Song hành cùng con

TS LÊ THANH HẢI 18/07/2012 01:07 GMT+7

TTCT - Khép lại câu chuyện “Bọn trẻ sẽ dắt ta đi?” do tiến sĩ Lê Thanh Hải đặt ra cũng chính là bài viết của tác giả, một chuyên gia xã hội học, về những kinh nghiệm để các bậc cha mẹ có thể vừa dẫn dắt con vừa chuẩn bị để sau này con cái có thể quay lại dắt bước mẹ cha.

Như bài viết trước của tiến sĩ Lê Vinh Quốc đã phân tích, xã hội hậu hiện đại phá vỡ chuẩn mực truyền thống của chủ nghĩa kinh nghiệm. 

Trước “cú sốc tương lai” do “làn sóng thứ ba” mang tới - như khái niệm nổi tiếng được Alvin Toffler đưa ra trong hai quyển sách cùng tên, NXB Bantam lần lượt xuất bản năm 1970 và 1980 - thế hệ bố mẹ và thế hệ con cái cùng đứng chung trước một vạch xuất phát. 

Các vị phụ huynh không chỉ phải tự xoay xở để song hành với con mà còn có trách nhiệm dìu dắt con từ những mét đường đầu tiên. Và nhiệm vụ cực khó cho bạn là dắt con đi nhưng không được bắt con đi theo kinh nghiệm của mình - giờ đây rất có thể đã lạc hậu và có hại cho tương lai của con - mà phải chuẩn bị cho con biết tự lập và sau này còn quay lại dắt tay bạn hướng dẫn đi tiếp.

Dạy con khôn

Nhiều khả năng bạn sẽ hướng đứa bé thành “con ngoan, trò giỏi”, vâng lời cha mẹ, làm đúng theo lời dạy của thầy cô, biết phân biệt và tuân theo thang bậc xã hội, luôn phục tùng anh chị, cô dì, chú bác, ông bà... nhưng không được tạo điều kiện để phát triển trí thông minh và tinh thần sáng tạo.

 Chọn một trong hai hay tìm cách phối hợp để con vừa ngoan vừa khôn là chuyện bạn phải tự cân nhắc.

Điều này có lẽ rất nhiều người trong số chúng ta chưa từng được học từ bố mẹ của mình hay thời gian học phổ thông và đại học.

Nhưng bạn sẽ không đơn độc trong quá trình học hỏi kinh nghiệm để giúp con, vì các bậc phụ huynh khác nếu lo cho tương lai con cái cũng đều như vậy, và bạn còn được trợ giúp từ các tài liệu trên mạng hay sách báo trên thị trường. 

Để lại ấn tượng trong tôi rất lâu là bài học về cách nhận biết những dấu hiệu bộ não của trẻ đang suy nghĩ điều gì qua những hành động của trẻ.

Ví dụ, có lúc bỗng nhiên trẻ thích nhảy trên đệm lò xo thì hành động đó không nhất thiết là phá phách, chỉ đơn giản vì trẻ bỗng nhiên nhận thức được khi nhảy lên rơi xuống thì tầm nhìn của mình sẽ cao thấp khác nhau, biết phân biệt độ cao.

Tương tự, khi đổ đồ chơi từ trong thùng tràn lan ra nhà thì không hẳn là do trẻ nghịch ngợm muốn bố mẹ dọn, mà đơn giản vì phát hiện đâu là bên trong và đâu là bên ngoài.

Hay việc ném vật dụng hoặc thức ăn liên quan đến cảm nhận xa gần, đánh tay đá chân vào người khác liên quan đến cảm nhận va chạm và lực phản hồi...

Có rất nhiều hành động như vậy đã được các nhà tâm lý học chuyên về trẻ em nghiên cứu hệ thống hóa các nhóm hành động liên quan đến những quá trình nhận thức khác nhau.

 Cha mẹ muốn con thông minh sẽ biết cần khuyến khích con tìm hiểu khám phá thế giới xung quanh theo con đường nhận thức đó. Bạn có thể hướng cho con sớm thành con khôn, trò ham học hỏi bằng cách rất đơn giản là khuyến khích trẻ lựa chọn từ khi còn rất bé. 

Lúc trẻ còn nằm trong nôi, chúng ta đã có thể khuyến khích trẻ lựa chọn bằng cách khi đưa đồ chơi thì chịu khó cầm hai món đồ chơi khác nhau để bé chọn một trong hai.

Chọn lựa chính là cách để trẻ phân biệt thế giới xung quanh: cái này màu xanh, cái kia màu đỏ; đây là con mèo, kia là con chó; món đồ này có bài nhạc sôi động, món đồ kia có bài nhạc tình cảm...

Khi phải phân biệt giữa hai món đồ vật đơn giản cũng là lúc não trẻ hoạt động và hệ thống nhị phân - chọn một trong hai - luôn phổ biến trong cuộc sống của chúng ta: tốt - xấu, trên - dưới, trái - phải, trong - ngoài, sáng - tối, ngày - đêm, trai - gái...

Khuyến khích trẻ chọn lựa từ khi mới 6 tháng tuổi là ta đã giúp trẻ sớm nhận biết thế giới xung quanh hơn bạn đồng lứa rất nhiều.

Khi đứng trước một vấn đề, thay vì ngay lập tức bảo con làm theo ý mình - tạo ra tính ỷ lại, bạn có thể cùng con phân tích và đưa ra hai giải pháp rồi chọn lựa giữa hai giải pháp đó - không chỉ giúp con thông minh mà còn tạo tính độc lập trong tư duy, rất cần thiết cho cuộc sống sau này.

Chuyện lựa chọn có thể áp dụng bất kỳ nơi đâu, ví dụ khi vào nhà hàng đọc thực đơn chọn món ăn. Thay vì bắt con phải ăn món mình thích thì ta có thể cùng con nghiên cứu xem chọn món nào trong phần thực đơn dành cho trẻ em, và cân nhắc tại sao chọn món này bỏ món kia. 

Đặc biệt, khi đã để con lựa chọn thì chúng ta cũng đã tự động chấp nhận mô hình dân chủ giữa cha mẹ với con cái trong gia đình, và phải tuân theo quyết định của con. Tất nhiên vẫn có cách để con chọn lựa theo hướng chúng ta thích, nhưng đó lại là một câu chuyện khác.

“Ông Tây đi thẳng”

Đã nhắc đến chuyện dạy con từ thuở còn thơ thì cũng cần bàn kỹ hơn về nhu cầu dạy con khôn hay con ngoan là quan trọng hơn, cũng là một cách để nhìn lại mình.

Sau gần mười năm nghiên cứu trẻ em Việt Nam, tiến sĩ Helle Rudstrom (nay là phó giáo sư hai khoa giới tính và nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Lund của Thụy Điển, trang nhà ở địa chỉ lu.se/o.o.i.s/23624) đã in quyển sách phát triển từ luận văn tiến sĩ có tựa đề Đậm đà đạo đức: Lớn lên nơi miền quê Bắc Việt (Embodying morality: growing up in rural Northern Vietnam, NXB Đại học Hawaii xuất bản năm 2003), mà hình ảnh ấn tượng nhất ngay đầu sách là cảnh mỗi buổi sáng trong một ngôi làng ở ngoại thành Hà Nội, các bà các cô dắt con dắt cháu đi vòng quanh và tập cho các em biết chào ông, chào bà, chào anh, chào chị, chào cô, chào chú.

Trong một câu chuyện về anh bạn đồng nghiệp người Hà Lan mà nay đã là giáo sư John Kleinen, tôi từng được nghe giải thích về biệt danh “ông Tây đi thẳng” của anh. Số là vì trong thời gian sống cùng với người dân trong một ngôi làng ở ngoại ô Hà Nội, sáng nào ra đường anh cũng gặp những người nông dân Việt Nam vui vẻ chào hỏi “ông Tây đi đâu đấy”.

Sau một thời gian lúng túng không biết trả lời thế nào và cũng thật sự đang không biết đi đâu, anh trả lời “ông Tây đi thẳng”, không rẽ phải cũng chẳng quẹo trái.

Hai câu chuyện vừa kể có cùng một góc nhìn vào văn hóa Việt Nam, cho phép chúng ta tự hiểu cuộc sống của mình và thói quen đã được gia đình tạo lập, cũng như cách dạy con thừa hưởng từ truyền thống.

Có lẽ cũng nên tìm hiểu một chút về trí thông minh. Nhiều người tin rằng đó là do gen hay tự nhiên có nhưng không ít nhà giáo dục nghĩ rằng đây là điều có thể đào tạo được và do môi trường gia đình. 

Ta có thể khảo sát các bài kiểm tra IQ để hiểu người ta định nghĩa thế nào về trí thông minh, và thấy đây là khái niệm mô tả khả năng của trẻ biết cách nhận biết vấn đề và đưa ra giải pháp hợp lý. Như vậy mấu chốt ở đây là nhận thức và giải pháp, mà nhờ quá trình lặp đi lặp lại các bài tập lựa chọn mà ta giúp trẻ hình thành tư duy theo mô hình thông minh đó.

Để người trẻ tự đưa ra quyết định

Sự độc lập của người trưởng thành không đơn giản là được thoát khỏi sự kiểm soát của cha mẹ, mà chính là khả năng tự đưa ra quyết định cho những vấn đề lớn của cuộc sống và phát triển bản thân trong khi vẫn duy trì mối quan hệ với những người mình yêu quý, theo một nghiên cứu của Bakkon và Brown năm 2010.

Theo nghiên cứu này, những tín hiệu từ cha mẹ khiến bạn trẻ nhận ra rằng có sự khác biệt rất lớn giữa cha mẹ và con cái trong cách nhìn nhận về cuộc sống. Ví dụ, cha mẹ có thể không thấy việc giao du với bạn bè có ích bằng tập trung học hành hay ở nhà giúp đỡ gia đình. Vì thế, rất nhiều bạn trẻ đứng trước lựa chọn: tiết lộ một phần hay toàn bộ những cuộc vui mà họ tham gia.

Chẳng hạn khi một cô gái tuổi 15 xin phép được đi chơi phố với bạn cùng lớp, em có thể sẽ nói về thời gian, địa điểm, nếu về trễ em sẽ gọi điện xin phép, nhưng sẽ không nói rõ có những hoạt động gì và liệu trong nhóm bạn đó có bạn trai của em hay không.

Rõ ràng, các bạn trẻ không chọn cách nói dối vì sẽ đánh mất niềm tin nếu cha mẹ phát hiện. Tuy nhiên, nếu tiết lộ chi tiết mọi hoạt động trong cuộc sống cá nhân, bạn trẻ ấy có thể sẽ rơi vào tranh cãi không dứt giữa đáp ứng những kỳ vọng của cha mẹ và bảo vệ sở thích hay niềm vui được tụ tập bên nhóm bạn bè.

Chọn giải pháp chỉ nói úp mở, bạn trẻ có thể an tâm khi không tạo sự lo lắng hay cấm cản từ cha mẹ vì họ không có đủ thông tin để “đưa ra mệnh lệnh”, nhưng khiến cả hai phía hoàn toàn không hiểu về nhau.

Chiến lược đối phó này chứng tỏ cha mẹ không theo kịp những biến đổi của tuổi vị thành niên - thanh niên. Hiểu con không chỉ đơn giản là trò chuyện, lấy thông tin một chiều từ trẻ. Cha mẹ ngày nay phải tích cực tìm hiểu nhiều nguồn khác nhau, có thể là sách báo, hay bạn bè, người thân thiết của con.

Đây không phải là việc “theo đuôi” con cái, mà thể hiện nỗ lực muốn đồng hành cùng con trước những khó khăn của lứa tuổi mới. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này phải dựa trên sự tôn trọng, chia sẻ và tin tưởng, bởi có như thế cha mẹ mới cho phép con cái được tự quyết định và dần trưởng thành.

_________

Tin bài liên quan:

Hãy sánh bước cùng con“Cùng nhau tìm kiếm bản sắc" - cuộc chạy đua vô vọng? Theo chứ không bị dắtBọn trẻ sẽ dắt ta đi? Ba má không hiểu nhiều thứ lắm...Ta dắt chúng và chúng dắt ta.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận