 GMT+7

Doanh thu các sản phẩm bảo hiểm liên quan đến con người trên toàn thị trường hiện ước khoảng 4.500-5.000 tỉ đồng/năm, riêng doanh thu từ các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe (BHSK) chiếm ít nhất 2.000 tỉ đồng, tăng trưởng hằng năm từ 10-15%.

Sự thiếu tiện nghi của bệnh viện công và nhiêu khê của bảo hiểm y tế bắt buộc khiến nhiều người đến với BHSK. Ảnh : Hữu Khoa

Thị trường BHSK đang là một lĩnh vực rất tiềm năng nên các công ty bảo hiểm phi nhân thọ và cả nhân thọ đang vào cuộc mạnh mẽ. Theo các công ty bảo hiểm, 90% doanh thu đến từ các công ty, doanh nghiệp mua cho nhân viên, đối tượng khách hàng là gia đình và cá nhân vẫn còn khá ít ỏi.

Tiện ích cho người dùng

Lần sinh đứa con thứ hai, chị T.Q. (Q.Tân Bình, TP.HCM) quyết định chọn dịch vụ ở một bệnh viện quốc tế với gói sinh mổ do bác sĩ giỏi đảm trách, nằm phòng dịch vụ hạng nhất (7,2 triệu đồng/ngày), có dịch vụ chăm sóc em bé ban đêm... 

Vài ngày sau khi cung cấp thông tin về hợp đồng bảo hiểm, chị được bệnh viện gửi email xác nhận công ty bảo hiểm sẽ đảm bảo mọi chi phí cho lần sinh này với mức bảo lãnh viện phí là 10,43 triệu đồng/ngày, bảo hiểm sẽ loại trừ những chi phí cá nhân, thuốc ra viện (nếu có), phần chênh lệch nếu chi phí thực tế vượt mức quyền lợi bảo hiểm, chị chỉ việc đến bệnh viện vào ngày dự sinh.

Đến ngày ra viện, chị T.Q. chỉ ký xác nhận hóa đơn thanh toán, trả thêm một số khoản phát sinh ngoài hợp đồng bảo hiểm rồi nhận giấy xuất viện ra về, công ty bảo hiểm sẽ lo phần thanh toán.

Tổng giá trị bảo hiểm của bốn thành viên trong gia đình chị T.Q. là 32 triệu đồng/năm do công ty nơi chị đang làm mua như một sản phẩm phúc lợi dành cho nhân viên. Tính trung bình là 8 triệu đồng/người nhưng chỉ tính riêng chi phí sinh mổ trong năm mà chị thực hiện đã là 63 triệu đồng, chưa kể 4-5 lần khám bệnh ho, cảm, sổ mũi của cậu con trai mà chỉ riêng phí khám bệnh đã là 475.000 đồng/lần...

Mỗi thành viên được hai lần cạo vôi răng (420.000 đồng/lần) và các chi phí trám, nhổ, điều trị nha khoa... chưa kể đến các chi phí điều trị nội trú và giải phẫu (nếu có), tính ra đã vượt hơn hẳn chi phí 8 triệu đồng/năm mà công ty chi để mua bảo hiểm.

Với bảo hiểm này, các thành viên gia đình chị T.Q. có thể điều trị ở bất cứ bệnh viện, phòng khám nào trong phạm vi lãnh thổ VN, nếu có đầy đủ chứng từ hợp lệ, phù hợp với mức bảo lãnh viện phí công ty bảo hiểm sẽ thanh toán lại toàn bộ chi phí.

Trường hợp được công ty “bao” phần BHSK như chị T.Q. hiện nay khá phổ biến ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, và bắt đầu lan sang một số doanh nghiệp trong nước. So với sản phẩm bảo hiểm y tế bắt buộc mà cơ quan nhà nước mua cho nhân viên, sản phẩm BHSK “ăn đứt” về sự đa dạng, tiện lợi và thủ tục thanh toán, cũng như nơi cung cấp dịch vụ chăm sóc...

Hiện nay hiện tượng giới nhân viên văn phòng tự bỏ tiền ra mua thêm BHSK là khá phổ biến. Chị Oanh (Q.Phú Nhuận) tính toán: mỗi năm gia đình chị (năm thành viên) bỏ ra gần 16 triệu đồng mua gói BHSK của Công ty Bảo Việt, mà theo chị lợi hơn nhiều so với số tiền phải chi hằng tháng cho con đi khám các bệnh thông thường của trẻ em lúc chưa mua bảo hiểm.

Trong một số trường hợp điều trị phải nằm viện hoặc phẫu thuật nhỏ, chi phí đã gấp nhiều lần so với số tiền chị Oanh bỏ ra mua bảo hiểm. Chưa kể gói sản phẩm chị Oanh mua được “giá hời” là nhờ mua theo nhóm. Các công ty bảo hiểm đều có chính sách giảm giá cho số lượng người mua lớn (tạm coi như giá sỉ), thay vì từng người mua (giá lẻ)...

Sự nhiêu khê trong thủ tục đăng ký và thanh toán bảo hiểm y tế bắt buộc khiến nhiều người dân không muốn dùng đến bảo hiểm khi nhập viện - Ảnh: T.T.D.

Số công ty tham gia thị trường bảo hiểm phi nhân thọ hiện nay khá lớn, nhưng không phải công ty nào cũng cung cấp sản phẩm BHSK. Hiện chỉ có khoảng 20 sản phẩm của một số công ty cho khách hàng lựa chọn.

Về nguyên tắc, người đã mua BHSK (tùy gói sản phẩm) sẽ có cơ hội tiếp cận các kênh khám chữa bệnh (nội và ngoại trú) ngoài công lập có các biện pháp điều trị y tế không bị quá tải, tình trạng cơ sở vật chất và dịch vụ tốt hơn so với bảo hiểm xã hội có thể cung cấp.

Thay vì chỉ được chi trả tối đa 80% mức điều trị, viện phí hoặc được cung cấp một số loại thuốc nhất định của bảo hiểm y tế bắt buộc, với loại hình BHSK này người mua bảo hiểm đã có thể bớt đi phần nào lo lắng vì có thể được tiếp cận những phương pháp điều trị tốt hơn hoặc mua được một số loại thuốc đặc trị.

Thậm chí có trường hợp mua bảo hiểm được điều trị cả ở nước ngoài. Như trường hợp chị P.H.L. - trưởng đại diện một tập đoàn nước ngoài tại Hà Nội - mua gói BHSK quốc tế cho cả ba mẹ con, chi phí riêng cho chị là 6,2 triệu đồng/năm. “Năm nào tôi cũng mua và nếu năm ấy không dùng thì coi như tôi... đánh rơi tiền.

Năm 2014 vừa rồi tôi bị rò bao hoạt dịch ở tay và đã đi phẫu thuật ở Singapore, chi phí phẫu thuật là 1.700 đôla Sing, chi phí bác sĩ 2.000 đôla Sing bảo hiểm đã chi trả hết. Mua năm năm bảo hiểm, chỉ một lần đi phẫu thuật đã được trả phí hơn số tiền tôi đã đóng...” - chị P.H.L. kể. Một trường hợp khác, đồng nghiệp của chị P.H.L cũng mua BHSK mức trên 5 triệu đồng/năm, sau khi mua phát hiện bị lupus và đi điều trị mất trên 70 triệu đồng, công ty bảo hiểm chi trả đầy đủ.

Các sản phẩm BHSK đang được những công ty bảo hiểm phi nhân thọ khai thác khá đa dạng, dành cho cá nhân, gia đình và nhân viên trong các doanh nghiệp. BHSK do các công ty bảo hiểm phi nhân thọ cung cấp sẽ thanh toán chính xác toàn bộ chi phí hợp lệ mà khách hàng đã chi trên thực tế trong lần khám, chữa bệnh hay phẫu thuật và điều trị nội trú.

Trong một số trường hợp khách hàng phải tạm ứng trước toàn bộ khoản tiền cho lần chữa trị rồi chờ công ty bảo hiểm xem xét mức độ hợp pháp của các loại giấy tờ, hóa đơn chứng từ mới được chi trả lại.

Ở một số sản phẩm BHSK được công ty bảo hiểm liên kết với các phòng khám, bệnh viện có thể bảo lãnh cho các trường hợp khách hàng đủ tiêu chuẩn (trường hợp này chỉ cần vào điều trị và ký xác nhận đã được điều trị, phẫu thuật hoặc điều trị nội trú, mọi chi phí công ty bảo hiểm sẽ đảm bảo và khách không phải bỏ ra một khoản chi phí nào).

Các công ty bảo hiểm nhân thọ cũng cung cấp các sản phẩm bổ trợ kèm theo sản phẩm chính được gọi với nhiều tên gọi khác nhau: bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ chi phí y tế...

Trong khi các công ty bảo hiểm phi nhân thọ tính phí trả theo chi phí thực tế của khách hàng trong một lần điều trị, còn ở sản phẩm bổ trợ của công ty bảo hiểm nhân thọ, chi trả theo hạn mức mà khách hàng đã chọn khi ký hợp đồng (chẳng hạn sẽ là 2 triệu đồng cho một ngày nằm viện điều trị) và không chi trả cho thuốc men. Tất cả sản phẩm này có hạn chế số ngày khách hàng phải nằm viện trong tổng thời gian tồn tại của hợp đồng.

Có công ty bảo hiểm nhân thọ cho phép khách hàng nằm viện lên đến 365 ngày/năm, tuy nhiên tổng thời gian nằm viện trong hợp đồng không được vượt quá 1.000 ngày.

Thị trường tiềm năng

Theo thống kê của Công ty bảo hiểm nhân thọ Manulife VN, nếu trước đây trung bình một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ chỉ có khoảng một sản phẩm bổ trợ sức khỏe đi kèm, tỉ lệ này giờ đã tăng gấp ba lần.

Người tiêu dùng tìm đến các công ty bảo hiểm để chọn sản phẩm bảo hiểm sức khỏe vì sự tiện lợi - Ảnh: Hữu Khoa

Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Bảo Minh thành lập hẳn một trung tâm BHSK đón đầu sự bùng nổ của thị trường này. Theo các chuyên gia bảo hiểm, doanh thu các sản phẩm bảo hiểm liên quan đến con người trên toàn thị trường VN hiện có trị giá khoảng 4.500-5.000 tỉ đồng/năm, riêng doanh thu từ các sản phẩm BHSK có thể lên đến 2.000 tỉ đồng, với tăng trưởng trung bình hằng năm luôn là hai con số.

Giám đốc ban bảo hiểm con người thuộc Tổng công ty bảo hiểm Bưu Điện (PTI) Nguyễn Bình Dương cho rằng thị trường còn có thể lớn hơn rất nhiều, “nếu chỉ tính phí bảo hiểm trung bình 3-4 triệu đồng/người, nhân với 50% dân số, ai cũng cần bảo hiểm này, một thị trường cực kỳ lớn”.

Giám đốc trung tâm BHSK Công ty Bảo Minh, ông Võ Duy Cường cho biết từ một sản phẩm cơ bản (bảo đảm các chi phí y tế: phẫu thuật điều trị nội trú, khám ngoại trú và tai nạn), các công ty có thể thiết kế thêm vô số sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng.

Chẳng hạn thêm mục thai sản cho lao động nữ, chi phí liên quan nha khoa, bồi thường cao hơn cho nhân viên khi đang trên đường đi công tác, tăng mức bồi thường cho nhân viên khi di chuyển trên đường đi làm hoặc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, bồi thường cho các chuyến công tác đặc biệt...

Chỉ riêng mục bồi thường tai nạn có thể “gia công” thêm các sản phẩm như đền bù khi thương tật vĩnh viễn, đền bù theo tỉ lệ thương tật, tử vong, điều trị trong trường hợp tai nạn cho nhân viên, cho quản lý bậc trung như cấp trưởng phó phòng ban, cho cấp lãnh đạo cao... mỗi cấp chi phí bồi thường có thể tăng thêm vài chục phần trăm tùy theo thỏa thuận với đại diện doanh nghiệp.

“Trong gói sản phẩm dành cho công ty có rất nhiều mức để khách hàng lựa chọn tùy điều kiện kinh phí của mỗi công ty nên sản phẩm là vô cùng đa dạng” - ông Cường cho biết.

Nếu so sánh doanh thu của bảo hiểm y tế bắt buộc trong sáu tháng đầu năm, khoảng 20.000 tỉ đồng, con số 2.000 tỉ đồng doanh thu/năm từ BHSK trên toàn thị trường là khá nhỏ nhoi. Nhưng loại hình BHSK do các công ty bảo hiểm triển khai mang sức thuyết phục rất cao đối với giới nhân viên văn phòng và đang lan sang lĩnh vực khác. Nhiều công ty đang đặt kỳ vọng mức tăng trưởng vượt trên 20% khi kinh tế vĩ mô ổn định hơn.

Mới khởi động đã cạnh tranh căng thẳng

Các công ty bảo hiểm cho biết dù mới bắt đầu khởi sắc nhưng thị trường BHSK đã tỏ ra không dễ chơi! Việc cạnh tranh, lôi kéo khách hàng có khả năng chi trả đã diễn ra căng thẳng. Một số công ty đã phải loại sản phẩm BHSK ra khỏi danh mục do mất cân đối trong chi trả, bồi thường.

Ông Nguyễn Bình Dương kể công ty từng phải nhường khách cho đối thủ cạnh tranh vì không thể hạ giá thấp hơn. Ông Dương cho biết một sản phẩm BHSK trung bình đang bán khoảng 3-4 triệu đồng/năm, với tổng chi phí điều trị lên đến 10 triệu đồng/năm nếu khách hàng chỉ đi khám bệnh thông thường ở các phòng khám, bệnh viện tư nhân tại Hà Nội. Với mức phí khám 800.000-1 triệu đồng/lần khám, chỉ cần một năm khám bệnh ba lần là mất đứt phí bảo hiểm bán cho khách, chưa kể điều trị nội trú, thuốc men...

Giám đốc kinh doanh sản phẩm BHSK một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết do có những hợp đồng nếu cộng các chi phí môi giới, đền bù, quảng bá, điều hành... giá bán sản phẩm này của công ty vượt quá 100% nhưng vẫn phải bán vì kỳ vọng sẽ có lại lợi nhuận từ những năm sau hoặc lợi ích từ các sản phẩm khác bù lại.

Các công ty bảo hiểm hiện chủ yếu tập trung khai thác từ khối doanh nghiệp, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, bởi lẽ đây là đối tượng “chịu chi” nhất thị trường hiện nay, mà chỉ cần 5% phí thu được từ hợp đồng bảo hiểm trên tổng doanh thu đủ để bù đắp cho các chi phí cố định.

GIÁ TRỊ TĂNG THÊM

Theo đánh giá của các chuyên gia, BHSK được coi là quyền lợi tăng thêm khi làm việc tại các công ty có chế độ tốt cho cán bộ công nhân viên, nhưng bảo hiểm y tế thông thường vẫn cần thiết để khám chữa các bệnh nặng, bệnh mãn tính, thời gian điều trị kéo dài, như trường hợp mắc suy thận mãn, ung thư, đái tháo đường, nếu không có bảo hiểm y tế sẽ rất khó khăn. Trong khi đó BHSK sẽ có hiệu quả với khách hàng có nhu cầu khám chữa bệnh tại cơ sở y tế có dịch vụ hoàn hảo, chất lượng cao.

Hiện có 71,4% dân số có bảo hiểm y tế, mục tiêu của Bộ Y tế là nâng tỉ lệ này lên 75% vào cuối năm 2015, đến năm 2020 con số này sẽ đạt 80% dân số và Việt Nam đạt mục tiêu ban đầu về bảo hiểm y tế toàn dân. Phí bảo hiểm y tế hiện nay là 3% lương cơ bản, mức chi trả tối đa trong trường hợp khám chữa bệnh đúng tuyến là 40 tháng lương cơ bản/đợt khám chữa bệnh. So với mức phí, gói quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế ở Việt Nam là cao, nhưng chất lượng dịch vụ tại cơ sở y tế công và thủ tục hành chính còn gây nhiều rắc rối cho khách hàng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận