Đã qua tuần trăng mật với công nghệ

NGUYỄN VẠN PHÚ 04/07/2019 20:07 GMT+7

Trên nhiều trang báo ở Việt Nam vẫn thấy chữ “G” nằm đó bên cạnh chữ “F” quen thuộc dùng để chia sẻ tin bài lên Facebook. Bấm vào chữ “G” thì thấy dẫn qua trang Google Plus với dòng thông báo dịch vụ này “không còn tồn tại”. Vật đổi sao dời trong công nghệ diễn ra trong thoáng chốc - không chỉ với sản phẩm, dịch vụ mà còn với tình cảm của mọi người nữa.

Ảnh: Wordpress.com
Ảnh: Wordpress.com

Có lẽ nhiều người đã rơi vào tình huống muốn mở ra xem lại cuộn băng VHS ghi hình đám cưới ngày xưa nay đành chịu, tìm không ra đầu đọc. 

Thử nghĩ giờ nếu có ai muốn sao chép các bản thảo từng lưu trên đĩa mềm, dù là loại đĩa 3,5 inch (khoảng 9cm) chứ chưa nói đến loại đĩa cũ hơn 5,25 inch (hơn 13cm) thì kiếm đâu ra chiếc máy tính còn những ổ đĩa này?

Xe hơi nay cũng không làm đầu đọc CD. Nhiều người bỏ công “rip” toàn bộ đĩa CD của mình thành file nén, lưu vào thư viện của phần mềm quen thuộc iTunes - nay Apple vừa tuyên bố khai tử iTunes. Bộ sưu tập hàng ngàn đĩa phim DVD có nguy cơ xếp xó khi đầu DVD cũ hỏng.

Hiện nay bao nhiêu tài liệu quan trọng mọi người thường đẩy lên mây để lưu, nhưng biết đâu một ngày đẹp trời nào đó dịch vụ lưu trữ, đa số là miễn phí, bỗng tuyên bố nghỉ chơi!

Từ tin yêu thành căm ghét

Cứ thử nhìn chừng 10-20 năm trở lại đây, chúng ta đã háo hức mua, sử dụng một thời gian rồi vất bỏ những chiếc điện thoại di động ra sao - biết bao nhiêu máy, bao nhiêu tiền đã bỏ ra như thế? Tương tự là máy tính, từ để bàn đến xách tay. Có lẽ với nhiều người, số lượng máy tính đã bỏ đi chất đầy một căn phòng như chơi.

Nhớ lại ngày trước, vào tiệm sách bất kỳ, đập vào mắt người đọc là hàng loạt sách tin học, từ sử dụng Quattro Pro đến Lotus 1-2-3, từ Word Perfect đến dBase, nay liệu ai còn nhớ chúng là phần mềm tương tự như Excel, Word và Access của Microsoft?

Trong quản trị kinh doanh, khái niệm “early adopters” dùng để chỉ những người tiên phong sử dụng sản phẩm khi chúng vừa ra đời, chưa định hình thành công hay thất bại; lúc đó sản phẩm tuy còn nhiều sai sót nhưng được bán với giá cao vì “early adopters” thích là người sử dụng đầu tiên.

Trong công nghệ, có lẽ bất kỳ ai cũng là “early adopters”, hay đúng ra số lượng “early adopters” là rất lớn; chúng ta trong nhiều năm liền đã trả đến đồng xu dành dụm cuối cùng làm người dùng thử sản phẩm và dịch vụ cho các công ty công nghệ để họ hoàn thiện chúng rồi trở thành doanh nghiệp ngàn tỉ, còn chúng ta ôm đống máy cũ nát không còn tương thích với vòng đời sản phẩm mới nữa.

Thế nhưng điều này chưa “vật đổi sao dời” bằng tình cảm của nhiều người từng dành cho doanh nghiệp công nghệ. Đã có thời chúng ta xem Microsoft, Google, Apple, và kể cả Facebook, như những vị cứu tinh cho nhân loại, đem sức mạnh của công nghệ đến với số đông, giúp san phẳng ngăn cách quyền lực và tiền bạc. Chúng giúp thế giới xích lại gần nhau, tạo ra một thế giới không biên giới, không tham nhũng, độc tài hay quân phiệt, ở đó tiếng nói của cá nhân có sức mạnh ngang ngửa tiếng nói của cả một chính quyền.

Nay tình cảm ấy đã biến mất; thay vào đó là sự dè chừng, chán ngán, bực dọc và mong muốn trói tay các doanh nghiệp công nghệ lại, không để chúng tự tung tự tác, như thể đang điều khiển cuộc sống của tất cả mọi người.

Thêm vào đó còn là nỗi thất vọng vì doanh nghiệp công nghệ vẫn bắt tay với độc tài, quân phiệt nếu làm thế giúp họ tăng thị phần, vẫn né thuế và làm ăn gian dối nếu có cơ hội, nội bộ vẫn có quấy rối tình dục, vẫn đầy sự tham lam, sẵn sàng bán đứng người dùng để có lợi nhuận.

Vì sao đến cơ sự như thế? Theo tờ Atlantic thì lý do cũng đa dạng như sự đa dạng của những người đang chống đối doanh nghiệp công nghệ.

Giới có quan điểm bảo thủ cho rằng mạng xã hội của các doanh nghiệp công nghệ đang bóp nghẹt tiếng nói của họ, cấm cửa nhiều nhân vật chỉ vì ý kiến của họ khác biệt với số đông.

Giới cấp tiến ngược lại cho rằng mạng xã hội là nơi truyền bá tin vịt, thuyết âm mưu, làm mọi người thù ghét nhau, đẩy mâu thuẫn xã hội lên đỉnh cao, làm con người sống theo bản năng đầy thú tính.

Ở góc cạnh bóp nghẹt cạnh tranh, nhiều người lấy ví dụ Amazon có thể sử dụng dữ liệu thu thập từ các nhà bán lẻ mở cửa hàng trên Amazon để tìm lợi thế khi bán hàng của chính họ. Mỗi khi Amazon nhảy vào lãnh vực nào, như gần đây là thực phẩm, ai nấy đều run sợ.

Hay Google hiện nay kiểm soát gần như trọn vẹn hệ sinh thái quảng cáo trực tuyến, từ bán trực tiếp quảng cáo đi kèm với kết quả tìm kiếm đến theo dõi quảng cáo cho khách hàng trên các trang không phải của Google.

Hiện nay chúng ta đã trở thành con tin cho các doanh nghiệp công nghệ khổng lồ. Thử nghĩ mà xem, giả như Google một hôm đẹp trời nào đó khóa không cho chúng ta xài các dịch vụ miễn phí của họ nữa: hết gởi Gmail, mất luôn liên lạc với bạn bè, người thân vì địa chỉ email của họ lưu trên đó; mọi tài liệu, bản thảo, thư từ lưu trên Google Drive không còn truy cập được nữa; mọi tấm ảnh gia đình từng đẩy lên mây nay cũng biến mất; ra đường ở chỗ lạ thì chịu chết vì không còn Google Maps…

Đây chỉ là giả định, nhưng nhìn ở góc độ cạnh tranh doanh nghiệp, một công ty muốn khởi nghiệp cung cấp dịch vụ email xem như bó tay vì không thể nào cạnh tranh nổi với Gmail miễn phí; một startup muốn làm trang web tìm kiếm thông tin làm sao qua mặt Google… Hệ điều hành Android có sẵn cho các nhà sản xuất điện thoại sử dụng, nhưng giả thử Google vì lý do nào đó cấm cửa một hãng điện thoại, kiểu như cấm cửa Huawei vừa rồi, làm sao doanh nghiệp này sinh tồn.

Chính quyền cũng bất lực?

Với chính phủ các nước, tìm cách để “quản” cho được các doanh nghiệp công nghệ là ưu tiên chính sách hàng đầu. Lý do đưa ra có thể là để bảo vệ quyền riêng tư của người dân, nhưng đằng sau là nỗi lo doanh nghiệp ngày càng quá lớn, sẽ dần lấn lướt quyền lực chính trị.

Mark Zuckerberg hiện là ông chủ của một đế chế có 2,3 tỉ người, dù chỉ tồn tại trong không gian ảo, nhưng thử hỏi có quốc gia nào đông dân hơn?

Chính vì thế cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ đều lên tiếng đòi mạnh tay hơn với các đế chế này; như bà Elizabeth Warren, một trong những ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ, đang kêu gọi chẻ nhỏ các doanh nghiệp công nghệ khổng lồ; còn Tổng thống đương nhiệm Donald Trump nhiều lần phê phán các doanh nghiệp mạng xã hội ngăn chặn tiếng nói của giới bảo thủ.

Đáng ngạc nhiên là chính những người trong lãnh vực công nghệ lại phê phán nặng nề nhất các doanh nghiệp công nghệ. Trong 3 ngày điều trần do 10 nước tổ chức ở Ottawa, Canada, Jim Balsillie, cựu CEO của BlackBerry, gọi dữ liệu là “chất plutonium mới”; Roger McNamee, nhà đầu tư mạo hiểm bỏ vốn vào Facebook sớm nhất, nay cho rằng Facebook là vấn đề lớn nhất của nền dân chủ, so sánh trang mạng xã hội này với hiện tượng “tràn dầu vào môi trường”, chỉ khác dầu thô ở chỗ nó là kỹ thuật số.

Một phó tổng giám đốc Mozilla thì than ông và gia đình bị sốc khi biết chiếc loa thông minh Echo của Amazon đã ghi âm hết mọi lời nói của bọn trẻ nhà ông rồi lưu trữ trên mây.

Hiện tượng độc quyền kỹ thuật số dai dẳng, khó phá vỡ hơn độc quyền trong các lãnh vực khác như vận tải, khai thác dầu khí trong quá khứ - chúng triệt tiêu cạnh tranh bằng cách mua đứt hay hủy diệt đối thủ.

Hiện nay tuy bị săm soi kỹ, chưa ai đề ra được giải pháp nào hiệu quả để “điều chỉnh” các doanh nghiệp công nghệ, chẳng hạn làm sao điều chỉnh Facebook để nó đỡ độc hại hơn hay điều chỉnh Google để nó bớt lấn lướt các doanh nghiệp khác. Các nước, nhất là châu Âu, chỉ biết phạt tiền thật nặng, nhưng tiền phạt thì đâu có nhiều ý nghĩa với các “đại gia” tiền mặt như Google hay Facebook.

Có lẽ cuối cùng vấn đề sẽ được giải quyết bằng chuyện chặn đường đi của dòng tiền. Vào ngày giao dịch đầu tiên sau khi có tin Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) sẽ chịu trách nhiệm xem xét coi thử Facebook và Amazon có vi phạm các quy định về độc quyền không và Bộ Tư pháp Mỹ sẽ đảm nhiệm coi sóc Google và Apple cũng với cáo buộc này, giá cổ phiếu của 4 công ty đấy đã bay mất 134 tỉ đôla chỉ trong một ngày, còn hơn cả giá trị của Hãng IBM.

Mất giá nhiều như thế, theo tờ Economist, là do nhà đầu tư e ngại chính quyền Mỹ buộc các doanh nghiệp này thay đổi phương thức kinh doanh. Lúc đó ắt sẽ có các doanh nghiệp khác thế chỗ với phương thức kinh doanh mới và những vấn đề mới - nhưng đó là chuyện của tương lai - còn hiện tại, thay đổi phương thức kinh doanh có nghĩa các doanh nghiệp công nghệ sẽ phải nới lỏng vòng kim cô ràng buộc con người vào sản phẩm, dịch vụ của họ.■

Một người dùng đáng giá bao nhiêu tiền?

Vào năm 2018, trang arknea.com dựa trên giá trị vốn hóa thị trường và số lượng người dùng đã ước tính rằng một người dùng của Google có giá 182 USD, một Facebooker là 158 USD, người dùng Twitter là 81 USD… Đặc biệt, một người dùng Amazon trị giá tới 733 USD và Alibaba là 621 USD.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận