Dạy về “fake news” từ nhỏ

NGUYỄN VŨ 24/05/2019 03:05 GMT+7

Một thầy giáo lớp 5 kể câu chuyện của học sinh lớp ông trên tờ Vox để cho thấy vì sao ông phải nỗ lực dạy cho các em phân biệt được thông tin giả, thông tin thật ngay từ nhỏ, chứ không thể răm rắp tin theo Internet.

 

Học sinh của thầy Scott Bedley một hôm nọ hăm hở chuẩn bị cho một tiết học đặc biệt. Một nửa lớp hóa trang thành những nhân vật lịch sử nổi tiếng như nhà thám hiểm Christopher Columbus; nửa kia đóng vai nhà báo của các tờ báo lớn, sẵn sàng phỏng vấn các nhân vật lịch sử để viết tin. Tiết học này sẽ được phát trực tuyến cho các trường khác xem, nên các em háo hức như sắp sửa đóng vai trong một bộ phim lớn.

Andy đóng vai Ferdinand Magellan, nhà thám hiểm Bồ Đào Nha được xem là người đầu tiên đi vòng quanh Trái đất khoảng đầu thế kỷ 16. Andy tự tin ra trước micro hỏi các bạn đóng vai phóng viên: “Có ai có câu hỏi gì không?”. Một bạn nhanh nhảu vào vai: “Vâng, bạn nổi tiếng về điều gì và bạn đi thám hiểm thế giới vào năm nào?”.

“Tớ nổi tiếng về chuyện dong thuyền đi khắp thế giới vào năm 1972”. Cả lớp cười ồ. Thầy Bedley hỏi em lấy đâu ra cái năm 1972 đó, Andy trả lời: “Em “Google” nó trên mạng!”. Hóa ra Andy thấy thông tin này trên một bài viết và tin chắc nó đúng. Trẻ 10 tuổi đâu đã được ai dạy phải hoài nghi mọi thông tin thấy trên Internet.

Thầy Scott Bedley từ đó bèn thiết kế lại chương trình dạy để sao cho luôn có cơ hội chỉ cho các em học sinh cách phát hiện thông tin giả, nguồn tin nào đáng tin cậy, nguồn nào phải tránh xa. Chẳng hạn, thầy đặt ra 7 yếu tố để sàng lọc một bài viết, bài nào vượt qua cả 7 yếu tố này mới có khả năng là chính xác. Có những điểm ngay cả người lớn đôi lúc cũng quên béng như yếu tố ngày tháng, phải xem thông tin được đưa ra vào lúc nào, đã lạc hậu chưa. Đôi lúc chúng ta chia sẻ một bài báo cũ viết cách đây đã vài ba năm như thể nó là chuyện thời sự, nên vô tình chia sẻ một mẩu tin giả.

Bảy yếu tố đó gồm: có tác quyền không, xác minh bằng nhiều nguồn được không, tính đáng tin cậy dựa vào uy tín của nguồn, ngày xuất bản, uy tín và chuyên môn của người viết, so với điều ta đã biết và so với lẽ thường có gì lấn cấn.

Sau đó, thầy thiết kế một trò chơi nhằm phát hiện “fake news” trong các bản tin bằng cách vào tờ báo châm biếm The Onion chọn các mẩu báo cố ý bịa chuyện để chọc cười, chiếu lên bảng cho các em xem, trộn lẫn với các bài báo thật đã biên tập để phù hợp với lứa tuổi. Học sinh được dành vài ba phút để kiểm chứng, rồi biểu quyết xem tin đó là thật hay giả. Phát triển trò chơi này, thầy dựa vào một game show ngày xưa, soạn một game show mới, cho ba em giả làm ba nhân vật đọc ba mẩu tin để cả lớp làm chuyên gia phát hiện chi tiết nào là giả, dĩ nhiên phải có luận cứ chứng minh.

 

Thầy Bedley viết học sinh say mê trò chơi này vì các em có dịp cười đùa, bàn tán với nhau mọi chuyện trên đời. Nhưng dần dần các em bàn ngay vào chuyện quan trọng: tại sao Internet không có trách nhiệm gì với các nguồn chuyên tung ra tin bịa; vì sao người lớn cứ thích tin vào tin giả và lan truyền nó.

Và dần dần, các em hiểu sự khác biệt giữa quyền có ý tưởng riêng, quyền chia sẻ ý nghĩ riêng của mình dù nó có kỳ lạ đến đâu và chuyện cố tình bịa ra thông tin giả, lan truyền nó ra vì một mục đích gì đó. Phân biệt và có thái độ đúng đắn giữa “ý kiến” và “dữ kiện” là chuyện người lớn vẫn còn lẫn lộn, có thể choảng nhau vỡ đầu sứt trán.

Đó là chuyện trong lớp học. Ngoài đời, mọi việc lại không đơn giản thế. Tuần trước, Facebook tiếp chân các nơi khác như Twitter quyết định cấm cửa một số nhân vật nổi tiếng chuyên lan truyền tin giả trên các mạng xã hội. Các nhân vật này thường đưa ra các thuyết âm mưu, kích động thù hằn, bạo lực hay phân biệt màu da, giới tính, tôn giáo...

Mặc dù dư luận nhìn chung cho đây là việc Facebook phải làm, ngay lập tức vẫn có rất nhiều người, có cả những người nổi tiếng, lên tiếng phê phán rằng cấm cửa như thế là xử ép với dòng suy nghĩ của giới cực hữu; là xâm phạm quyền tự do ngôn luận; là một cách kiểm duyệt thời đại công nghệ.

Có lẽ thước đo trong chuyện này là “mức độ nguy hiểm” mà một luồng thông tin có thể gây ra. Một khi thông tin sai lệch đưa ra dẫn đến nguy hiểm cho bất kỳ ai khác, bất kỳ cộng đồng nào khác thì thông tin đó đáng bị cấm cửa, không thể cho xuất hiện. Nếu một nhân vật cổ vũ phụ huynh không nên cho con đi chủng ngừa, chính họ đã có thể góp phần làm lây lan dịch bệnh trong tương lai nên cấm không oan chút nào. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận