Đừng bận rộn với chiếc điện thoại nữa

TRƯỜNG SƠN 15/07/2016 22:07 GMT+7

TTCT- Đứng trước khoảnh khắc đẹp, hay đơn giản chỉ là được gặp thần tượng bằng xương bằng thịt, bạn sẽ “sống” với khoảnh khắc đó hay giơ máy lên chụp càng nhiều hình càng tốt?

Bức ảnh nổi tiếng về cụ bà tận hưởng một sự kiện lớn trong khi mọi người xung quanh bận rộn với chiếc điện thoại -mailonline
Bức ảnh nổi tiếng về cụ bà tận hưởng một sự kiện lớn trong khi mọi người xung quanh bận rộn với chiếc điện thoại -mailonline


“Đừng quay phim nữa, hãy nhìn tôi này”

Với giới nghệ sĩ, được biểu diễn trước đám đông khán giả bao giờ cũng khiến họ thăng hoa hơn, nhưng trước một rừng cánh tay lăm lăm điện thoại thì họ nghĩ gì?

“Cô có thể ngưng quay phim với cái máy quay đó được không, bởi vì tôi đang đứng đây trong đời thật cơ mà?” - danh ca Adele đã nói thẳng với một người hâm mộ như vậy trong buổi biểu diễn ở Ý hồi cuối tháng 5.

Câu tiếp theo mà họa mi nước Anh dành cho nữ khán giả có thể là lời khuyên cho tất cả những ai theo trường phái “chụp mọi lúc mọi nơi”: “Bạn có thể tận hưởng [buổi diễn của tôi] trong đời thực thay vì trên máy ảnh. Hãy tận hưởng nó vì ngoài kia có nhiều người muốn nhưng không thể tham gia”.

Có nghịch lý lắm không khi ta đã bỏ thời gian và tiền bạc (vé xem Adele hẳn không rẻ) để rồi lại quan sát cô qua màn hình nhỏ xíu của thiết bị điện tử, trong khi thần tượng bằng xương bằng thịt đang đứng ngay trước mắt?

Một nữ ca sĩ nổi tiếng khác, Alicia Keys, cũng tiếp bước Adele khi tuyên bố cấm tiệt khán giả dùng điện thoại khi xem mình diễn.

Dĩ nhiên ca sĩ người Mỹ không thể cấm người hâm mộ mang theo điện thoại, nhưng khán giả đến các buổi diễn kế tiếp của cô sẽ phải cho điện thoại của họ vào chiếc vỏ (case) đặc biệt của Yondr, một công ty chuyên giúp thiết lập các “không gian không điện thoại”.

Vỏ điện thoại của Yondr sẽ tự động đóng nắp lại khi người dùng bước vào điểm diễn ra sự kiện và chỉ mở ra khi họ rời đi. Điều này cho phép khán giả vẫn mang điện thoại theo người nhưng không thể sử dụng được.

Hãy sống cùng khoảnh khắc

Joshua Fields Millburn, đồng chủ nhân của trang blog về lối sống tối giản minimalists.com được rất nhiều người theo dõi, cho rằng việc mải mê chụp ảnh một khoảnh khắc đồng nghĩa với việc tự đánh mất cơ hội thưởng ngoạn khoảnh khắc đó.

Theo Millburn, “quy trình” của một người chăm chăm chụp hình một cảnh đẹp thay vì bình tâm ngắm nó như sau: ta loay hoay với chiếc máy ảnh, chọn góc chụp và bộ lọc màu đẹp nhất, chụp một phát, xem lại ảnh, rồi lại chụp tiếp để có được bức ảnh ưng ý nhất.

“Và thế là ta đã bỏ lỡ khoảnh khắc đó. Ta mong muốn ghi lại khoảnh khắc, nhưng thật ra là phá hỏng nó” - Millburn viết.

Với quan điểm đó, Millburn kể mình đã hạn chế chụp ảnh liên tục trong các chuyến du lịch: “Tôi cố gắng cưỡng lại mong muốn với tay lấy điện thoại và đưa lên chụp lại nét đẹp của cảnh hoàng hôn, những con sông, ngọn núi, và nó giúp tôi có thể tận hưởng trọn vẹn những khoảnh khắc đó thay vì thu chúng vào chiếc điện thoại rồi lại cho vào túi”.

Cố gắng tận hưởng và ghi nhớ những khoảnh khắc quan trọng không có nghĩa là cực đoan đến mức chối bỏ hay lên án việc chụp ảnh, nhưng quan trọng là “ta có thể trèo lên đỉnh núi mà không cần phải chụp ảnh lại để chứng tỏ với mọi người là ta đã ở đó”.

Các chuyên gia cũng nhiều lần khuyến cáo cha mẹ không nên chụp lại mọi khoảnh khắc trong quá trình lớn lên của con cái mà nên quan sát một cách chăm chú để lưu giữ chúng một cách tự nhiên vào trí nhớ - chứ không phải thẻ nhớ của điện thoại hay máy ảnh.

Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong những thời khắc quan trọng trong đời con trẻ như nhận bằng tốt nghiệp, buổi biểu diễn đầu tiên ở trường... Trong một trận đấu bóng đá ở trường chẳng hạn, nếu một đứa trẻ sau khi ghi bàn nhìn lên hàng ghế khán giả, chúng sẽ cảm thấy thế nào nếu cha mẹ đang dán mắt vào điện thoại/máy ảnh, thay vì vẫy tay hay ra hiệu ăn mừng cùng con?

Thế giới cũng từng xôn xao trước bức ảnh một cụ bà bình thản đứng theo dõi tài tử Johnny Depp và nữ minh tinh Dakota Johnson trong buổi công chiếu bộ phim Black Mass ở Boston (Mỹ) hồi năm ngoái, thay vì bận rộn ghi hình, chụp ảnh như phần còn lại của đám đông.

Bức ảnh nổi tiếng cho thấy bà lão đứng hàng đầu, tựa vào rào chắn và chăm chú theo dõi sự kiện, còn sau lưng là một rừng cánh tay cầm máy ảnh hay điện thoại, được lan truyền như lời nhắc nhở mọi người “không bao giờ thật sự trải nghiệm điều gì bởi họ luôn bận rộn với việc ghi lại chúng bằng điện thoại” - như tờ Daily Mail mô tả.

Những người lớn lên trong thời đại công nghệ có thể bình thản và sống với từng khoảnh khắc thay vì lưu trữ chúng dưới định dạng số như cụ bà ở Boston hay không?■

Tháng 9-2015, bài thơ có tên Selfie đăng trên The New Yorker đã khiến nhiều người ưa chụp ảnh “tự sướng” phải nghĩ lại về thói quen của mình. Bài thơ đại ý nói khi selfie, chúng ta muốn thấy hình ảnh mình với những hậu cảnh ấn tượng để khoe trên mạng xã hội, nhưng quên rằng dù sự kiện đó có hoành tráng đến mức nào thì trong mọi bức ảnh, ta luôn quay lưng lại với nó.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận