Nghĩ gì từ những bài tự luận điểm 0...

TTCT - Báo Tuổi Trẻ ra ngày 27-7-2013 cho biết có “hàng ngàn bài thi điểm 0” trong kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua, tập trung vào môn toán và lịch sử. Các môn văn, địa lý cũng có điểm 0, và thống kê cho thấy những bài thi bị điểm 0 tập trung chủ yếu ở các môn tự luận.

Phóng to
Minh họa: Bích Khoa

Theo đánh giá chung, đề thi tuyển sinh đại học - cao đẳng năm nay mức độ đánh đố, lắt léo chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong toàn bộ đề. Đề thi vừa sức học sinh THPT từ trung bình - khá trở lên. Mà các em học sinh của chúng ta vừa qua một kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa bao lâu, tỉ lệ đậu tốt nghiệp năm học này cũng được đánh giá là có cao “nhẹ” hơn năm trước.

Vậy vì sao bước vào thi tuyển sinh đại học - cao đẳng, các em lại bộc lộ những lỗ hổng như thế? Là các giáo viên trực tiếp đứng lớp, chúng tôi thử làm một cuộc “trao đổi nội bộ” về những bài thi đáng buồn này.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Thảo - tổ trưởng tổ sử địa công dân, giáo viên sử Trường THCS NVT (Gò Vấp) - cho rằng có nhiều nguyên nhân chứ không chỉ từ phía học sinh.

Theo cô, phải xem lại quan điểm giáo dục. Hiện nay, người thầy được yêu cầu phải đổi mới cách dạy, phải phát huy tư duy sáng tạo của học sinh; học sinh được đòi hỏi phải năng động, tự chủ, phải tự phát hiện kiến thức, trong khi việc ra đề thi tỉ lệ “vùng điểm” dành cho sự sáng tạo là rất nhỏ, mà vùng dành cho việc “nhận định, trình bày” (nghĩa là dành cho việc học thuộc lòng) vẫn chiếm phần lớn.

Chính vì cách học chỉ phục vụ cho thi cử nên buộc người dạy và người học phải tập trung thời lượng cho việc hoàn thành cái gọi là “vùng an toàn”, còn lại mới có thể tung tẩy cho cái gọi là sáng tạo. Nhưng thử hỏi có bao nhiêu thầy cô tìm ra thời gian cho việc tung tẩy này, khi khối lượng kiến thức đã ngốn hết thời gian?

Chia sẻ quan điểm trên, thầy Bùi Thế Vinh - giáo viên toán - bổ sung: “Dư luận gần đây lên án việc Bộ GD-ĐT “cắt thi đua” của một số tỉnh thành có tỉ lệ tốt nghiệp THPT “cao” hơn năm trước, nhưng nhìn vào kết quả bài thi đại học năm nay ở khối A mới hiểu vì sao bộ lại đi đến quyết định thoạt trông có vẻ “khôi hài” này.

Vì sao chúng tôi nói như vậy? Học sinh chọn thi khối A, nghĩa là các em biết chắc toán phải là môn bắt buộc có trong ba môn thi. Đề thi năm nay theo tôi không quá sức, vậy việc các em bị điểm 0 toán tức khả năng học tập của các em có vấn đề. Có vấn đề mà vẫn “qua” được kỳ thi tốt nghiệp THPT thì rõ ràng là phải kiểm tra lại.

Chúng tôi cũng đồng tình với nhận định không chỉ xem lại chất lượng học tập của học sinh, mà cần xem lại luôn cách học chỉ hướng đến thi cử bằng mọi giá. Chưa kể xã hội đánh giá người thầy không căn cứ vào việc anh đã đào tạo ra những người hữu dụng như thế nào cho xã hội, mà chỉ nhắm vào kết quả học sinh anh được bao nhiêu điểm trong các kỳ thi, buộc những người thầy trước hết phải đảm bảo an toàn nhất định cho danh dự của mình”.

Cô giáo văn Vũ Thị Tuyết Dung ray rứt: “Trong những tiết dạy văn, khi bình giảng những tác phẩm văn học, chúng tôi bao giờ cũng cố gắng rèn cho các em kỹ năng phân tích, tổng hợp, dạy từ phương pháp tích hợp cho đến khái quát, nhưng quả thật số học sinh có thể đi theo “hướng mở” này của giáo viên... rất ít. Bởi đa số các em đã quen cách học vẹt, học theo khuôn mẫu.

Ví dụ: khi dạy về nhà thơ Phạm Tiến Duật, các em chỉ học một tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính, trong tác phẩm này lại có những đoạn thơ gọi là trọng tâm. Phần văn học sử giúp các em hiểu về hoàn cảnh lịch sử của tác giả, từ đó hình thành nên quan điểm sáng tác, bút pháp của ông lại không được phân nhiều thời gian.

Do đó chỉ cần đề thi chọn một, hai khổ thơ nằm lệch trọng tâm thầy cô đã dạy, hay phân tích các tác phẩm khác nhưng cũng của Phạm Tiến Duật thì lập tức các em rơi vào “vùng trắng”. Hoặc môn ngữ pháp, thay vì nhận ra phép tu từ trước rồi mới đưa vào áp dụng tìm ra sự hiện diện của nó ở từng từ, từng ngữ cảnh cụ thể thì các em đi theo hướng ngược lại, học từ nào biết từ đó thôi, cho nên...”.

Các nguyên nhân mà những người đứng lớp chúng tôi “phát hiện” có mới không? Xin thưa: đã cũ. Các bài thi có tính tự luận bị điểm 0 sau mỗi mùa tuyển sinh có phải là cá biệt không? Xin thưa: đã là thường lệ.

Tôi xin mượn một đoạn trích của giáo sư Cao Huy Thuần như lời đánh động cho tất cả chúng ta: “Việc người thầy làm không phải là truyền đạt cái gì đang có trong đầu mình qua đầu đứa bé, mà phải quan tâm trước hết đến cái gì đang diễn ra trong đầu nó để giúp nó hiểu hơn bằng lập luận chứ không phải bằng quyền uy: giáo dục là một cuộc trao đổi giữa hai chủ thể... giáo dục... nếu giáo dục chỉ đơn thuần là quyền uy và ban phát một chiều, nhà trường có nguy cơ biến thành một cái chuồng vẹt tuyệt hảo... (*)”.

____________

(*): Trích Đi một ngày đàng trong tập tản văn Chuyện trò - Cao Huy Thuần.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận