TTCT - 1. Cuối tháng 6-2013, tôi xách balô lên máy bay đi Úc để tham gia Young Leaders Program (*) với hi vọng khi quay lại, bản thân mình sẽ có những thay đổi nhất định. Và kết quả là trở về từ đây tôi đã biết... đặt nhiều câu hỏi cho bản thân mình.

Phóng to
Các bạn trẻ nghe nói chuyện về người vô gia cư ngay trong con hẻm Collin - Ảnh: Trinity College Young Leaders Program

Ngày đầu tiên, cô Jo, một luật sư, nói chuyện về dân tị nạn. Cô chỉ vào poster có vô số hình người được vẽ dưới dạng hoạt hình với những hình dạng, màu sắc khác nhau và bảo: “Hãy chỉ cho tôi một dân tị nạn trong bức poster này”. Chúng tôi đảo mắt nhìn từ trên xuống dưới và cuối cùng chỉ vào hình người đàn ông để ria mép, mặc áo ba lỗ, quần đùi.

Cô Jo lắc đầu và nói: “Hãy nhìn vào người phụ nữ đứng kế bên ông ta xem, bà ấy cũng có thể là dân tị nạn đấy. Hay người thanh niên đứng dưới, hay đứa bé gái ở ngoài cùng hàng 2, hay cụ già ở...”. Cô chỉ ra cho chúng tôi hiểu rằng dân tị nạn có thể là bất kỳ ai, cũng giống như chúng ta, nhưng họ chỉ khác ta một điều là họ bị mất nhà cửa, đồ đạc, người thân - những thứ quan trọng nhất trong đời.

Hôm sau chúng tôi được dẫn đến tòa nhà quốc hội bang Victoria và cùng nhau tranh luận vấn đề “Chính phủ Úc có phải chịu trách nhiệm về cơn khủng hoảng dân tị nạn không? Liệu chính phủ có đang lợi dụng cơn khủng hoảng này?”. Những câu hỏi quá lớn để chúng tôi có thể đưa ra câu trả lời xác đáng. Nhưng chúng tôi, những học sinh 16, 17 tuổi đến từ nhiều nước, đã tìm hiểu, bàn bạc và tranh cãi hăng say để bảo vệ quan điểm của mình.

Trong buổi tranh luận, những lý lẽ chúng tôi đưa ra có thể đúng, có thể sai, nhưng điều đó không quan trọng. Quan trọng là chúng tôi đã được mở mang tầm mắt và hơn hết là học cách quan tâm đến những vấn đề ngoài bản thân mình, ngoài đất nước mình.

2. Trong chuyến đi này, điều để lại ấn tượng sâu sắc nhất là buổi tham quan nhằm hiểu thêm về người vô gia cư được thực hiện bởi Tổ chức phi lợi nhuận Urban Seed. Chúng tôi được anh Chuck, thành viên của Urban Seed, đặt câu hỏi: “Khi nghe đến người vô gia cư, các bạn nghĩ đến những từ khóa gì?”. Chúng tôi lần lượt đưa ra câu trả lời: đàn ông, cướp bóc, lớn tuổi, say xỉn, tâm thần...

Sau đó, Chuck dẫn chúng tôi băng qua hàng loạt trung tâm thương mại xa xỉ đến một con hẻm nhỏ chằng chịt các hình vẽ graffiti trên tường và nồng nặc mùi nước tiểu. Anh nói đây là nơi những người vô gia cư thường đến để ngủ và dần dần rơi vào hố đen vô tận của tệ nạn xã hội. Anh nhắc lại những định kiến về người vô gia cư của chúng tôi và khẳng định rằng chúng tôi đã sai. Chuck cho biết hơn 50% người vô gia cư ở đây là thanh thiếu niên và phụ nữ.

Để rõ thêm, anh kể cho chúng tôi nghe về một thiếu niên vô gia cư 15 tuổi giải tỏa nỗi buồn bằng việc chơi thuốc. Vào ngày Valentine, cậu muốn ăn mừng và rủ bạn gái mình cùng chơi thuốc. Sau khi đã lả mệt, cô bạn gái gục vào vai cậu và nhắm mắt. Đêm xuống, cậu lay cô ấy dậy mãi không được và chợt nhận ra cô đã tắt thở. Cô chết vì sốc thuốc, ngay trên vai cậu.

Tiếp theo, Chuck dẫn chúng tôi đến cuối một con hẻm không người qua lại. Anh chỉ vào góc khuất có đèn sáng và giới thiệu đây là nơi người vô gia cư đến để chích heroin. Tôi xúc động mạnh khi nhìn dòng chữ được viết trên tường “Heroin is my friend and my enemy.[…]. I don’t know if I belong to the bush or the city” (tạm dịch: Heroin vừa là bạn vừa là kẻ thù của tôi. […]. Tôi không biết rằng tôi thuộc về nơi nào, bụi rậm hay thành phố).

Chuck bảo việc phá hủy tất cả đường dây buôn bán heroin hoặc cấm người vô gia cư chích heroin là một chuyện ngoài tầm của chính phủ, huống chi đối với một tổ chức nhỏ như Urban Seed.

Vậy nên Urban Seed đã giúp người vô gia cư nghiện heroin bằng cách tạo cho họ một môi trường an toàn để chích heroin: gắn đèn ánh sáng trắng vào góc khuất trên nhằm giúp họ tìm ven dễ hơn, tránh việc chích bừa; đặt một vòi nước sạch để họ pha lỏng bột heroin vì có nhiều người pha bột heroin bằng Coca Cola hoặc tệ hơn là nước tiểu khi họ không có nguồn nước sạch...

3. Ở xứ mình, khi bạn 17 tuổi - cái tuổi mà người lớn vẫn gọi là “ăn chưa no lo chưa tới”, những gì bạn được người lớn khuyên bảo hầu như chỉ là học thật tốt để thi đại học, kiếm bằng cấp, kiếm việc làm và... thu nhập cao. Đó quả là lời khuyên vô cùng hữu ích. Song ngẫm lại nếu bạn bị cuốn vào guồng quay đã được định sẵn này, bạn sẽ vô tình sống một cuộc sống tẻ nhạt, ích kỷ và chỉ vì bản thân mình.

17 tuổi, bạn đã đủ lớn để bước ra khỏi vỏ bọc êm ái, nhìn ra xung quanh và thấy được những mặt lồi lõm xấu xí của thế giới này. 17 tuổi, bạn đã đủ lớn để nghe những câu hỏi về những vấn đề nhức nhối của xã hội, của nhân loại và tự đặt cho mình câu hỏi: “Mình có thể làm gì để giúp giải quyết những vấn đề này?”.

Tôi cũng như bạn, ở tuổi 17, chúng ta cần rất nhiều thời gian và công sức để tìm câu trả lời. Nhưng tôi tin đến một ngày, sau những nỗ lực và cố gắng, nếu biết đặt câu hỏi, chúng ta sẽ có câu trả lời...

___________

(*): Young Leaders Program: chương trình sinh hoạt ngoại khóa hai tuần do Trường Trinity College (thuộc Đại học Melbourne, Úc) dành cho học sinh 14-17 tuổi đến từ các nước. Học sinh sẽ được chia sẻ, trao đổi, tranh luận về những vấn đề nổi bật của thế giới như sự nghèo đói, thiếu nước sạch, quyền trẻ em...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận