TTCT - Việt Nam vừa nhìn lại những chuyến bay giải cứu thời COVID-19 bằng một phiên tòa. Còn những nước khác đã đưa công dân từ vùng dịch hồi hương thế nào, và đã "kiểm điểm", đánh giá các nỗ lực đó ra sao? Các công dân Philippines hồi hương trong đại dịch COVID-19. Ảnh: RapplerCho tới nay chưa có số liệu thống kê đầy đủ - ở cấp toàn cầu lẫn từng quốc gia - về chiến dịch giải cứu công dân với quy mô lớn chưa từng có tiền lệ này. Theo hãng tin AP hồi tháng 1-2020, những nước đầu tiên lên kế hoạch tổ chức chuyến bay giải cứu công dân là Úc, Bỉ, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Nhật, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan, Mỹ (liệt kê tên các nước theo alphabet).Một số nơi đã có báo cáo đánh giá hoạt động này, chỉ rõ những mặt chưa được, chứ không đơn thuần chỉ là bao nhiêu chuyến bay, đưa được bao nhiêu người về.Chuyên nghiệp như EUKể từ khi được thiết lập năm 2001, với lần chỉnh sửa cuối cùng năm 2019, Cơ chế Bảo hộ công dân Liên minh châu Âu (EU Civil Protection Mechanism - EUCPM) đã được kích hoạt để đáp ứng hơn 650 yêu cầu hỗ trợ trong và ngoài khối.2020, với các chuyến bay giải cứu, là năm bận rộn của cơ chế này với 102 lần kích hoạt. Nếu có thể gọi đây là kỷ lục thì nó đã nhanh chóng bị phá vào năm ngoái, với 106 lần được áp dụng để ứng phó chiến tranh ở Ukraine, cháy rừng ở châu Âu, lũ lụt ở Pakistan và các vấn đề liên quan COVID-19, theo trang web của Ủy ban châu Âu.EU sẽ chi khoản ngân sách lên tới 75% tổng chi phí các nguồn lực cần huy động khi kích hoạt EUCPM, riêng với đại dịch COVID-19, mức chi này lên tới 90% khi phải lo thêm trang thiết bị y tế. Ngày 27-3-2020, Ủy ban châu Âu đã đề xuất dành ra 75 triệu euro từ ngân sách EU để giúp các nước thành viên hồi hương công dân về nước trong dịch.Máy bay của hãng Fiji Airways đưa 88 công dân Anh và EU rời khỏi Fiji bay về Melbourne, Úc ngày 29- 4-2020 để tiếp tục nối chuyến đi châu Âu. Ảnh: Europa.euThực tế cho thấy mặc dù từng nước thành viên EU đều đã có những nỗ lực để đưa công dân của họ về nước, song vì quy mô khủng hoảng vượt quá năng lực của từng quốc gia nên EU đã được yêu cầu can thiệp, hỗ trợ và điều phối các nỗ lực ứng phó.Trong báo cáo nhân dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập EUCPM tháng 10-2021, EU cho biết khối này đã trả tiền cho hơn 400 chuyến bay giải cứu, giúp hồi hương hơn 100.000 công dân EU và người thân của họ từ 85 quốc gia khác nhau, trong đó có Trung Quốc, Cape Verde, CH Dominica, Ai Cập, Georgia, Nhật Bản, Morocco, Philippines, Mỹ, Tunisia, Việt Nam…Mỹ và chuyện giá véTháng 11-2021, Văn phòng Trách nhiệm giải trình Chính phủ Mỹ (GAO) trình bày báo cáo dài 68 trang trước Quốc hội về các vấn đề liên quan tới việc thực hiện những chuyến bay giải cứu công dân trong đại dịch COVID-19.Báo cáo đưa ra sau khi cơ quan này xem xét, đánh giá hoạt động của Văn phòng Quản lý khủng hoảng và Cục Lãnh sự của Bộ Ngoại giao Mỹ - những đơn vị chịu trách nhiệm chính trong chiến dịch hồi hương công dân. GAO đã kiểm tra lại các tài liệu liên quan của Bộ Ngoại giao, phỏng vấn các quan chức ngoại giao tại thủ đô Washington DC cũng như ở Ghana, Honduras, Ấn Độ, Morocco và Peru. Họ cũng làm các khảo sát tổng quát với những người dân được giải cứu đã đi trên các chuyến bay thuê do Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức.Theo báo cáo này, trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 6-2020, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thực hiện một "nỗ lực mang tính lịch sử" trong ứng phó với đại dịch COVID-19 khi giúp hồi hương hơn 100.000 công dân từ 137 quốc gia trên thế giới. Để so sánh, trong khoảng 5 năm trước đó, tổng số công dân Mỹ được bộ này hồi hương chưa tới 6.000 người.Về đại thể, hầu hết những phản hồi của người dân trong khảo sát của GAO về việc giải cứu là tích cực, nhưng vẫn còn một số lấn cấn về các vấn đề như giá vé trong các chuyến bay giải cứu. Cũng theo báo cáo đã nêu, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ đã rút được nhiều kinh nghiệm sau khi phải đương đầu với các thách thức cụ thể, như tầm quan trọng của việc sử dụng mạng xã hội cũng như điện thoại di động để liên hệ với các công dân trong khi triển khai chiến dịch giải cứu.Các nhân viên đại sứ quán và thành viên trong gia đình họ hỗ trợ các công dân Mỹ tại Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Lima, Peru, trước khi lên chuyến bay giải cứu hồi tháng 3-2020. Ảnh: Statemag.state.govTrong chiến dịch này, luật liên bang yêu cầu Bộ Ngoại giao phải tính phí với các công dân được hồi hương, nhưng theo cách "bay trước trả sau". Công dân được yêu cầu ký vào "giấy cam kết", đồng ý sẽ thanh toán vé máy bay sau khi đã được chính quyền hỗ trợ về nước. Cũng cần nói thêm là trong vụ sơ tán hơn 120.000 người từ Afghanistan về Mỹ trong tháng 8-2021 Bộ Ngoại giao đã không yêu cầu người được hồi hương phải trả tiền vé máy bay.Hướng dẫn của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu giá vé chuyến bay giải cứu không được "vượt quá giá vé máy bay thương mại hợp lý ở thời điểm ngay trước khủng hoảng". Nhóm giám sát của GAO đã phân tích cách tính toán giá vé máy bay giải cứu cũng như đã thực hiện cuộc khảo sát online với 189 công dân đã được hồi hương từ ngày 29-1 đến 5-6-2020. Các phản hồi cho thấy bên cạnh rất nhiều lời khen ngợi, cảm kích vì sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao, người dân cũng phàn nàn nhiều về chi phí chuyến bay cũng như quy trình thanh toán.GAO nêu ra một ví dụ cụ thể như việc một cặp vợ chồng người Mỹ phải trả hơn 6.000 USD cho chặng bay một chiều trên chuyến bay do Bộ Ngoại giao bảo trợ từ Chennai, Ấn Độ về San Francisco, California, đã phàn nàn "giá đó là quá cao với mọi hạng ghế tiêu chuẩn và ngay cả là trong đại dịch". Cơ quan này nhận xét: Bộ Ngoại giao Mỹ "đã thiếu các quy trình thủ tục cho việc lưu hồ sơ chứng từ và tính toán giá vé máy bay. Do đó, việc lưu chứng từ về các chi phí tính với các hành khách không thống nhất và quy trình xử lý thanh toán chi phí bị chậm trễ".Các nhân viên đại sứ quán và thành viên trong gia đình họ hỗ trợ các công dân Mỹ tại Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Lima, Peru, trước khi lên chuyến bay giải cứu hồi tháng 3-2020. Ảnh: Statemag.state.govCũng theo báo cáo tổng kết, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phát đi gần 27.000 giấy cam kết thanh toán tiền máy bay ở giai đoạn cao điểm của các chuyến bay giải cứu, ước tính lên tới 45,4 triệu USD. Phần lớn mọi người đều đã trả lại tiền này, còn 29% vẫn chưa thanh toán vào thời điểm GAO công bố báo cáo, theo đó tổng nợ còn lại ước khoảng 13,2 triệu USD. Cơ quan này cũng lưu ý Bộ Ngoại giao có chậm trễ trong việc gửi hóa đơn thanh toán tới công dân được giải cứu, khiến nhiều người phàn nàn.Thực tế những vấn đề liên quan chi phí chuyến bay giải cứu mà GAO nêu ra trong báo cáo đánh giá cũng phù hợp với những thông tin đã từng được nhiều người Mỹ, các nhà hoạt động và cả các tổ chức phi chính phủ nêu ra ở giai đoạn cao điểm của chiến dịch. Khi đó đã có những ý kiến bày tỏ lo lắng khi giá vé máy bay hồi hương do Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra đã cao hơn giá vé thương mại hàng trăm, nếu thậm chí hàng ngàn USD, theo báo The Hill.Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết những người đã ký giấy cam kết để được đi chuyến bay giải cứu thường sẽ được yêu cầu thanh toán tiền máy bay trong vòng 30 ngày sau đó. Nếu trả chậm, họ có thể phải chịu thêm tiền lãi và phí hành chính, thậm chí có nguy cơ bị đình chỉ hộ chiếu.Tháng 3-2020, một nhóm nghị sĩ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã đệ trình dự luật kiến nghị nên miễn tiền vé máy bay cho các công dân được giải cứu trong đại dịch COVID-19, tuy nhiên theo thông tin trên trang web của Quốc hội Mỹ, tới nay dự luật này vẫn đang ở trạng thái đệ trình. Anh không xài hết ngân sách "giải cứu"Trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4-2020, Bộ Ngoại giao Anh đã tổ chức 7 đợt giải cứu công dân khác nhau, đưa hơn 38.000 người trên 186 chuyến bay từ 57 quốc gia/vùng lãnh thổ về nước. Các chuyến bay của Bộ Quốc phòng Anh cũng đã giúp hàng trăm người nữa được hồi hương. Hơn 19.000 người Anh cũng được về nước bằng đường biển.Trong báo cáo về hoạt động ứng phó với COVID-19 của Bộ Ngoại giao hồi tháng 7-2020, Ủy ban Đối ngoại (FAC) Vương quốc Anh lưu ý Bộ Ngoại giao được cấp 75 triệu bảng Anh để hỗ trợ hồi hương công dân, nhưng chỉ tiêu hết 40 triệu bảng. "Mặc dù không ai ủng hộ sự lãng phí nhưng những khoản tiền này được phân bổ để giải cứu công dân Anh và số tiền chưa được sử dụng cho thấy có thể có nhiều người đã không tiếp cận được với sự hỗ trợ mà họ rất cần" - FAC viết, đồng thời nói rõ họ chưa được giải thích lý do tại sao 35 triệu bảng còn lại không được sử dụng để cung cấp dịch vụ tốt hơn cho những công dân Vương quốc Anh bị mắc kẹt ở nước ngoài.Trong văn bản phản hồi với FAC sau đó hai tháng, Chính phủ Anh cho biết 75 triệu bảng là "giới hạn" tối đa ngân sách cho hoạt động giải cứu, chứ không phải "mục tiêu". Trên thực tế Chính phủ Anh không "bao" toàn bộ chi phí cho chuyến bay giải cứu. FCO cho biết họ đã yêu cầu công dân trả một phần chi phí hợp lý trong tổng số tiền cần phải trả cho chuyến bay, tương đương mức đi trên chuyến bay thương mại. Chính phủ Anh lập luận chính sách này cũng tương tự như các nước Đức, Pháp, Mỹ và Canada.Giá vé máy bay tính với công dân sẽ khác nhau, tùy vào độ dài hành trình và cũng đã được điều chỉnh trong giai đoạn đầu tổ chức các chuyến bay giải cứu. Trong giai đoạn cuối của chiến dịch giải cứu, giá vé được tính ở mức: 400 bảng Anh cho chuyến bay dưới 6 tiếng, 600 bảng Anh cho chuyến bay từ 6-10 tiếng và 800 bảng Anh cho chuyến bay dài hơn 10 tiếng. Chiến dịch giải cứu công dân lớn nhất thế giới của Ấn ĐộTháng 7-2020, Chính phủ Ấn Độ khởi động chương trình giải cứu công dân quy mô khổng lồ có tên "Vande Bharat Mission" (VBM) với sự tham gia của hãng hàng không Air India và chi nhánh giá rẻ Air India Express của họ. Ở ba giai đoạn đầu trong 2 tháng đầu tiên của sứ mệnh giải cứu, Chính phủ Ấn đã không cho phép các hãng hàng không tư nhân tham gia, họ chỉ được tham gia từ giai đoạn giải cứu thứ 4 trở đi (từ tháng 7-2020). Dù vậy chính phủ vẫn tiếp tục giữ vai trò thiết lập giá vé, quyết định lộ trình bay và số chuyến bay. Theo thống kê sơ bộ của trang Simpleflying, tính đến cuối tháng 3-2021 VBM đã hồi hương được hơn 6,9 triệu người trong vòng 11 tháng. Công dân Ấn Độ được sơ tán khỏi Singapore vào tháng 5-2020. Ảnh: AFP Tags: Chiến dịch giải cứuSố liệu thống kêBộ ngoại giaoGiá vé máy bayAnhDịch covid-19Chuyến bay giải cứuChính phủ MỹEuẤn Độ
Tranh cãi 'lối đi ưu tiên' sẽ thu 100.000 đồng/khách tại sân bay Đà Nẵng CÔNG TRUNG 01/12/2024 Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sẽ trở thành sân bay đầu tiên trong 22 sân bay tại Việt Nam thí điểm thu phí dịch vụ "lối đi ưu tiên" tại khu vực kiểm tra an ninh soi chiếu 100.000 đồng/khách.
Rần rần trend 'đám giỗ bên cồn' của Lê Tuấn Khang: Rồi bên cồn có đám cưới không? THƯỢNG KHẢI 01/12/2024 'Đám giỗ bên cồn' - một câu 'thương hiệu' của TikToker Lê Tuấn Khang xuyên suốt các video do anh đăng tải trên TikTok, Youtube đang là từ khóa gây sốt trên mạng xã hội.
Ông Zelensky: Ukraine cần lá chắn NATO để sống sót TRẦN PHƯƠNG 01/12/2024 Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói nước này cần sự đảm bảo an ninh từ NATO và nhiều vũ khí hơn trước khi bước vào đàm phán với Nga.
Ông Đồng Văn Thanh được bầu làm bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang LÊ DÂN 01/12/2024 Ông Đồng Văn Thanh, chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, được bầu làm bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025.