Tôi đi chích ngừa

HỮU NGHỊ 15/08/2021 17:00 GMT+7

TTCT - “Chích rồi chưa?” là câu chào hỏi từ hai, ba tháng nay qua điện thoại. Thoạt đầu, khi còn hiếm hoi những trường hợp được chích, câu hỏi này có khi gây bất bình do bị cho là mang ý nghĩa “chảnh”. Giờ đây, qua tuần thứ nhì của tháng 8, hàng triệu dân TP.HCM đã “chích rồi”, dù một số người, gồm cả người nước ngoài, chưa được chích vì lý do “lên bệnh viện chích”, như một cái “án treo” trong lòng.

Trong suốt mấy tháng, “được chích” đã là một ước ao hầu như viễn vọng ngay cả khi đã có những lô vaccine đầu tiên tới Việt Nam từ tháng 4. 

Những câu chuyện về chị người mẫu này, cô chân dài kia... hãnh diện khoe đã chích “à la carte” (gọi món) chớ không thèm chích theo kiểu “set menu” (thực đơn có sẵn thường là “nhất món”) rộ lên như một trào lưu, thậm chí cả em ca sĩ “vô danh thị” chỗ tôi ở cũng hào hứng post biên nhận chích ngừa lên khoe cho bằng chị bằng em..., càng làm cho thấm thía cái phận “làm chủ không tầy làm tớ”! 

 
 Người dân tham gia tự tổ chức chích ngừa ở chung cư Hoàng Anh Thanh Bình, quận 7, TP.HCM. Ảnh: Danh Đức

 Từ những mũi vaccine đầu tiên

Phải tới đợt chích cho một số công nhân viên gần cuối tháng 6, chuyện chích ngừa mới biến thành một khả năng có thể trở thành hiện thực đại trà, dù bản thân mình chưa tới phiên. Nghĩa là vaccine đã về tới Việt Nam, phải nói, với tôi, đó là một quãng thời gian dài không tránh khỏi cảnh “than thân trách phận”.

So với xếp hàng xét nghiệm thì xếp hàng chích vaccine hữu lý hơn nhiều. Với từng cá nhân người dân, xét nghiệm cho biết “5 ăn, 5 thua”, song mấy ngày sau lại như cũ, chẳng giải quyết được gì. 

Một ngoại kiều nghiêm túc test định kỳ đã rất khắc kỷ tâm sự trên Facebook của kiều dân nước đó: “Test tại Hiệp Bình Chánh ngày hôm nay. Riêng tôi, đây là lần test thứ 8 trong 6 tháng qua. Tự hào vì đã làm tròn nghĩa vụ, nhưng cũng có một cảm giác không tả được là cứ giậm chân tại chỗ...”.

Test vẫn là giậm chân tại chỗ, còn chích ngừa mới chính là đóng cửa vào mặt con ác quỷ corona kia, mũi đầu là đóng nửa cánh, mũi thứ nhì sẽ là đóng cả hai cánh - tạm tin vậy đi, hy vọng để sống. 

Thành ra, có phải chịu cảnh “ngồi đồng” trong Nhà thi đấu Phú Thọ (TP.HCM) cũng ráng. Ráng che mặt che mũi, che mắt, thậm chí che toàn thân, ngồi đợi tới phiên được giải cứu!

Hai đứa cháu gọi tôi bằng chú, công nhân viên một nhà in, đã chia sẻ hạnh phúc đó. Mũi thứ nhì sẽ là rất cần thiết, không có sẽ không được đâu, sẽ như công cốc, song mọi ấn tượng như nụ hôn đầu đời, chính là với mũi chích thứ nhất này. 

Mới đó mà tuần này hai đứa cũng đã được gọi đi chích mũi thứ nhì. An tâm biết bao khi nhìn đứa con gái lên 7 của gia đình tụi nó. Khó khăn nhà in sắp đóng cửa, giới nghiêm không đi chạy việc thêm, cũng không sao, miễn là còn hơi thở!

Những lo lắng ngóng trông

Một anh bạn học hồi nhỏ của tôi, vợ mất hồi sau tết, giờ thui thủi ở một huyện ngoại thành, cứ mấy ngày là gọi điện thoại. Ban đầu hỏi “Việt Nam có chính sách chích không?” - anh là ngoại kiều hồi hương, mở nhà máy, sau này tới tuổi bỏ việc kinh doanh, cùng vợ ở lại đây. 

Sau khi đã nghe có chính sách chích ngừa đầu tháng 5, đã yên tâm hơn, song vẫn cứ hỏi: “Sao không thấy gì hết?”. 

Khuyên anh liên lạc tổng lãnh sự, anh bạn ngao ngán trả lời: “Lãnh sự danh dự thôi á. Nên không làm gì hết”. Bảo anh đăng ký nào là Blue Zone, rồi Sổ sức khỏe điện tử..., hầm bà lằng ba bốn phần mềm đặng đăng ký chích ngừa như người Việt, vậy mà vẫn lâu lâu hỏi: “Trên Sài Gòn chích chưa?”.

Phải nói là người Việt bản xứ lo một thì người ngoại quốc lo mười. Có nước phái bộ ngoại giao lớn, tổ chức chích cho công dân của mình. 

Một kiều dân nước khác, cũng châu Âu nhưng “nhỏ” hơn, từ một tỉnh miền Trung, than thân trách phận: “Chưa dự kiến được gì bây giờ. Vaccine đang dành cho vài thành phố lớn. Và nước của mình thì biểu mình đi tới đó chích. Tôi yêu nước tôi, nhưng phải nói rằng thiệt là thất vọng với nước tôi!”.

Người Việt có mối lo của người Việt. Nhất là những ai không thuộc một công ty hay tổ chức nào để được chích riêng và trước. 

Mấy tháng trước, khi dịch chưa bùng nổ, một bạn học cũ sống trên cao nguyên khoe: “Mình được đăng ký chích ngừa trong lớp trên 65 [tuổi]. Dưới thành phố đăng ký chưa?”. 

Phải nhìn nhận là Việt Nam có những phân hạng ưu tiên không giống thế giới lắm liên quan đến lớp trên 65 tuổi này, cũng là lớp của tôi. Thoạt kỳ thủy là ưu tiên, sau lại thành “không ưu tiên”, rồi giờ lại ưu tiên.

Thế cho nên, ngay cả khi đã có chích ngừa rộng rãi rồi, mà nghe “trên 65 có bệnh nền, vô bệnh viện khám” là lo sợ trở lại, biết đâu sẽ lại bị “quên”. 

Cái tâm trạng “ngoài bầy đàn” này trong chuyện chích ngừa dễ gây trầm cảm lắm. Bởi thế, chiều thứ ba tuần rồi, khi nghe trong chung cư loan báo mai chích ngay trong chung cư thì cũng không thích thú mấy vì cứ kẹt “có bệnh nền thì vô bệnh viện chích”.

Tự tổ chức chích ngừa

Thế cho nên, sáng thứ tư tuần rồi nhận tin nhắn của ban quản lý chung cư (BQL) báo tin “trên 65 có bệnh nền chích ngay trong chung cư, không phải vô bệnh viện” mà hạnh phúc tràn bờ. 

Số là BQL điều đình với phường cho chích ngay trong chung cư thay vì ra chích tại một điểm tập trung đông đảo.

Và tất cả câu chuyện thần tiên “chích ngừa ngay trong chung cư” bắt đầu từ thứ tư 4-8 tại nơi tôi ở - chung cư Hoàng Anh Thanh Bình, phường Tân Hưng (quận 7) với thông báo đầu tiên: “Theo thông tin mới nhất từ UBND phường, nhằm hạn chế lây nhiễm cộng đồng hiện tại đối với chung cư phường Tân Hưng, UBND phường đang họp, lên kế hoạch và có thể bố trí địa điểm tiêm tại chung cư để đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Quý cư dân đã đăng ký 3 đợt: trên 65 tuổi; 18 tuổi trở lên có bệnh nền; 18 - 64 tuổi không có bệnh nền xin vui lòng chờ thông báo mới từ UBND phường kế hoạch tiêm vắc xin”.

Không cần đợi thông báo chính thức đó, ban quản trị (BQT) đã nhanh chóng tập hợp cư dân cho công việc lần đầu trong đời này. 

Sẵn trong số cư dân có người làm tổ chức nên nhanh chóng lập danh sách, cứ 30 người xếp vô một nhóm theo từng block nhà, gọi nhóm nào xuống nhóm đó, nhóm này chích nhóm kia làm thủ tục. 

Các cư dân có nghề y tế cùng tham gia đo huyết áp, phân loại, túc trực cấp cứu...trên nguyên tắc: ai tăng huyết áp, nhịp tim thì đo lại, xuống mới chích.

Trong thực tế, tất cả đã chấp hành nguyên tắc này và hơn chục người phải vô bệnh viện chích sau. 

Một người trong hoàn cảnh này đã viết trên nhóm Zalo chung: “Anh bị bệnh nền phức tạp nên bác sĩ chưa chích được. Như anh là phải chích tại bệnh viện. Nhưng anh vẫn thấy và cảm nhận được tinh thần thái độ cả toàn thể đội tiêm vaccine và rất biết ơn. Cư dân mình cũng lành, chỉ có mấy ca dị ứng, khó thở và cao huyết áp, nhưng đã được xử lý kịp thời”.

Cứ thế, ngày đầu gần 500 mũi được triển khai trong an toàn tuyệt đối. Qua ngày thứ nhì do đã quen việc nên đạp hết ga, tan ngày đếm được 1.800 mũi cho hai ngày, không có sự cố nào lớn. 

Một cư dân viết: “Hôm nay chung cư cũng đạt được cột mốc quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe của mỗi cá nhân cũng như của toàn cư dân, sau việc này rất mong chung cư mình tiếp tục giữ tinh thần đoàn kết, tin tưởng và ủng hộ tuyệt đối sự điều hành của BQT và BQL”.

Cơ bản là cách tổ chức và sự nhiệt tình của BQL và đội tiêm chủng. Ban đầu hơi lúng túng, nhưng vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên năng suất rất cao. 

Đặc biệt là một số cư dân nhiệt tình như bác sĩ Nguyễn Tùng Bá Khoa (bác sĩ mà tên Khoa thì cần ghi tên đầy đủ) và bác sĩ Tú - những người đã hưu trí hơn chục năm nay.

Còn một cái được lớn không kém là tinh thần cộng đồng đã nảy sinh và tăng trưởng trong hai ngày chích ngừa cùng nhau. 

Xuống chích, biết những người lo cho mình cũng là cư dân như mình, mà dịch như vậy dám xuống đó làm tình nguyện, tuy có mặc bộ đồ bảo hộ thiệt song lỡ có gì thì sao, nên trân trọng nhau, không có khoảng cách người chủ căn hộ và người ở thuê; sự tôn trọng hai chiều này, sau đó, đã biểu hiện bằng những chừng mực trong đời sống.

Giống như Hoàng Anh Thanh Bình, nhiều chung cư khác trong quận 7 cũng tổ chức chích ngừa trong chung cư. Tình thân đã nảy nở. 

Chiều thứ hai, ở chung cư F. còn dư một số liều tiêm, bèn gọi bên Hoàng Anh Thanh Bình ai kẹt chưa chích thì qua chích “vét” kẻo bỏ thuốc uổng. Hình như cái lợi không chỉ là phòng dịch, mà còn là hình thành đời sống cộng đồng, xã hội an hòa. 

Tin cậy người dân thì người dân sẽ làm tốt; Nhà nước không mất công mất sức, có khi làm không bằng người dân do lẽ dân sống trong một chung cư nên nhiều nguồn đào tạo và ngành nghề, trình độ thì sẽ đóng góp đa dạng hơn. 

Nhất là khi để họ tự lo cho họ. Gần hai tháng nay, từ khi trong chỉ thị 15, rồi 16, rồi không ra đường ban đêm, họ cũng đã tự lo cho nhau, san sẻ với nhau.

Bởi thế, với chút tính nhân văn và tình người trong đại dịch thì sá chi chuyện tự tổ chức chích ngừa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận