Để những giấc mơ khoa học không đơn độc

TTCT - Lẫn trong đám đông những nhà khoa học thế giới và Việt Nam ở “Gặp gỡ Việt Nam” lần 9 (28-7 đến 17-8) diễn ra tại Quy Nhơn, chúng tôi bắt gặp những khuôn mặt rất trẻ, thậm chí có thể nhầm họ là sinh viên đại học. Nhưng không. Họ là thạc sĩ, có người đang làm luận án tiến sĩ, có người còn nghiên cứu các đề tài sau tiến sĩ...

Phóng to
Các nhà vật lý trẻ Việt Nam thuộc Phòng thí nghiệm tia vũ trụ (VATLY), Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân, đi tham quan Trung tâm quốc tế KH&GD liên ngành - Ảnh: Trường Đăng

Họ là Điệp, Thảo, Nhung, Anh, Hoài, Phương... đang làm việc tại phòng thí nghiệm vật lý tia vũ trụ (VATLY), thuộc Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân Việt Nam, do giáo sư Pierre Darriulat, cựu giám đốc nghiên cứu Tổ chức Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN), khởi xướng thành lập.

Những lớp học đặc biệt

Ở tầng 6 trong tòa nhà cao 15 tầng Trường đại học Quy Nhơn hôm 8-8 có một lớp học đặc biệt, khoảng 15 bạn trẻ và một thầy giáo. Ngôn ngữ sử dụng là tiếng Anh và bài giảng là về bức xạ nền vũ trụ. Thầy giáo là giáo sư nổi tiếng thế giới, TS Nguyễn Trọng Hiền, đang làm việc tại Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA), còn học trò là các nhà khoa học thiên văn trẻ Việt Nam và một số nước khác, trong đó không ít người đã là tiến sĩ.

Lớp học này là một phần trong loạt sự kiện “Gặp gỡ Việt Nam” lần 9 mà giáo sư Trần Thanh Vân đang tổ chức tại Việt Nam trong những ngày qua. Lớp học vừa cung cấp thông tin nền cơ bản vừa cập nhật những thành tựu mới nhất trong lĩnh vực này trên thế giới cho các nhà khoa học trẻ. Tiếng Anh được xem như một phần bắt buộc để các nhà khoa học trẻ Việt Nam tiếp cận tri thức theo chuẩn mực quốc tế. Nổi bật trong số đó là nhóm các nhà khoa học trẻ đến từ VATLY.

Nguyễn Thị Phương (sinh năm 1991, thành viên trẻ nhất trong lớp) nói: “Với tôi, đây là một cơ hội thật sự. Nhiều kiến thức rất mới. Tôi chưa thể nói là hấp thụ được hết một cách rõ ràng, nhưng nó giúp hình thành trong đầu vấn đề hóc búa này một cách hệ thống, có lớp lang. Những vấn đề khó được thầy diễn giải theo cách dễ hiểu nhất...”.

Với tư cách trợ giảng, TS Phạm Ngọc Điệp, làm việc tại VATLY, lại có trải nghiệm mới khác hơn những lần tham gia “Gặp gỡ Việt Nam” trước đây: “Ngoài kiến thức mới, lớp học giúp tôi rất nhiều cho công tác giảng dạy mà tôi sẽ theo đuổi sau này bên cạnh nghiên cứu khoa học. Được gặp gỡ, trao đổi với những bộ óc uyên bác ngay tại Việt Nam là một cơ hội không dễ tìm thấy đối với những người trẻ. Đây là những dịp để chúng tôi củng cố và tiếp cận với những cái mới đang diễn ra trên thế giới”.

Lớp học của TS Nguyễn Trọng Hiền chỉ là một trong số nhiều lớp được mở rộng với mục tiêu đào tạo cho các nhà khoa học trẻ. Bởi “Gặp gỡ Việt Nam” có những phiên thảo luận rất chuyên sâu về những lĩnh vực khoa học hóc búa mà ngay cả một số người đã có học vị tiến sĩ trong nước vẫn là mới mẻ.

Chẳng hạn như tham luận về hiệu ứng Hall lượng tử của GS K. V. Klitzing trình bày trong 15 phút tại hội nghị khoa học, nhưng để các nhà khoa học trẻ hiểu thấu đáo, đề tài này được phân ra thành bốn buổi đào tạo chuyên sâu. Đây là một trong những sáng kiến mà ban tổ chức chủ ý để giúp đào tạo các nhà khoa học trẻ Việt Nam.

“Tôi thật sự mới chập chững đi vào con đường khoa học với cặp mắt rất cảnh giác bởi bao nhiêu khó khăn mà lớp đàn anh đã trải qua. Đến với “Gặp gỡ Việt Nam”, ít nhất tôi cảm giác an tâm rằng ở Việt Nam có một cộng đồng như vậy, để mình không thấy đơn độc trên con đường tìm hiểu và nghiên cứu thiên văn” - Nguyễn Thị Phương chia sẻ.

Trong khi đó, nghiên cứu sinh tiến sĩ Nguyễn Thị Thảo khẳng định mình gặt hái được rất nhiều. Chẳng hạn như sau khi học hỏi, gặp gỡ, trao đổi với những nhà khoa học hàng đầu thế giới, cô cho biết cơ hội này đã gợi mở hướng đi tiếp theo là nghiên cứu về vật chất tối, một trong những vấn đề nan giải mà hiện nay khoa học nhân loại chưa có nhiều thông tin.

Với TS Phạm Ngọc Điệp, mở rộng được kết nối với quốc tế qua tiếp xúc với các nhà khoa học tại “Gặp gỡ Việt Nam” hỗ trợ nhiều cho việc nghiên cứu của mình.

“Chẳng hạn như sau khi tôi trình bày bài thuyết trình của mình, một giáo sư người Pháp cho biết có cùng ý tưởng nên hai bên có thể cùng hợp tác nghiên cứu trong tương lai...” - TS Điệp cho biết. Còn Thảo thì rất hồ hởi bởi được TS Hiền “môi giới” kết nối với các nhà khoa học Nhật Bản vốn cũng đang đeo đuổi đề tài tương tự với cô.

Phóng to
TS Nguyễn Trọng Hiền dạy về bức xạ nền vũ trụ cho các nhà vật lý trẻ VN tại Trường ĐH Quy Nhơn - Ảnh: L.N.M.

“Là tiến sĩ, sao không cải tiến máy gặt lúa?”

TS Phạm Thị Hồng Nhung, 32 tuổi, từ khi còn nhỏ đã rất thích quan sát bầu trời và các vì sao. Đến cấp II, Nhung tự tìm đọc các tài liệu về thiên văn học và xác định sẽ theo đuổi ngành thiên văn. Đến khi vào trường Nhung mới biết ĐH Khoa học tự nhiên không đào tạo ngành thiên văn học. Nhung đã quyết định chọn vật lý hạt bởi đây là môn học gần với ngành vật lý thiên văn nhất.

Còn Nguyễn Thị Thảo, 33 tuổi, bắt đầu “mối tình” với thiên văn học từ năm 2 tại ĐH Khoa học tự nhiên. Cô tự làm ra một chiếc kính thiên văn khúc xạ nhỏ với một ống nhựa, mắt kính viễn và một kính lúp để quan sát Mặt trăng. Với thiết bị đơn giản đó, Thảo đã quan sát được các ngọn núi trên bề mặt Mặt trăng.

“Việc đến với VATLY và ngành thiên văn hoàn toàn do niềm đam mê dẫn dắt - Thảo khẳng định - Chúng tôi làm công việc này đầu tiên vì sự yêu thích của chính bản thân. Sau đó mới có thể nói rằng là muốn làm gì đó cho ngành thiên văn học của đất nước”.

Trong mười năm hoạt động, VATLY đã có nhiều bài nghiên cứu trên các tạp chí khoa học quốc tế như Nuclear Physics, Astroparticle Physics... Năm 2007, nhóm có đóng góp vào nghiên cứu được đăng trên tạp chí Science về mối tương quan giữa các tia vũ trụ năng lượng siêu cao với các thiên hà có tâm hoạt động mạnh. Từ cuối năm 2012, VATLY bắt đầu tập trung nghiên cứu lĩnh vực thiên văn vô tuyến.

Những nhà thiên văn học Việt Nam trong nhóm VATLY đều còn rất trẻ, người lớn nhất mới 33 tuổi, người nhỏ nhất chỉ 22. Mỗi người đến với khoa học trong một hoàn cảnh khác nhau, lửa đam mê vẫn bừng cháy nhưng nỗi lo đời thực và suy tư về một kế hoạch tương lai cũng đang khiến họ phải phân vân trước quyết định mang tính bước ngoặt cho cuộc đời.

TS Điệp nói: “Thu nhập thấp làm sao yên tâm nghiên cứu khi bên mình còn người bạn đời và con cái nữa?”. Thảo thì tâm sự: “Bạn bè cùng lớp đi theo ngành khác đều có thu nhập ổn định. Nhìn lại mình đôi khi tự hỏi vì sao lại chọn con đường gập ghềnh này. Để có tiền trang trải chi phí gia đình... chuyện phải làm thêm những đề tài bên ngoài công việc chính thật đáng để suy nghĩ”.

Khó khăn rồi cũng có thể vượt qua, theo TS Điệp cái chính vẫn là thông điệp từ Nhà nước cho công việc nghiên cứu khoa học cơ bản phải rõ ràng để nhà khoa học yên tâm. “Không ưu tiên ngành này, ưu tiên ngành khác cũng không sao, vấn đề là cần rõ ràng. Đào tạo ra một nhà khoa học có học hàm, học vị đâu phải dễ, để rồi người đó bỏ ngang đi làm công việc khác thì rất lãng phí” - TS Điệp nói.

“Rất nhiều người đã hỏi chúng tôi rằng các bạn làm công việc này có giúp ích gì cho đất nước, cho người dân hay không? Thậm chí có người trong ngành khoa học từng hỏi chúng tôi tại sao các bạn là tiến sĩ, là nhà khoa học mà không cải tiến máy gặt lúa cho nông dân” - Nhung kể.

Nhưng dù đối mặt với vô vàn khó khăn, các thành viên VATLY khẳng định họ vẫn luôn tìm thấy niềm vui và sự đam mê trong công việc. Tuấn Anh tâm sự anh chưa bao giờ nghĩ đến sự từ bỏ. Thảo nói tình yêu với thiên văn học và sự động viên của giáo sư Pierre luôn là động lực giúp cô theo đuổi công việc.

“Giáo sư Pierre luôn nói với chúng tôi rằng bản thân mình thật sự muốn gì và coi điều gì là quan trọng nhất đối với bản thân mình. Và đối với tôi đó là khoa học. Mỗi ngày chúng tôi học hỏi được những điều mới mẻ và điều đó luôn đem lại niềm vui lớn” - Nhung nhấn mạnh.

Chính vì thế, các thành viên VATLY cũng rất muốn chia sẻ niềm đam mê khoa học với các bạn trẻ Việt Nam. “Tranh thủ những lớp học như thế này, chúng tôi có thể gặp gỡ và trao đổi với các sinh viên khoa học chưa có định hướng về tương lai. Chúng tôi giới thiệu về phòng thí nghiệm và các hoạt động của nhóm để thu hút sự quan tâm của họ” - Nhung cho biết. Tham dự các hội nghị khoa học khác, họ cũng luôn chuẩn bị kỹ để giới thiệu về VATLY, đặc biệt về mảng đào tạo của phòng.

“Khoa học là phải vì khoa học chứ không phải vì bất kỳ mục tiêu nào khác như tiền bạc hay địa vị”. Đó là thông điệp mà giáo sư Pierre Darriulat luôn nhấn mạnh với các thành viên VATLY. Và bất chấp những khó khăn, áp lực, các nhà thiên văn trẻ tuổi đến từ Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân đang thật sự dấn thân vì khoa học mặc dù các bạn không tự nhận như vậy.

Phóng to
Ảnh: L.N.M.
Tiến sĩ PHAN BẢO NGỌC (*) (trưởng bộ môn vật lý ĐH Quốc tế thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM):

Phải tự mình khám phá

Các nhà nghiên cứu khoa học cơ bản ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn chung như thiếu điều kiện tài chính, chính sách và môi trường nghiên cứu rất hạn chế.

Để nuôi dưỡng niềm đam mê khoa học, mỗi nhà nghiên cứu Việt Nam chọn một cách riêng. Người thì tận dụng các mối quan hệ cá nhân để ra nước ngoài nghiên cứu vài tháng mỗi năm, người đi đi về về, người thì đi luôn... Nhưng đó chỉ là những giải pháp mang tính cá nhân. Nhà nước phải có những chính sách rõ ràng để thúc đẩy sự phát triển của khoa học cơ bản.

Mô hình giáo dục của chúng ta cũng cần sự thay đổi. Đến Việt Nam lần này, giáo sư vật lý Sheldon Lee Glashow (đoạt giải Nobel năm 1979) luôn đề cập mô hình của Trường trung học Khoa học Bronx tại New York (Mỹ), nơi đào tạo tám chuyên gia đoạt giải Nobel. Giáo sư Glashow cho biết các giáo viên của trường luôn đặt ra những câu hỏi mở để học sinh tự tìm hiểu. Họ luôn nhấn mạnh rằng học sinh phải vào phòng thí nghiệm, tự mình khám phá.

Trong khi đó, các trường chuyên lớp chọn ở Việt Nam chỉ giảng dạy theo kiểu tìm bài giảng, cung cấp mọi kết quả cho học sinh. Đây là điều khiến chúng ta phải suy nghĩ bởi trong khoa học, không phải cái gì cũng cần câu trả lời lập tức. Điều quan trọng là sự tìm tòi, khám phá. Ở Việt Nam, một số thầy cô đơn lẻ có thể giảng dạy theo mô hình này. Nhưng để tạo ra sự chuyển biến của cả một hệ thống giáo dục thì cần phải có chính sách của Nhà nước.

___________

(*): Đoạt giải thưởng nghiên cứu quốc tế Chretien năm 2007 của Hiệp hội Thiên văn Mỹ nhờ công trình quan sát sao lùn nâu.

Khuyến khích đam mê khoa học trước tuổi 15

Nhà bác học Đức Klaus von Klitzing (Nobel vật lý năm 1985) cho rằng xã hội và gia đình cần khích lệ các bạn trẻ đặt câu hỏi và tìm lời giải...

* Tại Việt Nam, không nhiều người trẻ muốn đi theo con đường nghiên cứu khoa học cơ bản. Phải làm sao để thổi lửa đam mê cho họ thưa giáo sư?

- K.V. Klitzing: Con người bao giờ cũng có đam mê giải đáp các câu hỏi tại sao thế này, tại sao thế kia về các sự vật, hiện tượng xảy ra xung quanh mình, nhất là khi còn trẻ. Xã hội, gia đình cần phải hỗ trợ, khuyến khích giới trẻ đặt câu hỏi và tìm câu trả lời. Phải tạo cho thế hệ trẻ niềm đam mê khám phá khoa học trước tuổi 15 vì sau tuổi ấy sẽ có những đam mê khác trỗi dậy lấn át các đam mê giải đáp khám phá khoa học.

Tại Đức, hằng năm tôi có giải thưởng Von Klitzing dành cho các giáo viên có thể khơi dậy đam mê nghiên cứu khoa học cho học sinh với giá trị 20.000 euro/giải thưởng.

* Làm sao để phát huy hết các tài năng trẻ?

- Hãy đưa các em ra nước ngoài học tập. Phải có những mối quan hệ quốc tế để tăng kinh nghiệm và kiến thức. Như với cá nhân tôi, điều quan trọng nhất khi tôi ở Grenoble chính là được làm quen với các nhà khoa học Pháp. Họ rất giỏi.

* Nhưng khi người trẻ và giỏi sau thời gian học tập ở nước ngoài không còn muốn trở về?

- Trung Quốc, Hàn Quốc có những chính sách cho các nhà khoa học giỏi quay về nước làm việc theo thời gian nhất định trong năm. Việt Nam cũng nên như vậy. Mặt khác, cần tập trung nghiên cứu những lĩnh vực là thế mạnh của mình. Lĩnh vực này phụ thuộc vào nguồn tài nguyên, điều kiện của đất nước.

Việt Nam có thể quan tâm hơn vào khoa học nano, đây là một ngành rất rộng có thể ứng dụng cả trong vật lý, hóa học, y tế... Nếu chủ động và cố gắng thì sẽ luôn tìm được hướng đi.

Phải tạo cho người làm khoa học sự tự chủ. Quỹ Heisenberg đã cho tôi rất nhiều tự do trong nghiên cứu, không buộc phải làm báo cáo, không buộc các nghiên cứu phải đạt kết quả. Khám phá hiệu ứng Hall lượng tử chính là quá trình tôi đi tìm những lời giải cho các câu hỏi trên con đường khoa học chứ không phải là một đề bài đã được đề ra trước.

_____________

Trả lời TTCT, giáo sư Pierre Darriulat - nguyên giám đốc nghiên cứu Tổ chức Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN), người sáng lập phòng thí nghiệm VATLY thuộc Viện khoa học và kỹ thuật hạt nhân - cho rằng phải tạo điều kiện cho những tài năng xuất sắc nhất phát triển, hình thành một tầng lớp tinh hoa.

* Khi mới khởi đầu sự nghiệp khoa học, giáo sư nhận được sự hỗ trợ như thế nào? Giáo sư có so sánh gì với sự bắt đầu của các học trò Việt Nam của ông hiện nay?

Phóng to
Giáo sư Pierre Darriulat - Ảnh: L.N.M.
- Tôi bắt đầu công việc nghiên cứu ở trường đại học tại Pháp vào năm 1956, không quá lâu sau Thế chiến II. Trong thời kỳ chiến tranh, khoa học ở Pháp tụt hậu nghiêm trọng, không hề có bất cứ nghiên cứu nào. Đó là một thảm họa: phải khôi phục khoa học. Các nhà khoa học Pháp thế hệ trước tôi chịu nhiều mất mát và đau khổ trong chiến tranh bởi họ không được làm khoa học. Do đó, họ xác định sứ mệnh là phải hết lòng giúp đỡ thế hệ chúng tôi để có được tất cả những gì mà họ không có. Đó là điều tôi chưa tìm thấy ở Việt Nam và là điều làm tôi trăn trở.

Các nhà khoa học trẻ Việt Nam hiện nay là những đứa con của thời kỳ đổi mới. Họ có cơ hội để phục hồi nền khoa học Việt Nam nên cần được tạo điều kiện để thực hiện sứ mệnh đó. Các bạn trẻ cần được dạy rằng không thể lúc nào cũng nói vâng, mà phải biết nghi ngờ những chân lý cũ.

Trong khoa học không có chân lý vĩnh viễn. Đặc biệt, lĩnh vực vật lý phát triển dữ dội, luôn nảy ra những vấn đề mới mà chúng ta chưa hiểu gì, ví dụ như vật chất tối hay năng lượng tối. Thế hệ trẻ cần được khuyến khích để hiểu rằng họ hiểu biết hơn thế hệ trước. Đó sẽ là động lực để giúp họ tiến bước.

Nếu Việt Nam muốn phát triển, sự thay đổi sẽ đến từ thế hệ hiện nay chứ không phải là thế hệ trước. Đó là điều mà tôi chắc chắn. Nhưng để có thể làm được điều đó, thế hệ này cần một động lực, một sự khích lệ.

* Việt Nam cần phát triển khoa học cơ bản, nhưng phải làm thế nào?

- Để phát triển khoa học cơ bản ở Việt Nam chúng ta phải làm theo hướng từ dưới đi lên. Chúng ta cần tạo ra những nhóm nghiên cứu, hỗ trợ về tinh thần và tài chính cho họ. Những gì nhóm của chúng tôi đang làm là đi theo con đường đó.

Ở Việt Nam, ai cũng muốn đi học đại học bởi đây là con đường để đạt được sự thừa nhận của xã hội. Tuy nhiên, đại học không phải dành cho tất cả. Nhiều sinh viên không đủ trình độ đã cản trở những người khác giỏi hơn có cơ hội được đào tạo xứng đáng. Chúng ta phải tạo điều kiện cho những tài năng xuất sắc nhất phát triển, hình thành một tầng lớp tinh hoa. Bởi không thể đào tạo thành công tất cả mọi người và khiến họ tin rằng chỉ sau vài năm học đại học là họ sẽ thành công, sẽ trở nên giàu có. Điều đó là không thể.

“Vấn đề của các nhà nghiên cứu trẻ hiện nay là khoa học cơ bản như vật lý thiên văn không có các ứng dụng thực tiễn dễ nhìn thấy. Nhiều người nghĩ rằng việc chúng tôi đang làm là để cho vui. Sự quan liêu đang cản trở khoa học phát triển. Một đất nước phát triển nhanh phải có khả năng thay đổi các quy định cứng nhắc. Thế giới thay đổi liên tục và Việt Nam cũng đang thay đổi rất nhanh”.

Giáo sư Pierre Darriulat

Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ các ngành khoa học cơ bản như vật lý thiên văn và vật lý hạt, hai biên giới lớn của khoa học hiện đại. Mỗi năm có rất nhiều sinh viên ưu tú Việt Nam ra nước ngoài học, lấy bằng tiến sĩ nhưng khi trở về họ không được quan tâm. Những gì họ có thể làm là tự liên hệ với các tổ chức nước ngoài để nghiên cứu, công bố một số bài nghiên cứu... Và có thể họ sẽ chuyển ra nước ngoài để sống và nghiên cứu.

Điều đó tốt cho họ nhưng không có lợi cho đất nước. Không điều gì đáng buồn hơn là việc những người trẻ phải rời bỏ đất nước để có được một cuộc sống họ xứng đáng được hưởng.

Việt Nam ưu tiên cho các ngành khoa học ứng dụng nhưng vẫn phải dành đất cho khoa học cơ bản. Để cải thiện chất lượng đào tạo và nghiên cứu, Nhà nước cần tăng lương cho các giảng viên và những người nghiên cứu khoa học.

* Giáo sư có lời khuyên nào cho các nhà khoa học trẻ?

- Tôi luôn nói với các học trò của mình rằng nếu họ muốn có sự thay đổi thì phải tự mình tạo ra thay đổi. Họ không thể chờ đợi thế hệ trước đưa ra những sáng kiến mà bản thân họ phải làm điều đó. Nhà văn Pháp Abert Camus từng viết một cuốn sách có tên Truyền thuyết Sisyphus.

Trong thần thoại Hi Lạp, Sisyphus chống lại các vị thần, xiềng xích thần chết để tất cả mọi người đều bất tử. Các vị thần trừng phạt Sisyphus bằng cách bắt ông phải vác đá lên đỉnh núi hằng ngày. Nhưng khi đến đỉnh núi thì hòn đá tuột xuống chân núi, buộc Sisyphus phải làm lại từ đầu. Camus cho rằng Sisyphus đã sống trọn vẹn cho lý tưởng của mình, cuối quyển sách, ông viết: “Chúng ta phải tưởng tượng rằng Sisyphus cảm thấy hạnh phúc”.

Tôi luôn tin rằng những gì các học trò của tôi đang làm là xứng đáng và tốt cho họ. Tôi đã gặp rất nhiều người trẻ Việt Nam tài giỏi. Họ là tương lai của đất nước và Việt Nam không nên lãng phí năng lực của họ. Cần tạo cơ hội cho họ. Cần có ai đó nói với các nhà khoa học trẻ rằng chúng tôi cần các bạn, chúng tôi tin vào các bạn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận