TTCT - Từ lâu, giá khám chữa bệnh trong các bệnh viện công thường bị các BV này cho là "không được tính đúng tính đủ". Vì thế, dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu chính là nguồn "cứu tinh tài chính" để các BV cải thiện thu nhập cho các y bác sĩ và nhân viên. Phòng khám Trung tâm quốc tế, nơi cung cấp dịch vụ y tế theo yêu cầu của Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: DANH KHANGVới dự thảo về dịch vụ y tế theo yêu cầu, giá giường dịch vụ tại bệnh viện (BV) hạng đặc biệt (bao gồm sáu BV là Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, Trung ương Huế, 108 và Trung ương Thái Nguyên) có thể thu ở mức từ 1,3 triệu đồng/giường/ngày (phòng 4 người/giường) đến 3 triệu đồng/giường/ngày cho phòng có 1 giường. Các cơ sở y tế còn lại có thể thu từ 600.000 đồng đến 2 triệu đồng/giường/ngày tùy địa phương và hạng bệnh viện. Về giá khám bệnh dịch vụ, bệnh viện hạng đặc biệt được thu mức cao nhất là 300.000 đồng/lượt khám, các cơ sở y tế khác được thu cao nhất 200.000 đồng/lượt.NHƯNG GIÁ DỊCH VỤ Y TẾ THEO YÊU CẦU ĐÃ CAO HƠN TỪ LÂUBộ Y tế đã mất nhiều năm xây dựng dự thảo này. Có thể vì thế mà khi đưa ra lấy ý kiến, những gì được quy định trong đó đã lạc hậu. Bởi trên thực tế hiện nay, giá khám chữa bệnh dịch vụ tại các bệnh viện công đã cao hơn rất nhiều so với mức giá dự thảo đưa ra.Dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu đang nở rộ tại các bệnh viện công với nhiều tên gọi: khám chuyên gia, khám giáo sư, khám tiến sĩ, phòng dịch vụ, phòng VIP… Giá khám dịch vụ phổ biến ở các bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện hạng 1 ở Hà Nội hiện nay xoay quanh mức 500.000 - 700.000 đồng/lượt. Trong đó, dịch vụ "khám giáo sư" là mức dịch vụ cao nhất.Giá khám dịch vụ tại Bệnh viện Nhi trung ương là cao nhất (700.000 đồng một lượt), trong khi giá khám theo yêu cầu của Bệnh viện Bạch Mai là 120.000 đồng/lượt khám.Tại TP.HCM, giá khám bệnh dịch vụ cao nhất ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 là 300.000 đồng/lượt. Theo giới thiệu của bệnh viện, bệnh nhi khám ở đây ngoài việc được các bác sĩ trưởng, phó khoa, chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 thăm khám và hướng dẫn cách sử dụng thuốc thì các bước lâm sàng khác như xét nghiệm máu, chụp X quang, thở khí dung hay mua thuốc cũng được thực hiện ở khu vực riêng nên bệnh nhân không phải chờ lâu. Muốn đưa bệnh nhi tới khám theo cách này, gia đình phải đặt lịch trước qua điện thoại. Khi có đủ số bệnh nhân, khoa khám theo yêu cầu sẽ từ chối nhận thêm bệnh nhân khác. Mức giá khám thường của bệnh viện này là 50.000 đồng/lượt, khám dịch vụ thường là 150.000 đồng/lượt.Nhiều bệnh viện khác ở khu vực TP.HCM cũng đã áp dụng mức khám bệnh dịch vụ với giá dao động từ 200.000 - 300.000 đồng/lượt khám. Một số nơi triển khai dịch vụ "khám giáo sư", "khám chuyên gia" với giá 500.0000 đồng/lượt khám.Đi kèm theo dịch vụ khám bệnh giá cao này là một số lợi ích đáng kể khác: người khám bệnh nếu cần phải xét nghiệm, chụp chiếu hay lấy thuốc cũng được thực hiện nhanh mà không phải chờ đợi như khám giá thường hoặc khám bảo hiểm y tế.Giá giường dịch vụ tại khoa sản Bệnh viện Đa khoa Hà Đông dao động từ 400.000 - 1.500.000 đồng/ngày, tùy thuộc vào số giường mỗi phòng. Phòng 1 giường rộng 20m2, có tủ lạnh, bình nước nóng lạnh, điều hòa, nhà vệ sinh riêng. Cũng giá tương đương nhưng phòng khoa sản của Bệnh viện Quân y 103 chỉ rộng khoảng 15m2. Có nơi giá phòng dịch vụ hạng VIP lên đến 6 triệu đồng/ngày.Tại TP.HCM, Bệnh viện Hùng Vương có giá giường hậu sản - hậu phẫu VIP là 3,7 triệu đồng/ngày với không gian riêng biệt, có khu tiếp khách và chỗ nghỉ cho người nuôi, ghế massage, bệnh nhân được chọn thực đơn hằng ngày. Loại ít tốn kém hơn nhưng vẫn là phòng 1 giường thì có giá 3,5 - 3 triệu đồng/ngày, phòng 2 giường từ 1,5 - 1,7 triệu đồng/giường/ngày. Giá giường bệnh sẽ giảm xuống còn 1 triệu đồng/ngày/giường với phòng 3 giường, 850.000 đồng với phòng 4 giường.Như vậy, giá dịch vụ ở phần lớn các bệnh viện công đều đã vượt khung dự thảo trên của Bộ Y tế.Tuy nhiên, Bộ Y tế khẳng định giá dịch vụ theo dự thảo trên đã được "tính đúng, tính đủ", bao gồm chi phí trực tiếp phục vụ khám chữa bệnh, tiền lương (gồm cả lương trong trường hợp thuê chuyên gia, bác sĩ bên ngoài), phí quản lý, điện, nước, nhiên liệu, đào tạo, đồng phục, dự phòng rủi ro, khấu hao tài sản, tích lũy để tái đầu tư và cả tiền lãi.BỆNH VIỆN NÓI GÌ?Nhìn chung, nhiều bệnh viện đang "kêu trời" vì giá dịch vụ theo dự thảo này, đối với họ, là quá thấp so với hiện nay. "Hiện tại chúng tôi đang thu mức 500.000 đồng/lượt khám giáo sư. Nếu quy định chỉ cho thu cao nhất 300.000 đồng/lượt thì dịch vụ khám tiến sĩ, khám bác sĩ chuyên khoa phải hạ thấp hơn, không đủ chi phí", đại diện Bệnh viện Tai mũi họng trung ương băn khoăn."Nếu giá dịch vụ cao nhất chỉ 300.000 đồng/lượt thì các mức dịch vụ khác phải thấp hơn. Như thế còn gì là dịch vụ theo yêu cầu?", giám đốc một bệnh viện chuyên khoa trung ương có ý kiến."Phần lớn giường bệnh của Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM được BHYT thanh toán. Mỗi phòng 10 giường bệnh có giá khoảng 100.000 đồng/giường/ngày. BV cũng có các phòng dịch vụ diện tích nhỏ, số giường ít hơn, giá cao hơn dành cho những bệnh nhân nặng có nhu cầu yên tĩnh, ít chung đụng.Hiện tại, nhiều BV có phòng dịch vụ đầy đủ tiện nghi với giá vài triệu đồng mỗi ngày, có bác sĩ trực riêng, nhân viên y tế trực thường xuyên, có người chăm sóc bệnh nhân, phục vụ bữa ăn theo yêu cầu, người bệnh nằm bệnh viện như đi nghỉ dưỡng. Dạng phòng bệnh khách sạn này đang rất "hot", bệnh viện nào cũng muốn xây dựng để thu hút các bệnh nhân có điều kiện, phục vụ cho nhu cầu đa dạng của khách hàng.Tuy nhiên, điều các bác sĩ mong muốn nhất vẫn là có đủ nhân lực, vật lực để tập trung điều trị cho nhiều bệnh nhân nhất, không phải bị chi phối bởi giá dịch vụ hay giá phòng. Các bác sĩ vẫn trực phòng dịch vụ, nhưng đa số họ muốn phục vụ các bệnh nhân ở phòng bệnh 100.000 đồng/giường/ngày hơn" - bác sĩ Trương Thị Ngọc Lan, phó viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM, nói.BỆNH NHÂN GIÀU VÀ BỆNH NHÂN NGHÈOTừ lâu, giá khám chữa bệnh trong các bệnh viện công thường bị các BV này cho là "không được tính đúng tính đủ", rằng mức giá ấy mới tính được 4/7 yếu tố cấu thành, khiến các BV này "càng làm càng lỗ". Vì thế, dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu chính là nguồn "cứu tinh tài chính" để các BV cải thiện thu nhập cho các y bác sĩ và nhân viên, là cách để BV công xoay trở khi chưa cởi được "chiếc áo chật" viện phí ấy.Theo thời gian, các BV ngày một quá tải, nhu cầu khám chữa bệnh dịch vụ càng cao, các khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu trở thành "con gà đẻ trứng vàng" cho các bệnh viện công. Các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu được nâng thành nhiều cấp độ như khám chuyên gia, khám giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa… với nhiều mức giá và tiện nghi khác nhau. Giường bệnh dịch vụ theo yêu cầu cũng phân thành nhiều cấp: phòng VIP, phòng riêng, phòng đôi, phòng 4 giường và tùy mức giá mà có những tiện nghi khác nhau.Ở hầu hết các bệnh viện công, số giường bệnh dịch vụ chiếm từ 15% - 25% tổng số giường nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân. Từng có thời điểm một vài bệnh viện công sử dụng tới 40 - 50% giường cho khu vực dịch vụ, còn khu vực không dịch vụ thì bệnh nhân phải nằm ghép 2 người/giường.Ở đây, có một thế lưỡng nan rõ ràng về mặt chính sách. Các BV công vốn đã được ngân sách hỗ trợ, được cấp đất và các ưu đãi về vốn đầu tư thì nguyên tắc đầu tiên là phải cung cấp dịch vụ tiêu chuẩn như nhau cho người bệnh, không phân biệt bệnh nhân trả viện phí bằng tiền mặt hay bảo hiểm y tế, người nghèo hay người giàu. Khi BV sử dụng một phần cơ sở vật chất là tài sản công để dành cho dịch vụ theo yêu cầu thì rõ ràng quyền lợi của những bệnh nhân thông thường bị ảnh hưởng. Cơ sở vật chất của BV công vốn đã rất thiếu và ít ỏi, một khi trong đó có nhiều loại chất lượng dịch vụ thì điều chắc chắn xảy ra là khi phần dành cho dịch vụ theo yêu cầu tăng lên thì phần dành cho dịch vụ thông thường sẽ bị thu hẹp lại. Cơ sở để các bệnh nhân được phục vụ như nhau trong môi trường này ngày càng mong manh.Theo Bộ Y tế, dự thảo mức phí dịch vụ trên chỉ dành cho khu vực bệnh viện công sử dụng tài sản của Nhà nước thực hiện dịch vụ. Còn khu vực bệnh viện đầu tư bằng nguồn vốn huy động thì bệnh viện được quyết định mức thu.Khúc mắc sẽ nằm ở một phương pháp tính toán chuyện "đúng và đủ" đối với giá khám chữa bệnh trong viện phí để các BV không còn phải thu chỗ "người giàu" bù cho "người nghèo". Chỉ khi nào các BV không còn lo cơm áo gạo tiền ở những khoa khám, phòng bệnh thông thường thì chất lượng khám chữa bệnh ở khoa thường được nâng lên, các bệnh nhân (dù ở phòng thường hay phòng dịch vụ) mới chính thức được phục vụ dịch vụ y tế như nhau. ■ Tags: Dịch vụ y tếGiá dịch vụChăm sóc sức khỏeBệnh viện nhi Trung ươngNhân viên y tếChăm sóc bệnh nhânDịch vụ khám chữa bệnhKhám chữa bệnhBảo hiểm y tếKhám bác sĩChất lượng khám chữa bệnhCơ sở vật chất
Quốc hội Hàn Quốc yêu cầu dỡ bỏ thiết quân luật DUY LINH 03/12/2024 Rạng sáng 4-12 (giờ địa phương), Quốc hội Hàn Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Tổng thống Yoon Suk Yeol dỡ bỏ tình trạng thiết quân luật.
Chính thức: Nghỉ 9 ngày liền dịp Tết Nguyên đán 2025 HÀ QUÂN 03/12/2024 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có thông báo chính thức về việc nghỉ Tết Nguyên đán 2025.
Tổng thống Hàn Quốc ban bố lệnh thiết quân luật khẩn cấp BÌNH AN 03/12/2024 Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tối 3-12 đã ban bố tình trạng thiết quân luật, cáo buộc phe đối lập âm mưu nổi loạn.
Lê Tuấn Khang chỉ đang diễn và khán giả trẻ quá dễ dãi? THƯỢNG KHẢI 03/12/2024 'Mình xin lỗi nhưng mình coi mà thấy nhạt quá. Có lẽ vì không phải là người miền Tây nên không hiểu được'; 'Cộng đồng mạng có làm quá không?'... là những bình luận độc giả gửi về Tuổi Trẻ Online.