Doanh nghiệp Việt và COP26

NAM MINH 26/11/2021 18:00 GMT+7

TTCT- Các thỏa thuận ở COP26 sẽ tác động đến nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng của Việt Nam, và qua đó là tới cộng đồng doanh nghiệp trong nước nói chung.

Hội nghị về biến đổi khí hậu toàn cầu của Liên Hiệp Quốc (COP26) đạt được sự đồng thuận của nhiều quốc gia hướng tới mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 1,5-2oC so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. 

Các thỏa thuận đó hứa hẹn sẽ làm thay đổi cơ bản diện mạo nền kinh tế thế giới, tạo động lực để thúc đẩy một số lĩnh vực mới nhưng ngược lại, một số ngành công nghiệp truyền thống đang đứng trước nguy cơ thu hẹp hoạt động và buộc phải chuyển đổi.

Người dân sinh hoạt dưới dòng nước ngập do triều cường tại khu vực đường Trần Xuân Soạn (quận 7, TP.HCM). Tình trạng ngập lụt ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế khiến TP.HCM thiệt hại ước tính 1,3 tỉ đôla mỗi năm, theo McKinsey. Ảnh: NHẬT THỊNH

 

Nhiều ngành có thể phải thu hẹp

Việt Nam nằm trong số các quốc gia chịu thiệt hại nặng nhất trong xu hướng Trái đất ấm dần lên và nước biển dâng, đặc biệt ở những vùng dễ bị tổn thương nhất ở miền Nam, nơi sinh sống của hơn 20 triệu người. Khu vực này cũng sản xuất gần một nửa sản lượng lúa của cả nước.

TP.HCM ngày càng bị ngập lụt, dù đang có tham vọng phát triển trở thành một trung tâm tài chính và thành phố thông minh hàng đầu khu vực. 

Một báo cáo của Hãng McKinsey cho biết lũ lụt hằng năm khiến TP.HCM thiệt hại khoảng 1,3 tỉ đôla Mỹ. Xu hướng đó còn có thể nghiêm trọng hơn do chi phí liên quan đến tình trạng ngập lụt tăng nhanh hơn so với hoạt động kinh tế.

Việc tham gia COP26 mang đến ý nghĩa phát triển bền vững cho Việt Nam. Nội dung cơ bản của COP26 tập trung vào hành động vì khí hậu, thúc đẩy các bên liên quan bao gồm nhà đầu tư, nhà kinh tế và các nhóm công dân tăng cường hơn nữa áp lực lên các chính trị gia để đẩy nhanh việc cắt giảm khí thải. 

Dù vậy, từ đồng thuận đến hiện thực là cả một quá trình phức tạp do sẽ có nhiều khu vực chịu tác động.

Điển hình như ngành năng lượng sử dụng nhiệt liệu hóa thạch (dầu mỏ, khí đốt, than đá) sẽ là lĩnh vực chịu tác động kiểm soát đầu tiên. 

Lãnh đạo hơn 40 quốc gia đồng ý sẽ giảm dần các nhà máy nhiệt điện than. Việt Nam cùng Indonesia, Ukraine và Hàn Quốc hứa hẹn sẽ loại trừ dần và dừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than cho tới năm 2040.

Khoảng 20 quốc gia và tổ chức đã cam kết không tài trợ cho các dự án năng lượng hóa thạch ở nước ngoài từ cuối năm tới. Các nhà máy nhiệt điện than trong tương lai sẽ gặp khó khăn hơn trong việc kêu gọi tài trợ từ các quốc gia đã ký COP26.

Giao thông sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể vì các quy định kiểm soát khí thải và động cơ đốt trong. Ngành hàng không mỗi năm đang phát thải khoảng 2% tổng lượng khí thải CO2 toàn cầu. 

Mặc dù phần lớn ôtô thế hệ mới sản sinh ra lượng khí thải thấp hơn gấp 10 lần so với 20 năm trước, vấn đề nằm ở chỗ số lượng ôtô lưu thông trên đường lại tăng nhanh. 

Điều này dẫn đến lượng khí thải vẫn tiếp tục tăng và ôtô là một trong 3 nguồn sinh ra CO2 nhiều nhất trên Trái đất.

Các ngành công nghiệp như dệt may, da giày, nhà máy thép dùng công nghệ lò thổi oxy BOF, ximăng, nhựa, nông nghiệp sử dụng hóa chất, chăn nuôi cũng sẽ đối mặt với các quy định tuân thủ môi trường khắt khe hơn. 

Hay ngành xây dựng cũng sẽ chứng kiến chi phí gia tăng nếu buộc phải sử dụng các loại vật liệu mới tân tiến, thân thiện với môi trường hơn.

Động lực cho thay đổi

Cộng đồng doanh nghiệp có thể đóng một vai trò quyết định trong việc thúc đẩy hành động khí hậu, cả bằng cách giảm phát thải trong các hoạt động của chính họ và bằng cách phát triển và sản xuất thế hệ công nghệ tiếp theo có thể giúp giảm hay ngăn ngừa phát thải. 

Những người nào tích cực tham gia vào xu thế “zero carbon” có thể sẽ được tưởng thưởng xứng đáng.

Ví dụ, công nghiệp ôtô đang cực kỳ sôi động với cuộc đua đầu tư vào công nghệ xe điện, trong đó có sự xuất hiện của Hãng xe Vinfast. 

Theo nghiên cứu của EDF Energy - một công ty tổng hợp năng lượng của Anh, mỗi năm ôtô truyền thống thải trực tiếp ra môi trường gần 5.400kg khí CO2. Con số này ở xe điện chỉ là 1.800kg - tức thấp hơn 70% so với xe truyền thống. 

Với tốc độ phát triển công nghệ xe điện như hiện nay, các chuyên gia nhận định tới năm 2030, lượng phát thải ở xe điện còn nhỏ hơn nữa.

Những ví dụ khác: nhiều chuỗi bán lẻ đã sử dụng túi nilông tự phân hủy trên toàn hệ thống, hay Tập đoàn Hòa Phát áp dụng giải pháp thu hồi nhiệt khí thải trong quá trình sản xuất để phát điện, tái sử dụng cho các khu liên hợp sản xuất gang thép của tập đoàn tại Hải Dương và Khu kinh tế Dung Quất.

Sự phát triển của công nghệ số, in 3D và trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp một số lĩnh vực “go green” nhanh hơn. Gần đây, thủy sản Vĩnh Hoàn rót vốn vào Shiok Meats, công ty đầu tiên trên thế giới sản xuất thịt tôm từ các tế bào được nuôi trong phòng thí nghiệm. 

Các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đang thử nghiệm các mô hình canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng giải pháp quản lý thông minh vào sản xuất giúp tiết giảm chi phí.

Kinh tế tuần hoàn cũng được các doanh nghiệp ngày càng quan tâm. Các đô thị phát triển theo hướng thông minh hơn, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm điện nước sẽ kích thích làn sóng đầu tư cho nhiều loại hình công nghệ mới như proptech (công nghệ bất động sản), fintech (công nghệ tài chính), năng lượng, di chuyển thông minh hay nhiều dịch vụ khác.

Các nhà đầu tư tham gia lĩnh vực năng lượng sạch sẽ nhận được ưu đãi. Hiện Chính phủ đang hoàn thiện đề án quy hoạch điện VIII, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. 

Trong đó có những điều chỉnh đáng kể về tỉ trọng phân bổ các nguồn năng lượng. Đến năm 2045, tỉ lệ nhiệt điện than dự kiến giảm còn 15-19%, nhiệt điện khí (tính cả khí hóa lỏng LNG) chiếm 20,6-21,2%, điện năng lượng tái tạo (thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...) có thể sẽ chiếm 26,5-28,4%.

Các doanh nghiệp tham gia cùng COP26 còn có cơ hội tiếp cận các gói tài chính hấp dẫn từ các nhà đầu tư và ngân hàng. 

Đầu năm nay, khoảng 160 ngân hàng, nhà quản lý tài sản và chủ sở hữu tài sản hàng đầu thế giới đã thành lập một liên minh tài chính, trong đó cam kết điều chỉnh hoạt động và danh mục đầu tư của họ theo mục tiêu “net-zero pathway” vào năm 2050. 

Các công ty trong liên minh này đang nắm giữ khoảng 70.000 tỉ USD. Một báo cáo của OECD ước tính các cam kết tài trợ tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu đã đạt đến 78,9 tỉ USD vào 2018, dự kiến sớm vượt mốc 100 tỉ USD vào thập niên 2020.

Nhưng bên cạnh đó sẽ có nhiều nỗi lo cho các quốc gia đang phát triển như Việt Nam trong việc thay đổi chính sách kinh tế và thích ứng với thỏa thuận COP26. Theo Hãng Economic Intelligence Unit, mâu thuẫn trong triển khai là khó tránh khỏi. 

Các quốc gia phát triển có thể sẽ mất đi năng lực cạnh tranh nếu các nước giàu ra các quy định mới về khí thải nhập khẩu. Ví dụ EU đang cân nhắc ban hành quy định CBAM về việc đánh thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu thuộc diện phát sinh carbon như điện, ximăng, sắt thép, phân bón... 

Đạo luật này dự kiến có hiệu lực từ năm 2026.

Sự thu hẹp một số ngành kinh tế truyền thống còn gây ra thách thức về việc làm và chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân. Chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của các địa phương cũng sẽ cần điều chỉnh đáng kể so với trước đây, theo hướng hạn chế các ngành tiêu hao nhiều điện nước hay gây ô nhiễm. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận