Dịch bệnh và rủi ro của đô thị

VŨ THÁI HÀ 29/07/2021 17:00 GMT+7

TTCT - “Sài Gòn đang bệnh!”. Chuyện mua được gạo, rau, thịt, cá... trở thành mối quan tâm hằng ngày của những người đang sống và làm việc ở thành phố lớn nhất và có điều kiện kinh tế tốt nhất cả nước. Chuỗi cung ứng đứt gãy. Việc làm gián đoạn. Thu nhập bị mất đi. Tất cả các khó khăn dồn dập đổ về cùng với diễn biến vẫn còn khó lường của dịch bệnh.

Những hối hả đã thành quen thuộc của cả một cộng đồng năng động đã biến đi đâu mất. Chúng ta buộc phải giật mình tự hỏi: “Phải chăng chúng ta chưa bao giờ quan tâm đủ đến những rủi ro của đô thị nơi mình đang sống?”.

Ảnh: Behance

 

Đô thị và quản trị rủi ro

Đô thị hóa là xu hướng tất yếu của xã hội nói chung; Việt Nam cũng không ngoại lệ, và trên thực tế tốc độ đô thị hóa là một trong những chỉ số kinh tế xã hội được Nhà nước quan tâm và thúc đẩy. 

Các thành phố là nơi cư ngụ của phần khá lớn dân số cả nước và là các trung tâm kinh tế quan trọng nhất. Tuy nhiên, mức độ tập trung dân số và sự nhộn nhịp của các hoạt động kinh tế xã hội khiến các thành phố cũng trở nên ngày càng dễ tổn thương trước các thảm họa và biến cố. 

Các rủi ro đô thị vẫn được ghi nhận rơi vào ba nhóm: (1) các hiện tượng cực đoan của thiên nhiên, bao gồm thiên tai và dịch bệnh; (2) các hiện tượng rối loạn trong hoạt động của bộ máy sản xuất và vận hành đô thị; và (3) tội phạm đô thị; tất cả đều có đặc điểm là khó dự báo cả về tính chất, mức độ nghiêm trọng, địa điểm và thời gian xảy ra. 

Thành phố là một hệ thống động; mọi sự tổn hại ở một trong các thành phần của nó đều tác động đến sự hoạt động và sự cân bằng của cả hệ sinh thái, như một hiệu ứng domino. 

Vì vậy, quản trị rủi ro đô thị cần được đặt trong một tầm nhìn xa hơn so với công tác ứng phó thiên tai hay dịch bệnh truyền thống, và cần gắn bó một cách hữu cơ với tiến trình đô thị hóa.

Để đạt được mục tiêu đó, công tác quản lý rủi ro phải được đặt trong tất cả các kế hoạch phát triển của đô thị, từ hạ tầng kỹ thuật đến xã hội, từ không gian đô thị đến kinh tế.

Cụ thể, các biện pháp giải quyết hay kiểm soát rủi ro đô thị cần được tổ chức trên bốn trụ cột:

(1) Các biện pháp kỹ thuật: Áp dụng kỹ thuật và công nghệ để giảm mức độ tác động của rủi ro.

(2) Các biện pháp về quy hoạch không gian: Quy hoạch và quản lý để đảm bảo phòng chống và hạn chế tình trạng dễ bị tổn thương của các khu vực địa lý.

(3) Các biện pháp quản lý: Các hoạt động trong và sau sự cố rủi ro nhằm chế ngự và xử lý hậu quả, bao gồm công tác cứu trợ và can thiệp để duy trì sự ổn định cần thiết và đảm bảo an ninh và trật tự xã hội.

(4) Các biện pháp bảo hiểm: Khắc phục thiệt hại về người và tài sản sau khi sự cố rủi ro xảy ra, nhằm giảm thiểu bất ổn xã hội.

Thực tế đang nói gì

Rủi ro là khó lường. Đại dịch COVID-19 đang tác động đến các đô thị một cách nghiêm trọng. Giới chuyên môn cho rằng nó đã đánh một cú “dưới thắt lưng” vào quá trình phát triển, hệ thống quản trị và công tác quản lý rủi ro đô thị. 

Dịch bệnh bùng phát và kéo dài suốt hơn một năm qua đang khiến các vấn đề trong quản lý rủi ro của đô thị bộc lộ rõ hơn bao giờ hết.

Nhìn từ một góc khác, đại dịch đem đến cơ hội chưa từng có để quan sát và hiểu hơn các tác động từ một cuộc khủng hoảng như vậy, để từ đó xác định được những việc cần làm nhằm củng cố khả năng chịu đựng của đô thị trước các sự cố lớn.

Họa vô đơn chí, rủi ro của đô thị còn bị khuếch đại do các vấn đề vốn đã hiện hữu từ trước biến cố. 

Từ thực tế hiện nay, nếu như bài toán của hệ thống y tế đô thị đang là tâm điểm, thì an ninh lương thực trong khủng hoảng ở thành phố là một biến số khác có trọng số không hề thua kém, bởi nó đi kèm nguy cơ bất ổn xã hội ở quy mô rất lớn.

Trong điều kiện bình thường, an ninh lương thực của một cộng đồng dựa vào ba trụ cột:

(1) Độ sẵn có: Cần đảm bảo nguồn lương thực trong khoảng thời gian dài khi chuỗi cung ứng thông thường bị gián đoạn.

(2) Khả năng tiếp cận: Cần đảm bảo người dân có thể nhận được thực phẩm mà họ cần, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương.

(3) Hiệu quả sử dụng: Cần giáo dục, tuyên truyền để người dân hiểu và thực hành tốt việc sử dụng, chế biến và lưu trữ thực phẩm, đảm bảo an toàn, vệ sinh, dinh dưỡng, và không lãng phí.

Các điểm yếu hay vấn đề của chuỗi cung ứng thực phẩm lộ ra khi xã hội rơi vào khủng hoảng. 

Nhiều thách thức lớn đã xuất hiện, đặt ra một loạt vấn đề cho an ninh lương thực: (1) sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng do thiếu nguồn cung lao động, các yếu tố đầu vào, hoặc chính các vùng sản xuất chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh, bị cách ly xã hội; (2) chuỗi hậu cần - bao gồm kho bãi, vận chuyển và giao nhận - tắc nghẽn và đứt gãy; (3) chợ truyền thống bị đóng cửa; và (4) các hệ thống siêu thị thiếu hàng.

Để kiên cường hơn

Để tạo nên khả năng chống chọi trước rủi ro của một đô thị, công tác quản lý rủi ro cần được quan tâm ở mọi cấp độ, bám chặt vào các trụ cột kỹ thuật, quy hoạch, quản lý và bảo hiểm. Có thể kể ra ba giải pháp ở đây.

(1) Về quản trị đô thị, đô thị cần một khuôn khổ về quản trị mạnh với cơ chế ra quyết định độc lập, có hiệu lực cao và nhanh chóng, cho phép chính quyền đô thị thiết lập các định chế và thiết chế quản lý phù hợp với thực tế phát triển của địa phương và huy động được nguồn lực cả xã hội một cách nhanh chóng nhất khi cần thiết. 

Tốc độ và tính phức tạp của hoạt động ở đô thị đòi hỏi một cơ chế quản trị hoàn toàn khác, nhất là khi có sự cố xảy ra, mà trên hết và trước hết là sự am hiểu địa phương và đảm bảo được thời gian ra quyết định là ngắn nhất.

(2) Về thiết kế đô thị, các biến số của bài toán thiết kế đô thị cần được xem xét đầy đủ và thấu đáo khi đứng trước các quyết định thay đổi có thể tác động đến hoạt động của đô thị và các liên kết về hạ tầng kỹ thuật, kinh tế và xã hội xung quanh đô thị.

(3) Thông minh hóa đô thị: Công nghệ đang đem đến những năng lực tuyệt vời cho các đô thị. Với công nghệ, thông tin về tất cả các khía cạnh của hoạt động đô thị có thể được ghi nhận và xử lý trong thời gian thực, không có độ trễ. 

Sự kịp thời của thông tin từ thực địa, khả năng phân tích và phát hiện vấn đề nhanh chóng là tất cả những gì mà công tác quản trị cần để vận hành một đô thị khỏe mạnh và kiên cường. 

Với công nghệ, bài toán quản lý rủi ro sẽ đơn giản hơn nhờ dự báo sự cố tốt hơn, theo dõi chặt chẽ và cảnh báo sự cố kịp thời, cũng như phối hợp, phân tích thông tin chuẩn xác hơn khi cần ra quyết định can thiệp trong quá trình ứng phó với sự cố.

Một đô thị có khả năng chịu đựng rủi ro tốt sẽ giúp giảm đói nghèo, tăng cơ hội việc làm, đảm bảo tốt công bằng xã hội, tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh và xây dựng được một hệ sinh thái lành mạnh với dịch vụ y tế và giáo dục tốt. 

Một thành phố đáng sống là một thành phố kiên cường trước các rủi ro và thảm họa, ở đó các cư dân có thể an tâm hơn để sống và lao động.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận