Đã hết thời thuốc "mì ăn liền"

LAN ANH THỰC HIỆN 22/08/2011 02:08 GMT+7

TTCT - Phía sau những khó khăn, chật vật của thuốc nội cả trong đầu tư, sản xuất và vào các bệnh viện công (xem chuyên đề “Thuốc nội: chật vật tìm lối” trên TTCT, ra ngày 14-8-2011), Thứ trưởng Bộ y tế Cao Minh Quang trao đổi cùng TTCT về cơ hội của thuốc sản xuất trong nước, nhất là các thuốc có hàm lượng công nghệ cao trên thị trường.

Thuốc nội - chật vật tìm lối

Phóng to
Bệnh nhân ung thư Việt Nam đang phụ thuộc hoàn toàn thuốc ngoại nhập. Trong ảnh: truyền hóa chất đặc trị cho bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: L.TH.H.

Phóng to
Ông Cao Minh Quang - Ảnh: Lan Anh
Ông Quang cho biết: Bộ Y tế đã thành lập một ban chỉ đạo triển khai đề án “Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt”, tất nhiên là với những thuốc chất lượng cao, hưởng ứng chủ trương người Việt ưu tiên dùng hàng Việt. Công nghiệp dược VN trong 10 năm qua đã có những bước phát triển vượt bậc. Đến nay đã có 102 nhà máy đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt sản xuất thuốc theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (GMP-WHO), 15% trong đó đã đi tắt đón đầu áp dụng GMP của châu Âu (PICS) hoặc GMP của Mỹ.

* Số lượng nhà máy dược lớn như vậy, nhưng nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp dược nội địa vẫn đang chú ý quá nhiều vào sản xuất thuốc thông thường như thuốc giảm đau, hạ nhiệt, vitamin, riêng dòng paracetamol đã có hơn 900 số đăng ký thuốc. Ông có thấy như vậy là lãng phí so với đầu tư hay không?

- Bộ Y tế đã có tổng kết cho thấy 25-30% sản phẩm lưu hành có đầu tư khoa học - công nghệ, có dạng bào chế đặc biệt, ví dụ như các thuốc giải phóng chậm, thuốc dán qua da, đặt dưới da...

Một số nhóm thuốc năm năm trước công nghiệp dược trong nước hoàn toàn không sản xuất được như thuốc chống ung thư, nội tiết tố, thuốc điều trị tim mạch, tiểu đường... thì đến năm 2010 hầu hết sản phẩm của các nhà phát minh trên thế giới đã có thể sản xuất ở VN thông qua hình thức nhượng quyền và chuyển giao công nghệ. Tôi cho rằng một số nhà sản xuất đã nghĩ đến xây dựng thương hiệu cho thuốc Việt, vì thời kỳ làm ăn kiểu “mì ăn liền” đã qua rồi.

* Gần đây, một số thuốc trong nước được cho là “có hàm lượng công nghệ cao” nhưng lại bị nước ngoài kiện tụng vì cho là sản phẩm copy. Ông nghĩ thế nào về phát triển sản xuất thuốc đặc trị, chất lượng cao trong nước nhưng ở điều kiện VN?

- Trước đây, các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, mặt này mặt khác có liên quan vấn đề sở hữu trí tuệ. Bộ Y tế đã ban hành chủ trương kêu gọi đầu tư nước ngoài. Trong đó những sản phẩm còn bản quyền thì kêu gọi chuyển giao công nghệ, xây dựng nhà máy sản xuất tại VN, lúc đó thuốc của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng được xem như thuốc VN.

Trong thông tư liên tịch, hai bộ Y tế - Tài chính hướng dẫn đấu thầu thuốc vào bệnh viện, những ưu điểm như thuốc nội địa của doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn GMP, thuốc đã thử tương đương sinh học... đều được tính bằng điểm để chấm thầu. Như vậy các nhà đầu tư sản xuất thuốc vào VN sẽ được hưởng những ưu tiên như thuốc VN. Tuy nhiên, đây không phải là những ưu tiên kiểu dấm dúi, đến bệnh viện bắt mua thuốc nội, mà là cụ thể hóa chính sách. Tất nhiên những thuốc đặc trị, đặc biệt VN chưa sản xuất được thì phải nhập khẩu.

* Thưa ông, để thực hiện quy hoạch đến năm 2015 có 60-65% giá trị thuốc sử dụng trong nước là thuốc nội, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan sẽ làm gì?

- Sản xuất thuốc trong nước vẫn phụ thuộc vào nước ngoài do 90% nguyên liệu phải nhập khẩu. Trong tình hình đó, Bộ Y tế và Bộ Công thương đã triển khai chương trình hỗ trợ công nghiệp hóa dược, vì sản xuất thuốc không thể tách rời công nghiệp hóa dược. Ba năm qua đã có một số khởi sắc sau chương trình này, một số nhà máy đi vào hoạt động như một nhà máy do Mỹ đầu tư, một nhà máy chiết xuất dược liệu và sản xuất phụ liệu, tá dược cho ngành dược (nguyên liệu sản xuất thuốc giảm đau hạ nhiệt, kháng viêm) công nghệ châu Âu và Ấn Độ.

Bên cạnh đó, Chính phủ vừa ban hành chính sách ưu đãi cho ngành hóa dược, trong đó doanh nghiệp được vay đến 70%/tổng đầu tư, lãi suất chỉ 3%/năm trong vòng 12 năm và trong hai năm ân hạn không phải trả lãi. Những biện pháp này, theo tôi, sẽ tạo thế mạnh mẽ cho thuốc Việt đi vào hệ thống y tế công lập.

* Theo ông, với tình hình thị trường như hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước nên chú trọng những nhóm thuốc nào? Công nghệ sản xuất thuốc trong nước liệu có đáp ứng yêu cầu sản xuất những thuốc mới này?

- Tôi cho là nên đẩy mạnh sản xuất các dạng bào chế mới như thuốc đặt dưới da, dán ngoài da... giải quyết những vấn đề của dạng bào chế thông thường, các nhóm thuốc nên chú trọng như thuốc kháng virut ARV, thuốc trị ung thư, tiểu đường, tim mạch... Hiện VN có doanh nghiệp đã đầu tư 340 tỉ đồng cho dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn châu Âu. Về việc thuốc có đáp ứng được yêu cầu hay không thì không thể so sánh bằng cảm quan, mà đánh giá thông qua thử tương đương sinh học.

Tất nhiên không phải thuốc sản xuất trong nước nào cũng đạt tương đương thuốc phát minh, nhưng cũng phải khắc phục tâm lý sính hàng ngoại của một bộ phận người dùng thuốc, nhất là bác sĩ khi quyết định kê đơn có khi không chỉ xét trên tác dụng dược lý của thuốc.

Nên quy định điểm ưu tiên cho thuốc nội đạt tiêu chuẩn chất lượng khi đấu thầu

Đã là thuốc được cấp số đăng ký lưu hành thì đảm bảo chất lượng. Vấn đề chất lượng giữa thuốc nội và ngoại chỉ chênh nhau một con số mà người VN mình chưa quan tâm nhiều, đó là sinh khả dụng (bio availability), tức tốc độ và mức độ hấp thu của thuốc khi vào cơ thể người dùng. Không phải tất cả thuốc ngoại sinh khả dụng đều tốt. Theo tôi, chỉ những thuốc ngoại nhà sản xuất đã công khai chỉ số sinh khả dụng trên nhãn mới hơn hẳn thuốc nội cùng loại. Còn nếu không có chỉ số ấy, thuốc nội - ngoại là như nhau.

Giám đốc một bệnh viện ở TP.HCM khi đi Mỹ về đã nói với tôi rằng khi ông bị ốm ở Mỹ, bác sĩ vẫn kê Peniciline là loại kháng sinh đã cứu nhiều người trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Nhưng ở VN rõ ràng chúng ta đang sử dụng chủ yếu kháng sinh thế hệ mới, đắt tiền hơn nhiều.

Để thuốc nội vào được bệnh viện nhiều hơn, tôi cho rằng khi tổ chức đấu thầu cần quy định điểm ưu tiên cho các sản phẩm thuốc nội đạt chất lượng, đúng danh mục mà bệnh viện cần. Đối với những loại bệnh mà thuốc nội có nhiều, có thể cho phép cơ quan bảo hiểm thanh toán theo “sàn” là giá thuốc nội, còn nếu sử dụng thuốc ngoại đắt tiền thì bệnh viện và bệnh nhân chi trả phần chênh lệch.

Phải tái cơ cấu ngành dược

Ta có gần 200 công ty dược nhưng sản xuất manh mún, trùng lắp, quản lý cũng chưa tốt... Gần như tỉnh nào cũng có công ty dược phẩm nhưng các công ty này chủ yếu là nhà phân phối chứ không phải nhà sản xuất, một số công ty dược tư nhân lại sản xuất không có định hướng, không đoàn kết. Chúng ta chưa có giải pháp đồng bộ và đủ mạnh, đúng hướng để làm việc này, dẫn đến tình trạng ứ hàng. ứ hàng sẽ thiếu vốn, thiếu vốn sẽ bị đình trệ sản xuất, dẫn đến sự kiệt quệ.

Theo tôi, phải tái cơ cấu ngành dược cả về tài chính và quản lý, về sản phẩm và quảng bá, tiếp thị. Sau khi tái cơ cấu, mỗi công ty chọn một số ít nhãn hàng, nhãn hiệu nào đó để sản xuất, chứ hiện nay công ty nào cũng sản xuất Ampi, Amocxicillin, dịch truyền... Phải tìm hiểu thị trường y tế VN, đầu tư sản xuất các thuốc mới.

Thậm chí nên xúc tiến mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp dược phẩm. Khi sáp nhập thì họ có kế hoạch sản xuất rõ ràng, bên kia anh sản xuất rồi thì bên tôi không sản xuất nữa. Tái cơ cấu là một sự đoàn kết lại, 200 công ty thì tổng số vốn rất ít, còn 50 công ty thì tổng số vốn sẽ lớn hơn. Không nên sản xuất tràn lan vì như thế không đủ mạnh để đối chọi với dược nước ngoài, không có lý gì chừng ấy công ty sản xuất dược phẩm VN lại không có thuốc trị ung thư.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận