TTCT - Grossman chết trong đau khổ đinh ninh rằng tác phẩm quan trọng nhất đời mình, Cuộc đời và Số phận, đã vĩnh viễn mất cơ hội nhìn thấy ánh sáng. Nhưng văn chương có những cách sinh tồn và lan truyền thật kỳ lạ. Du khách ngày nay đến thăm quần thể di tích đồi Mamayev ở thành phố Volgograd (tên cũ Stalingrad) của Nga, nơi từng diễn ra những trận chiến quyết định số phận không chỉ của Xô viết và Đức quốc xã, mà còn của cả thế giới trong Thế chiến hai, được xây dựng từ năm 1959 - 1967 để tưởng niệm gần 35.000 người lính đã hy sinh để bảo vệ tổ quốc, khi đi tới "Quảng trường các anh hùng" sẽ gặp một bức tường khổng lồ khắc sâu dòng chữ: "Một ngọn gió rắn như sắt quất thẳng vào mặt họ, nhưng họ vẫn tiến lên. Một nỗi sợ mê tín chộp lấy quân thù: Những kẻ đang tấn công, họ có phải con người không, có phải kẻ phàm trần không?" .Bài báo "Hướng tấn công chính” của V.Grossman đăng trên tờ Sao Đỏ.Đi tiếp vào phòng Vinh danh quân nhân hình trụ, nơi có ngọn lửa vĩnh cửu, bao quanh là những tấm bảng khảm tên 7.200 người lính Hồng quân đã hy sinh, trên nền bản nhạc Träumerei (Dreaming) của Robert Schumann vang lên bất tận - một tuyên bố ẩn giấu rằng đây là cuộc chiến chống lại nước Đức phát xít chứ không phải văn hóa Đức - du khách thấy câu trả lời cho câu hỏi về "kẻ phàm trần" trước đó:"Vâng, chúng tôi chỉ là những kẻ phàm trần, rất ít người sống sót, nhưng tất thảy chúng tôi đã hoàn thành nghĩa vụ yêu nước trước mẹ tổ quốc thiêng liêng".Khởi sinh của một kiệt tácHầu như không mấy du khách biết ai là tác giả của cả câu hỏi và câu trả lời trên, tên người viết cũng chưa một lần được ghi lại. Nhưng phần lớn những từ những ngữ ấy là của Vasily Grossman, trong một bài báo có tên "Hướng tấn công chính" đăng trên tờ Sao Đỏ ra ngày 20-11-1942. Chính là Grossman, người từng là ngôi sao của văn học Xô viết, được Maksim Gorky khuyên nhủ "đừng làm nhà khoa học nữa, trở thành nhà văn đi" và giúp ông dấn thân rồi thăng hoa trong sự nghiệp văn chương. Cũng chính là Grossman đó, người về sau bị thất sủng, chết vì ung thư chỉ 5 năm sau khi viết xong cuốn tiểu thuyết mà ông coi là quan trọng nhất đời mình.Bản thảo Cuộc đời và Số phận (*) (Жизнь и судьба, Life and Fate) cuốn thứ hai trong bộ đôi tiểu thuyết lịch sử kể về số phận gia đình nhà khoa học vật lý lý thuyết người Nga cùng những người liên quan trước và trong giai đoạn xảy ra trận chiến Stalingrad, với những biến chuyển tư tưởng và số phận người Do Thái dưới thời Đức quốc xã, từng bị tịch thu năm 1961 và khiến tác giả của nó cảm thấy như bị siết cổ trong bóng tối. Ngày nay, nó được coi là một trong những kiệt tác của văn chương thế giới, là Chiến tranh và Hòa bình của thế kỷ 20.Sinh năm 1905 ở Berdichev, một thành phố ở Ukraine, Vasily Grossman vào đời với công việc giám sát an toàn ở một hầm mỏ địa phương và giáo viên hóa ở học viện y tế. Ông xuất bản truyện ngắn đầu tay được giải thưởng và cuốn tiểu thuyết đầu tay về những người thợ mỏ Donbass khi mới ba mươi. Từ đó, con đường sự nghiệp của ông hanh thông khi được kết nạp vào Hội nhà văn Xô viết, có tác phẩm được đề cử giải thưởng Stalin.Bước ngoặt nào xảy ra để độc giả ngày nay có thể nhìn lại hai nửa cuộc đời gần như hoàn toàn trái ngược, một Grossman nhà văn của nhân dân và một Grossman người bị tước đoạt bản thảo? Niềm say mê với sự thật, khả năng phản tư mãnh liệt, kết hợp với sự quan sát và nhạy bén của một nhà báo chiến trường với hơn 1.000 ngày ở những nơi chiến tranh khốc liệt nhất như Stalingrad, và cả bi kịch cá nhân khủng khiếp khi mẹ ruột bị quân Đức bắn chết vì là người Do Thái khi bà kẹt lại ở Ukraine, phải chăng tất cả những điều này đã kết hợp để tạo nên một nhà văn có cái nhìn phản biện với những gì xảy ra ở nước Nga Xô viết một thời?Grossman chết trong đau khổ đinh ninh rằng tác phẩm quan trọng nhất đời mình đã vĩnh viễn mất cơ hội nhìn thấy ánh sáng. Nhưng văn chương có những cách sinh tồn và lan truyền thật kỳ lạ. Cuộc đời và Số phận có những chuyến chu du đầy hứng khởi. Những cuộn vi phim chụp tác phẩm này được mang ra nước ngoài, bản tiếng Nga đầu tiên được in vào năm 1980 ở Thụy Sĩ. Năm 1988 cuốn sách được in ở Liên Xô. Và từ rất sớm, quãng 1990, một nhà văn Việt Nam đã được bố mình là giáo sư Hoàng Tuệ trong chuyến công tác sang Pháp mua về một bản dịch và đêm đêm ngồi dịch miệng cho ông nghe."Từ sự phức tạp của thứ ánh sáng gồm những bước sóng khác nhau"Phần đầu của bộ hai cuốn tiểu thuyết này, Stalingrad, vốn được Grossman cho xuất bản dưới một tên khác, Vì chính nghĩa, vào năm 1950 ít được độc giả và nhà phê bình quốc tế chú ý. Nhưng có thể tìm thấy ở Stalingrad quan điểm nghệ thuật của Grossman, dùng nó để soi chiếu các tác phẩm của ông: nghệ thuật không chỉ là một tấm gương trong suốt có thể soi thấu đáy mọi thứ nằm dưới mặt nước, nó còn sinh ra từ sự ánh xạ, từ "sự phức tạp của thứ ánh sáng gồm những bước sóng khác nhau", một thứ "sức mạnh của tấm gương thiên văn hoàn hảo". Nghệ thuật đích thực phải bao quát được "sự bao la và phức tạp của sự hiện hữu của con người".Tác phẩm của Tolstoi đã trở thành gần như một thứ kinh thánh trong giai đoạn chiến tranh chống phát xít của Hồng quân. Tướng lĩnh đọc Tolstoi, Grossman cũng tâm sự ông không thể đọc được gì khác ngoài Tolstoi. Trong bài phát biểu tại Hội sách Franfurt khi bản dịch tiếng Đức của Cuộc đời và Số phận được xuất bản, nhà văn Vladimir Voinovich, người đã lén đưa những cuộn vi phim chụp bản thảo ra nước ngoài, đã dùng những lời ngợi khen mà triết gia - nhà phê bình Nikolay Strakhov dành cho tiểu thuyết của Tolstoi để tụng ca Cuộc đời và Số phận: "Hoành tráng và trang nhã làm sao! Hàng ngàn khuôn mặt, hàng ngàn cảnh tượng, mọi lĩnh vực có thể trong cả đời sống công cộng lẫn đời sống riêng tư, lịch sử, chiến tranh, mọi nỗi kinh hoàng có thể tìm thấy trên trái đất này, mọi cảm xúc đam mê, mọi khoảnh khắc trong đời người từ tiếng khóc chào đời của đứa trẻ sơ sinh cho đến cú bộc phát cảm xúc cuối cùng của người đang hấp hối, mọi niềm vui và nỗi buồn mà chúng ta có thể biết. Mọi trạng thái cảm xúc có thể của một tên trộm khi ăn cắp tiền từ đồng chí của mình cho đến những khái niệm mơ hồ cao cả nhất của linh hồn con người - tất cả những thứ đó đều có thể tìm thấy trong bức tranh này"."Thế kỷ chó săn nhảy chồm lên vai tôi"Điều tạo nên sự khác biệt cho Cuộc đời và Số phận, cũng là một cuốn tiểu thuyết dùng số phận của một gia đình để từ đó phản ánh số phận cả một dân tộc, có lẽ nằm ở sự khốc liệt của thời đại mà Grossman và các nhân vật của ông sống: một thế giới phi nhân tàn bạo.Cuốn tiểu thuyết bắt đầu từ hình ảnh sương mù sà thấp xuống một vùng những khu trại mênh mông và tiếng còi tàu rúc rền rĩ chở theo những khuôn mặt nhòa nhạt bên trong. Trại tập trung Đức, trại cải tạo, nhà tù, những toa tàu chở dân Do Thái đến buồng hơi ngạt, bên trong buồng hơi ngạt… hiếm có một cuốn tiểu thuyết nào lại có nhiều số phận con người diễn ra trong những không gian giam cầm và hủy diệt vô nhân đến thế. Ở những không gian tưởng tự do và dễ thở hơn như Viện khoa học ở Matxcơva, cơ quan làm việc ở Kuibyshev, nhà máy điện Stalingrad, các nhân vật lại di chuyển trong một sự bóp nghẹt khác với mọi hành vi và suy nghĩ.Bên cạnh cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại nơi sinh tử diễn ra hằng ngày của những người lính chiến đấu vì lòng yêu nước, là những dằn vặt tinh thần vừa sang cả vừa tủn mủn của giới tri thức Nga với "những hồ nghi, đa nhân cách, do dự", là những trang viết có khả năng sang chấn tinh thần về những giây phút cuối cùng của em bé David người Do Thái trên chuyến tàu diệt vong. Những nhân vật xuất hiện trang trước và số phận kết thúc ở trang sau. Những nhân vật xuất hiện ở một chương và từ đó mất hút. Những chiếc đinh đóng vào tai, những trận bom san phẳng cả căn nhà, những nghĩa trang tuyết phủ: cái chết hoặc những nơi chốn tệ hơn cái chết cùng với nỗi sợ bàng bạc khắp mọi nơi.Trong cái tận thế phi nhân tính ấy, trong những kiếp người "ửng hồng nỗi chết", con người đã trở nên tuân phục tuyệt đối. Sự khuất phục trước quyền lực tiết lộ cho chúng ta những nét kinh ngạc về đặc tính con người, cũng nhiều như về sức mạnh của chính quyền lực. Đứng trước thứ quyền lực có khả năng bóp nghẹt, tê liệt, thui chột, thiêu rụi, những gì còn lại của nhân tính, liệu ai có khả năng tự chất vấn mình, hay đồng loạt cố quên đi?"Luân lý ngoài hệ thống luân lý"Nhiều nhà phê bình đã chỉ ra sự tương đồng giữa Grossman và Chekhov, dù tác phẩm của Chekhov được viết trên một quy mô khác hẳn. Robert Chandler nhận xét về sự tế vi trong thấu hiểu các vấn đề đạo đức: "Các câu chuyện cá nhân riêng lẻ trong Cuộc đời và Số phận, thật ngạc nhiên thay, lại rất giống các truyện ngắn của Chekhov".Tác phẩm điêu khắc một người mẹ đau buồn và người con trai đã chết của bà tại quảng trường Bi thương trong quần thể di tích đồi MamayevTrong tác phẩm, Grossman để cho các nhân vật bày tỏ sự ngưỡng mộ công khai với Chekhov: chính Chekhov là người đã nói đến cái hạt nhân cá nhân: "Hãy bắt đầu từ con người; ta hãy tử tế và để tâm đến con người cá nhân… Hãy bắt đầu với sự tôn trọng, lòng trắc ẩn và tình yêu dành cho cá nhân - bằng không ta sẽ không bao giờ đến đâu cả".Trong một tác phẩm mà "không có một chân trời hay cứu rỗi nào cho loài người", lòng tốt vẫn tồn tại. Grossman để cho một nhân vật bị coi là loạn trí tên là Ikkonikov viết nên một thiên suy ngẫm về Thiện và Ác. Chính con người ấy đúc rút được cái hạt nhân nhỏ bé cứu vớt nhân loại: "Lịch sử loài người không phải cuộc đấu tranh của cái Thiện để chiến thắng cái Ác. Nó là trận đấu của một cái Ác khủng khiếp tìm cách nghiền nát một hạt nhân nhỏ bé lòng tốt con người".Nhà triết học Emmanuel Levinas, một người hâm mộ Cuộc đời và Số phận, gọi đây là "luân lý ngoài hệ thống luân lý". Đó là một bà già căm ghét người Đức nhưng khi thấy một anh lính khổ sở khi phải khiêng các xác chết ra khỏi hầm đã nhường cho anh ta mẩu bánh mì cuối cùng của bà. Đó là Sofya Osipovna Levinton, cô bác sĩ sẵn sàng từ bỏ mạng sống của mình để đi cùng và làm mẹ một em bé, trong giây phút ngắn ngủi trước khi cả hai bị đưa vào phòng hơi ngạt. Le lói, thầm thì, lẻ tẻ, Grossman gieo đâu đó một vài hạt giống về cái Thiện.Sau khi viết xong Cuộc đời và Số phận, Grossman viết thư cho một người bạn văn: "Tôi không thấy vui vẻ, hớn hở, rung động gì mà chỉ thấy một cảm giác lo âu và quan ngại sâu kín dù mơ hồ. Tôi có đúng chăng? Câu hỏi quan trọng đầu tiên, tôi có đúng trong mắt con người và vì thế trong mắt Chúa không? Thứ hai, với công việc viết văn, tôi đã làm tốt không? Và cuối cùng, cuốn sách của tôi sẽ ra sao, số phận nó sẽ ra sao? Nhưng vào ngay giây phút này, tôi cảm thấy rất rõ ràng đặc biệt rằng điều thứ ba, số phận cuốn sách này, đang rời khỏi tôi. Nó sẽ xảy ra mà không có tôi, và tôi không kiểm soát được. Thậm chí, tôi có thể không còn sống sót".Riêng điều thứ nhất và thứ hai, độc giả của Grossman sẽ giúp ông trả lời: có và có. ■(*) Bản dịch tiếng Việt của Thiên Nga, Nhà xuất bản Hội nhà văn và Nhã Nam, 2023. Trong quá trình sáng tác, khi được hỏi sẽ đặt tên gì cho tác phẩm này, ông trả lời: "Như truyền thống Nga dạy, tên tác phẩm của tôi sẽ bao gồm hai danh từ liên kết với nhau bằng một từ nối "và". Truyền thống Nga ấy hẳn phải có Tội ác và Hình phạt, Chiến tranh và Hòa bình, mà tác phẩm sau đã được Grossman lấy làm mẫu hình để viết tiểu thuyết của mình. Tags: Cuộc đời và số phậnV.GrossmanThế chiến haiVăn chương NgaTrại tập trung
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.
Lần đầu lộ diện, con gái tỉ phú Nguyễn Đăng Quang bỏ 600 tỉ mua cổ phiếu Masan BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Đăng ký mua 10 triệu cổ phần, song bà Nguyễn Yến Linh - con gái chủ tịch Tập đoàn Masan - chỉ mua được gần 8,5 triệu do "không đạt được thỏa thuận".