TTCT - Chọn một ngày cuối thu, mấy ông lão Hà Nội về thăm một ông lão ở vùng duyên hải Thái Bình. Trên xe, “ông lão” trẻ nhất cầm lái là một bác sĩ ngoại khoa nổi tiếng bảo: “Nhiều năm rồi tôi chỉ đi nghỉ mát vào những ngày mát mẻ”. Ít ra thì đó cũng là điều nhiều người già Hà Nội tán thành. Minh họa: VIIP Thời tiết nóng bức vài năm nay đã trở nên nỗi khiếp sợ thật sự với các cụ. Không phải tại thời tiết. Ai cũng biết thế. Chỉ là tại tuổi già. Thái Bình, mảnh đất duyên hải từng là vựa lúa của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Nghe nói là tỉnh duy nhất của đồng bằng Bắc bộ không có một ngọn núi nào cả. Cho nên chắc vì vậy mà du lịch Thái Bình chưa bao giờ là đích đến của du khách ham chuộng non xanh nước biếc. Vùng biển Thái Bình kéo dài suốt từ Tiền Hải sang đến Thái Thụy ngổn ngang những cửa sông nước đục cũng không phải là những bãi tắm lý tưởng. Thế nhưng ông lão Thái Bình hấp háy mắt cười: “Già rồi mà được đi chơi miền duyên hải Thái Bình mới thấy hết cái hay cái đẹp”. Lão ấy nói thế thì phải tin thôi. Hơn sáu chục năm sống ở Thái Bình cũng chỉ đến lúc già mới hay ngao du miền duyên hải. Con đường từ thành phố Thái Bình đi xuống Tiền Hải mới làm xong rộng rãi êm ái đến bất ngờ. Xe chạy vun vút qua những thửa ruộng vừa mới gặt xong còn trơ gốc rạ vàng óng. Cơn bão số 6 được dự báo không chính xác cũng góp công lớn trong vụ gặt lúa non này. Gặt xong, bão quay ngang đi lên phía Bắc. Thế nhưng cơn bão số 1 được dự báo là bình thường thì đã gây ra những tổn thất cho đến hôm nay vẫn còn trông thấy. Những rặng phi lao trên đường vào Cồn Vành đổ rạp chết khô. Khu dự trữ sinh quyển Cồn Vành nổi tiếng từng được Liên Hiệp Quốc đầu tư trồng sú vẹt bảo vệ bờ biển nay đã mang gương mặt khác. Còn không nhiều những bãi sú vẹt miên man xanh rì bên ngoài đê chắn sóng. Những đàn cò nhỏ nhoi như rắc giấy trắng trên vài lùm cây côi cút phía xa xa. Thay vào đó đã là những đầm nuôi thủy sản lặng lờ nước trong vuông vắn. Nơi ông lão Thái Bình thường mò xuống câu cá giải trí. Cá ở đây là cá biển hoang dã đi lạc vào đầm qua các cửa xả. Những con tráp, con vược phải câu bằng lưỡi đơn mồi tôm. Không như câu giải trí ở các hồ ao quanh Hà Nội toàn chép, trắm, rô phi người ta thả xuống cho mà câu. Thắng lợi của một buổi đi câu như thế chưa thể mê hoặc được đám già. Hay chỉ có thể mê hoặc bằng cách khác: “...Giữa mê trận những con mồi/Giữa chết bởi săn lùng và sống ngoài chờ đợi/Mỗi người một chiếc cần câu buông lơi” (Nguyễn Bình Phương). Gió miên man trong vắt từ phía biển thổi vào. Triều xuống, đàn trâu ngơ ngác tìm ra những doi cát bên bờ biển Cồn Vành. Không tắm. Không ăn. Chỉ im lìm hóng gió. Dấu vết của cơn bão số 1 còn trải dài theo bãi biển xuống tận ngọn hải đăng cửa Ba Lạt. Nơi con sông Hồng đổ ra biển cả là vùng cát sa bồi lún bánh xe. Những chiếc cột điện tròn gãy đổ chưa có người thu dọn ngổn ngang bên rặng phi lao tơi tả. Bãi tắm lác đác bóng dáng vài người đi tắm biển ngồi im lìm dưới những chiếc ô màu sặc sỡ. Hàng quán tuềnh toàng trống không. Cậy có thổ công dẫn đường, bốn ông lão men theo con đường đê biển sang Đồng Châu ăn tối. Hàng quán bên này phong phú hơn về thủy sản. Chỗ ngồi nhìn thẳng ra bãi cạn bát ngát gió. Những chiếc lều canh ngao lêu đêu trên những chân cột mỏng manh mãi tít ngoài xa. Vắng vẻ đến nao lòng. Ngao đỏ, tôm sú, cua biển tươi rói vớt từ chậu sục khí ra chế biến mộc mạc như bữa thường ngư dân giờ trở thành đại tiệc ở chốn này. Không giống như món ăn quý hiếm người Hà Nội vẫn thưởng thức trong các nhà hàng. Những cột kèo tre nứa lộng gió nơi đây mới là thứ đặc sản không đâu sánh được. Cuối thu, men theo con đường duyên hải xuống Thụy Xuân. Những ngôi làng cổ kính chen chúc nơi này đã từng là đề tài sáng tác bất tận của rất nhiều thế hệ họa sĩ Việt Nam. Con đường tỉnh lộ chạy qua xã giờ đây dày đặc ken kín nhà bêtông cao tầng. Mái ngói đỏ giật cấp cầu kỳ thay thế cho những ngói ta tường gạch để trần. Những con đường trong làng vẫn hẹp như xưa nay có vẻ càng hẹp hơn bởi những nhà cao tầng áp sát ra mặt ngõ. Nhưng vẫn những con người chất phác rộng rãi mến khách ấy mà thôi. Bà chủ quán nước chè tươi dứt khoát không nhận tiền trông xe hộ khách. Và cũng chỉ tính tiền cốc trà đá đúng hai nghìn đồng. Bà còn nhiệt tình chỉ cho khách biết ngôi nhà của Anh hùng lực lượng vũ trang Bùi Quang Thận nằm ngay ngã ba đường phố biển Thụy Xuân. Người từng cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập vào ngày 30-4-1975 đã qua đời vài năm trước. Làng quê trù phú hiện ra trong con mắt người già tưởng như chẳng còn niềm hạnh phúc nào lớn hơn thế.■ Tags: ĐỖ PHẤNCuối thu duyên hảiCuối thu
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quy định 'gỡ vướng' đất công xen kẹt sẽ cứu được hàng trăm dự án ÁI NHÂN 21/11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được phân công chủ trì xây dựng quy định giao, cho thuê đất công xen kẹt sẽ gỡ cho hàng trăm dự án vướng đất này.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.