TTCT - Ngồi nhà vẫn có thể tự làm xét nghiệm ADN và truy tìm nguồn cội về mặt di truyền học - công nghệ đột phá cách đây hơn 10 năm không phải là mô hình hái ra tiền như người ta vẫn tưởng. Ảnh: Akshita Chandra / The Atlantic23andMe, công ty khởi nghiệp Mỹ từng gây sốt với dịch vụ phân tích gene "giao tận nhà", vừa đệ đơn xin phá sản sau 18 năm hoạt động không có lời và cổ phiếu mất hơn 99% giá trị từ mức đỉnh. Cùng với đơn xin phá sản ngày 23-3, công ty cũng tuyên bố CEO kiêm nhà đồng sáng lập Anne Wojcicki sẽ thôi giữ chức giám đốc điều hành nhưng vẫn tiếp tục là thành viên hội đồng quản trị.Đây là đoạn kết buồn cho một công ty khởi nghiệp từng được kỳ vọng sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực phân tích gene bằng cách đưa công nghệ đắt đỏ này đến gần hơn với người tiêu dùng. Hàng triệu khách hàng của 23andMe giờ đang đổ xô yêu cầu công ty này xóa dữ liệu gene của mình khỏi hệ thống do những lo ngại về quyền riêng tư nếu công ty bị một bên thứ ba mua lại."Chào mừng đến với chính mình"Trong thông cáo báo chí chính thức ngày 23-3 của 23andMe, chủ tịch hội đồng quản trị Mark Jensen cho biết quyết định này là "con đường tốt nhất để tối đa hóa giá trị của doanh nghiệp". Trong bài đăng trên X cùng ngày, Wojcicki cho biết bà vẫn "giữ cam kết với tầm nhìn dài hạn của chúng tôi là trở thành công ty dẫn đầu toàn cầu về di truyền học và đưa di truyền học trở thành một phần cơ bản của hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới".Được biết trước đó, Wojcicki đã cố gắng cứu vãn tình hình bằng cách đàm phán mua lại cổ phần 23andMe để chuyển thành công ty tư nhân nhưng bất thành, theo báo The Wall Street Journal.Từng là công ty dẫn đầu trong thị trường dịch vụ phân tích gene và được định giá lên đến 6 tỉ USD sau khi chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) năm 2021, vốn hóa thị trường của 23andMe tính đến hết ngày 28-3 chỉ còn vỏn vẹn hơn 16 triệu USD, tức mất hơn 99% giá trị, theo Yahoo Finance.Sản phẩm cốt lõi trong mô hình kinh doanh của 23andMe là kit lấy mẫu xét nghiệm ADN tại nhà. Chỉ cần bỏ ra khoảng 100 USD, khách hàng có thể nhận kit được gửi đến tận nhà qua đường bưu điện, tự mình lấy mẫu nước bọt vào ống nghiệm được cung cấp sẵn, rồi gửi trả mẫu cho 23andMe và đợi kết quả.Mẫu này sau đó sẽ được sử dụng để phân tích ADN nhằm cung cấp thông tin cá nhân hóa về di truyền của từng khách hàng, giúp đưa ra cảnh báo về các nguy cơ sức khỏe có trong gene như khả năng mắc bệnh Alzheimer hoặc một số loại ung thư, theo CNN. Kết quả phân tích mà 23andMe cung cấp còn bao gồm các thông tin liên quan đến huyết thống (mang bao nhiêu phần trăm dòng máu Anh, Pháp, Đức...) và đặc điểm tính cách liên quan đến di truyền (chẳng hạn chứng sợ độ cao).Một đại diện công ty đang giới thiệu những gì có trong bộ dụng cụ xét nghiệm của 23andMe tại sự kiện công nghệ phả hệ RootsTech ở Salt Lake City, Utah (Mỹ) tháng 2-2019. Ảnh: George Frey / ReutersQuay lại thời điểm cách đây 6 năm, 23andMe từng là một trong những công ty khởi nghiệp được săn đón nhất thế giới. Bộ kit của họ được Cơ quan Quản lý thực phẩm và thuốc Hoa Kỳ (FDA) phê chuẩn. Với mức giá không quá đắt, nó trở thành món quà Giáng sinh được ưa chuộng trong các gia đình ở Mỹ, theo The Wall Street Journal.Những câu chuyện xuất hiện trên truyền thông về việc vô tình khám phá ra những chi tiết về huyết thống từ dịch vụ của 23andMe - chẳng hạn phát hiện mình có anh chị em hoặc cha mẹ thất lạc - càng khiến tên tuổi công ty được biết đến rộng rãi.Câu khẩu hiệu được in trên mỗi kit xét nghiệm của 23andMe là "Welcome to you" (tạm dịch: Chào mừng đến với chính mình) đại diện cho lời hứa của công ty về việc giúp khách hàng hiểu thêm về bản thân họ. Trong nhiều năm, lời mời gọi hấp dẫn này đã thuyết phục được hơn 15 triệu người sử dụng 23andMe với mong muốn có cái nhìn mới về bản thân.Mô hình không bền vữngDù trải qua giai đoạn thăng hoa sau IPO, 23andMe chưa bao giờ giải quyết được vấn đề trung tâm của mô hình kinh doanh mà họ theo đuổi: khách hàng chỉ có nhu cầu xét nghiệm ADN một lần trong đời và không cần quay lại.Nhà báo Allison Morrow của CNN từng sử dụng dịch vụ xét nghiệm của 23andMe và nhận thấy kết quả phân tích khá trùng khớp với tính cách của cô, chẳng hạn như khuynh hướng thích đồ ăn vặt có vị mặn hơn đồ ngọt, thích tiêu thụ caffeine cao hơn mức trung bình, và sợ độ cao - những đặc điểm mà trước đó Morrow không hề biết là có liên quan đến gene. Vấn đề nằm ở chỗ, Morrow viết, "một khi bạn đã mua kit và nhận được kết quả, hầu như chẳng còn điều gì khác để làm".23andMe cũng đã thử các chiến lược kinh doanh khác bên cạnh việc bán kit, trong đó có mô hình đăng ký thành viên 23andMe+ với mức phí năm đầu tiên là 229 USD, sau đó gia hạn hằng năm với giá 69 USD. Người dùng đăng ký sẽ nhận được các báo cáo sức khỏe định kỳ được cá nhân hóa, lời khuyên về lối sống và "các báo cáo và tính năng mới" dựa trên thông tin di truyền đã có. Tuy nhiên theo một báo cáo năm 2023, dịch vụ 23andMe+ chỉ mới chạm mốc 640.000 người đăng ký - chưa đến một nửa so với con số dự báo của công ty. "Đa số mọi người không có bệnh nguy hiểm đến tính mạng ẩn nấp trong mã gene của mình… 23andMe không có một sản phẩm đủ thuyết phục một cách rõ ràng để xứng đáng mức phí 69 USD mỗi năm" - The Wall Street Journal đánh giá. Công ty cũng tìm kiếm nguồn thu từ việc cấp phép cho các công ty dược phẩm tiếp cận dữ liệu gene của khách hàng phục vụ việc nghiên cứu phát triển thuốc. Theo thông tin từ trang truyền thông dành cho nhà đầu tư của 23andMe, có đến 80% khách hàng đồng ý cho thông tin ADN của họ được sử dụng cho mục đích nghiên cứu gene và phát triển thuốc. Tuy vậy, ngay cả ở mảng này công ty cũng chật vật để duy trì doanh thu ổn định sau khi thỏa thuận trị giá 300 triệu USD năm 2018 với công ty dược Glaxo-Smith Klyne (GSK) đã hết hạn.Trong khi đó, nỗ lực duy trì bộ phận nghiên cứu phát triển thuốc nội bộ của 23andMe cũng vấp phải nhiều khó khăn khi đây là lĩnh vực đặc thù có thể mất hàng chục năm nghiên cứu và tiêu tốn nhiều tiền của mà không đi đến kết quả. Tháng 8-2024, bộ phận này cũng đã phải đóng cửa. Năm 2021, 23andMe mua lại công ty Lemonaid để tìm đường vào mảng chăm sóc sức khỏe từ xa (telehealth). Tháng 1-2025, các nguồn tin cho biết công ty đang tìm cách bán tháo khoản đầu tư này.Tất cả đều là những cọng rơm nặng ký, rốt cuộc đã làm gãy lưng con lạc đà. Cuối tháng 12-2024, Kari Paul, cây bút công nghệ của The Guardian, cho biết "tiếc hùi hụi" khi dùng 23andMe vì chẳng thu được kết quả gì bất ngờ. "Tôi đã nhận được gì khi trao cho công ty này 119 đô la và quyền truy cập vô thời hạn vào dữ liệu di truyền của mình? Một xác nhận rằng tôi có 63% gốc Anh và Ireland, 17% gốc Đan Mạch và phần còn lại thuộc nhóm Bắc - Tây Âu nói chung" - Paul viết. Anh cho rằng kết quả này chỉ gợi sự dửng dưng, xen lẫn một chút thất vọng vì không khám phá được một dòng dõi mới mẻ nào.Timothy Caulfield, giáo sư tại Đại học Alberta, đã nghiên cứu động cơ thúc đẩy mọi người làm xét nghiệm phả hệ di truyền và cách họ phản ứng với kết quả. Hóa ra "vô cảm" là phản ứng phổ biến nhất của khách hàng 23andMe. "Văn hóa đại chúng khiến chúng ta tin rằng gene của bạn có ý nghĩa to lớn, nhưng rất nhiều người nhận kết quả và thấy nó thật nhạt nhẽo" - Caulfield nói. Thông tin riêng tư nhấtThông tin về gene hay ADN của một người có thể được xem là loại thông tin riêng tư nhất trong các thông tin riêng tư, bởi nó có thể tiết lộ rất nhiều điều về tình trạng sức khỏe cũng như những đặc điểm nhạy cảm khác của một cá nhân mà họ không thể thay đổi được. "Không giống với mật khẩu hay số thẻ tín dụng bị lộ, bạn không thể thay đổi thông tin gene của chính mình" - cây bút Nila Bala viết cho báo Los Angeles Times.Không những vậy, ADN của một người không chỉ tiết lộ thông tin của người đó mà còn của tất cả những người có quan hệ huyết thống. Ngay cả khi bạn chưa từng xét nghiệm ADN, chỉ cần một thành viên trong gia đình từng làm việc đó thì thông tin gene của bạn cũng đã có thể được bên thứ ba tiếp cận. Theo Los Angeles Times, nghiên cứu cho thấy 90% người Mỹ da trắng có thể được định danh trên các trang web phả hệ ngay cả khi họ chưa bao giờ nộp ADN của chính mình cho bất cứ tổ chức nào. Năm 2018, cảnh sát Mỹ đã tìm ra danh tính và bắt thành công một nghi phạm thực hiện hàng loạt vụ giết người từ những năm 1970, 1980 sau khi lần theo thông tin ADN do họ hàng của người này nộp cho một công ty phân tích phả hệ, đài CNBC đưa tin.Chính sách riêng tư của 23andMe thể hiện rõ nếu công ty được bán cho một công ty khác thì thông tin cá nhân của người dùng có thể được chuyển sang bên mua. Và ngay cả khi các công ty sở hữu thông tin gene của khách hàng cam kết chỉ cung cấp chúng cho bên thứ ba khi có sự đồng ý, không có điều gì đảm bảo người mua cũng sẽ có cam kết tương tự.Khách hàng tìm hiểu bộ dụng cụ xét nghiệm ADN của 23andMe tại một sự kiện năm 2019. Ảnh: ReutersMột khi thông tin di truyền đã được công khai, việc kiểm soát sự lây lan của nó trở nên gần như bất khả thi. Đó là chưa kể nguy cơ thông tin gene bị đánh cắp từ những vụ tấn công tin tặc. Năm 2018, hơn 92 triệu tài khoản người dùng của công ty xét nghiệm ADN và phân tích phả hệ MyHeritage đã bị rò rỉ trên một máy chủ tư nhân, dù công ty này khẳng định không có thông tin ADN nào bị tiết lộ.Ngày 21-3, Tổng chưởng lý California Rob Bonta phát đi cảnh báo tới người tiêu dùng tại tiểu bang này về tình hình tài chính của 23andMe và nhắc nhở họ về quyền được yêu cầu xóa thông tin của mình khỏi dữ liệu của công tin này. "California có luật bảo mật chặt chẽ cho phép người tiêu dùng kiểm soát và yêu cầu công ty xóa dữ liệu di truyền của họ - thông cáo báo chí trích lời Bonta - Với tình hình tài chính khó khăn của 23andMe, tôi nhắc nhở người dân California cân nhắc việc viện dẫn quyền của họ và chỉ đạo 23andMe xóa dữ liệu của họ và tiêu hủy mọi mẫu vật liệu di truyền mà công ty nắm giữ".Theo BBC, một số người dùng đã mô tả tình trạng quá tải của trang web 23andMe sau thông tin đệ đơn phá sản, khi nhiều người đồng loạt tìm cách đăng nhập để yêu cầu xóa dữ liệu của mình khỏi nền tảng này. "Nếu 23andMe bị bán đi thì tôi e rằng dữ liệu của mình cũng sẽ bị bán" - Danielle Landriscina, 52 tuổi, bày tỏ lo ngại với BBC."Điều gì sẽ ngăn cản một công ty bảo hiểm y tế mua dữ liệu của tôi và sau đó sử dụng nó để xác định xem tôi có được tham gia bảo hiểm y tế hay không, hoặc tôi phải trả bao nhiêu cho nó?". Vì mục đích cao cả hơn?Giữa lúc nhiều người tìm cách xóa dữ liệu gene của mình và tháo chạy khỏi nền tảng 23andMe, tác giả Ronald Bailey của trang tin Reason nêu lý do anh không làm điều đó, và cũng không khuyến khích ai làm như vậy. "Đúng là bộ gene của bạn là một chỉ dấu vĩnh viễn và không thể thay đổi về nhân thân, nhưng dấu vân tay và khuôn mặt của bạn cũng thế mà" - Bailey đặt vấn đề.Theo Bailey, hệ thống của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) có chứa dấu vân tay của hơn 186 triệu cá nhân, còn các hệ thống camera nhận dạng khuôn mặt có thể khớp với cơ sở dữ liệu thời gian thực để theo dõi bạn gần như ở mọi nơi công cộng mà bạn đến. Bailey kêu gọi những khách hàng của 23andMe cân nhắc việc thông tin gene của mình được sử dụng cho những nỗ lực nghiên cứu (cần nhớ có 80% khách hàng đồng ý cho phép điều này)."[23andMe] có thể tồn tại hoặc không, nhưng dữ liệu di truyền được lưu trữ của công ty vẫn là nguồn tài nguyên có giá trị về mặt khoa học và y tế mà một số công ty hoặc tổ chức nghiên cứu khác có thể sử dụng để giúp phát triển các phương pháp điều trị và chữa bệnh mới - Bailey viết - Hãy ghi nhớ điều đó và đừng hoảng sợ xóa dữ liệu của bạn để có được một số lợi ích võ đoán về quyền riêng tư". Tags: Xét nghiệm ADNADNCông nghệ23andmeDi truyền
Sắp xếp lại đơn vị hành chính: để Mỹ Tho, Đà Lạt không trở thành phường, xã cao vũ minh (Trường ĐH Kinh tế - luật) 10/04/2025 1816 từ
Đặt tên phường theo địa danh xưa, nhớ ơn người khai hoang lập ấp KHÁNH YÊN THỰC HIỆN 09/04/2025 1986 từ
Tổng Bí thư Tô Lâm: Trung ương thống nhất sau sáp nhập còn 34 tỉnh, thành phố, giảm 60-70% cấp xã TỔNG BÍ THƯ TÔ LÂM 12/04/2025 Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, Trung ương Đảng thống nhất số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố).
Mỹ thông báo miễn thuế đối ứng với smartphone, máy tính THANH BÌNH 12/04/2025 Mỹ vừa loại trừ một số mặt hàng điện tử như điện thoại thông minh (smartphone) và máy tính khỏi các mức thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tám người bị khởi tố trong đường dây sản xuất gần 600 loại sữa bột giả là ai, vai trò thế nào? DANH TRỌNG 12/04/2025 Quá trình tổ chức khám xét 19 địa điểm là nhà máy sản xuất, văn phòng làm việc của các nghi phạm, Cơ quan cảnh sát điều tra thu giữ 84 loại sữa bột với số lượng 26.740 lon/90 lô sản xuất.
Chính phủ lập đoàn đàm phán với Mỹ do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm trưởng đoàn NGỌC AN 12/04/2025 Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký quyết định số 753 ngày 12-4 về việc thành lập đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Mỹ.