Giải Nobel cho Việt Nam được không?

NGUYỄN XUÂN XANH 24/12/2015 22:12 GMT+7

TTCT - Mỗi năm cứ đến mùa giải Nobel, tôi xôn xao nghĩ đến nền đại học nghiên cứu Việt Nam. Biết đến bao giờ Việt Nam có được những nhà khoa học được đề cử cho giải Nobel?

Vinh danh những nhân vật đã cống hiến cho nhân loại trên trang chủ Quỹ Nobel


Từ một tinh thần không vì “cơm áo”

Người Nhật trong những năm qua nhận được giải Nobel khá thường, cho thấy khoa học của họ đã hòa nhập thế giới mạnh mẽ. Từ giải Nobel đầu tiên năm 1949 của nhà vật lý hạt Hideki Yukawa đến năm 2015, tức trong khoảng 65 năm, Nhật Bản đã có khoảng 24 giải Nobel khoa học. Trừ vài trường hợp, như Nambu và Nakamura với quốc tịch Mỹ, tuyệt đại đa số họ là những “sản phẩm” của chính đất nước họ. Đó là niềm hãnh diện cao ngất.

Người Nhật là một tấm gương “cổ điển” đáng được tham khảo về sự vươn lên toàn diện. Họ học phương Tây một cách bài bản chứ không chắp vá. Chuyến công du Sứ mệnh Iwakura 1871 - 1873 sang Hoa Kỳ và các quốc gia châu Âu kéo dài gần hai năm của khoảng 50 nhà lãnh đạo bằng tàu thủy để tìm khai sáng là minh họa sống động nhất trong lịch sử tự cổ chí kim.

Các đại học theo phong cách phương Tây mọc lên thời Minh Trị những năm 1870. Các sinh viên trẻ quyết tâm biến đất nước còn xa lạ của họ đối với khoa học phương Tây thành một “cường quốc” khoa học tương lai.

Động cơ học khoa học của người Nhật là lòng yêu nước ngút trời, quyết không để thua bất cứ dân tộc nào. Họ rất yêu nước, tự hào người phương Đông cũng có thể đạt được những thành tựu khoa học sáng chói như phương Tây.

Họ làm khoa học không vì “cơm áo”, mà trước nhất và trên hết vì sự tự hào của dân tộc. Họ muốn trở thành những nhà nghiên cứu sáng tạo theo tinh thần học thuật mà nhà thơ Đức Friedrich Schiller đã quan niệm khi ông phân biệt giữa “nhà khoa học vì cơm áo” và “nhà khoa học vì học thuật”.

Với quyết tâm dăm bồi khoa học, Nhật Bản đã thuê cả vô số nhà khoa học và giáo dục từ phương Tây về dạy dài hạn nhiều thập niên liền. Chính phủ Nhật Bản sẵn sàng trả lương cho họ cao hơn lương của các quan chức cao cấp của chính phủ. Từ năm 1872 - 1898, Nhật Bản đã thuê chính thức hơn 6.000 người từ Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ; nếu tính không chính thức thì con số lên đến 18.000.

... Đến “cây khoa học”

Nhưng con đường để trở thành cường quốc khoa học với tất cả thiện ý không trơn tru. Học thôi chưa đủ, xây dựng thể chế, cơ chế tốt cũng chưa đủ. Cần phải có thêm quan niệm đúng về khoa học và sáng tạo, về những “sản phẩm” độc đáo nhất của phương Tây, của những cuộc cách mạng khoa học kéo dài từ mấy trăm năm qua, chảy từ suối nguồn cổ đại Hi Lạp 2.500 năm trước.

Khoa học không phải là cái máy có thể nhập về để cho ra sản phẩm như ta muốn. Khoa học là một “cơ thể“ (organism), và để phát triển tốt, nó cần một “thời tiết đặc biệt, một không khí đặc biệt” như bác sĩ Đức Erwin von Bälz (1849 - 1913) phát biểu năm 1900.

Ông đã dạy y khoa tại Đại học Tokyo 25 năm từ năm 1876. Ông ví đó là “cây khoa học”. Muốn cho cây phát triển và cho quả tốt, cần có một miếng đất tốt. Ông nói tiếp, ở phương Tây, để đạt được “không khí tinh thần” thuận lợi cho khoa học như hôm nay, các bộ óc vĩ đại đã phải lao động cật lực nhiều thời đại để giải mã các bí mật của vũ trụ, và “xa lộ tinh thần con người” của họ đã được “tưới bằng mồ hôi và máu, và thắp sáng bằng lửa của sự hành hình”.

Cái tinh thần ấy không thể học một sớm một chiều trong các giảng đường, mà chỉ được truyền đạt qua lao động “vai sánh vai” với những nhà nghiên cứu khác. Hơn nữa, khoa học phương Tây không phải hoàn toàn “trung tính” như chiếc máy vô hồn. Khoa học ẩn chứa các mặt triết học, văn hóa, dĩ nhiên cả xã hội trong đó.

Muốn cho đất nước độc lập, các nhà khai sáng Nhật Bản nhấn mạnh việc làm chủ khoa học, công nghệ. Muốn thế phải có độc lập của sự học, để từng con người trẻ có thói quen độc lập trong tư duy và sáng tạo. ˉOkuma Shigenobu, người sáng lập Đại học Waseda nổi tiếng năm 1882, xác định tinh thần đại học như một thông điệp sứ mệnh: “Các mục tiêu đích thực của giáo dục của Đại học Waseda là thực hiện độc lập của sự học, sự áp dụng thiết thực của sự học và sự xây dựng các công dân mẫu”.

Mặc dù Nhật Bản đã thành công trong công cuộc công nghiệp hóa theo mô hình phương Tây vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, nhưng đó vẫn còn là một xã hội châu Á với các mối quan hệ thầy trò, cá nhân tập thể, cá nhân nhà nước, cơ chế tài trợ khoa học chưa thay đổi lắm.

Tinh thần sao chép còn phổ biến. Trong những năm 1920, một con người mới xuất hiện sau khi đã sống gần mười năm tại các trung tâm của cuộc cách mạng khoa học châu Âu, là một nhà nghiên cứu đam mê đích thực, trở về để làm một cuộc “cách mạng văn hóa”. Đó là Yoshio Nishina (1890 - 1951). Ông tổ chức đưa cơ học lượng tử và đưa văn hóa mới châu Âu vào.

Học trò ông là Yukawa và Tomonaga, những người đem lại giải Nobel đầu tiên cho Nhật Bản. Với một không khí mới, ông đã tạo được khúc quanh quyết định cho nền vật lý hiện đại Nhật Bản.

Giữa thế kỷ 20, nền khoa học Nhật Bản được thế giới công nhận rộng rãi. Nhật Bản đã chuyển hóa hoàn toàn thành công “văn hóa học” sang “văn hóa sáng tạo”. Vườn khoa học của họ đang có nhiều trái ngọt liên tục, và cây con mới không ngừng đâm chồi.

Việt Nam, từ nhà nước đến cá nhân, chừng nào có được ý thức và sự phấn đấu để xây dựng một nền văn hóa khoa học đích thực như thế, và hoàn toàn nằm trong dòng chảy của khoa học thế giới như Nhật Bản hôm nay để mọi người có quyền hi vọng không xa sẽ có những giải Nobel “làm tại nhà”? ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận