Tôi muốn thêm vào những tình yêu thương

VĨ ANH 05/08/2012 03:08 GMT+7

TTCT - Nhận xét của tác giả Quế Viên về sự “Tây hóa” của giới trẻ Việt gợi cho tôi nhiều suy nghĩ. Nhưng giới trẻ phương Tấy ấy, qua tâm sự của cô gái Đan Mạch Sofie Rye, khác chúng tôi thế nào? Là một người vừa bước qua tuổi 20, tôi có vài chia sẻ.

LTS: Câu chuyện cuộc sống kỳ này giới thiệu ý kiến của hai sinh viên muốn chia sẻ với cô gái Đan Mạch Sofie Rye những việc họ muốn làm ở lứa tuổi 20.

Một chuyện "điên rồ" của tôi
Tuổi 20 của mỗi người

Phóng to
Minh họa: Bích Khoa

1. Dễ thấy từ danh sách những việc phải thực hiện trước năm 20 tuổi của Sofie Rye, phần lớn khuyến khích tinh thần học hỏi và đề cao sự tự lập trong đời sống. Sofie coi trọng sự trải nghiệm, dù là kinh nghiệm của những chuyến du lịch hay sự hiểu biết thu thập được từ sách báo, truyền hình. Sofie tin rằng những kinh nghiệm này chính là chìa khóa đem đến niềm vui và sự độc lập, khi suy nghĩ của một con người không còn bị thu hẹp trong ranh giới của những chuẩn mực xã hội thông thường, mà được tự do bay nhảy, cả đến việc làm những chuyện “điên rồ” nhất.

Là một người trẻ tuổi, tôi tìm được rất nhiều điểm tương đồng trong danh sách những việc làm cần thiết của Sofie. Cũng như Sofie, tôi coi trọng việc tìm tòi kiến thức, thúc đẩy bản thân sáng tạo và làm chủ cuộc đời mình. Tuy nhiên, danh sách của Sofie hầu như chỉ nghiêng về mặt làm giàu đời sống thể chất và tinh thần của một cá thể. Đối với tôi, vẫn còn một điều quan trọng mà Sofie đã không cho vào danh sách trên, đó là yêu thương và trân trọng những con người đã góp phần tạo ra sự khác biệt cho đời sống của mỗi chúng ta. Đó có thể là ba mẹ, một người thầy hay một người bạn lâu năm, những người dành cho ta sự quan tâm và nâng đỡ ta trong những thời điểm khác nhau.

2. Đây có thể coi là điểm khác biệt chủ chốt giữa giới trẻ phương Tây và phương Đông. Các học thuyết về văn hóa cho rằng người phương Tây được nuôi dạy trong một môi trường đề cao tính cá nhân (individualism), trong khi người phương Đông lớn lên trong một xã hội đề cao tính cộng đồng (collectivism). Điều này dẫn tới sự khác biệt rõ ràng từ cách hợp tác, tổ chức công việc đến cách giao tiếp và mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng.

Người phương Tây đề cao sự rõ ràng và tự tin trong việc bày tỏ quan điểm, vì vậy tại trường lớp, học sinh được khuyến khích tha hồ đưa ý kiến, ngay cả khi đó là phản bác lời giáo viên.

Trong khi đó, người phương Đông chú trọng hơn việc gìn giữ trật tự, củng cố nề nếp và tính cộng đồng. Từ nhỏ chúng ta đã quen nghe câu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” (dù gần đây câu ngạn ngữ trên đang mất dần sức ảnh hưởng của nó). Nói rộng ra, trong đời sống hằng ngày, phần lớn người phương Đông vẫn đưa ra các lựa chọn và quyết định ưu tiên cho việc hòa hợp vào tập thể, là một tế bào trong một cơ thể chung, như vậy những điều được coi trọng và những tiêu chí cho một đời sống thành công không thể thiếu việc gắn kết với mạng lưới xã hội xung quanh. Ngược lại, phần lớn người phương Tây coi trọng sự sáng tạo bản ngã và xây dựng chỗ đứng cho cái tôi, họ không định nghĩa mình qua mối tương quan với những cá thể khác.

Cùng với làn sóng hội nhập văn hóa hiện nay, cách biệt căn cơ trên đã không còn rõ rệt nữa. Giới trẻ Việt đang được xem là “Tây hóa” dần đi, nhưng thế nào là định nghĩa đúng đắn của cụm từ “Tây hóa”? Nếu xét “Tây hóa” trên khía cạnh tư duy và lối sống, cách xây dựng và thể hiện chính kiến đối với một vấn đề nhất định, hoặc cách cư xử nhất quán phản ánh quan điểm của mỗi con người, chúng ta vẫn chưa thấy được nhiều sự tự lập và chủ động trong cách nghĩ, phần lớn vẫn là đi theo số đông hoặc “gió chiều nào theo chiều ấy”. Nhưng nếu xét “Tây hóa” theo khía cạnh vật chất và thời trang thẩm mỹ, giới trẻ Việt quả thật đã bắt kịp rất nhanh với lối sống vật chất của giới trẻ phương Tây, từ những sản phẩm điện tử đa năng đến cách ăn mặc bắt mắt theo phong cách nước ngoài. Nhưng liệu như thế có phải là “Tây hóa”. Có cảm giác như vấn đề nằm ở bên trong chúng ta chứ không phải bên ngoài.

3. Quay lại cách sống và suy nghĩ của người phương Tây, có thể nói một điểm khác biệt căn cơ nữa giữa người và ta chính là sự tự tin. Tự tin là bệ phóng để xây dựng, tạo thành bản ngã và tìm kiếm những thử thách nhằm chinh phục trong cuộc sống. Trong danh sách của Sofie, tự tin nằm ở những điều khoản “tin vào chính mình” (và không nhất thiết phải tin vào chúa trời), “mạnh dạn lao về phía trước”, không bị “choáng” bởi danh vị hay thẩm quyền, dám tìm kiếm những người “quan điểm khác với bạn” và “làm những việc điên rồ ngay bây giờ”. Tự tin trở thành chìa khóa mở mọi cánh cửa cản ngăn sự sáng tạo và vùng vẫy, dù đó là những rào cản về lý trí (làm những chuyện điên rồ), hay rào cản của mực thước xã hội (danh vị, thẩm quyền, những người khác quan điểm). Tự tin giúp đời sống trở nên rộng mở và phong phú hơn. Vậy giới trẻ Việt có tự tin, có đề cao sự tự tin và có rèn luyện mình để trở nên tự tin không?

Đương nhiên nói thì dễ, làm mới khó. Tôi cũng vừa bước qua sinh nhật 20 tuổi, tự thấy mình cũng cần rèn luyện nhiều để xây dựng được sự tự tin đó. Đó là một trong những điều tôi vẫn chưa làm được ở tuổi 20.

4. Nhưng một trong những giấc mơ quan trọng nhất mà tôi muốn thực hiện ngay bây giờ (và lẽ ra tôi nên thực hiện lâu lắm rồi), đó là dành nhiều thời gian và sự trân trọng cho những người tôi yêu thương và kính trọng. Cơ hội thường trôi qua nhanh ngay khi bản thân ta vẫn còn chần chừ thể hiện tình cảm. Nhưng với sự luân chuyển không ngừng của thời gian và vô thường của kiếp người, mỗi cơ hội trôi qua cũng có thể là cơ hội cuối cùng. Vì vậy, giấc mơ lớn nhất tuổi 20 của tôi là sống chân thật với cảm xúc và trân trọng từng con người đã chia sẻ với tôi những khoảnh khắc của cuộc sống này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận