Giữ sinh kế từ bảo vệ rừng

HUỲNH VĂN MỸ 18/11/2012 00:11 GMT+7

TTCT - Từ một quyết định có vẻ “không thức thời” cách đây chừng 15 năm trong lúc hoạt động phá rừng nuôi tôm diễn ra rầm rộ, dân làng Đông Xuân của xã Tam Giang, huyện Núi Thành, Quảng Nam đã giữ lại khu rừng ngập mặn mà nhờ đó giờ đây họ có được cuộc sống bền vững và giúp giảm thiểu tác động của thiên tai.

Phóng to

Những cây mắm sừng cổ thụ này được trồng nhiều ở vòng ngoài cùng của rừng ngập mặn Đông Xuân - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

“Ốc đảo” Tam Giang nằm ở phía đông thị trấn Núi Thành, cách trung tâm hành chính huyện chỉ hơn một cây số, được bao quanh bởi dòng Trường Giang rộng lớn gần bên cửa An Hòa (cảng Kỳ Hà). Chỉ cần cưỡi xe dạo quanh đê ngăn mặn lượn theo xóm làng và dòng Trường Giang một quãng là có thể nhận ra ngay địa hình “đầu sóng ngọn gió” của Tam Giang. Bên những vùng hồ tôm trụi trần bờ thửa, vùng rừng ngập mặn của làng Đông Xuân hiện ra đầy ấn tượng.

Tường thành của làng, mái nhà của cá tôm

5g sáng, từ bãi sông kề bên vùng rừng ngập mặn trở về, chị Đỗ Thị Liếu trông rất tươi vui dù đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ. “Làm từ lúc một giờ sáng đến giờ được gần 2kg tôm, bán được trăm rưỡi ngàn đồng. Không trúng lắm nhưng cũng tạm được. Dân Đông Xuân mình còn kiếm được cái ăn dưới sông là nhờ rừng ngập mặn. Các nơi dọc theo Trường Giang đã kiệt tôm cá từ lâu rồi” - người phụ nữ 49 tuổi, gắn bó với nghề chài lưới trên sông từ tuổi thanh xuân, nói.

Người làm đêm về, kẻ làm ngày lại tiếp nối, cũng là dựa bên đoạn sông kề bên khu rừng ngập mặn xanh tốt còn lại. Thả lưới từ 7g-10g, anh Phạm Hồng Danh kiếm được hơn 1kg cá, bán được 70.000 đồng. Ngư dân mực khơi 35 tuổi vừa nói vừa quăng lưới tiếp: “Cũng may là vùng sông nước quanh khu đây còn tôm cá cho những người như tui cậy dựa lúc nghỉ đi khơi xa trong mùa mưa tháng gió. Rừng ngập mặn này là chỗ trú ẩn, sinh sản của đủ loại tôm cá, cua ghẹ, nghêu ốc. Hễ ai chịu khó mang cái lưới, cái đèn soi ra bãi sông bên rừng cây này cạy cục là sẽ có cái ăn”.

Bên niềm vui kiếm được thu nhập từ sông nước, cư dân làng Đông Xuân càng mừng hơn khi thấy làng xóm được bình an qua những trận bão lũ dữ dằn xảy ra trong những năm qua. Khi xảy ra cơn bão số 9 hồi năm 2009, ai cũng nghĩ khu dân cư phía tây của Đông Xuân sẽ bị “sập làng” vì sóng xô gió giật quá mạnh. Vậy mà...

Trưởng thôn Phạm Văn Nhì kể: “Cơn bão đó phải nói là ác liệt. Phía đông gió nhẹ hơn, sóng nhẹ hơn, thế mà một đoạn đê dài 150m bị sóng đánh tan hoang. Trong khi đó mé tây của làng không có đê bao, gió mạnh, sóng lớn xô dạt dữ dằn mà vẫn không hề hấn gì. Nói thật, nếu thời đó dân Đông Xuân mình phá rừng ngập mặn làm hồ tôm thì chắc chắn cơn bão đó đã quật nát khu dân cư phía tây của Đông Xuân, vì nhà cửa của bà con nằm cách bờ sông chẳng là bao”.

Giữ lại được gần 10ha rừng ngập mặn, dân làng Đông Xuân đôi lúc vẫn rùng mình khi nhớ lại cao trào phá rừng ngập mặn làm hồ tôm diễn ra ồ ạt ở đây. Ông Huỳnh Ngọc Anh, 63 tuổi, chủ tịch UBND xã Tam Giang lúc đó, cũng là cư dân làng Đông Xuân, nhớ lại: “Năm 1990, phong trào phá rừng ngập mặn làm hồ nuôi tôm bắt đầu ở Tam Giang. Thấy làm thủ công chậm, lại thêm cái lợi từ việc nuôi tôm thôi thúc mạnh quá, năm 1992 người ta bắt đầu mướn xe cơ giới về phá cho nhanh. Làng xóm đêm ngày ầm ào tiếng máy đào máy xúc. Trong nhà ngoài đồng đâu cũng xôn xao bàn tính chuyện làm tôm. Do máy móc cơ giới đào phá nhanh quá, đến cuối năm 1997 là Tam Giang hết rừng ngập mặn để phá...”.

Và cũng theo vị cựu chủ tịch xã, sau dăm ba năm có thu nhập khá, các chủ hồ tôm ở đây bắt đầu phải trả giá vì tôm nuôi luôn bị hàng loạt sự cố gây hại khiến họ lỗ nặng, trong đó chi phí tu sửa hồ tôm hằng năm quá lớn do sóng nước mùa mưa lũ ở đây tăng độ dữ dằn khi không còn rừng ngập mặn che chắn.

Phóng to
Khi nghỉ câu mực mùa mưa bão, anh Phạm Hồng Danh đánh lưới ở “ngư trường” rừng ngập mặn quê mình - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

“Hiệu ứng" Đông Xuân

Trưởng thôn Nhì nói lớp người 70 tuổi như ông ai cũng coi rừng ngập mặn quê mình là vốn quý của ông cha để lại. Ngoài việc che chở xóm làng trước sóng to bão lớn, giữ đất làng khỏi bị cuốn ra sông, rừng ngập mặn còn là chiếc nôi sinh dưỡng cho cá tôm. Làng ven sông ít ruộng, đất cát lại chua mặn, dân làng cậy dựa vào lưới chài trên sông và làm nghề biển, ruộng nương chỉ là nguồn phụ. “Có rừng ngập mặn nuôi con cá con tôm lâu bền, hầu hết dân trong làng (208 hộ) đều cậy dựa vào lưới chài trên sông. Mỗi ngày mỗi người kiếm được một ít, ngó vậy chứ cái lợi từ sông nước tính sao hết” - ông Nhì phân tích.

Bởi vậy, không chỉ giữ gìn, cư dân làng Đông Xuân đã trồng giặm thêm cây đước vào để tăng độ che phủ, độ bền chắc cho rừng. “Nhờ đất ở đây tốt, cây đước thân to, rễ nhiều, mới mươi năm mà cao tốt thế đó. Sắp tới dân mình sẽ phải trồng thêm nhiều đước” - lão làng Phan Thanh Bình, nhà ở sát rừng, chỉ vào những cây đước đứng ở bìa sông nói.

Thông tin về việc bảo tồn nguyên vẹn rừng ngập mặn của người dân Đông Xuân, xã Tam Giang đã đến được Trường đại học Nông lâm Huế. Tháng 3-2012, đoàn cán bộ ở trường này đã đến tận nơi tìm hiểu, nghiên cứu về rừng ngập mặn Đông Xuân.

“Qua làm việc với xã, thôn ở đây, Trường đại học Nông lâm Huế đề nghị thôn mình thành lập Câu lạc bộ bảo tồn rừng ngập mặn Đông Xuân để tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn, phát triển rừng tốt hơn nữa. Trường cũng hứa cuối năm nay sẽ có kế hoạch giúp hội viên trong CLB nuôi thí điểm tôm cua theo lối tự nhiên ở mặt nước rừng ngập mặn. Sau đó thôn mình đã thành lập CLB này, hoạt động được mấy tháng nay” - chị Đỗ Thị Liếu, chủ nhiệm CLB bảo tồn rừng ngập mặn Đông Xuân, cho biết.

Phóng to
Lão làng Phan Thanh Bình, 72 tuổi, người nặng lòng với việc bảo vệ rừng ngập mặn của làng mình, nói rừng ngập mặn là lẽ sống còn của dân làng - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

“Lá chắn” ngăn bão lũ có hiệu quả của rừng ngập mặn Đông Xuân như một điển hình dễ thấy bên cạnh những địa phương phá rừng ngập mặn - vốn là rừng phòng hộ được các lớp tiền bối nhân trồng từ hàng trăm năm trước - để làm hồ nuôi tôm. “Phải trồng lại rừng ngập mặn từ bài học của Đông Xuân” - phó chủ tịch UBND xã Tam Giang, ông Phạm Văn Châu, cho biết.

Theo dự án ứng phó biến đổi khí hậu của huyện Núi Thành cũng như dự án lâm sinh của xã Tam Giang, năm 2013 xã sẽ trồng 31,37ha rừng ngập mặn trên diện tích rừng ngập mặn bị triệt phá làm hồ nuôi tôm cũng như trồng bổ sung vào những vùng rừng ngập mặn còn trống. Hai loại cây được chọn trồng là mắm (15,2ha) và đước (16,35ha). “Tốn kém, công phu, và phải lâu dài mới có lại mặt rừng ngập mặn như xưa” - ông Châu đánh giá.

“Ngày chưa làm hồ tôm, phải nói rừng ngập mặn ở Tam Giang như một trường thành che chắn an toàn cho cả xã. Rừng ngập mặn ở đây có nhiều loại cây như mắm sừng, mắm quắn, bần, đước, cóc... đặc biệt là mắm sừng, loại cây lớn thành cổ thụ rất có giá trị. May mắn là bà con làng Đông Xuân quê tôi còn giữ được nguyên vẹn rừng ngập mặn của làng. Chuyện phá rừng ngập mặn làm hồ tôm là sai lầm một thời, nghĩ lại đau lòng lắm...

Để cứu vãn, nhất là trong thời biến đổi khí hậu, từ mô hình Đông Xuân, huyện đã có kế hoạch hỗ trợ trồng lại rừng ngập mặn ở Tam Giang và kiến nghị tỉnh giúp quan hệ với tổ chức quốc tế sớm triển khai thực hiện dự án hỗ trợ ngăn giảm thiên tai cho huyện Núi Thành, trong đó có hỗ trợ việc trồng rừng ngập mặn tại ba xã nằm kề xã Tam Giang” - ông Phạm Văn Quyện, phó chủ tịch UBND huyện Núi Thành, nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận