Di sản văn hóa Ukraine: Những gì còn, mất

TỊNH ANH 27/02/2023 05:40 GMT+7

TTCT - Dù điều không tránh khỏi đã đến, vẫn có những bức tranh được đưa đến nơi an toàn, thậm chí còn được trưng bày giữa châu Âu, như thông điệp khẳng định sức sống mạnh mẽ của một nền văn hóa lâu đời.

Theo cập nhật của UNESCO, tính đến 15-2, đã xác nhận được thiệt hại do cuộc chiến gây ra tại 240 địa điểm văn hóa ở Ukraine, gồm 105 cơ sở tôn giáo, 18 bảo tàng, 86 tòa nhà có giá trị lịch sử/nghệ thuật, 19 công trình tưởng niệm và 12 thư viện. 

Trong đó, Donesk bị ảnh hưởng nhiều nhất với 66 địa điểm, sau đó là Kharkov (54) và Kiev (35). Ukraine có hơn 400 bảo tàng và 3.000 địa điểm văn hóa, trong đó có 7 di sản thế giới. 

UNESCO đang tiến hành đánh giá thiệt hại sơ bộ đối với các tài sản văn hóa bằng cách đối chiếu các sự cố được báo cáo với nhiều nguồn đáng tin cậy. Tới nay, không có di sản văn hóa thế giới nào ở Ukraine bị thiệt hại, theo tổ chức này.

Một tu viện ở Sviatohirsk (Ukraine) sau các đợt không kích và pháo kích của Nga.  Ảnh: Dimitar Dilkoff/AFP

Một tu viện ở Sviatohirsk (Ukraine) sau các đợt không kích và pháo kích của Nga. Ảnh: Dimitar Dilkoff/AFP

Một sự ra đi có thể không trở lại

Trong năm qua, Ukraine cáo buộc Nga đánh cắp nhiều tác phẩm nghệ thuật, nhất là trong thời gian chiếm đóng Kherson. Cụ thể, theo điều tra của báo The Art Newspaper, từ ngày 31-10 đến 4-11-2022, 40 người, bao gồm binh lính và chuyên gia mỹ thuật Nga, đã đến Bảo tàng Mỹ thuật Kherson và đưa các tác phẩm ra ngoài, chất lên xe tải mang đi. 

Điểm đến của "chuyến hàng" này là Simferopol, thành phố lớn thứ hai trên bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập từ năm 2014. Tại đây, các bức tranh - được cho là gồm các tác phẩm kinh điển như Piquet on the Bank of the River. Sunset (Ivan Pokhytonov) và Autumn Time (Heorhii Kurnakov) - được giao cho Bảo tàng Mỹ thuật Simferopol.

Theo báo The New York Times, tranh và hiện vật của nhiều bảo tàng khác ở Ukraine cũng chịu số phận tương tự. Riêng chỗ tranh được đưa tới Simferopol, đã có xác nhận từ Andrei Malguin, giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Simferopol, với báo EL PAÍS (Tây Ban Nha) vào hôm 17-11-2022. 

Theo Malguin, trong số 14.000 tác phẩm nghệ thuật đã được lập danh mục của Bảo tàng Kherson, Bảo tàng Simferopol đang giữ khoảng 10.000. Các bức tranh được đặt ở sảnh bảo tàng, nơi duy nhất đủ sức chứa, để "bảo vệ khỏi bị chiến tranh làm hư hại".

"Bộ sưu tập này thuộc về Bảo tàng Mỹ thuật Kherson và chúng tôi sẽ hoàn trả khi cấp trên ra lệnh. Nhiệm vụ của chúng tôi là bảo đảm chúng không bị mất hoặc hư hỏng" - Malguin nói. Khi được hỏi thêm chuyện trả lại có phụ thuộc vào việc Kherson đang do Nga hay Ukraine kiểm soát, Malguin nói thác rằng "chúng tôi không liên quan chính trị".

Nga kiểm soát Kherson từ ngày 2-2-2022, và rời đi ngày 11-11 khi quân đội Ukraine giành lại được thành phố này. Xét ở góc độ an toàn, khi xảy ra chiến sự, để yên tranh trong bảo tàng cũng có rủi ro bom đạn, nhưng mang chúng đi cả quãng đường dài bằng xe tải thì cũng nguy hiểm không kém.

Giờ đây nhìn lại, kho lưu trữ của Bảo tàng Mỹ thuật Kherson đã vượt qua sự tàn phá của bom đạn, trong khi sảnh của Bảo tàng Simferopol rõ ràng không phải là nơi lý tưởng để chứa các tác phẩm quý, trải dài từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20, của Ukraine.

Những cuộc di tản tranh

Nhiều tác phẩm nghệ thuật quý giá của Ukraine cũng được đưa ra khỏi đất nước trong năm qua, nhưng đến những nơi mà chủ bảo tàng, ngành văn hóa và người dân Ukraine không lấy gì làm phiền: những bảo tàng, phòng triển lãm ở Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và sẽ còn nhiều điểm khác ở châu Âu trong tương lai gần.

Triển lãm "In the Eye of The Hurricane: Modernism in Ukraine 1900-1930s" mở cửa từ ngày 29-11-2022 đến 30-4-2023 tại Bảo tàng quốc gia Thyssen-Bornemisza (Madrid, Tây Ban Nha), trưng bày 51 tác phẩm từ Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia Ukraine và Bảo tàng Điện ảnh, Âm nhạc, Sân khấu quốc gia Ukraine cùng khoảng 20 bức từ bộ sưu tập của Thyssen và các nhà sưu tầm cá nhân ở Anh, Thụy Sĩ, Đức và Áo. 

Điểm đến kế tiếp của bộ sưu tập được "giải cứu" và vận chuyển kỳ công rời khỏi Ukraine đầy bom đạn là Bảo tàng Ludwig (Cologne, Đức), và sau đó có thể sang Anh.

Đây là lần đầu tiên một bộ sưu tập nghệ thuật lớn cỡ này rời Ukraine. Theo báo The Guardian, trung tuần tháng 11-2022, một đoàn vận chuyển bí mật gồm hai chiếc xe tải chở 51 bức tranh đã lặng lẽ rời khỏi Kiev chỉ vài giờ trước khi tên lửa Nga bắt đầu trút xuống thủ đô và các thành phố Ukraine khác. 

Đoàn xe nhắm phía tây về Lviv, sau đó băng qua biên giới vào Ba Lan và đi thêm 3.000km ngang châu Âu để đến Madrid. Chuyến vận tải tranh đặc biệt này đi ngang Lviv đúng lúc thành phố này bị tấn công, và đến biên giới cũng vào thời điểm tên lửa phòng không của Ukraine bay lạc và rơi trúng làng Przewodów ở Ba Lan, nhưng cuối cùng cũng về đích an toàn.

Đó không phải là triển lãm tác phẩm di tản từ Ukraine duy nhất đang diễn ra ở châu Âu. Tại Paris, triển lãm "The Facets of Freedom" khai mạc ngày 19-1 và kéo dài đến 3-3, trưng bày các tác phẩm của Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia Ukraine, đến Pháp bằng xe lửa chống đạn do Bộ Văn hóa Ukraine cung cấp. Như lời Phó giám đốc bảo tàng Oksana Barshynova kể với AFP, đó là hành trình 12 tiếng căng thẳng tột độ, "đạn Nga bắn trúng đoàn tàu, nhưng lớp bọc thép đã cứu bộ sưu tập".

Hai bộ sưu tập lớn cũng may mắn rời Ukraine an toàn và đang được trưng bày tại Thụy Sĩ: triển lãm "Born in Ukraine" diễn ra từ tháng 12-2022 đến 30-4-2023, với 49 kiệt tác của 31 họa sĩ Ukraine từ thế kỷ 18 đến 20 tại Bảo tàng Kunstmuseum Basel; 50 tác phẩm khác được giới thiệu tới công chúng qua triển lãm "From Dusk to Dawn" tại Bảo tàng Rath (Geneva) đến 23-4.

Các tác phẩm ở hai triển lãm đều được di tản từ Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Kiev và vẫn sẽ được gửi gắm ở hai bảo tàng Thụy Sĩ sau khi kết thúc trưng bày. 

Theo Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Kiev Iurii Vakulenko, việc di dời để bảo vệ hiện vật của bảo tàng đã được tính toán từ đầu cuộc chiến, song phải mất vài tháng để tìm đối tác, chốt các điều khoản và tổ chức di tản. "Các bức tranh được vận chuyển bí mật bằng xe chuyên dụng với đoàn hộ tống sang biên giới với EU rồi mới sang Thụy Sĩ" - Vakulenko nói với Artnet.

Trong số những nỗ lực không ngừng để bảo vệ di sản văn hóa của Ukraine là sáng kiến Backup Ukraine (Sao lưu Ukraine) - khuyến khích người dân dùng ứng dụng Polycam để lập mô hình 3D của các tòa nhà và tượng đài hay bất kỳ kiến trúc, hiện vật nào xung quanh họ để đưa lên hệ thống lưu trữ trực tuyến.

Một nỗ lực khác là SUCHO (Saving Ukrainian Cultural Heritage Online), với hơn 1.500 tình nguyện viên quốc tế đang hợp tác để số hóa và bảo tồn di sản văn hóa Ukraine trên đám mây. Sau 1 năm, SUCHO đã lưu trữ hơn 5.000 trang web (gồm kho lưu trữ quốc gia, bảo tàng địa phương, các chuyến tham quan 3D, nhà thờ, trung tâm nghệ thuật dành cho trẻ em) và 50 TB dữ liệu của các tổ chức văn hóa Ukraine, phòng khi các trang web này sập. Trong giai đoạn hai, SUCHO sẽ điều phối các lô hàng viện trợ phần cứng cho việc số hóa, triển lãm văn hóa Ukraine trực tuyến…

Những thứ có thể không tìm lại được

Đến giữa tháng 1-2023, The Art Loss Register, một tổ chức có trụ sở ở London chuyên theo vết các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp, đã cập nhật vào dữ liệu hơn 2.000 hiện vật mà họ tin rằng đã bị đánh cắp khỏi Ukraine, từ tranh trong các bảo tàng mỹ thuật ở Kherson đến các tác phẩm bằng vàng của người Scythia ở Melitopol. 

"Mọi người trong thị trường nghệ thuật đều đang trong tình trạng "báo động đỏ" để tìm các hiện vật này. Bất kỳ nhà đấu giá nào thấy hiện vật từ Ukraine sẽ phải đặt nhiều nghi vấn" - James Ratcliffe, trưởng bộ phận pháp lý The Art Loss Register, nói với New York Times.

Ngoài số được di tản an toàn, dù đến những nơi cất giữ trong nước hay sang nước ngoài, nhiều tác phẩm nghệ thuật quý hiếm của Ukraine có thể sẽ biến khỏi đất nước mãi mãi. Chiến tranh đã kéo dài một năm, và tại những vùng tạm bình yên, vẫn còn nhiều việc phải làm. 

Với các giám tuyển ở Bảo tàng Balakliya, việc cấp bách lúc này là chuyển toàn bộ 12.000 hiện vật của họ sang Bảo tàng Lịch sử Kharkov vì phần mái, cửa sổ của tòa nhà và một số hiện vật trưng bày gần khu vực này đã bị hư hại khi một quả đạn pháo rơi gần đó hồi tháng 6 năm ngoái.

"Chúng tôi cũng đã nộp đơn lên UNESCO để xin phân bổ kinh phí tái thiết bảo tàng. Và khi đó… chúng tôi sẽ lại trưng bày mọi hiện vật trong bảo tàng của mình" - Volodymyr Popov, trưởng Phòng văn hóa Hội đồng thành phố Balakliya, nói với Euronews.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận