Đâu là hạnh phúc

HUỲNH VĂN MỸ 13/11/2012 23:11 GMT+7

TTCT - Những cơn mưa đến sớm làm vườn cây thẳm xanh hơn. Lũ vành khuyên, chào mào, chích chòe đậu bên vườn líu lo tiếng hót như bày tỏ niềm vui trước cảnh trí yên lành, tươi mát.

Tôi mở tung hết cửa để gió và tiếng chim ùa vào, cố nán lại nhà thêm một lát bởi không đành dứt chân đi trước một hạnh phúc tinh khôi đến từ ngày mới.

Phóng to
Tranh: Lê Thiết Cương

Lũ chim có lẽ là những sinh vật hạnh phúc nhất. Chúng biết lấy tiếng ca vui làm lẽ sống, cả trong lúc bị giam cầm trong chiếc lồng hẹp. Chúng đón mỗi ngày lên bằng tiếng hót, như bản năng nòi giống, mà cũng như những lời tụng ca và tri ân sự sống.

Con người mê tiếng chim đến nỗi giam chúng trong khung lồng chật chội, nhưng lại không nhận ra được bản chất của hạnh phúc, trở thành những “sinh vật” luôn thấy thiếu hạnh phúc nhất trên mặt đất này. Nhân danh lý trí, con người luôn đặt mục tiêu cho hạnh phúc của mình lớn và xa, cứ nới dần ra biên độ cho giấc mơ hạnh phúc như một cuộc đuổi bắt không hồi kết trong chuỗi tháng ngày hữu hạn của mình. Và khổ đau vì thế.

Cứ mỗi lần nghe ai thở than về chuyện không may, về sự thiếu vắng hạnh phúc của họ, hình ảnh những con chim cất lời thánh thót giữa mưa bão lại hiện lên trong tôi. Có người nói đó là tiếng gọi đàn, là lời than vãn của chúng, nhưng biết đâu cũng có thể là tiếng hót xác nhận sự tồn tại của mình giữa gió mưa cuồng bạo vốn không xa lạ. Nhận ra, ý thức về sự tồn tại, hiện hữu của mình trong cuộc sống - dù có khi vẫn còn nhiều điều bất như ý - đã là một hạnh phúc.

Tiếc thay, có người vẫn chưa thấy được điều giản đơn này dù cuộc sống của họ vẫn được đủ đầy nhiều thứ so với những người kề cận. Được làm người là một hạnh phúc lớn lao - lời Đức Phật là định đề chỉ ra giá trị con người với nguồn vốn hạnh phúc căn bản mà ai cũng nhận được khi cất tiếng chào đời. Phải chăng những người với hình thể tật nguyền, khiếm khuyết, với những cách mưu sinh khó nhọc đã làm chứng cho điều này khi họ là những người nồng nã với tình yêu cuộc sống?

Tôi nhớ lời cha tôi nói với người hàng xóm khi ông hỏi làm sao để bớt khổ: “Anh hãy nhìn xuống”. Người hàng xóm nghe cha tôi nói, sau một hồi im lặng, ông trầm ngâm giây lát rồi gật đầu, phì phào điếu thuốc rê cha tôi trao cho, thẳng đường gánh gánh củi ra chợ. Chỉ vì luôn nhìn lên, không bằng lòng với những gì mình có, một số đông người đã tự đánh mất hạnh phúc mình đang có - cái hạnh phúc mà nhiều người nhìn vào luôn ước mong, khao khát. Nhìn xuống, sự nhận chân hạnh phúc của một người sẽ trở nên chân xác, nhân bản khi đối sánh với bao người còn khổ hơn, bất hạnh hơn mình.

Những khi gặp những triết luận cao xa về hạnh phúc, tôi lại nghĩ đến niềm hân hoan vô hạn của những người mù vác chổi đót dạo qua phố khi có ai gọi lại mua cho một chiếc, những người mẹ nựng đứa con khuyết tật bẩm sinh bao năm vẫn mãi nằm một chỗ khi chúng cất tiếng u ơ. Những người coi hạnh phúc là những gì cao xa, đắt giá, tận trên cao, tít phía trước, nên luôn ở tâm thế “bỏ mồi bắt bóng”, đợi chờ, cầu mong ảo ảnh, coi thường hoặc bỏ quên những gì mình đang có. Và như vậy, chính họ đã gieo ươm cho mình những hạt mầm tham vọng tai hại.

Con chim cất lời trong trẻo ngay giữa bão dông chứ không đợi khi trời trong nắng ấm. Hạnh phúc đích thực cũng chỉ ở ngay ngày hôm nay chứ không phải đợi đến ngày mai. Ngày nào có nỗi khổ và niềm vui của ngày ấy. Nhưng niềm vui bao giờ cũng thắng vượt khổ đau để con người tồn tại và vươn lên. Đến con chim vẫn biết hót trong lồng để xóa nhòa sự giam cầm tù túng kia mà...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận