"Bệnh nghể nghiệp" nấp trong góc tối

BS ĐỖ MINH TUẤN 24/07/2012 20:07 GMT+7

TTCT - “Bệnh nghề nghiệp” chỉ những chứng bệnh mắc phải do tiếp xúc với các yếu tố độc hại hiện diện trong môi trường nghề nghiệp như nhóm bệnh bụi phổi, điếc nghề nghiệp, nhiễm hóa chất, truyền nhiễm…

Còn “yếu tố gia đình” thường dùng định danh những chứng bệnh có tính di truyền như tiểu đường, ung thư vú…

Phóng to

Những người làm việc văn phòng ít hoạt động thì rất dễ sinh bệnh - Ảnh chỉ mang tính minh họa

Thật ra, yếu tố “nghề nghiệp” và “gia đình” còn có những đòn ám muội khác đánh vào sức khỏe của nạn nhân mà không phải ai cũng nhận ra.

Ngồi một chỗ - nguồn bá bệnh

Có thể dẫn ngay nạn “ngồi một chỗ” của dân văn phòng làm bằng chứng. Không chỉ đầu têu loạt rắc rối thời đại như béo phì, tiểu đường, nạn “ngồi một chỗ” còn trời sinh một cặp với nạn lười… đại và tiểu tiện (ở một số nhà máy, người ta còn siết cả “hạn ngạch” và thời gian tối thiểu có mặt trong nhà vệ sinh của công nhân).

Từ lâu, các bác sĩ đã chỉ ra rằng: ém nhẹm nhu cầu bài tiết là kẻ cổ xúy nhất nhì của bệnh sỏi niệu (lượng nước tiểu/24 giờ giảm một nửa thì nguy cơ bị sỏi thận sẽ tăng lên gấp đôi). Áp lực túc trực trước dây chuyền sản xuất hay bàn làm việc còn dẫn đến hệ lụy ít uống nước - đòn bồi thêm cho nạn bế quan bài tiết.

Những người làm nghề đứng thường xuyên ngoài nắng có nguy cơ bị sỏi niệu (gốc canxi) cao hơn người đứng lâu trong bóng râm, bởi cơ thể họ có nguồn thu canxi cao hơn qua tác động của ánh nắng lên da (tăng tạo vitamin D). Người làm việc chân tay nặng, trong môi trường nóng bức làm mất nhiều nước qua mồ hôi cũng bất ngờ có tên trong danh sách nguy cơ sỏi niệu. Tất nhiên nếu đổ mồ hôi, uống ít nước, nhịn tiểu cùng lúc ra tay hội đồng thì nguy cơ của nạn nhân tăng gấp bội.

Vượng thời, cắp vặt thành thảo khấu

Một số yếu tố nghề nghiệp ban đầu còn lẻ tẻ, lành - hiền, ít bị điểm danh, nhưng dần theo mức phổ biến, chúng bắt đầu lộ mặt bất hảo. Đơn cử, nguy cơ “bệnh xã hội” vượng theo những người công tác trong các ngành nghề nhạy cảm. Cả với bệnh điếc nghề nghiệp trước chỉ khu trú trong các nhà máy, công trường, nay bắt đầu ăn nên làm ra trong các quán bar, vũ trường, nơi những chiếc loa thùng cỡ bự phát ra tiếng ồn đinh tai nhức óc.

Cơm văn phòng - kẻ “phá đám” đáng lo

Ngày nay, những căn bệnh thời đại như tim mạch, tiểu đường, béo phì, gút... đủ nanh vuốt khiến nhiều người phải tìm cách nói không với cơm hàng quán chợ để giành quyền kiểm soát hàm lượng muối, đường, béo trong suất ăn. Rõ ràng, với hầu hết dân công sở thì kế hoạch này bị… chọc thủng một lỗ to đùng bởi bữa trưa văn phòng. Không chỉ mất quyền kiểm soát nêm nếm, những bữa trưa chen giữa hai buổi làm việc còn khiến các thực khách công chức mắc lỗi trong ăn uống như ăn vội, uống nhanh, vừa ăn vừa buôn chuyện...

Bác sĩ có kinh nghiệm khi biết bệnh nhân mắc bệnh về chuyển hóa là dân cạo giấy thường cẩn thận nhắc nhở họ để mắt đến bữa ăn “mất chủ quyền” tại cơ quan, hàng quán vào trước giấc trưa, tránh làm bể kế hoạch kiểm soát ăn uống mà ông ta dày công kê đơn cho thân chủ.

Nguy cơ bệnh cũng có…tình thân

Như đã nói, nói đến “yếu tố gia đình” người ta thường nghĩ đến bàn tay của gen. Tuy nhiên, thực tế có những bệnh có tính “máu mủ ruột rà” trong gia đình nhưng không liên quan sự định đoạt từ gen. Đơn cử, người ta nhận thấy bệnh tiểu đường type 2 có tỉ lệ mắc ở những người chung mái nhà, đặc biệt là chung gian bếp, cả khi họ không cùng huyết thống là tương đối cao.

Thủ phạm: các nạn nhân cùng chia sẻ cách ăn uống, sinh hoạt có duyên nợ với bệnh đái tháo đường như nhau. Không khó nhận ra các loại bệnh gan liên quan đến rượu cũng có “yếu tố gia đình”. Chẳng hạn cha và con trai, qua sự ảnh hưởng nghiện rượu cha truyền con nối.

Có nhiều nguy cơ mờ nhạt mà nếu không truy nguyên kỹ, người ta khó tin rằng chúng có phần trong những vấn đề sức khỏe của các thành viên trong gia đình. Chẳng hạn, ở những tổ ấm thiếu gắn bó, chỉ thấy mặt nhau trong bữa cơm, sau đó mạnh ai nấy rút vào phòng riêng được trang bị tận răng tivi, máy tính thì xác suất nhiều thành viên cùng gặp vấn đề trầm uất khá cao. Tương tự với hiện tượng cận thị toàn gia từ chồng, vợ đến con cái, có khi cả… người giúp việc.

Bấy nhiêu không thể chỉ ra hết những đòn “sau lưng áo” của hai yếu tố “nghề nghiệp” và “gia đình”. Không lo, miễn là bạn xác định: sức khỏe vẫn có thể thọ thương bởi những viên đạn bắn tỉa nấp đâu đó trong góc tối văn phòng hay gia đình thì sớm muộn bạn cũng tìm ra chúng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận