Giáo dục đại học: Không thể phó mặc cho thị trường

PHẠM THỊ LY 10/06/2018 19:06 GMT+7

Đằng sau câu chuyện chuyển “phí” thành “giá”, thực chất là chấm dứt bao cấp của nhà nước, điều chỉnh học phí theo hướng tính đúng, tính đủ, có tích lũy cho các trường ĐH công, là vấn đề thị trường hóa, thương mại hóa giáo dục đại học (GDĐH). Đây là một chủ đề đã được thảo luận nhiều trong những năm gần đây trên thế giới.

Quyền tiếp cận giáo dục tạo ra sự bình đẳng về cơ hội, một quyền con người cơ bản và thiêng liêng. Ảnh: mylatestnews.org
Quyền tiếp cận giáo dục tạo ra sự bình đẳng về cơ hội, một quyền con người cơ bản và thiêng liêng. Ảnh: mylatestnews.org

Các mô hình tài chính đang thay đổi

Các nước phát triển phương Tây có truyền thống xem GDĐH là lợi ích công, là nơi đào tạo tầng lớp tinh hoa dẫn dắt sự phát triển của xã hội. Lợi ích GDĐH mang lại cho xã hội được coi là lớn hơn so với chi phí bỏ ra cho nó, vì lẽ đó nhiều nước coi tài trợ cho ĐH là việc nhà nước phải làm. Tiền thuế của người dân chi trả cho các ĐH sẽ tạo ra những thành quả đột phá mang lại lợi ích cho cả xã hội.

Tuy nhiên, những thay đổi trong cấu trúc xã hội và kinh tế những thập kỷ gần đây đã tạo ra một bối cảnh khác trước. Trước tiên là hiện tượng đại chúng hóa giáo dục. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật khiến lao động giản đơn đã được chuyển cho máy móc, người lao động phải được đào tạo nhiều hơn để có thể tham gia vào thị trường lao động có kỹ năng.

Hệ quả là GDĐH không còn là đặc quyền của tầng lớp tinh hoa, và khía cạnh “lợi ích tư” của việc theo học ĐH trở nên nổi bật. Kết quả của việc mở rộng cánh cửa tiếp cận ĐH là ngân sách nhà nước không còn đủ sức bao cấp cho các trường như trước nữa, và điều này đang diễn ra ở nhiều nước, làm thay đổi rất cơ bản mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường trong lĩnh vực GDĐH.

Ngân sách thu hẹp đã buộc các trường phải dựa vào nguồn thu từ người học. Vì thế mô hình tài chính của các trường ĐH công trên thế giới đã thay đổi mạnh mẽ trong những thập kỷ qua. Điều thấy rõ nhất là quá trình tư nhân hóa hệ thống GDĐH, tạo ra các trường ĐH tư hoạt động như một doanh nghiệp. (Riêng hiện tượng các ĐH tư không vì lợi nhuận và dựa trên nguồn hiến tặng ở Hoa Kỳ là một hiện tượng khá đặc biệt cần được phân tích riêng, không dễ áp dụng đại trà).

Hiện tượng tiếp theo là quá trình đa dạng hóa nguồn tài chính của các trường, công cũng như tư, diễn ra ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt là trường công. Từ chỗ chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, các trường công ngày nay đang phải tăng học phí, mở rộng các nguồn thu từ nghiên cứu khoa học, hợp tác với các doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ, các nguồn hiến tặng, rộng đào tạo xuyên biên giới...

Đó là bối cảnh và là tiền đề cho việc thị trường và thương mại hóa GDĐH, đã bắt đầu từ thập kỷ 1980, và vẫn đang tiếp tục. Thị trường hóa GDĐH (marketization of higher education) được Brown định nghĩa là “những hành động nhằm đưa ra việc cung ứng GDĐH trên nền tảng thị trường, tức quan hệ cung cầu giữa việc đào tạo sinh viên, với việc nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác của nhà trường được cân bằng thông qua cơ chế giá” (Roger Brown, 2015).

Điều này có nghĩa là người học được xem như “khách hàng”, còn nhà trường là người cung cấp dịch vụ. Điều đó có những kết quả tích cực, vì nó đòi hỏi nhà trường phải thực hiện tốt hơn trách nhiệm giải trình về việc sử dụng nguồn thu, kết quả đào tạo, phải quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu của người học.

Thế nhưng, vấn đề là người học không phải là một “khách hàng” có thể bỏ tiền ra mua dịch vụ giáo dục theo lối mua đứt bán đoạn, kiểu như ta trả tiền và mang chiếc xe về nhà. Giáo dục là một dịch vụ đặc biệt vì khách hàng của nó có vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình tạo ra giá trị. Nhà trường có thể bán bằng, nhưng không bán được kỹ năng, kiến thức, thái độ, giá trị, phẩm chất. Tấm bằng chỉ là đại diện quy ước, chứ không phải là bản thân những thứ đó. 

Vì thế, coi sinh viên như “khách hàng” sẽ tạo ra hệ lụy là đồng nhất tấm bằng với những giá trị mà nó đại diện, kết quả là những giá trị đó sẽ có thể phá sản.

Khi trường ĐH hành động theo quy luật của thị trường, biến nhà trường thành một loại tư bản hàn lâm, đặt cán cân thu chi lên trên những cân nhắc về lợi ích công và sứ mạng thực sự của nhà trường mà xã hội mong đợi, giáo dục bị thương mại hóa, với sản phẩm được đóng gói trong tấm bằng, được tiếp thị, rao bán như mọi hàng hóa dịch vụ khác, và các trường thì cạnh tranh để giành thị phần, vì quy mô thị phần đồng nghĩa với lợi nhuận.

 
 

 Vai trò của nhà nước

Những người ủng hộ thị trường/thương mại hóa GDĐH cho rằng đó là con đường không thể tránh khỏi trong bối cảnh nguồn tài trợ công không đủ đáp ứng cho nhu cầu phát triển của các trường. Họ tin vào sức mạnh thị trường và cho rằng nguyên tắc cạnh tranh tự do sẽ giúp các trường hoạt động hiệu quả hơn. Hệ thống tài chính và kinh tế toàn cầu ngày nay vận hành trên cơ sở tự do giao thương, với rất ít sự can thiệp của nhà nước. 

Vốn liếng của các trường ĐH và sản phẩm mà họ tạo ra chính là nguồn lực con người. Nguồn lực đó có thể và cần được định giá để có thể đem ra trao đổi, tương tự những thông tin, hàng hóa, dịch vụ khác. Quá trình trao đổi này tạo ra cơ hội và giá trị mới cho các bên tham gia.

Những nguyên tắc thị trường có thể kích thích năng suất và sự phát triển. Một giảng viên có năng suất nghiên cứu tốt hơn phải được hưởng lương cao hơn chẳng hạn. Tuy nhiên, điều oái oăm là, điều này không phải bao giờ cũng đúng. Stephen Buranyi từng nói về Fred Sanger, cha đẻ của học thuyết di truyền phân tử, như sau: “Trong hệ thống ngày nay, ông ấy hẳn đã có thể bị đuổi cổ khỏi trường ĐH rồi!”. 

Đó là vì Sanger có rất ít công bố khoa học trong hai thập kỷ giữa hai lần được giải Nobel của ông, năm 1958 và 1980. Nếu các trường áp dụng triệt để nguyên tắc thị trường, có thể chúng ta đến giờ vẫn chưa biết di truyền phân tử là gì, và hàng vạn phát minh dựa trên học thuyết ấy có thể đã không bao giờ có.

Việc coi sinh viên như khách hàng thuần túy sẽ dẫn tới chỗ các trường chiều theo ý muốn nhất thời của họ để thu hút thêm nhiều người học. Trong một thị trường lao động còn chưa thực sự trưởng thành, bằng cấp vẫn còn là món hàng có giá, sinh viên muốn học thật ít, có bằng thật nhanh. Nhà trường cũng muốn giảm chi phí đào tạo. Hai bên cùng “có lợi”, và kết cục là tấm bằng ĐH lạm phát, vô giá trị, khiến thật giả lẫn lộn, còn thị trường GDĐH thì trở nên méo mó.

Vì thị trường hoạt động dựa trên động lực tìm kiếm lợi nhuận, không có gì ngăn cản các trường tăng học phí tới mức sẽ chỉ còn một số ít người có thể theo đuổi bậc ĐH, tạo ra hố sâu ngăn cách ngày càng lớn giữa người giàu và người nghèo. 

Trên bình diện quốc gia, nếu đa số người dân không tiếp cận được GDĐH, thì số lượng và chất lượng của lực lượng lao động chắc chắn sẽ giảm sút, kéo theo sự lạc hậu về khoa học kỹ thuật và thua thiệt trong cạnh tranh kinh tế toàn cầu.

Bởi lẽ đó, giới nghiên cứu quốc tế, dù còn tranh cãi nhiều điểm, đều thống nhất rằng thị trường GDĐH, khác với mọi thị trường khác, cần có vai trò quan trọng của nhà nước.

Nhà nước không phải là “ông chủ” nắm quyền sở hữu các trường công như những “ông chủ” tư nhân sở hữu các ĐH tư. Giao cho trường công tính đúng, tính đủ chi phí và có lợi nhuận hợp lý chính là đối xử với trường công như trường tư và nhà nước đóng vai trò ông chủ. 

Trong trường hợp đó, chúng ta sẽ có một hệ thống GDĐH được thị trường hóa hoàn toàn, còn vai trò nhà nước thì gần như bằng không. Đó không phải là một lựa chọn đáng khuyến khích.

Vai trò của nhà nước là thiết lập các chính sách để tạo ra một hệ thống đa dạng nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của xã hội. Trong hệ thống đó, trường công được duy trì là để khắc phục những nhược điểm, bù đắp những thiếu sót của trường tư, vốn là kết quả tất yếu của kinh tế thị trường. Tài trợ cho nghiên cứu cơ bản, đào tạo những ngành ít người học, tập trung cho sứ mệnh phục vụ lợi ích công, cho những hoạt động giảm bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận ĐH, đó là những ưu tiên của trường công, vì trường công sử dụng nguồn lực công và tiền thuế của người dân.

Trường công cần phải thu học phí ở mức thích hợp, để giảm nhẹ gánh nặng ngân sách và vì bao cấp thường dẫn tới kết quả tiêu cực. Người học phải đóng học phí để hiểu rõ giá trị của sự học và để nhà trường có thể cải thiện chất lượng. Nhưng học phí phải đi cùng với các chính sách hỗ trợ (vay học phí lãi suất thấp, các cơ chế miễn - giảm phù hợp) để nó không phải là rào cản cho những ai có năng lực và quyết tâm. 

Tất cả những điều này sẽ khó thành hiện thực nếu trường công bị đẩy ra thị trường và buộc phải hành xử theo các động lực thị trường thuần túy.■

Giáo dục phổ thông phải miễn phí

Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989 của Liên Hiệp Quốc, mà Việt Nam có phê chuẩn, coi giáo dục là một quyền con người cơ bản của trẻ em. Quyền này có thể không thực hiện được khi giáo dục thuần túy là một thị trường.

Vì thế, hầu hết các nước đều miễn học phí với giáo dục phổ thông, nhiều nước còn xem việc cho trẻ đi học là nghĩa vụ bắt buộc của gia đình, xã hội và nhà nước.

Hiến pháp Việt Nam 2013 cũng bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, nhà nước không thu học phí. Với giáo dục trung học thì từng bước phổ cập; với giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp thì thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý (điều 61). Tuy Việt Nam cũng có trường tư ở bậc phổ thông nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân, nhưng biến giáo dục phổ thông thành thị trường hoàn toàn sẽ là trái với Hiến pháp và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Thị trường chỉ quan tâm đến lợi nhuận, vì thế nó chỉ hướng tới phục vụ cho những người có tiền để chi trả. Vùng sâu, vùng xa, vùng ít dân hoặc dân quá nghèo chắc chắn kinh doanh giáo dục không có lãi, nếu giao cho thị trường và không có sự can thiệp của nhà nước, ngu dốt và đói nghèo sẽ truyền từ đời này sang đời khác ở những nơi như thế.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận