Đi qua sương mù, tới bầu trời tự do

NGUYỄN THU QUỲNH 29/03/2023 14:27 GMT+7

TTCT - Phim của Hà Lệ Diễm, bằng cách để nhân vật và cộng đồng tự kể câu chuyện của mình, chứng kiến những đòi hỏi tự do của cá nhân khi đối diện với ràng buộc truyền thống.

Má Thị Di trong phim, lúc em 13 tuổi.

Má Thị Di trong phim, lúc em 13 tuổi.

Một bé gái 14 tuổi đi chơi Tết, bị bạn trai kéo về nhà tính bắt làm vợ, đã suy nghĩ gì và mong muốn lựa chọn gì trong suốt ba ngày bị giữ tại "nhà trai"?

Có hai ngã rẽ cuộc đời cô bé ở đây. Nếu ưng thuận, ba ngày đó đặt dấu chấm hết cho tuổi thơ, cô bé bước qua một nghi lễ để "trưởng thành", thành một người đàn bà 14 tuổi, sinh con đẻ cái khi xương hông chưa kịp nở, gùi trên lưng muôn nỗi lo toan gia đình, dòng họ. 

Tục lệ truyền thống bền bỉ chảy trong những bản mù sương này trở thành ràng buộc gắn với số phận em, như một vòng lặp không thể thoát ra của đời bà, đời mẹ của khuôn mẫu văn hóa lâu đời đã trở thành trầm tích trong cộng đồng.

Nếu quyết liệt phản đối đến cùng, phản đối thành công, cô bé sẽ trở về nhà cho đến khi trưởng thành thực sự.

Nhưng kể cả may mắn như vậy, ba ngày đó cùng những thủ tục sau khi trở về để "chính thức" khước từ họ nhà trai, cũng đã khiến cô bé không bao giờ còn quay lại tuổi thơ được nữa. Nó đã in hằn ranh giới giữa ấu thơ và trưởng thành, xung đột giữa ước mơ tự do và quy tắc của cộng đồng, giữa hành xử của con người cá nhân và danh dự của hai dòng họ.

Ba ngày đó trở thành chiếc hộp đen của một cô gái nhỏ. Không ai biết cô bé cảm nhận thế nào, suy nghĩ ra sao, ao ước điều gì. Bộ phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương hé mở chiếc hộp đen đó để những bé gái, những người phụ nữ đã trưởng thành tự nói lên suy nghĩ về thân phận, về tự do, về khao khát khám phá cuộc sống hiện đại. Và vì thế, phim cũng mở ra chiếc hộp đen về tục lệ kéo vợ - một phần của thế giới Mông biệt lập, kiệm lời.

Poster phim.

Poster phim.

Cá nhân đối diện truyền thống

"Kéo vợ" được một số nhà nghiên cứu văn hóa tộc người mô tả là tục lệ lâu đời ở người Mông, cho phép người con trai và con gái "tình trong như đã" nhưng phải "mặt ngoài còn e" vờ bị kéo về nhà trai. 

Việc kéo cũng để bản làng biết cô gái xinh đẹp, có người ưng bụng (ngược lại, con gái lớn không có người kéo cũng là nỗi lo "ế"). Sau vài ngày, nếu cô gái ưng thuận, chàng trai dẫn cô gái về nhà vợ và xin ở rể. Nếu nhà gái không đồng ý, chàng trai ở lì cho đến khi nhà gái nhận mới thôi. Sau đó, đại diện dòng họ nhà trai chính thức đi gặp mặt nhà gái xin cưới với đồ sính lễ bị giản lược đi rất nhiều.

Kéo vợ khác với các hình thức "bắt vợ", "cướp vợ" (dùng vũ lực, quyền lực cưỡng ép cô gái về làm vợ) vốn bị chính đa số người Mông phản đối.

Có những giải thích rằng đằng sau tục lệ này là một logic ngầm ẩn, chống lại số phận bị định đoạt, là biểu tượng của dân chủ trong tình yêu, tôn trọng tình yêu đôi lứa, là cách để những chàng trai nhà nghèo lấy được vợ. Tục lệ này còn có tính "nước đôi" ở chỗ mở lối thoát, cho cô gái có cả quyền khước từ.

Nhưng một tục lệ, dẫu có căn nguyên ra đời sâu xa đầy nhân bản, cuối cùng vẫn phải đối diện đời sống hiện đại. Và nó bị khước từ bởi những cô gái nhỏ yêu tự do, khát khao bước ra ngoài thung lũng mù sương này.

Di, nhân vật chính trong phim tài liệu này, cùng bạn bè lớn lên trong sự ám ảnh về tục lệ đó - thứ tập tục hằn bóng vào những trò chơi con trẻ, trong những câu chuyện kể của cha, trong lời dặn của mẹ mỗi mùa Tết. 

Di bé gái hồn nhiên thơ ngây, Di tuổi dậy thì bắt đầu biết yêu đương, vẫn thường phải đối diện với một nỗi lo chung số phận với chị ruột cô - người bị kéo làm vợ khi mới học lớp 10, 17 tuổi đã chuẩn bị sinh con thứ hai, sống cuộc đời giống hệt đời mẹ cô "cả đời ở trong thung lũng này, chưa từng đi đâu".

Vào một ngày mùa xuân hoa đào nở rực rỡ, Di biến mất. Bố mẹ Di cũng không biết ai đã kéo Di đi.

Má Thị Di trong phim.

Má Thị Di trong phim.

Truyền thống không chỉ là ánh xạ của quá khứ, không chỉ là nỗi ám ảnh mơ hồ như sương mù. Nó có khả năng ràng buộc con người, là quy tắc hành xử được cả cộng đồng tuân thủ, khiến người phụ nữ khó lòng quẫy đạp. 

Đối với Di, tới nhà bạn trai trong Tết là một chuyến đi vui. Với nhà bạn trai, đó là cơ hội nghiêm túc để giữ cô bé xinh đẹp này ở lại. Việc có tuân thủ tục lệ hay không trở thành danh dự của hai dòng họ. 

Từ đây là sự chất vấn đối với cội rễ được cho là nhân bản của tục lệ này: Một cá nhân người phụ nữ lấy gì để đối diện với cấu trúc xã hội nam quyền? Tục lệ này có trao cho con người cá nhân Di khả năng cự tuyệt không chỉ đối với Vàng (cậu bé kéo Di) mà còn với cả gia đình, dòng họ cậu hay không?

Căn nguyên sâu xa và phức tạp của một thực hành văn hóa như thế khiến bộ phim được đẩy lên cao trào xung đột nhưng lại không có nhân vật phản diện. Cậu trai Vàng, kẻ "tội đồ", mới biết yêu đương trở nên bối rối tội nghiệp. Gia đình cậu trở nên đáng thương khi tuân thủ truyền thống. 

Ngay cả Di, đại diện cho tính mới trong cộng đồng, cho khao khát tự do, hoài nghi về thực hành truyền thống này nhưng cũng đôi phần lưỡng lự khi đối diện. Mẹ Di, gạch nối giữa các thế hệ, cũng thực hành theo truyền thống, khiến Di cũng không biết mẹ thực sự muốn mình tự do hay không. 

Có lẽ bởi thời nào cũng vậy và ở đâu cũng vậy, ngay người đổi mới nhất cũng có những do dự trước truyền thống, bởi ràng buộc từ cội rễ đã trở thành vô thức, văn hóa đã lặn vào bề sâu nội tâm, khiến từng cá nhân không dễ thay đổi một sớm một chiều.

Đi qua sương mù, tới bầu trời tự do - Ảnh 4.

Phim không có lời bình, để người xem tự lắng nghe, tự nhìn vào đời sống của người Mông để thấy tục lệ này tôn trọng lựa chọn lứa đôi, lựa chọn cá nhân hay dễ trở thành một hình thức giam chân khiến phụ nữ mất tự do; là nhân bản hay cực đoan; là một phần bản sắc cần gìn giữ hay dễ bị lợi dụng, mang lại nguy cơ cho trẻ em gái.

Câu chuyện của Di trong phim cũng là câu chuyện của cả trăm nghìn trẻ em gái người Mông. Khát vọng tự do cá nhân đang nảy mầm, cồn cào lớn dậy trong mỗi đứa trẻ có khuôn mặt tròn, đỏ au, đôi mắt lấp lánh tràn đầy sức sống trong những khuôn hình của Hà Lệ Diễm, cũng như ở bất kỳ đâu trên miền núi hôm nay. 

Làm sao để đứa trẻ lớn tiếp, đi tiếp, có một cuộc sống tự do mà em mơ ước? Và nếu thực sự tục lệ ấy mang ý nghĩa nhân văn thẳm sâu, sao không đi tới tận cùng của câu hỏi rằng tục lệ đó có khiến người phụ nữ hạnh phúc hay không, hạnh phúc với họ là gì.

Những mảnh đất mù sương, đá núi trùng điệp lô nhô, khô cằn khắc nghiệt, đầy sự hiểm trở và cái đẹp, biệt lập và phóng khoáng sẽ tiếp tục va đập với đời sống hiện đại. Chính vì thế, phim của Hà Lệ Diễm, bằng cách để nhân vật và cộng đồng tự nói lên câu chuyện của mình, đã chạm đến tính phổ quát của nhiều nền văn hóa - là sự mâu thuẫn trong một cộng đồng đang chuyển động. 

Những mảnh đất này sẽ còn tiếp tục chứng kiến những đòi hỏi tự do của cá nhân khi đối diện với ràng buộc truyền thống; giữa giá trị cũ của cộng đồng và đời sống hiện đại; giữa chọn lọc và gìn giữ những bản sắc riêng có với kết nối với bên ngoài trong một thế giới phẳng nhờ Internet.

Đạo diễn Hà Lệ Diễm và Di.

Đạo diễn Hà Lệ Diễm và Di.

Phim không dành cho "người ngoài cuộc"

Khi suy nghĩ về các thực hành văn hóa, trái với việc nhìn sâu vào chính cộng đồng mình, hiểu để rồi bóc tách những mâu thuẫn giằng xé, những biến đổi theo thời gian, chúng ta có xu hướng quy giản những thực hành văn hóa của các cộng đồng, tộc người khác vì thiếu hiểu biết văn hóa, vì khác biệt trong quan niệm, hoàn cảnh sống.

Chính vì thế, đây là một phim rất khó làm. Nếu sử dụng lăng kính của một cộng đồng khác sẽ thấy muôn vàn điểm phi lý trong phim, về tục lệ kỳ lạ, cha mẹ gì không hề có chút phản đối khi con bị "kéo". Thực hành văn hóa này cũng phức tạp, không "hai năm rõ mười".

Điểm tựa cho người quan sát lúc này là cộng đồng, là hàng nghìn giờ cùng sống, cùng hiểu bầu không khí mà cộng đồng ấy đã sống qua lớp lớp thế hệ. Hà Lệ Diễm, với cách làm phim ở Varan Việt Nam (*), tương tự cách các nhà dân tộc học "quan sát tham gia", hòa nhập, trở thành một thành viên trong cộng đồng ấy, đủ lâu để cộng đồng quên mất mình đang ghi chép, đang cầm máy quay, như Di kể Diễm đã ở lâu tới mức "em cũng không biết chị Diễm quay những gì, quay em những lúc nào". 

Cũng đủ lâu để Diễm không phán xét, không mang lăng kính người ngoài. Ở đủ lâu để khiến những thước phim của Diễm không rơi vào "ly kỳ hóa", "huyền bí hóa", hay "bần cùng hóa" mà phản ánh chân thực cuộc sống của người Mông ở đây, từng người hiện lên đầy sức sống, như chính sức sống của cộng đồng bền bỉ, di động bậc nhất, có lịch sử va đập liên tục biến chuyển này.

Đi qua sương mù, tới bầu trời tự do - Ảnh 6.

Hàng trăm giờ quay lúc này không chỉ về một tục lệ, mà còn về đời sống của cộng đồng. Phần việc sau cùng là chọn lọc những gì cô đọng, súc tích nhất, những khung hình có tính biểu tượng. 

Phim kể chuyện về văn hóa tộc người, nhưng không phải là một ấn phẩm dân tộc học bóc tách lớp lang, phân tích chi tiết cách một cá nhân sống với cấu trúc, phép tắc xã hội đã quy định lên từng con người ra sao. 

Đạo diễn chỉ sắp xếp các sự kiện. Việc bóc tách là của người xem, những gì gặt hái được cũng phụ thuộc vào việc người xem sử dụng lăng kính nào để nhìn. 

(*) Dòng điện ảnh trực tiếp (Cinéma Vérité) được hình thành với sự đóng góp quan trọng của Jean Rouch (1917-2004), một nhà dân tộc học, sáng lập Tổ chức Ateliers Varan (Pháp).

Báo cáo về tình hình phụ nữ và trẻ em gái, 2015 do UN Women công bố cho thấy tỉ lệ tảo hôn ở người Mông là 33%. Nhưng Điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số lần thứ II (năm 2019) do Ủy ban Dân tộc thực hiện cho thấy tỉ lệ này ở cộng đồng người Mông lên tới 51,5% (tiếp đến là dân tộc Cơ Lao 47,8%, Mảng 47,2%, Xinh Mun 44,8%).
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận