TTCT - Ngày 4-7-2019, tại cuộc gặp Đức giáo hoàng Francis ở Roma, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tặng Giáo hoàng tượng thánh các sứ đồ Peter và Paul cùng một bản bộ phim Tội lỗi của đạo diễn lừng danh Liên Xô và Nga Andrey Konchalovsky. Tờ Luận chứng và sự kiện (AiF - Nga) đã phỏng vấn Konchalovsky quanh bộ phim đặc biệt và những mối quan tâm của đạo diễn. TTCT giới thiệu cuộc trò chuyện. Andrey Konchalovsky. -Ảnh: Celebrity Net Worth AiF: Ông mất tám năm thực hiện bộ phim Tội lỗi, liệu có thể so sánh thời gian đó với sáu năm Michelangelo bỏ ra để vận chuyển khối đá cẩm thạch khổng lồ từ một mỏ đá, như ông ấy gọi là “quái vật” của mình? - Andrey Konchalovsky: Không thể. Trong tám năm tôi làm bộ phim cùng lúc nghiên cứu một số thứ, đọc sách. Mà nghiên cứu tư liệu cũng giống như tham dự các khóa học nâng cao trình độ. Còn công việc mà Michelangelo làm là lao động nặng nhọc. Trong một mỏ đá, ông tìm và di chuyển khối đá cẩm thạch. Ông không muốn làm điều đó, ông chỉ muốn tạo ra những tác phẩm điêu khắc. Nhưng ông phải mất sáu năm của đời mình cho những khối đá cẩm thạch này. Nếu không thì không thành. Ông dành phần lớn thời gian ở núi Apuan Alps, khám phá các mỏ đá mới. Thậm chí ông phải xây đường ở đó, bởi khu vực này hoàn toàn là đầm lầy. Nhân tiện, con đường dẫn ra biển đó vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Vì vậy, lao động của Michelangelo là khổ sai, còn lao động của tôi là sự thỏa mãn. Cảnh trong phim Tội lỗi. Trong một số đánh giá, các nhà phê bình đã mô tả Michelangelo của ông như một người vô đạo đức, keo bẩn, xảo quyệt. Ông đồng tình chứ? - Tất cả chúng ta đều vô đạo đức. Tất cả chúng ta đều bị cám dỗ và đều sa vào chúng đấy thôi. Tôi chỉ ra rằng nghệ sĩ vĩ đại Michelangelo cũng giống tất cả chúng ta, theo nghĩa này. Không tốt hơn cũng chẳng xấu hơn. Rốt cuộc, ông ta đâu phải là nhân vật phản diện! Đương nhiên là không rồi. Nhưng ông ta rất hám tiền. Có phải đam mê tích cóp này đã cản trở sự sáng tạo của ông ấy? - Không, không cản trở, mà còn giúp đỡ. Bản thân tôi cũng vậy. Họa sĩ cũng phải ăn, đó là trước nhất. Thứ hai, từ khi đồng tiền được phát minh, con người luôn cần nó. Tôi nghĩ có một khác biệt lớn giữa những gì Michelangelo làm khi đó với những gì đang diễn ra hiện nay trong ngành sản xuất phim. Michelangelo làm theo đơn đặt hàng, nhưng không nhà tài trợ nào, những người đặt ông điêu khắc tượng hoặc vẽ bích họa, tính đến việc ông kiếm được nhiều tiền với bức tượng David hoặc Nhà nguyện Sistine. Đơn giản là họ chi một khoản tiền lớn cho việc tạo ra một tác phẩm nghệ thuật. Nhà sản xuất ngày nay đưa tiền cho đạo diễn để kiếm tiền cho chính mình. Tiếc thay, trên toàn thế giới có rất ít các nhà tài chính sẵn sàng chia sẻ tiền bạc với nghệ sĩ, không tính đến lợi nhuận. Một trong những nhà từ thiện vô vụ lợi là Aliser Usmanov, người chi tiền cho phim Michelangelo. Usmanov với tôi như Lorenzo de Medici (cự phú và nhà bảo trợ nghệ thuật lớn ở Ý thế kỷ 15, là người cung cấp tài chính cho Michelangelo). Tôi đã nói ngay với ông ta: “Đừng hi vọng anh sẽ lấy lại được tiền của mình”… Chỉ cần nghĩ tới việc làm sao để phim kiếm được tiền, bạn đã đánh mất tự do. Dẫu có những trùng hợp không ngờ, khi một bộ phim thương mại đồng thời có thể vừa là một tác phẩm nghệ thuật. Mà tác phẩm nghệ thuật là gì? Trước tiên, nó là nỗ lực tìm hiểu ý nghĩa cuộc sống. Chúng ta vẫn cố tìm lời đáp cho câu hỏi này trong nhiều ngàn năm, nhưng sẽ không cách nào tìm thấy. Đó là một quá trình vô tận. Cảnh trong phim Tội lỗi, Hiện giờ ông đang làm việc với một bộ phim mới về các sự kiện ở Novocherkassk (cuộc biểu tình ngày 1-6-1962 của công nhân Nhà máy thép Novocherkassk, tỉnh Rostov, Liên Xô cũ đòi tăng lương và cải thiện cuộc sống, dẫn tới đụng độ với lực lượng chính quyền làm 20 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Một phiên tòa sau đó đã xử bắn 7 người liên quan đến vụ việc, 105 người bị tù đày). Ông nói thời gian gần đây, chúng ta xem nhiều phim mà trong đó những thập niên 1960-1980 trông có vẻ giả tạo. Tại sao? - Ở đây có nhiều thành phần, nhưng cái chính là yêu cầu của nhà sản xuất làm phim sao cho khán giả phải ra rạp. Một bộ phim như vậy được làm chủ yếu cho thế hệ trẻ. Người ta không nghĩ về bản chất của những quá trình sâu sắc. Mà để tạo ra tác phẩm có thể thấm sâu vào hồn khán giả, cần có một nền văn hóa. Vậy tại sao ông lại chọn vụ xử bắn công nhân ở Novocherkassk? - Đó đơn giản là phông nền lịch sử… Tôi muốn làm một bộ phim về thế hệ cha mẹ mình. Đó là thế hệ đã đi qua chiến tranh, vào Đảng không phải để thăng tiến sự nghiệp, mà vì niềm tin vào lý tưởng, vào chủ nghĩa cộng sản. Đó là thế hệ hi sinh cho Tổ quốc, “cho Stalin”, mà trong đa số trường hợp là vô vụ lợi. Có hàng triệu người như thế ở đất nước ta. Họ đã xây dựng xã hội mới. Ông nói về sự thuần khiết của những người Xô viết, trải qua chiến tranh vệ quốc vĩ đại và thời kỳ Stalin. Tại sao thế hệ hiện nay không hấp thụ sự tinh khiết và vô vụ lợi ấy từ sữa mẹ? - Người ta đã làm nhiều chuyện khiến sự thuần khiết và tính vô vụ lợi ấy biến mất. Chúng ta đã đổi thời gian của mình lấy đồng rúp và đồng đôla, để lĩnh hội định đề Mỹ: “Thời gian là tiền bạc”.Trong quá trình đuổi theo việc làm giàu, chúng ta đánh mất điều chính yếu: thời gian. Mà nó vô giá. Nhưng dẫu sao chúng ta cũng chưa tiến tới chủ nghĩa tư bản - chúng ta đã dừng lại ở nỗ lực tiêu diệt chủ nghĩa xã hội Nga - Xô viết. Nỗ lực gần như thất bại. Và sự trở về với chủ nghĩa xã hội là tất yếu. Nhưng nó sẽ không bạo lực như thời Stalin. Chính hình thức chính phủ này phù hợp với tâm thế chúng ta, bởi nó đoàn kết mọi người. Dưới thời chính quyền Xô viết, tất cả chúng ta đoàn kết lại, ăn cùng một nhà ăn. Các đạo diễn (Andrei) Tarkovsky, (Grigori) Alensandrov, (Mikhail) Romm, (Grigori) Kozintsev - tất cả những người vĩ đại và không vĩ đại ấy, những sinh viên bình thường đều ngồi chung một bàn. Còn giờ đã xuất hiện những bữa tiệc đắt tiền dành cho giới thượng lưu và giá rẻ cho tất cả những người còn lại. Đây là hiện tượng tự nhiên theo chủ nghĩa tư bản… - Đúng vậy. Nhưng không gần gũi với chúng ta. Chúng ta không phù hợp với chủ nghĩa tư bản. Dẫu sao người Nga cũng không phải là người theo chủ nghĩa cá nhân. Anh ta không quá quý trọng luật pháp, anh ta cần sự công bằng. Anh ta không sống theo luật mà theo cảm nhận sự thật của chính mình, theo các khái niệm có thể là rất ngây thơ. Ông nói rằng văn hóa - đó là ký ức. Nhưng ký ức này những thập niên gần đây đã bị rút ngắn bởi sự xuất hiện Internet. Phải chăng văn hóa đang dần biến mất, và sẽ biến mất hoàn toàn? - Văn hóa đang được rút ngắn chủ yếu ở người châu Âu. Sự suy tàn của châu Âu đã được Spengler (Oswald Arnold Gottfried Spengler (1880-1936), triết gia, sử gia Đức, tác giả cuốn Sự suy tàn của châu Âu) dự báo. Và sự suy tàn đó đang diễn ra. Hiện nay ở châu Âu, nhiều người đang tìm kiếm sự cách tân, gồm cả ở lĩnh vực nghệ thuật. Nhưng có hi vọng rằng Ấn Độ, Trung Quốc, các nước Mỹ Latin, các nước khác - không phải châu Âu, Hồi giáo; những nền văn hóa có niên đại hàng thế kỷ sinh ra trước khi châu Âu ra đời sẽ tiếp tục cuộc sống của mình. Còn chúng ta thì sao? - Chúng ta đang quá muốn đuổi kịp và vượt Mỹ. Lạy Chúa, chúng ta đã tụt lại và sẽ không thể làm điều này. Nhờ đó mà chúng ta vẫn còn những ý tưởng truyền thống về những giá trị con người, thuở nào đó, tình cờ từ châu Âu đến với chúng ta. Bởi vì chúng ta lạc hậu, theo ý nghĩa tốt của từ này, nên chính chúng ta đang gìn giữ những giá trị châu Âu đã bị hủy hoại rất thành công ấy ở phương Tây. Nếu mọi việc cứ tiếp tục như thế, 10-15 năm nữa sẽ trôi qua và người châu Âu sẽ đến Saint Petersburg, đến Moskva, nói chung là đến Nga, để nhìn xem mọi thứ mà ngày xưa họ từng có ra sao.■ Tội lỗi (tiếng Ý: Il Peccato) được quay năm 2018, kể lại vài năm trong cuộc đời của nghệ sĩ kinh điển người Ý Michelangelo Buonarroti, khi ông cùng lúc làm việc với hai công trình: lăng mộ Giáo hoàng Julius II và mặt tiền của Vương cung thánh đường San Lorenzo ở Florence. Trong phim, Giáo hoàng Julius II (Massimo De Frankovic đóng) trước khi mất đã đặt Michelangelo thực hiện công trình lăng mộ cho mình. Nhưng sau khi Julius II qua đời, lăng mộ vẫn chưa hoàn thành, bởi nhà nghệ sĩ đã lấy số tiền được phân bổ để mua bất động sản. Dẫu vậy, những người thừa kế của Julius II, gia tộc đầy quyền uy Della Rovere, vẫn giao Michelangelo thêm tiền để tiếp tục, và nhà điêu khắc lên đường đi tìm đá cẩm thạch. Tân giáo hoàng Leo X (Simon Toffanin) thuộc gia tộc Medici đã buộc điêu khắc gia phá vỡ hợp đồng để thực hiện dự án vương cung thánh đường. Nhà nghệ sĩ rốt cuộc bị lôi kéo vào cuộc tranh đấu giữa hai gia tộc Medici và Della Rovere. Để hoàn thành cả hai dự án, Michelangelo phải nói dối và tìm cách thoát thân. Cùng lúc, người nghệ sĩ bị những bóng ma giày vò. Thường xuyên nhất là nhà thơ Dante Alighieri. Ông cảm thấy bị kẻ thù và những kẻ phản bội bao vây. Michelangelo luôn tìm kiếm Chúa, nhưng đồng thời lại hiểu rằng tất cả sự sáng tạo của ông đã đánh mất tính thiêng, không thể đưa dẫn con người tới đấng toàn năng. Có lẽ, đây là tội lỗi nặng nề nhất của ông. Để thực hiện bộ phim, một bản sao nhà nguyện Sistine đã được xây dựng ở trường quay Roma. Các cảnh quay được tiến hành ở Florence, Tuscany và Carrara. Vai chính trong phim do một diễn viên Ý không chuyên đóng: kỹ thuật viên nha khoa Alberto Testone. Andrey Konchalovsky năm nay 82 tuổi, là đạo diễn, nhà biên kịch xuất sắc Liên Xô và Nga, từng giành nhiều giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế, gần đây nhất là hai giải Sư tử bạc (Liên hoan phim Venice 2014 và 2016) cho các bộ phim “không sao, không sex, không máu”: Những đêm trắng của người đưa thư và Thiên đường. Ông Putin tặng phim Tội lỗi cho Giáo hoàng Francis. Ảnh: Novena Tags: Giáo hoàng FrancisNước NgaChủ nghĩa xã hộiPhim Tội lỗi
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Tổng Bí thư dự phiên trọng thể Đại hội IX Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam QUỐC LINH 18/12/2024 Sáng 18-12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dự phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ 9, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Tin thế giới 18-12: Ông Trump sắp cử người sang Ukraine; Mỹ nêu số thương vong của lính Triều Tiên THANH HIỀN 18/12/2024 Nga sẽ đưa vụ ám sát trung tướng Kirillov ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc; Mỹ khẳng định hàng trăm binh sĩ Triều Tiên thương vong ở Kursk.
Đà Lạt hướng tới mục tiêu trở thành hình mẫu tiêu biểu về tăng trưởng xanh MAI VINH 18/12/2024 Ngày 18-12 tại TP Đà Lạt, UBND Thành phố Đà Lạt phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo quốc tế “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa địa phương”.
Tương quan sức mạnh giữa Việt Nam và Philippines ở ASEAN Cup 2024 HOÀI DƯ 18/12/2024 Tuyển Việt Nam vượt trội chủ nhà Philippines gần như mọi mặt trước cuộc đọ sức ở lượt trận thứ tư bảng B ASEAN Cup 2024.