Dữ liệu đất đai, quy hoạch tại TP.HCM: vừa rối vừa lạc hậu

KHÁNH YÊN 15/05/2023 14:44 GMT+7

TTCT - Dữ liệu đất đai tại TP.HCM không kết nối nên cán bộ tại TP.HCM vẫn phải gõ từng file để tìm thông tin, kết nối thủ công với nhau để xử lý hồ sơ cho dân.

Đầu năm 2023, Văn phòng đăng ký (VPĐK) đất đai TP.HCM được yêu cầu cung cấp thông tin các khu đất do bà T. đang đứng tên sử dụng trên địa bàn TP.HCM. Do dữ liệu đất đai chưa hoàn chỉnh nên đơn vị này phải làm công văn gửi chi nhánh VPĐK của 22 quận huyện yêu cầu rà soát. Sau khi nhận được báo cáo của 22 chi nhánh, VPĐK đất đai TP mới tổng hợp được thông tin cung cấp cho cơ quan yêu cầu.

Nhiều nguồn tra cứu nhưng các thông tin nhà, đất tại TP.HCM ít được cập nhật.  Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều nguồn tra cứu nhưng các thông tin nhà, đất tại TP.HCM ít được cập nhật. Ảnh: QUANG ĐỊNH


"Hiện tại, cơ sở dữ liệu do VPĐK đất đai TP quản lý chưa kết nối được với các chi nhánh VPĐK đất đai quận, huyện. Cơ sở dữ liệu đất đai của các chi nhánh không kết nối được với nhau.

Thậm chí tại mỗi chi nhánh, cơ sở dữ liệu đất đai qua các thời kỳ cũng không thể tích hợp, kết nối được. Để đủ thông tin xử lý một hồ sơ nhà, đất, phải tra cứu trên nhiều phần mềm khác nhau", một lãnh đạo VPĐK đất đai TP.HCM cho biết.

Dữ liệu nhà, đất rời rạc, thiếu liên thông

Quy trình tra cứu thông tin của các chi nhánh VPĐK tại các quận, huyện và TP Thủ Đức còn gian nan hơn bởi dữ liệu đất đai được lập qua các thời kỳ trên những phần mềm khác nhau. Cho đến giờ, các chi nhánh VPĐK vẫn vừa thực hiện đăng ký đất đai, vừa cập nhật thông tin cả mới và cũ trên phần mềm mới nhất. Ngặt nỗi phần mềm này lại chưa được cơ quan chức năng TP.HCM chấp thuận sử dụng.

Tại chi nhánh VPĐK quận Tân Bình, cơ sở dữ liệu nhà, đất được hình thành qua ba giai đoạn. Từ năm 2003 đến 2017, dữ liệu đất đai được cập nhật trên một phần mềm do Công ty FPT phát triển có chức năng cập nhật biến động và quản lý nhà, đất trên địa bàn quận.

Đến năm 2012, Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai phần mềm VILIS, đề nghị các địa phương sử dụng để cập nhật dữ liệu về nhà, đất. Từ năm 2015 (thời điểm các VPĐK đất đai quận, huyện chuyển thành chi nhánh VPĐK đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) đến năm 2017, chi nhánh VPĐK đất đai quận Tân Bình sử dụng song song hai phần mềm về dữ liệu đất đai: tra cứu thông tin trên phần mềm của Công ty FPT để xử lý hồ sơ và nhập dữ liệu mới trên phần mềm VILIS.

Năm 2017, phần mềm FPT chứa dữ liệu thông tin nhà, đất của quận Tân Bình bị "sập", chi nhánh VPĐK Tân Bình chuyển sang sử dụng hoàn toàn phần mềm VILIS. Tuy nhiên, những phần dữ liệu chưa cập nhật thì chi nhánh VPĐK Tân Bình đề nghị UBND quận Tân Bình (đơn vị quản lý phần mềm cơ sở dữ liệu đất đai do Công ty FPT phát triển) cung cấp trên cơ sở khôi phục dữ liệu cũ.

Tháng 9-2022, Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai một phần mềm mới có tên là VBDLIS, khuyến khích các chi nhánh VPĐK sử dụng vì phần mềm này hiện nay chưa được UBND TP.HCM cho phép chính thức. Phần mềm VBDLIS kết nối được toàn bộ hệ thống các chi nhánh và VPĐK đất đai trên địa bàn TP.HCM, khi các chi nhánh cập nhật thông tin và các biến động về nhà, đất thì VPĐK TP nhận được thông tin, có thể thống kê, theo dõi.

Và như thế, kết quả là hiện tại, các nhân viên chi nhánh VPĐK đất đai Tân Bình xử lý một hồ sơ nhà, đất phải thao tác trên ba phần mềm khác nhau: FPT, VILIS và VBDLIS. "Do các phần mềm không tương thích nhau, yêu cầu tiêu chuẩn dữ liệu khác nhau nên không thể kết nối. Vì vậy, nhân viên vừa tra cứu những thông tin cũ để xử lý hồ sơ, cập nhật biến động trên phần mềm mới", một cán bộ chi nhánh VPĐK Tân Bình giải thích.

Nghị định 10 năm 2023 sửa đổi bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 20-5 tới có quy định thực hiện thủ tục hành chính về đất đai trên môi trường điện tử. Người dân nộp hồ sơ qua mạng, nhận các thông tin yêu cầu bổ sung, đóng các loại phí thuế qua tin nhắn hoặc phần mềm dịch vụ công trực tuyến. Khi nhận kết quả (trực tiếp hoặc qua bưu điện) thì người dân mới nộp bản chính các hồ sơ đất đai cho cơ quan chức năng.

Nhiều giám đốc chi nhánh VPĐK đất đai tại TP.HCM cho biết đến nay họ chưa có kế hoạch xử lý hồ sơ nhà, đất của người dân trên môi trường điện tử theo nghị định trên. Một số nói chờ hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các chi nhánh khẳng định khó khăn lớn nhất là họ chưa yên tâm về dữ liệu về nhà, đất hiện nay. "Nếu bị ép thì chi nhánh cũng triển khai trực tuyến trước một số thủ tục nhà, đất đơn giản, ít hồ sơ", một giám đốc chi nhánh tiết lộ.

Thông tin quy hoạch nhà, đất lạc hậu

Tháng 8-2022, Sở Tài nguyên và Môi trường ra mắt trang thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường chia sẻ gần 450 thông tin dữ liệu địa chính, tài nguyên trên địa bàn TP.HCM (https://geoportal-stnmt.tphcm.gov.vn). Các thông tin này được kỳ vọng sẽ cung cấp cho các tổ chức, cá nhân nhiều thông tin về quy hoạch, bản đồ địa lý, pháp lý các dự án… 

Tuy nhiên, dữ liệu trên cổng thông tin này lại khá cũ khi các thông tin như kế hoạch sử dụng đất năm 2018, ranh thửa đất năm 2010… Cổng thông tin này được cho rằng chỉ để các tổ chức chuyên ngành sử dụng, tra cứu và rất khó tìm kiếm đối với người dân.

Dữ liệu đất đai đầy đủ và kết nối mới có thể thực hiện thủ tục đất đai trên môi trường điện tử. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dữ liệu đất đai đầy đủ và kết nối mới có thể thực hiện thủ tục đất đai trên môi trường điện tử. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trước đó, ở TP.HCM có nhiều "cổng" thông tin chính thức cung cấp thông tin về quy hoạch, nhà đất cho người dân TP muốn tìm hiểu bước đầu. Toàn TP có app Thông tin quy hoạch TP.HCM do Sở Quy hoạch - Kiến trúc xây dựng quản lý và trang thông tin tài nguyên - môi trường.

Ở quận, huyện có ứng dụng đô thị thông minh TP Thủ Đức, ứng dụng trực tuyến của các quận, huyện đều có phần mềm cung cấp thông tin quy hoạch. Tuy nhiên, các thông tin thường lạc hậu, không được cập nhật và một số phần tìm kiếm còn không có tác dụng.

Trên app Thông tin quy hoạch TP.HCM được Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP quản lý (https://thongtinquyhoach.hochiminhcity.gov.vn), thông tin không nhiều. Trang này có ba cách tìm kiếm thông tin bằng số tờ - số thửa, đường và tọa độ nhưng thực tế chỉ sử dụng được tính năng tìm kiếm theo tọa độ và số thửa - số tờ của khu đất. Phần tìm kiếm theo số tờ, số thửa chỉ có kết quả đối với những thửa được cấp từ hơn 10 năm trước, những khu đất mới được chia tách, có số thửa mới đều không tìm thấy.

Thậm chí có nhiều khu đất lớn đã được phân lô bán nền, nhà cửa mọc lên san sát nhưng bản đồ vẫn thể hiện khu vực này còn những thửa đất với diện tích hàng ngàn mét vuông. Tất cả bản đồ quy hoạch đều cập nhật từ những năm 2013, 2012… nhiều khu vực đã điều chỉnh quy hoạch nhưng vẫn chưa được cập nhật. Phần nhận xét của người tải ứng dụng luôn có lời phàn nàn "thông tin quá cũ", "không cập nhật", "chất lượng kém", "dữ liệu nghèo nàn", "cần cập nhật thông tin thêm"...

Ứng dụng đô thị thông minh TP Thủ Đức (https://ttqh-thuduc.tphcm.gov.vn/ban-do-quy-hoach) cũng có chức năng tìm kiếm thông tin quy hoạch bằng tọa độ, số thửa đất và địa chỉ. Một số đường chỉ tìm ra nhà mặt tiền hoặc số hẻm, chỉ tìm được những thửa đất lớn, thông tin được cập nhật hơn 10 năm trước, các thửa đất mới tách không được cập nhật. Việc tìm kiếm theo địa chỉ chỉ được cập nhật một phần trên địa bàn quận Thủ Đức cũ, những khu vực khác không có, thậm chí tìm địa chỉ trụ sở UBND TP Thủ Đức cũng không ra.

Lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết những thông tin trên các trang chỉ có giá trị tham khảo. Người dân muốn có thông tin quy hoạch chính xác phải liên hệ Sở Quy hoạch - Kiến trúc hoặc UBND các quận, huyện để được cung cấp thông tin như thực hiện thủ tục hành chính. ■

Ông Nguyễn Toàn Thắng, giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết hiện hầu hết các chi nhánh VPĐK đất đai đang quản lý, cập nhật, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu địa chính thông qua phần mềm VILIS. Nhưng phần mềm này có nhiều hạn chế như hệ quản trị cơ sở dữ liệu không thể nâng cấp, cấu trúc cơ sở dữ liệu chưa theo chuẩn dữ liệu địa chính của Bộ TN-MT. Sở TN-MT đã đề xuất áp dụng phần mềm HCMLIS (VBDLIS) cho hệ thống VPĐK đất đai. Đây sẽ là cơ sở để VPĐK đất đai TP tích hợp, chuyển đổi cơ sở dữ liệu địa chính, chuẩn hóa bản đồ địa chính cũ sang mô hình, cấu trúc cơ sở dữ liệu địa chính theo đúng chuẩn mà Bộ TN-MT yêu cầu.
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận