Giảm được 10% thiệt hại do thiên tai

MINH QUANG THỰC HIỆN 29/11/2011 19:11 GMT+7

TTCT - Trung tâm Vũ trụ Việt Nam vừa được thành lập trong sự kỳ vọng của nhiều người về một ngành khoa học hiện đại, đột phá.

Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn - giám đốc Trung tâm Vệ tinh quốc gia (*) (Viện Khoa học và công nghệ VN), mục tiêu của dự án được đầu tư 54 tỉ yen, trong đó 85% là vốn ODA của Nhật Bản, là đến năm 2018 phóng hai vệ tinh nhân tạo nhỏ để cảnh báo, giảm thiểu tác động của thiên tai.

Phóng to
Mô hình Trung tâm Vũ trụ Việt Nam - Ảnh: M.Q.

Trao đổi với TTCT, PGS.TS Phạm Anh Tuấn cho biết: chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020 đã được Thủ tướng ban hành cách đây năm năm.

Một trong những nhiệm vụ chính của chiến lược là phải xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đội ngũ cán bộ kỹ thuật cho ngành công nghệ vũ trụ với mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam tự chủ trong việc chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát Trái đất.

Trên quan điểm này, từ năm 2008 Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam đã cùng đối tác Nhật Bản lập báo cáo tiền khả thi cho dự án với ba nội dung chính: xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc - Hà Nội (gồm hạ tầng lắp ráp, tích hợp và thử nghiệm vệ tinh, trạm mặt đất truyền và thu nhận tín hiệu vệ tinh, khu điều hành, nghiên cứu triển khai...); đào tạo đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực công nghệ vệ tinh và ứng dụng các công nghệ vũ trụ; tiếp nhận chuyển giao công nghệ thiết kế phát triển vệ tinh nhỏ quan sát Trái đất.

Trong dự án xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Việt Nam và Nhật Bản phối hợp thiết kế phóng lên quỹ đạo hai vệ tinh nhỏ với công nghệ rađa hiện đại có thể quan sát Trái đất ngày và đêm trong mọi điều kiện thời tiết. Dự án nhằm nâng cấp và thiết lập hệ thống cảnh báo, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường, tiến tới làm chủ công nghệ, tự sản xuất vệ tinh nhỏ riêng của Việt Nam...

* Hai vệ tinh này có những đặc điểm gì và sẽ được phóng vào thời điểm nào, thưa ông?

Phóng to
PGS.TS Phạm Anh Tuấn - Ảnh: M.Q.

- Dự kiến tháng 1-2017 chúng ta sẽ phóng vệ tinh viễn thám công nghệ rađa đầu tiên và tháng 12-2018 sẽ phóng vệ tinh thứ hai. Mỗi vệ tinh này có trọng lượng khoảng 500kg, tuổi thọ năm năm. Vệ tinh đầu tiên sẽ được thiết kế, chế tạo tại Nhật Bản vì chúng ta hiện chưa có cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật cũng như đội ngũ cán bộ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu này.

Hiện nay ở nước ta hầu như chưa có ai được đào tạo cơ bản về công nghệ vệ tinh cả. Do đó, dự án này còn có nhiệm vụ đào tạo cơ bản cho khoảng 40 kỹ sư công nghệ vệ tinh của Việt Nam. Họ sẽ được đào tạo về công nghệ vũ trụ tại Nhật, đến các công ty Nhật trực tiếp tham gia quá trình thiết kế, tích hợp và thử nghiệm vệ tinh của Việt Nam. Riêng vệ tinh thứ hai, dưới sự phối hợp tư vấn của Nhật Bản, cơ bản sẽ do người Việt Nam thiết kế, tích hợp, lắp ráp, thử nghiệm và hoàn thiện trong nước nhằm đảm bảo mục tiêu làm chủ công nghệ này.

* Là một “trung tâm vũ trụ”, nhưng vì sao mục đích chính của dự án chỉ là giảm thiểu thảm họa thiên tai, bảo vệ môi trường?

- Việt Nam có bờ biển trải dài từ bắc xuống nam, có nhiều khu vực với điều kiện tự nhiên về khí hậu, địa lý khác nhau nên là một trong những nước chịu nhiều thiên tai nhất trên thế giới. Thiệt hại do thiên tai và thảm họa chiếm tới 1,5% tổng thu nhập quốc nội của nước ta, làm chết hàng trăm người mỗi năm. Do đó, việc giám sát, bảo vệ, phòng chống thiên tai là nhiệm vụ nặng nề và bức xúc. Sử dụng tốt các dữ liệu từ vệ tinh quan sát Trái đất sẽ góp phần giảm đáng kể thiệt hại do thiên tai, thảm họa gây ra.

Theo đánh giá của tư vấn Nhật Bản, dự án này nếu hoạt động tốt sẽ góp phần giảm 10% thiệt hại do thiên tai.

Cụ thể, khi chủ động được ảnh vệ tinh, chúng ta sẽ cập nhật được thường xuyên tình trạng lũ lụt, mưa bão để có những cảnh báo kịp thời, hiệu quả nhằm đảm bảo được tài sản và tính mạng người dân, giảm chi phí tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn... Việc sử dụng ảnh vệ tinh cũng có thể chỉ rõ địa điểm nào đang bị thiệt hại do phá rừng, địa điểm nào rừng đang cháy để có biện pháp chữa cháy kịp thời. Tương tự, các vệ tinh có thể giám sát ô nhiễm do chất thải công nghiệp và tràn dầu gây ra.

Ngoài ra, vệ tinh và ứng dụng công nghệ vệ tinh còn giám sát hiện tượng xói mòn, lở đất, nghiên cứu động đất, nước biển dâng và các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu...

* Dự án cần một khoản tài chính rất lớn, chúng ta sẽ huy động từ đâu, thưa ông?

- Vào tháng 4-2009, Thủ tướng đã đồng ý về mặt chủ trương và xác định đây là dự án trọng điểm để hoàn thành chiến lược nghiên cứu ứng dụng công nghệ vũ trụ của Việt Nam đến năm 2020. Thủ tướng đã đặt vấn đề với Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ vốn ODA cho dự án và từ đó đến nay hai bên đã trao đổi, vận động, làm các bước khảo sát, xác định và tháng 11 năm nay đã ký hiệp định vay vốn cho dự án xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Dự án được đầu tư 54 tỉ yen, trong đó 85% là vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản.

* Như ông đã nói, đây là một dự án mang tính công ích nhiều hơn, khả năng sinh lời thấp. Vậy việc trả nợ tài chính của dự án liệu có gặp khó khăn?

- Dự án có đặc điểm mang tính công ích nhiều hơn nhưng không phải không mang lại hiệu quả kinh tế. Vệ tinh viễn thám quan sát Trái đất của dự án này đương nhiên không phải như các vệ tinh viễn thông có thể bán kênh để thu tiền như VINASAT-1 của chúng ta đang sử dụng. Tuy nhiên, lợi ích của dự án này không hề nhỏ. Trước hết, có thể giảm được đến 10% thiệt hại do thiên tai gây ra mỗi năm.

Thứ hai, các bộ, ngành của Việt Nam đang phải mua ảnh vệ tinh từ nước ngoài tốn kém khá lớn. Khi đã có vệ tinh, ta có thể chủ động việc chụp ảnh ở đâu, thời điểm nào phục vụ mục đích riêng. Ngoài ra, chúng ta còn có thể bán ảnh thu được từ vệ tinh. Ví dụ, cơ quan nào muốn quản lý đất đai, quy hoạch cũng có thể mua ảnh vệ tinh của chúng ta để xử lý.

Ảnh vệ tinh có thể xử lý cho ngành tàu cá, ngành môi trường, ngành bản đồ... Đó là những cái lợi lâu dài có thể tính được thành tiền của dự án này. Chúng ta còn có thể bán ảnh cho các nước hoặc trao đổi để sử dụng vào các công việc cần thiết khác.

* Đây không phải là dự án đầu tiên có mục tiêu phóng vệ tinh viễn thám lên quỹ đạo nhưng được đánh giá sẽ mang lại hiệu quả rất cao, vì sao có đánh giá này?

- Chúng ta đã có dự án phóng một vệ tinh có trọng lượng 150kg lên quỹ đạo nhằm giám sát môi trường tự nhiên, tài nguyên, thiên tai. Theo dự kiến, đến năm 2014 vệ tinh này sẽ được phóng lên quỹ đạo Trái đất. Tuy nhiên, đây là vệ tinh sử dụng công nghệ cảm biến quang học nên có những hạn chế nhất định, không thể chụp ảnh buổi tối hay khi có mây mù nhiều. Trong khi đó, vệ tinh sử dụng công nghệ cảm biến rađa có thể chụp ảnh trong cả thời tiết xấu, nhiều mây, do đó tần suất và hiệu quả sử dụng tăng lên đáng kể.

Thông qua dự án chúng ta còn có hạ tầng kỹ thuật hiện đại và một đội ngũ cán bộ trẻ trình độ cao được đào tạo bài bản về công nghệ vũ trụ, đặc biệt là công nghệ vệ tinh.

* Xin cảm ơn ông.

Một số dự án vệ tinh khác có liên quan đến dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam

• Dự án VNREDSat, vệ tinh giám sát môi trường tự nhiên, tài nguyên và thiên tai đang được triển khai bằng vốn vay ODA của Pháp (tổng chi phí dự án là 55,8 triệu euro). Dự án bao gồm thiết kế, sản xuất, kiểm tra, phóng và điều khiển hoạt động của một vệ tinh có trọng lượng 150kg, sử dụng công nghệ cảm biến quang học (không thể chụp ảnh dưới mây và ban đêm), quan sát Trái đất, dự kiến phóng vào năm 2014.

• Dự án “Xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường tại Việt Nam” đã được triển khai bằng vốn vay ODA của Pháp (hơn 19 triệu euro và gần 39,5 tỉ đồng vốn đối ứng của Việt Nam). Dự án này gồm một trạm thu ảnh vệ tinh Việt Nam, một trung tâm cơ sở dữ liệu, hệ thống giao dịch khách hàng, chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm...

• Dự án “Giám sát tài nguyên biển và vùng biển của Việt Nam thông qua vệ tinh” cũng do Pháp hợp tác với tổng chi phí 13,9 triệu euro. Pháp sẽ hợp tác với Việt Nam để lắp đặt thiết bị vệ tinh cho khoảng 3.000 tàu cá xa bờ để đảm bảo sự an toàn của ngư dân Việt Nam trong khi đánh cá trên biển, nâng cao hiệu quả đánh bắt.

__________

(*) Nơi quản lý và thực hiện dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận