Cuội đối nội

TRẦN NHÃ THỤY 26/04/2012 22:04 GMT+7

TTCT - “Nữ văn công... tôm tươi, chưa bóc tem” - là câu gần như cửa miệng của Mít-tơ Đoành (một nhân vật trong tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn của Trần Dần) mỗi khi nói về khoản gái gú của mình.

Cũng với câu ấy, chân dung của Mít-tơ Đoành hiện ra sống động. Kỳ thực thì chả có một em “tôm tươi chưa bóc tem” nào cả, mà chỉ có loại “gái vườn hoa” sồn sồn. Đã thế Mít-tơ Đoành còn chẳng có tiền để trả nên giở mánh (lịch sự) đưa cái phong bì không, rồi bảo vì nhiều phong bì quá mà nhầm lung tung cả.

Phóng to
Minh họa: Lê Thiết Cương

Đoành, trong tiểu thuyết đích thị là một tên Cuội, một tên nói dối nhập vai đến mức không còn biết mình đang nói dối. Đoành nói dối, làm một tên Cuội không cốt để lừa ai, hại ai mà chủ yếu để lừa chính mình, vẽ lên một thế giới với các nhân vật thú vị để mình có thể vui sống. Thế sự đảo điên, lộng giả thành chân nên Đoành phải làm Cuội.

Mít-tơ Đoành bảo: “Mọi người cứ nói tao cuội. Kỳ thực là tao giải sầu. Vì đời sầu lắm. Nếu không có cuội, lấy gì để ngày giờ trôi đi. Thằng Cuội là thằng sướng nhất. Tao thi với thằng Cuội. Tao còn thắng nó một điểm. Nó chỉ cuội với mọi người, là cuội đối ngoại, thế là kém. Đối nội mới khó, đối nội là đánh lừa cái nội tâm sầu. Tao là thằng Cuội thời hiện đại. Lúc nào tao là thằng Cuội, lúc nào tao là tao, cũng chẳng biết”.

Đấy là chuyện thập niên 1960, khi Trần Dần đã cho hiện hình trong chữ một tên Cuội hiện đại thi thố với thời đại tài tình. Bây giờ, nghĩa là sau gần nửa thế kỷ, lại thấy có những tên Cuội y hệt như Mít-tơ Đoành. Tức là Cuội đối nội.

Không nói đâu xa, tôi có một anh bạn vốn là chủ một doanh nghiệp, có nhà lầu, xe hơi, vợ đẹp con ngoan. Nhưng rồi công việc làm ăn trong nhiều năm cứ liên tục thất bại. Sự thất bại này bao gồm cả “nguyên nhân chủ quan và khách quan”, nhưng nói cho sát sườn, vấn đề của bạn tôi là khởi nghiệp doanh nhân đúng vào thời buổi làm ăn cực khó. Bây giờ đến như các đại gia bất động sản còn vỡ nợ, nhiều tên tuổi nổi tiếng chuyển sang bán phở, bán bia, huống là anh.

Lạm phát kinh tế làm bao nhiêu thứ trong xã hội rối lên, nhiều gia đình tan nát. Anh bạn tôi vì trả nợ ngân hàng phải bán nhà, rồi bị vợ bắt ký đơn ly dị. Giờ anh hầu như không làm ăn gì cả ngoài việc ghé nhà vợ đưa đón con đi học, trong khi con đến trường thì ngồi quán cà phê mở laptop chơi điện tử. Rồi, bỗng dưng một ngày nọ anh trở thành Cuội.

“Nhà nằm trong hẻm, nhưng vị thế tuyệt đẹp. Chủ nhà đi nước ngoài nên cần bán gấp. Tôi may mắn mua được giá rẻ. Đang làm thủ tục đăng bộ. Làm xong tôi sẽ sửa lại, cho thuê. Cái nhà ấy mà mở quán cà phê sân vườn thì khỏi chê. Tôi cho thuê khoảng hai ngàn thôi. Lấy tiền đó sống chứ không làm gì nữa. Làm gì cũng mệt ông à!”.

“Cuối tuần này ông rảnh không, đi Nha Trang với tôi. Tôi muốn ra đó để coi mấy chỗ bỏ mối hải sản. Tôi sắp mở nhà hàng hải sản tươi sống. Mặt bằng sang lại của một thằng bạn”...

“Khoảng ba tháng nữa tôi đi Úc rồi. Qua đó tôi sẽ làm một tờ báo giải trí tiếng Việt, ông nhớ giúp tôi một tay đó nghen. Vài hôm nữa tôi sẽ gởi cho ông coi đề cương, có gì ông góp ý trước. Tôi dự định ở Úc khoảng bảy năm rồi qua Mỹ. Bảy năm nữa vợ tôi sẽ cho thằng con qua Mỹ sống ông à!”.

Vân vân và vân vân. Đại loại như vậy. Không giống như Mít-tơ Đoành hư hỏng cứ hay mơ tưởng một em “tôm tươi chưa bóc tem”, anh bạn tôi vốn mê làm ăn, suốt ngày mải miết say đắm vẽ những chuyện kiếm tiền trong mơ như thế. Anh cứ nói y như thật. Không chỉ với tôi. Không cốt để lừa ai, mà như chỉ để lừa chính mình. Có lần ngồi nghe anh nói, tôi đã suýt khóc, thương cho cái căn bệnh hoang tưởng đang lớn lên, nuốt chửng người bạn mình.

Trong tiểu thuyết của Trần Dần, vì Đoành nói dối mãi nên Dưỡng - bạn y - rất thuộc bài. Đoành mới nói một chữ, Dưỡng đã có thể nói nốt cả câu. Đoành hỏi: “Sao biết?” thì Dưỡng bảo: “Tao hoang tưởng hộ mày”. Ở đây tôi không dám trêu lại, cũng không dám hoang tưởng giùm bạn tôi. Mà chỉ thấy thương. Thương Cuội. Cuội đối nội.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận