TTCT - Nỗi thôi thúc khám phá kèm với nhiều tình cờ ngẫu nhiên và duyên nợ đã khiến một chuyên gia hang động người Anh gắn bó 2/3 quãng đời của mình với một xứ sở xa xôi. Howard Limbert đến Quảng Bình trước tiên để thám hiểm hang động, nhưng thứ khiến ông ở lại là tình người, tất cả xuất phát từ sự chào đón nồng ấm và hỗ trợ hết lòng mà người địa phương dành cho những người ngoại quốc lần đầu đến xứ họ tròn 30 năm trước. “Hế lô Hao-wớt”, bé trai tầm 5 tuổi đang nắm tay mẹ đứng trước cửa nhà giơ tay còn lại ra vẫy và chào một ông Tây tóc bạc vừa đạp xe ngang qua. Em bé không phát âm chuẩn được tên người đàn ông, nhưng em biết đó là Howard Limbert, cũng như hầu hết bà con ở khu dân cư dọc bờ sông Son ở thị trấn Phong Nha (Bố Trạch, Quảng Bình) này.Khi tôi đạp xe cùng với Howard trên con đường nhỏ, đi từ văn phòng Oxalis Adventure, công ty điều hành các tour thám hiểm hang động, trong đó có hang Sơn Đoòng nổi tiếng, đến nhà ông cũng ở thị trấn Phong Nha, người đàn ông 62 tuổi này còn vẫy tay với 3-4 dân địa phương khác. Ai cũng tươi cười chào chuyên gia thám hiểm hang động quốc tịch Anh, mà tính đến năm 2020 này đã có tròn 30 năm gắn bó với con người và vùng đất Quảng Bình.Trong 3 thập kỷ đó, Howard cùng vợ, bà Debora Limbert, và các chuyên gia thuộc Hiệp hội Nghiên cứu hang động Anh (BCRA) đã khám phá, nghiên cứu, đo đạc hơn 300 hang động ở Quảng Bình, từ đó giúp ngành du lịch mạo hiểm của tỉnh miền Trung này hình thành và phát triển, mang lại đổi thay về đời sống và kinh tế.“Ngôi nhà này mới, nhà kia năm ngoái chưa có, có rất nhiều thứ thay đổi” - Howard vừa đạp xe vừa chỉ vào những ngôi nhà mới xây ở nơi mà 30 năm trước là một ngôi làng nghèo, không đường, không điện, người dân sống trong đói nghèo, suy dinh dưỡng và sốt rét rừng. “Thật khó tin mới đó mà đã 30 năm - ông nói - Tôi rất hạnh phúc khi thấy sự phát triển và thịnh vượng nơi đây”. Howard Limbert của hiện tại. Ảnh: NVCCHoward Limbert là một trong những chuyên gia hang động hàng đầu thế giới và trưởng đoàn thám hiểm hang động của BCRA tại Việt Nam. Howard là trưởng đoàn thám hiểm đã tìm ra và khám phá hang Sơn Đoòng năm 2009. Ông cùng vợ hiện là giám đốc kỹ thuật, phụ trách huấn luyện cho hướng dẫn viên và porter cũng như đảm bảo an toàn cho các tour thám hiểm của Oxalis Adventure. Vì sao chọn Việt Nam?Trước đó, khi chúng tôi cùng ăn tối trong một khung cảnh quá hoàn hảo để kể chuyện đời xưa - bên bờ sông Son vào một đêm trời mưa nhẹ, Howard Limbert cũng nói đơn giản “mọi thứ chỉ mới như ngày hôm qua”, khi bắt đầu nhớ lại những ngày đầu ở đây, câu chuyện từ hơn cả một phần tư thế kỷ trước.Làm quen với caving (thám hiểm hang động) từ khi còn là cậu học sinh 16 tuổi, đến năm 1989 Howard đã khám phá nhiều hang lớn nhỏ khắp thế giới, từ Úc, New Zealand đến các hang ở châu Âu và châu Mỹ. Với hành trang đó, Howard muốn tìm thứ gì mới lạ cho chuyến thám hiểm tiếp theo. Trong quyển Atlat các hang động trên thế giới, Howard đọc được thông tin rằng Lào, Myanmar và Việt Nam có nhiều hang nhưng chưa ai từng đến đó. Ông liền gửi thư cho các cơ quan liên quan ở cả ba nước. Trong khi hai quốc gia kia từ chối, cho rằng không ai được đến đó khám phá hang động, Howard nhận được cái gật đầu từ Việt Nam. Khoa địa lý - địa chất củaTrường đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội được giao nhiệm vụ phúc đáp và gợi ý các nhà thám hiểm Anh một loạt điểm đến. Tại trường có giáo sư Nguyễn Quang Mỹ và tiến sĩ Phan Duy Ngà đều là người Quảng Bình, cả hai ông đã giới thiệu đoàn đến quê hương của mình, nơi họ biết có nhiều hang động đá vôi chưa được khám phá.Howard Limbert của tuổi 30. Ảnh: NVCC“Chúng tôi không có ý niệm gì về Việt Nam trước khi quyết định đến đây, và cuối cùng thì chúng tôi là những nhà thám hiểm đầu tiên đến Phong Nha” - Howard nói. Nếu các hang động khắp thế giới có thông tin phủ kín nhiều trang giấy trong quyển atlat thì tất cả những gì về Việt Nam chỉ gói gọn trong 3 dòng. Nhưng đâu có gì hấp dẫn với nhà thám hiểm hơn bí ẩn và những điều chưa biết. Đến một nơi hoàn toàn xa lạ và không biết chuyện gì có thể xảy ra chỉ khiến Howard và nhóm của mình thêm hào hứng. Khi đã đến Phong Nha, cảm giác của những nhà thám hiểm thế nào, có ngoài sức tưởng tượng? “Trên cả tuyệt vời” - Howard trả lời.“Trường đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội giúp chúng tôi rất nhiều, vì cả mục đích khoa học lẫn phát triển du lịch” - Howard nói, trong khi mở hình chuyến đi năm 1990 trên laptop cho tôi xem. Nhóm của Howard đến Việt Nam lần đầu vào năm 1990. Từ Hà Nội, đoàn gồm 9 thành viên đi đường bộ đến Đồng Hới mất 4 ngày và thêm 1 ngày mới từ tỉnh lỵ của Quảng Bình đến được Phong Nha. Ngày nay, chỉ mất hơn 1 giờ bay và thêm 50 phút ngồi ôtô là hoàn tất hành trình đó.Hành trang của đoàn trước một chuyến thám hiểm năm 1990. Ảnh: NVCCĐến và đi, rồi lại đếnQuảng Bình của 30 năm trước đầy đường đất mấp mô và không khó để thấy mảnh bom, vỏ đạn, thậm chí cả súng ống trên đường đi. Nhưng Howard nói thứ mà những người địa phương hỗ trợ đoàn thám hiểm dặn họ phải cẩn trọng nhất không phải là tàn tích của chiến tranh, mà là thú dữ trong rừng “và cả các toán cướp nữa, dù cuối cùng chúng tôi chẳng gặp băng thổ phỉ nào”.Đoàn thám hiểm có 8 ngày ở Quảng Bình, khám phá được hang Phong Nha dài 10km. Dân địa phương đã biết đến cửa hang trước đó và vào khoảng 500m bên trong nhưng không thể đi xa hơn vì hang quá dài và địa hình quá hiểm trở, trong khi họ không có đèn lẫn dụng cụ bảo hộ.Ngay trong chuyến thám hiểm đầu tiên đã tìm thấy Phong Nha, Howard biết ông sẽ còn phải trở lại nơi này thêm nhiều lần nữa. “Chúng tôi mang theo đầy đủ thiết bị, chuẩn bị cả một chiếc thuyền nhỏ vì nghĩ rằng hang ở đây cũng nhỏ thôi, nhưng người địa phương bảo chúng tôi sang thuyền to hơn, khi đến Phong Nha tôi mới hiểu tại sao: cái hang lớn hơn nhiều so với những gì chúng tôi hình dung” - Howard nhớ lại.Khi còn chưa kịp khám phá đến tận cùng hang Phong Nha, Howard và đoàn buộc phải rời Quảng Bình để đến các địa điểm khác theo lịch trình - Ninh Bình, Hòa Bình, và Quảng Ninh. “Kế hoạch lúc đó là cứ khám phá càng nhiều nơi càng tốt, rồi mới quyết định nơi nào tiềm năng nhất” - Howard giải thích. Nếu nghĩ tích cực, biết đâu Phong Nha đã đẹp mà những nơi khác còn kỳ vĩ hơn thì sao? “Nhưng cuối cùng Quảng Bình là tuyệt nhất” - Howard nói.Nhóm của Howard trở lại Phong Nha năm 1992 và sau sáu tuần đã hoàn tất khám phá, đo đạc hang động này. Đó là khởi đầu của quá trình 30 năm mà các nhà thám hiểm hang động cứ đi đi về về giữa Anh và Quảng Bình. Mỗi lần về nước, họ lại làm việc và dành dụm tiền cho chuyến đi tiếp theo, tất cả đều tự túc.Mỗi lần trở lại Quảng Bình của Howard không chỉ để tìm kiếm, khám phá và đo đạc hàng trăm hang động mà còn để hỗ trợ y tế cho người dân, dạy dân bản địa tiếng Anh và cách làm du lịch bền vững. Như Howard nói trong một bài phỏng vấn, động lực khiến ông gắn bó với Phong Nha bắt đầu với những hang động, trước khi chuyển sang người dân địa phương và phúc lợi của họ.Các chuyên gia hang động của Anh cũng tư vấn với chính quyền địa phương về tiềm năng du lịch mạo hiểm và năm 1995, Quảng Bình mở cửa Phong Nha cho du khách khám phá. Howard gọi đó là cột mốc đầu tiên trong nỗ lực không ngừng nghỉ tìm hiểu hang động của ông. Ngoài thỏa mãn đam mê cá nhân, từ chuyến đi đầu tiên Howard đã muốn việc khám phá hang động sẽ giúp ngành du lịch địa phương, tạo việc làm, thay đổi đời sống của người dân vốn còn trong cảnh đói nghèo.Sau năm 1995, việc thám hiểm hang động vẫn diễn ra nhưng tiến triển chậm hơn và cột mốc thứ 2 đến vào năm 2009, khi hang Sơn Đoòng được tìm thấy. Vẫn phải mất thêm hơn 5 năm để thế giới biết đến Sơn Đoòng và Quảng Bình, vùng đất của những hang động, đặc biệt là khi Howard hỗ trợ tạp chí National Geographic vào hang để viết bài, chụp ảnh, quay phim. 80% du khách đến Sơn Đoòng những năm đó là vì muốn chiêm ngưỡng hang động hùng vĩ được nhắc đến trên National Geographic. Ngoài ra, còn có chương trình Good Morning America phát trực tiếp từ bên trong Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới - trên Đài ABC (Mỹ) vào tháng 5-2015. Ngày nay, mỗi năm có 1.000 du khách được cấp phép khám phá Sơn Đoòng, với mỗi chuyến đi 4 ngày 3 đêm do Oxalis vận hành có giá 3.000 USD/người.Đoàn thám hiểm hang động năm 1990. Ảnh: NVCCNhớ nhất là dân bản địaGiờ đây đã có nhà và sống luôn tại Phong Nha, đâu là thứ đáng nhớ nhất với Howard nếu nhìn lại 30 năm gắn bó với Quảng Bình? Howard đáp ngay: “Những người dân ở đây”.“Những người bạn tôi ở Quảng Bình” là cách Howard gọi những người đã hỗ trợ đoàn thám hiểm từ những ngày đầu tiên đến hàng xóm láng giềng của gia đình ông hôm nay. Ở chiều ngược lại, những người Việt Nam tôi tiếp xúc trong thời gian ở đây cũng đều thân tình gọi ông già người Anh - dù vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn ở tuổi lục tuần - là “bác Howard”. Không quan trọng bạn có được vào Sơn Đoòng hay không, chỉ cần thử vào trong một cái hang - dài ngắn, to nhỏ, địa hình dễ hay khó gì cũng được, điều quan trọng là bạn đã đến và đi xuyên qua nó. Hãy cứ vào hang và quên mọi thứ đi. Tìm kiếm sự mới mẻ hay khám phá những điều chưa biết bao giờ cũng hào hứng cả.Trong dòng hồi ức, Howard luôn nhắc đến dân địa phương - những người sống với rừng, từng thấy nhiều cửa hang trong các chuyến đi rừng - với nhiều tình cảm. “Những người hỗ trợ đoàn thám hiểm bảo vệ chúng tôi hết mình, họ không bao giờ để chúng tôi bước vào một lối nào mà không có họ đi trước mở đường, dọn dẹp - ông kể - Chúng tôi để họ mặc áo khoác màu vàng phản quang để chắc chắn không bao giờ lạc mất họ giữa rừng”.“Chúng tôi phải cảm ơn người dân địa phương, bởi không có họ thì không thể làm gì” - Howard nói thêm. Trong những chuyến đi rừng hay những lần chạy lên núi cao tránh lũ, dân địa phương biết rất nhiều hang nhưng không thể khám phá chúng vì địa hình hiểm trở. Không kỹ năng, không công cụ hỗ trợ, đảm bảo an toàn, dân địa phương không dám luồn sâu vào những cửa hang mà họ tìm thấy. Các nhà thám hiểm có kỹ năng và công cụ để vào hang nhưng không biết đường đi lối lại trong rừng. Khi người bản địa và các nhà thám hiểm kết hợp lại, mỗi bên dùng thế mạnh của mình, thế là được việc.Còn rào cản ngôn ngữ thì sao? Mấy ông Tây không ai biết tiếng Việt và nhóm người địa phương cũng chẳng ai biết tiếng Anh. “Chúng tôi vẽ mọi thứ ra giấy và thế là giao tiếp với nhau ngon ơ” - Howard nói, sau đó kể tiếp ấn tượng về khả năng nhớ đường khi đi rừng của người địa phương mà không cần đến bản đồ hay GPS (hệ thống định vị toàn cầu). Bởi với những người kiếm sống từ rừng, họ am hiểu chúng rõ như lòng bàn tay. Howard vui vẻ nhớ lại: “Chúng tôi mang theo rất nhiều bản đồ và khi đưa cho người bản địa, họ chỉ lắc đầu. Họ không biết đọc bản đồ nhưng có trí nhớ tuyệt vời, không có họ chúng tôi sẽ chẳng tìm được cái hang nào”.“Đó là những ngày vất vả nhưng vui - Howard kể - Vẫn có những ngày khó khăn hơn, chúng tôi phải đi bộ nhiều, địa hình là thách thức thực sự, nhưng tìm được hang và chinh phục nó luôn là phần thưởng xứng đáng cho mọi nỗ lực”.Howard Limbert (giữa, hàng ngồi) và nhóm thám hiểm năm 1990. Ảnh: NVCCVà tương laiHoward dành tầng áp mái trong ngôi nhà hai tầng với vườn cây xung quanh của mình làm kho chứa dụng cụ thám hiểm hang động. Khi chúng tôi đứng đó chờ hai chuyên gia hang động người Anh sửa soạn những thứ cần thiết cho chuyến thám hiểm 4 ngày tại một hang mới ở Phong Nha, Howard kể thêm chuyện để thấy người dân địa phương cũng quý ông như ông mến họ.“Hôm đó nhà chúng tôi hết gạo và vợ tôi sang hỏi xin nhà hàng xóm, thế là bà ấy thông báo cho cả xóm biết “nhà ông Howard hết gạo”, cuối cùng người ta tặng cho tôi gạo ăn không hết. Người ta nghĩ bạn phải nghèo lắm mới không có nổi gạo” - Howard cười thích thú với tấm lòng chân chất của “những người bạn Quảng Bình”.30 năm trước, khi nhiều người dân phải vào rừng kiếm sống, chuyện thường xuyên bị sốt rét hành hạ là bình thường vì thiếu thuốc men lẫn nước sạch. Từ lần đầu tiên đến đây, vợ chồng Howard, với chuyên môn về y tế, đã hỗ trợ thuốc men cho người dân và mời bác sĩ đến chữa cho bà con. Gia đình Limbert cũng dạy tiếng Anh để người dân có thể tham gia làm du lịch, đón du khách quốc tế. Điều này chẳng khó kiểm chứng khi khách mua tour thám hiểm đa số là người nước ngoài và nhân lực du lịch địa phương, từ người ở văn phòng bán tour đến hướng dẫn viên và porter (người mang hành lý trong các chuyến thám hiểm), đều giao tiếp tự tin bằng tiếng Anh với khách. “Tôi hạnh phúc với những gì đã làm ở đây” - Howard nói.Sau 3 thập kỷ, 10 năm tiếp theo của Howard, người đã chọn Quảng Bình làm nơi sinh sống sau khi chính thức nghỉ hưu năm 2011, cũng sẽ xoay quanh những mục tiêu đó, bên cạnh công việc chính thức là giám đốc kỹ thuật của Oxalis Adventure. “Ngày nay chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm với hệ thống rừng và hang động ở đây hơn những năm đầu. Những người dẫn đường và porter cũng được đào tạo tốt hơn và am hiểu hơn về các hang động mà chúng tôi muốn tìm” - Howard kể về những khác biệt giữa các chuyến thám hiểm năm 2020 và năm 1990. Chúng tôi hi vọng Quảng Bình có thể đa dạng hóa sản phẩm du lịch hơn, không chỉ là thám hiểm hang động, mà hãy để du khách đến đây có nhiều hoạt động khác - đạp xe, leo núi, đi bộ băng rừng. Chúng tôi không muốn mô hình thám hiểm hang động bị sao chép hàng loạt và mô hình homestay bị lạm dụng.Howard nói không biết khi nào sẽ chính thức nghỉ hưu thêm một lần nữa - tức ngưng việc thám hiểm, nghiên cứu hang động. “Tôi thích vào hang và vẫn còn mê được khám phá. Tôi luôn hạnh phúc khi được dẫn các đoàn thám hiểm vào hang” - ông nói khi bật nắp 1 lon Coca-Cola ăn kiêng. Ở tuổi 62, Howard nói ông uống thứ này mỗi ngày vài lon cũng không sao.Tôi hẹn gặp Howard một lần nữa vào ngày cuối ở Quảng Bình, nhưng ông xin hủy vào phút chót vì sáng hôm đó quá bận. “Ước gì giờ tôi đang ở trong hang, chứ không phải bận rộn thế này” - người đàn ông cả đời yêu cái tĩnh lặng của hang động nói, thay lời tạm biệt tôi để cầm điện thoại lên nhận cuộc gọi thứ 5 trong buổi sáng hôm đó.■Phong Nha xôn xao vì COVID-19Đến chiều 7-3, Howard mới cho tôi biết lý do tại sao sáng hôm đó ông bận hơn bình thường: Quảng Bình xôn xao vì thông tin xác nhận một chuyên gia hang động đến Phong Nha hôm 2-3 đã đến Hà Nội trên chuyến bay VN0054 cùng với bệnh nhân nhiễm COVID-19 thứ 17 của Việt Nam.Bên cạnh vấn đề kỹ thuật, Howard cũng là người phụ trách luôn mảng trao đổi với khách hàng của Oxalis, nên sáng đó phải giải quyết một số chuyện liên quan đến thông tin trên. Mọi thứ sau đó đều ổn: khi cùng đoàn trở lại Phong Nha sau chuyến thám hiểm hang động 4 ngày, chuyên gia Anh nói trên cùng hai người khác được lấy mẫu. Kết quả xét nghiệm do Viện Pasteur Nha Trang gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình ngày 10-3 cho thấy cả 3 mẫu đều âm tính.Dù có kết quả âm tính, theo quy định thì việc cách ly sẽ kết thúc nhưng cả đoàn gồm 4 chuyên gia hang động, 6 người Việt Nam và 1 kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng vẫn tự nguyện tiếp tục ở lại khu cách ly và đến ngày 16-3 thì đủ 14 ngày. Từ điểm cách ly, anh Hồ An, một trong những người hỗ trợ nhóm chuyên gia, cho biết cả đoàn và chuyên gia hang động người Anh đi chuyến bay VN0054 đều vui vẻ tự nguyện cách ly. Dù hang động vẫn còn chưa khám phá xong, những nhà thám hiểm hang động này, cũng như Howard, sẵn sàng làm tất cả vì tình yêu Phong Nha. Tags: Quảng BìnhPhong NhaSơn ĐoòngHoward LimbertHang độngThám hiểm hang động
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Giá vé bay Tết cao vẫn khó mua CÔNG TRUNG 18/12/2024 Dù hơn 7 triệu ghế được cung ứng dịp Tết 2025 nhưng tình trạng giá vé cao, khan hiếm khiến nhiều người gặp khó trong việc tìm đường về quê.
Chuyên gia: Vụ ám sát Trung tướng Nga Igor Kirillov có 2 mục đích chính THANH BÌNH 18/12/2024 Ukraine dường như muốn gửi đi 'thông điệp rõ ràng' tới những ai chịu trách nhiệm lập kế hoạch, chỉ đạo và hỗ trợ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Nhìn thành phố từ buồng lái: Cảm nhận đặc biệt của nữ lái tàu metro CHÂU TUẤN 18/12/2024 Chị Phạm Thị Thu Thảo - nữ lái tàu đầu tiên của tàu điện tuyến metro số 1 - đã chia sẻ những cảm nhận của mình.
Mờ mắt đột ngột, cảnh giác có thể dấu hiệu cảnh báo đột quỵ TƯỜNG VY 18/12/2024 Rất nhiều người khi xuất hiện dấu hiệu nhìn mờ lại chủ quan cho rằng đó là vấn đề về mắt như cận thị, viêm mắt... mà không nhận ra rằng đó có thể là dấu hiệu của đột quỵ.