Cuộc sống qua "mắt" nhạc sĩ Văn Vượng

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI 15/09/2010 06:09 GMT+7

TTCT - Khó mà hình dung được tiếng guitar tràn ngập tình cảm và hình ảnh về Hà Nội có thể xuất phát từ cây đàn của một nhạc sĩ mù.

Cuộc sống qua mắt nhạc sĩ Văn Vượng - Ảnh 1.

Nghệ sĩ ghi ta Văn Vượng năm 2009 - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Những người Hà Nội đi xa có thể vào trang web nhaccuatui.com, gõ “Văn Vượng” để nghe những giai điệu guitar tràn ngập tình cảm và hình ảnh về thủ đô sắp tròn ngàn năm tuổi. Khó mà hình dung được tiếng nhạc ấy lại xuất phát từ cây đàn của một nhạc sĩ mù, bị khiếm thị từ năm lên 4 tuổi vì bệnh thủy đậu.

“Tôi lên báo nhiều lắm, cả chồng báo, đa số là báo ngoài này. Nhưng các báo vẫn chưa nói hết chuyện Văn Vượng”. Trong căn hộ chung cư thấp nhỏ so với nhà phố xung quanh, ông tiếp người khách Sài Gòn muốn nghe chuyện đời ông, người đã thể hiện một Hà Nội đẹp bằng âm thanh của cây đàn guitar, từ Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, Hà Nội mùa thu của Trịnh Công Sơn... cho đến các trường ca như Trường ca sông Lô của Văn Cao, Du kích sông Thao của Đỗ Nhuận.

* Có người nói hình như tiếng đàn của Văn Vượng không phải là kỹ thuật, học thuật mà là cảm xúc. Đó có phải đặc điểm âm nhạc của ông không?

- Đúng 80% thôi, bởi tôi đàn cũng kỹ thuật lắm. Bây giờ nhiều người chưa thể đánh hai bài Người Hà Nội và Trường ca sông Lô với đầy đủ tinh thần của ca khúc.

* Có thể nói ngắn gọn phong cách Văn Vượng là gì?

- Sáu dây với các hợp âm nhiều nốt nhưng giai điệu bao giờ cũng phải nổi lên rõ ràng. Thiên hạ đánh mờ lẫn trong mớ âm thanh. Tôi chơi chỗ to chỗ nhỏ nhưng nhanh chậm rất rõ. Phải nghiên cứu tác phẩm, chơi đúng phong cách. Nhạc Nga nghe tưởng Mỹ là không được. Đằng ấy chơi nhạc Quảng Bình mà tớ nghe như rock là hỏng (cười).

Cuộc sống qua mắt nhạc sĩ Văn Vượng - Ảnh 2.

Nhạc sĩ Văn Vượng bên cây đàn banjo alto tuổi thơ - Ảnh: N.H.

Khiếm thị nhưng Văn Vượng đã nhìn thấy cuộc đời như thế nào? Văn Vượng kể một kỷ niệm khiến ông nhớ mãi. Năm 1978, ông vào Sài Gòn mua một dàn máy ghi âm.

Xích lô chở đi một lúc thì có người phóng xe máy đuổi theo và mời quay lại bằng được. Ông chủ cửa hàng pha cà phê mời, vừa xin lỗi vừa nói: “Ông trả thừa tiền, 1.800 đồng mà ông trả 1.900”.

“Số tiền không đáng bao nhiêu, tôi xin biếu cửa hàng, không lấy lại”. Người chủ hàng giải thích khi bán món hàng đã tính lãi trong đó rồi, không chịu lấy. Vui quá, Văn Vượng mời ông ta ăn bánh xèo và uống bia.

* Ông cảm nhận phố xá Hà Nội hôm nay ra sao?

- Hà Nội xưa thanh bình tĩnh mịch, đường phố trật tự. Người ta nói với nhau thật hơn hoặc không nói những gì không nên nói. Bây giờ náo nhiệt nhưng không nên ồn ào quá. Đi đường Hoàng Quốc Việt rộng, nghe tiếng người quen thuộc. Đang từ trung tâm mà về khu đồng quê mát mẻ yên tĩnh hẳn. Gió lộng hồ Tây có mùi nước.

Còn hồ Hoàn Kiếm - “Ôi nước hồ Gươm xanh thắm lòng, bóng tháp Rùa thân mật êm ấm lòng”... Tôi đã xuống sờ tận mép nước, lắng nghe. Tháp Rùa ở giữa hồ tôi không biết nhưng đã được sờ cái mô hình của nó.

Hằng ngày Văn Vượng ra ghế đá bên hồ, ngồi đó lắng nghe, cảm nhận tới 10g mới về. Mắt không nhìn được hình ảnh “nhưng vẫn thấp thoáng biết được qua ánh sáng và bóng tối, khi có người đi qua, hoặc đèn đang sáng mất điện biết liền. Khi chị chụp hình tôi, đèn lóe sáng, tôi biết”.

Năm 1968, Văn Vượng rời quê Hải Dương lên Hà Nội sống vì tin rằng đây là nơi phát triển được tài năng. “Anh tôi đèo đi qua hồ Gươm. Người ta đang phát trên đài bài Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi. Tôi khóc, thèm nhìn thấy Hà Nội quá. Ngay đêm đó tôi soạn bài Người Hà Nội cho đàn guitar và thành công”.

* Ông diễn tả vẻ đẹp của hồ thế nào?

- Tôi dùng kỹ thuật bồi âm diễn tả tiếng chuông đền Ngọc Sơn buổi sớm. Có sương long lanh cây cỏ bên hồ. Bình minh lên rõ đỏ, mặt trời nóng ở phía đông. Tôi thèm được biết. Ước gì được ôm hôn và thấy màu đỏ đó. Tôi làm bình minh sáng lên bằng một hợp âm dài. Sóng nhỏ đuổi nhau trên mặt hồ. Lá cây rụng xuống, chiếc dọc, chiếc lắc, chiếc đang nghiêng, đuổi nhau trên mặt đường.

* Còn tả Hà Nội kháng chiến, lúc ông tuổi thiếu niên, ra sao?

- Hà Nội đang thanh bình bỗng nhà cháy đạn nổ, vợ gọi chồng, con gọi mẹ. Khi hòa bình, tôi diễn tả nữ chiến sĩ khoác súng tự hào đi bên hồ lá xào xạc rơi. Tôi tưởng tượng cảnh bộ đội tiến về từ cửa ô, gài lá ngụy trang. Năm 1954, khi giải phóng Hà Nội tôi mới 12 tuổi, một anh bộ đội bảo tôi: “Hết chiến tranh rồi, em mở tung cửa chạy ra đi. Có lá cờ đỏ phần phật bay đấy. Em sướng không...”.

Tất cả những điều đó đều được Văn Vượng gửi vào cây đàn guitar của mình. Năm 1977, trong một chương trình ca nhạc ông biểu diễn tám bài, trong đó có Người Hà Nội. Nhà văn Nguyễn Đình Thi đã chạy lên cầm tay Văn Vượng đưa lên mắt mình: tác giả bài hát Người Hà Nội đang khóc. Sau này khi nhà văn mất, Văn Vượng từng chơi bài Người Hà Nội trước bàn thờ ông.

Còn Văn Cao nghe Văn Vượng chơi bài Trường ca sông Lô thì im lặng lâu lắm. “Em soạn cho guitar, anh nghe chỗ nào cần chửi mắng thì cứ nói nhé”. Văn Cao nghe xong, hút một hơi thuốc lào, từ từ nhận xét: “Tôi không ngờ bài viết cho hợp xướng bốn chương mà biểu diễn được trên đàn guitar sáu dây đầy đủ đến thế...”.

Cuộc sống qua mắt nhạc sĩ Văn Vượng - Ảnh 3.

Nhạc sĩ Văn Cao (bìa trái) và nghệ sĩ ghi ta Văn Vượng năm 1993 - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

***

Văn Vượng đi quốc tế cũng kha khá. Đến nước Đức, ông chơi bản Serenata của Schubert. Nhiều người Đức ngạc nhiên, bảo sao một người châu Á có thể có tình cảm gần gũi với người châu Âu đến thế.

Ông không sang xứ hoa anh đào nhưng đã biểu diễn để thu âm và trả lời phỏng vấn các đoàn Nhật. Khi Bộ Ngoại giao mời Văn Vượng biểu diễn cho một đoàn khách Cuba, ông chơi bài Siboné, có người thốt lên: “Nếu nhắm mắt lại tôi ngỡ mình đang ở La Habana”.

Đang vui chuyện, chợt giọng ông chùng xuống: “Đời tôi nhiều lúc buồn, muốn chết đi cho rồi...”.

Văn Vượng sinh ở Hải Dương đúng ngày kỷ niệm giải phóng thủ đô 10-10. Lúc mới sinh cũng bình thường như bao trẻ em khác. Năm lên 4 tuổi, mắc bệnh thủy đậu, một hôm chú bé Vượng không nhìn thấy gì cả, khóc ầm lên, các anh chạy ra chợ gọi mẹ về để đưa lên Hà Nội chữa chạy.

Vào nhà thương ở dốc Hàng Gà, ông bác sĩ Tiến từng học ở Paris bảo mắt kéo màng nhưng còn mỏng quá, đợi ba hôm nữa bóc sẽ dễ hơn. Mẹ đưa về nhà chờ, ngay hôm sau kháng chiến bùng nổ. Mẹ gánh chú bé chạy ra vùng tự do, lúc ấy còn chữa được gì nữa.

Cuộc sống qua mắt nhạc sĩ Văn Vượng - Ảnh 4.

Nhạc sĩ Văn Vượng bên cạnh cơi trầu thuở nhỏ dùng làm đàn - Ảnh: N.H.

Năm 6, 7 tuổi, khi đi qua một làng quê có người đang hát, Vượng đứng lại nghe. Về nhà, cậu bé lấy cái âu đồng cơi trầu làm đàn (“Cái cơi trầu ngày xưa to lắm nhưng mất rồi, không bé như cái hôm nọ truyền hình quay” - ông kể mình được thu hình trong một chương trình tôn vinh 100 nhân vật nổi tiếng VN). Một người quen thấy cậu bé mù ham học nhạc đã dạy ngón đàn guitar. Đến chương trình trung cấp guitar, thầy bảo hết vốn rồi.

Hòa bình lập lại, Vượng về Hải Dương học nhạc rồi ra Hà Nội học thầy Phạm Đình Tòng ở Trường mù VN...

Văn Vượng vẫn khao khát được đi chữa mắt. “Tôi được biết gần đây ở Siberia có giáo sư Bonđasép tìm được cách chữa cho một cô ở Kiev mù lúc 7 tuổi, nay hơn 40, nhãn cầu chỉ còn bằng hạt đỗ. Sau khi được chữa, cô ấy có thể nhìn được, đọc cả chữ. Tôi đã liên hệ và vị giáo sư ấy đã mời sang nhưng chưa có tiền đi”.

Hỏi bao nhiêu thì đủ, ông bảo: “Chắc phải hơn 40.000 USD. Mỗi người chỉ cần cho 1 USD, chắc sẽ cứu được mắt cho Văn Vượng...”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận