Hội chứng “Burnout”: Đối diện cảm giác “sức tàn lực kiệt” ở chỗ làm

YÊN LAM 08/06/2019 23:06 GMT+7

TTCT - Cảm giác “sức tàn lực kiệt” ở chỗ làm, mất hết hứng thú với công việc là những triệu chứng của hội chứng cháy sạch (burnout syndrome). Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng đây mới chỉ là một tình trạng liên quan đến nghề nghiệp, chứ chưa phải là bệnh lý.

Nguồn: mindful.org
Nguồn: mindful.org

Định nghĩa của WHO về “cháy sạch” là lời nhắc nhở cho thấy môi trường làm việc trong cuộc sống hiện đại ngày càng căng thẳng, có thể dẫn đến nhiều hệ quả cho cả thể chất lẫn tâm thần, dù nó chưa được coi là bệnh lý như trầm cảm.

Bệnh hay không bệnh?

Chính WHO cũng lúng túng đến mức nhầm lẫn khi công bố phân loại hiện tượng này trong Bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 11 (ICD-11) vào ngày 28-5. Ban đầu, WHO cho rằng burnout là “tình trạng bệnh lý”, khiến nhiều hãng tin và báo chí quốc tế lập tức đưa tin theo kiểu “kiệt sức vì làm việc là một căn bệnh”.

Song ngay hôm sau (29-5), WHO đính chính, nhấn mạnh hội chứng cháy sạch chỉ là “hiện tượng mang tính nghề nghiệp”, một trong những yếu tố gây ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe, chứ không phải một loại bệnh. Động tác “nói lại cho rõ” này của WHO khiến nhiều báo đài đăng theo nội dung cũ bị “hố”.

WHO định nghĩa burnout là “hội chứng gây ra bởi căng thẳng mãn tính không kiểm soát được ở nơi làm việc”. Người mắc hội chứng này sẽ có các đặc điểm như sau: cảm thấy cạn kiệt năng lượng hay kiệt sức, cảm thấy ngày càng xa cách về mặt tinh thần - tức cảm thấy tiêu cực, hoài nghi - với công việc mình đang làm và cuối cùng là hiệu quả chuyên môn giảm sút.

Nghe có vẻ như ta có thể “cháy sạch” trong nhiều tình huống, chứ không chỉ trong công việc. Chẳng hạn như các bậc phụ huynh rã rời vì trông con, một bà nội trợ “hết pin” vì phải quán xuyến chuyện nhà cửa suốt ngày, các cặp vợ chồng “hết lửa” trong hôn nhân.

Tuy nhiên, WHO nhấn mạnh hội chứng cháy sạch là hiện tượng “chỉ liên quan đến việc làm và không nên được dùng để mô tả tình trạng (tương tự) trong các lĩnh vực đời sống khác”.

Việc WHO thêm hội chứng cháy sạch vào bảng phân loại bệnh có nghĩa là người mắc hội chứng này “có lý do để liên hệ với bác sĩ hay dịch vụ y tế”, ngay cả khi nó không phải bệnh hay tình trạng sức khỏe.

Công việc “đốt cháy” chúng ta

Trong danh sách ICD-10 được áp dụng từ năm 2016, “cháy sạch” được định nghĩa đơn giản là “tình trạng cạn kiệt sức sống” và xếp vào mục “Các vấn đề liên quan đến giải quyết khó khăn trong cuộc sống”.

Sau 3 năm, WHO xếp hội chứng này vào mục “Các vấn đề liên quan đến việc làm và tình trạng thất nghiệp”. Sự thay đổi này rất đáng chú ý, bởi nó cho thấy con người ngày càng dễ đối mặt căng thẳng và ảnh hưởng sức khỏe ngay tại chỗ làm.

Trên thực tế, WHO từ những năm gần đây rất quan tâm đến tác hại của việc làm lên sức khỏe con người. Năm 2017, tổ chức này lưu ý “môi trường làm việc tiêu cực có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe thể chất và tâm thần”.

Nguyên nhân có thể vì rất khó cân bằng giữa cuộc sống và công việc trong bối cảnh hiện nay, khi các tiến bộ công nghệ như làm việc qua mạng và giữ liên lạc qua các ứng dụng trên nền Internet khiến ta gần như không thể nào dứt mình khỏi công việc, dù là đã ra khỏi sở làm hay đang đi nghỉ mát, trừ khi ta không bao giờ mang điện thoại thông minh theo người.

Nguồn: thedigitalprojectmanager.com
Nguồn: thedigitalprojectmanager.com

Ảnh hưởng ra sao, đối mặt thế nào?

Ngoài việc đưa ra mô tả chung, WHO cũng không thông tin chi tiết hậu quả của “cháy sạch” là gì và người mắc hội chứng này phải đối mặt với nó ra sao. Vậy ta phải làm sao?

Có thể mô tả một người đã bị công việc “đốt cháy” như sau: sáng ngủ dậy không muốn đi làm, đến nơi thì vất vả lắm mới có thể bắt tay vào việc. Khi ở chỗ làm thì cáu kỉnh, cảm thấy công việc mình đang làm thật đáng ghét, ngoài ra còn buồn ngủ, mất tập trung.

Điều này dẫn đến người “cháy sạch” không thể làm việc nhóm được với đồng nghiệp, không suy nghĩ minh mẫn, thiếu sáng tạo nên không thể hoàn thành công việc được giao.

Theo Mayo Clinic, burnout không chỉ gây cảm giác chán chường và mệt mỏi. Nếu bị xem nhẹ, hội chứng này có thể dẫn đến những hậu quả đáng kể như căng thẳng quá mức, suy nhược, mất ngủ, dễ buồn bã, tức giận hoặc cáu kỉnh. Tệ hơn, người kiệt sức vì công việc có thể sẽ lạm dụng rượu hoặc chất gây nghiện và dễ mắc bệnh tim, tiểu đường tuýp 2 hay huyết áp cao.

Và vì “cháy sạch” không phải là bệnh nên không có cách chữa trị, mà chỉ có các khuyến nghị để tránh rơi vào tình trạng trên. WHO cho biết sẽ xây dựng bộ hướng dẫn, dựa trên các nghiên cứu khoa học với bằng chứng cụ thể, cách để người đi làm ổn định sức khỏe tâm thần trong công việc nhằm tránh “cháy sạch”.

Cho đến khi có hướng dẫn cụ thể từ WHO, Mayo Clinic khuyên nếu cảm thấy có các triệu chứng “cháy sạch”, đừng giữ những cảm giác muộn phiền mệt mỏi cho riêng mình mà nên tham vấn bác sĩ, chuyên gia tâm lý hoặc đồng nghiệp, người thân hay bạn bè để giãi bày nỗi lòng, giải tỏa tâm sự. Người cảm thấy kiệt sức vì công việc cũng có thể thử tập thể dục, vận động nhẹ hay tham gia thiền, yoga, cố gắng ngủ đúng, ngủ đủ.

Trong khi đó, chuyên gia tâm lý Shainna Ali nói với Đài NBC News chúng ta cần biết thương bản thân nhiều hơn khi đi làm, cố gắng xây dựng các mối quan hệ lành mạnh tại nơi làm việc, sử dụng giờ nghỉ hiệu quả bằng cách đi bộ hoặc tham gia các hoạt động giải trí.

Ali cũng cho rằng chính người sử dụng lao động cũng cần phải quan tâm đúng mực đến việc giữ cho môi trường làm việc của mình không khiến các nhân viên bị “cháy sạch”. ■

ICD là “sổ tay” tham khảo cho bác sĩ, chuyên gia y tế và tổ chức y khoa khắp thế giới, được WHO cập nhật dựa trên khuyến nghị của các chuyên gia toàn cầu. ICD-11 bắt đầu được áp dụng vào tháng 1-2022, còn có các thay đổi đáng chú ý như xem “rối loạn hành vi tình dục cưỡng chế”, vẫn thường được xem là “nghiện sex” là rối loạn tâm thần chứ không phải bệnh lý, công nhận nghiện chơi điện tử là một hình thức nghiện như đánh bạc hay ma túy.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận