Theo dấu chân tê giác Việt Nam

KHỔNG LOAN - CẢNH TOÀN 22/06/2010 08:06 GMT+7

TTCT - “Tôi cùng các cộng sự đã rất thất vọng và giận dữ khi nghe tin đó” - Sarah Brook đau buồn nói khi hay tin bộ xương con tê giác một sừng được tìm thấy ở vườn quốc gia Cát Tiên giữa tháng 5-2010. Chị và các chuyên gia Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) vừa từ đó trở về sau cuộc tìm kiếm dấu vết của loài động vật quý hiếm này với mong muốn có đủ dữ liệu để lên kế hoạch bảo vệ chúng. TTCT ghi lại cuộc tìm kiếm của họ.

Dấu chân tê giác được tìm thấy

Đã hai tháng kể từ khi vợ chồng Sarah Brook và Simon Mahood tạm biệt vườn quốc gia Cát Tiên (nằm trên địa bàn Lâm Đồng) và dành thời gian nhiều hơn để tìm hiểu về loài sao la, câu chuyện về hành trình tìm kiếm dấu vết tê giác VN vẫn chưa hề phai nhạt trong tâm trí họ.

Từ dấu chân đến bãi phân

Loài tê giác hiếm hoi nay chỉ còn khoảng 60 cá thể trên toàn hành tinh. Người ta ước tính chỉ có khoảng 50 con tê giác ở đảo Java, Indonesia. Theo WWF VN năm 2007, ở VN còn không nhiều hơn tám con tê giác, nhưng nay thì không ai biết ở vườn Cát Tiên còn bao nhiêu con đang sống. 

“Thời gian trôi qua, chúng tôi càng hiểu rõ sự tồn tại mong manh của loài tê giác. Có lúc chúng tôi cảm giác thật đặc biệt nếu bất kỳ con tê giác nào còn luẩn quẩn ở đây. Dân số ngày càng đông hơn xung quanh khu vực bảo tồn, dấu hiệu của con người thường xuyên nhiều hơn dấu hiệu của tê giác hay bất kỳ loài nào khác của thế giới hoang dã”.

Đó là trích đoạn trên blog của vợ chồng Sarah và Simon ngày 25-4, bài viết cuối cùng về hành trình tìm kiếm dấu vết tê giác của họ. Hơn hai tuần sau, ngày 12-5, truyền thông VN đưa tin người dân tìm thấy xác loài tê giác có tên trong Sách đỏ tại nơi họ vừa rời khỏi. 

Bộ xương thu được tại hiện trường nặng tới 52,5kg. WWF VN nhận định sự việc báo hiệu tình trạng “thảm khốc” đối với loài động vật có vú lớn quý hiếm nhất trên thế giới và kêu gọi Chính phủ VN tiến hành điều tra toàn diện.

Simon và Sarah đã làm công việc cập nhật cho thế giới biết về quá trình lặn lội trong rừng để giúp cộng đồng hiểu hơn về loài động vật đang gặp nguy cơ tuyệt chủng trên blog ở địa chỉ http://rhinomania.blogspot.com/, tạm hiểu là “Điên cuồng vì tê giác”. 

Hành trình đến với Cát Tiên của hai nhà khoa học Mỹ bắt đầu từ giữa tháng 10-2009, sau khi họ đã ở Hà Nội được bốn tháng và làm việc cho WWF. Họ bắt đầu tìm kiếm dấu vết loài tê giác theo dự án của WWF VN, với mong muốn có được những hiểu biết cơ bản về loài tê giác VN. Họ cùng làm việc với các cộng sự VN và hai chú chó nghiệp vụ tên Chevy và Pepper của Trung tâm bảo tồn Sồi Trắng (White Oaks Center, Mỹ) đã được huấn luyện để đánh hơi mùi phân của loài tê giác. 

Ngày đầu tiên 25-10-2009, nhóm nhân viên kỹ thuật của vườn quốc gia cầm theo ba mẫu phân tê giác đông lạnh, cùng các nhà khoa học chia ra nhiều nhóm nhỏ đi vào rừng để huấn luyện các chú chó.

Sarah và Simon dẫn chó Chevy và Pepper vào rừng cùng hai nhân viên kiểm lâm, khảo sát dọc bãi bùn gần ngôi làng họ ở. Dù không đi băng qua vũng bùn quá sâu nhưng họ đã tìm thấy những dấu chân tê giác trên bãi cỏ ven đó. Nhân viên kiểm lâm đoán những dấu chân đã ở đó được khoảng một tuần. Lần thứ hai trở lại rừng trong đợt huấn luyện, họ đã tìm thấy dấu vết tuyệt vời hơn: phân tê giác!

Đống phân tê giác còn tươi

Những dấu vết do tê giác tạo ra

Đoàn khảo sát chia thành hai nhóm và hẹn dùng bữa trưa tại một đầm lầy rất đẹp. Nhóm của Simon đi dọc một con suối và trèo lên đỉnh đồi hướng về phía nam để dẫn ra đầm lầy. Ở đây Simon tìm thấy một bãi phân ước chừng đã được ba tuần. Còn Sarah và nhóm của cô leo lên con dốc và vòng qua sườn núi để có thể tiến vào gần các bãi đầm lầy. Đường mòn dẫn lối qua đây dày đặc bụi tre và cây mây. 

Ông Bạch Thanh Hải, phó trưởng phòng kỹ thuật ở vườn Cát Tiên, nói rằng tê giác thường ăn những món đó. Chúng là loài “ăn chay”, đặc biệt thích các bộ phận của cây như chồi, lá non, cành con và quả chín. Trên đường về, họ tìm thấy bốn bãi phân khác đã 2-3 tuần. Ông Hải thậm chí còn tìm thấy một cái ổ được cho là nơi ngủ của một con tê giác. “Thật là thú vị” - Simon nghĩ.

Hành trình tìm kiếm chính thức bắt đầu ngày 10-11-2009. Địa điểm khảo sát được chỉ định phần lớn là đầm lầy vì loài tê giác vốn rất thích đầm mình vào bùn. Các thành viên trong đoàn nhìn thấy cả một vệt bùn dài do bụng của con tê giác tạo ra khi chúng trồi từ đầm lầy để đi vào rừng. 

Người ta không tìm thấy dấu vết nào trên các lối đi do các con tê giác tạo ra khi di chuyển. Điều này cùng với độ vẩn đục của hồ nước nơi tê giác đầm mình giúp các nhà khoa học nhận ra rằng tê giác từng quanh quẩn ở đây. Đoàn đã tìm thấy những vết bùn bắn lên cả lá cọ, vón thành cục và vẫn còn khá ẩm. 

Sau đó, nhóm của Sarah tìm được hai bãi phân đã khá cũ. “Chúng tôi đã có bốn đêm ở trong khu rừng nhiệt đới tuyệt đẹp”. Có đêm, đoàn còn nghe thấy tiếng động từ vài con bò tót đang tiến về bãi tre gần chỗ cắm trại của mình, nhưng chúng đã bỏ đi ngay sau khi nhận ra dấu vết con người.

Một tuần kể từ khi bắt đầu chính thức tìm kiếm, họ thông báo trên blog đã tìm thấy tám bãi phân, ít nhất đã có trước đó vài tuần và một số gần như phân hủy hoàn toàn. Trên đường về từ đỉnh đồi xuống hồ nước, Simon tìm thấy khá nhiều dấu vết tê giác. Đoàn lần theo dấu chân tê giác dọc khu đồi và tìm thấy sáu bãi phân khác. 

Giữa tháng 12-2009, Simon và Sarah tìm thấy một số bãi phân tươi ở một khu đầm lầy rộng lớn mà tê giác thường đến ngâm mình! Phát hiện này mang lại cảm giác thích thú cho cả nhóm. Sarah và nhóm của cô tìm thấy dấu chân tê giác đầu tiên, thậm chí cả một đường mòn mà con tê giác đã lê từ bãi đầm lầy lên đồi. 

Dấu bùn ẩm ướt trên các lá tre cho thấy chúng chỉ mới rời đi. Mọi người cũng tìm thấy dấu bùn bắn lên các cây dương xỉ ở gần con suối nhỏ. Bên rặng mây gần đó, chó Chevy phát hiện hai bãi phân khô. Như vậy, đã có 19 bãi phân tê giác được tìm thấy trong giai đoạn đầu tiên của cuộc khảo sát.

Giai đoạn hai của hành trình, Sarah và chú chó Bruiser vừa mới tham gia đoàn khảo sát đã tìm thấy một mẫu phân trong rặng tre. “Con tê giác đã đá tung vào bãi phân sau khi ị” - đoạn viết ngày 27-2-2010 trên blog. Loài tê giác có tuyến mùi ở chân và hành động trên được xem như chúng đang phân tán mùi hương của mình. 

Mặc dù điều này đã được ghi nhận ở tất cả những loài tê giác khác, nhưng đây là lần đầu tiên Sarah và Simon biết rằng tê giác VN có hành động tương tự. Vậy còn những bãi phân nguyên vẹn tìm thấy trước đó thì sao? Có vẻ như chỉ một vài con tê giác biết làm điều này, hoặc thỉnh thoảng chúng “tỏa hương” như thế! 

“Càng thu thập được những thông tin nhỏ lẻ về tê giác, chúng tôi càng nhận ra mình biết rất ít về loài vật này” - Sarah và Simon viết.


Ảnh: WWF

Simon Mahood tham gia hành trình tìm dấu vết tê giác ở vườn quốc gia Cát Tiên ngay sau khi trở thành nhân viên WWF VN được vài ngày. Trước đó, anh làm việc ở nhiều khu vực khác nhau như những khu đầm lầy ở Uganda, khu rừng gai ở Madagascar, rừng nhiệt đới ở Brazil và Peru. Trước khi làm việc cho WWF, anh là cố vấn bảo tồn của Tổ chức BirdLife ở Đông Dương (chuyên bảo tồn các loài chim, môi trường sống của chúng và sự đa dạng sinh thái).


Ảnh: WWF

Sarah Brook là chuyên viên về loài thuộc Chương trình quốc gia VN của WWF. Trước khi đến VN, cô đã làm việc ở Hà Nội sáu tháng cho Hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS). Đây là lần đầu tiên cô làm việc ở châu Á. Trước đó, cô làm việc trong ngành bảo tồn ở Anh.


Kết thúc chuyến khảo sát, Sarah và Simon thu được 22 mẫu phân để gửi đi xét nghiệm ADN. Nhưng còn dấu vết của tê giác...?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận