Cuối cùng, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã cùng nhìn và thấy khu vực Đông Nam Á là một trong vài điểm nóng “chết người” của thế giới trong thế kỷ 21 này, để cùng đưa ra một “Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của ASEAN”. Văn bản nhẹ nhàng đó là tất cả những gì mà các quốc gia, dù góc nhìn và vị trí khác nhau, đã có thể đồng thuận, ngoài các khúc mắc nội bộ. ASEAN cùng hướng tới tương lai, tranh của họa sĩ người Philippines Jessica Lopez. -Ảnh: wordpress.com Trong cuộc họp báo khép lại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ngày 23-6, Thủ tướng nước chủ nhà Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã thuật lại quá trình đạt đến tầm nhìn chung nói trên: “Sau khi cân nhắc toàn diện vấn đề này, ASEAN đã xây dựng Tầm nhìn của ASEAN trên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, điều này rất có ý nghĩa do nay ASEAN đã có cách tiếp cận chung, theo đề xuất mà tôi đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Philippines năm 2017, rằng ASEAN cần đóng vai trò “bắc cầu” kết nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Do đó, tôi muốn bày tỏ sự đánh giá cao của mình với ngài tổng thống Indonesia, người đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy Tầm nhìn của ASEAN trên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương...”. Thực tại trong góc nhìn ASEAN Mở đầu văn kiện, các nhà lãnh đạo ASEAN nhìn nhận cả khối trong một tình thế: (1) “ASEAN nằm ở trung tâm sự nổi lên của các thế lực tài nguyên, kinh tế và quân sự”, (2) từ đó đặt ra “yêu cầu tránh khiến sự nghi kỵ trở nên sâu sắc hơn, tránh tính toán sai lầm và các hành vi dựa trên trò chơi có tổng bằng không”. Những từ ngữ không chỉ đích danh nói trên vẫn là một sự đáp lại khá rõ ràng với “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” mà Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump từng nêu ra trong diễn văn đọc tại APEC Đà Nẵng tháng 10-2017. Nhiều quốc gia trong khu vực cũng đã điều chỉnh định hướng đối ngoại theo tầm nhìn của siêu cường độc tôn đó. Nhật Bản có “Sách lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở”, Ấn Độ với định hướng “An ninh và tăng trưởng cho tất cả” (SAGAR), còn Hàn Quốc là “Chính sách hướng Nam mới” (NSP) (cụ thể là việc biếu không những tàu hộ vệ lớp Pohang loại biên chế cho một số nước Đông Nam Á sử dụng “cũ người mới ta”). Dù chính ông Trump hẳn sẽ không muốn thừa nhận chiến lược đối ngoại mới của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ít nhiều là sự kế thừa tất yếu của chính sách “Xoay trục châu Á” thời Obama, để đáp lại những hoạt động dồn dập của Trung Quốc trong khu vực. Là một phần “Trung Quốc mộng” của chính quyền Bắc Kinh, Trung Quốc không ngừng tìm cách mở rộng tầm với và sức ảnh hưởng ở cả hai đại dương trong khu vực, mới nhất là cảng Hambantota của Sri Lanka được nhượng quyền 99 năm và căn cứ hậu cần ở Djibouti tận bờ Đông Phi, đều thuộc “con đường tơ lụa trên biển” trong đại dự án Vành đai - con đường. Mỹ phản ứng bằng cách mở rộng Bộ chỉ huy quân sự Thái Bình Dương (PACOM) thành Bộ chỉ huy quân sự Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (INDOPACOM). Muốn hay không, trước làn sóng điều chỉnh sách lược đó của các cường quốc, ASEAN, khu vực giao cắt của hai đại dương, cần một sách lược chung thống nhất cho cả khối. Thực tế này còn quá mới mẻ, nên có nước như Singapore cần “nghiên cứu” kỹ trước khi phê duyệt Tầm nhìn, vốn được thông qua ở Hội nghị các quan chức cao cấp (SOM) Chiang Rai từ tháng 3-2019, theo The Jakarta Post 17-6. Điều này không khó hiểu: mỗi nước ASEAN - tùy vị trí địa lý sẽ chịu tác động ít hoặc nhiều từ những động thái trên, tùy nội lực cũng như các “mối quen biết” truyền thống để tiếp tục hay vì có bức xúc nên cần “đổi gió” - sẽ có viễn cảnh khác nhau. Cũng có những e ngại rằng sử dụng cụm từ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” sẽ làm phật lòng Trung Quốc, gây ra nghi kỵ rằng ASEAN nay cũng muốn cản đường sự vươn lên của Trung Quốc, theo bình luận trên The Strait Times 7-11-2018. Thế cho nên ASEAN đã chỉ đồng thuận ở mức tối thiểu trong văn kiện về Tầm nhìn mới. Đây mới là khởi đầu, như đã được định nghĩa trong đoạn 3 của văn bản: “Trong nhiều thập kỷ qua, ASEAN đã tham gia xây dựng một kiến trúc khu vực toàn diện, nay cần phải tiếp tục đưa sự lãnh đạo tập thể vào để củng cố và định hình tầm nhìn về sự hợp tác chặt chẽ hơn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Có thể thấy qua cụm từ “sự lãnh đạo tập thể” là ASEAN muốn thấy nhiều sự đồng thuận hơn nữa trong khối, để cả khối “tiếp tục đóng vai trò trung gian trung thực trong bối cảnh chiến lược của các lợi ích cạnh tranh”. Điều ASEAN muốn Vai trò trung gian, và có thể trung lập nữa, của ASEAN sẽ ra sao? Trong cuộc họp báo bế mạc, ông Prayuth đã giải thích rõ hơn: “Một sự hợp tác chặt chẽ hơn như mong muốn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ dựa trên các nguyên tắc được công nhận toàn cầu là tin tưởng lẫn nhau, tôn trọng và quan tâm lẫn nhau, cùng tiếp cận dựa trên luật pháp cũng như các nguyên tắc đã nêu ra trong Hiệp ước hữu nghị và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC)” của ASEAN năm 1971. Theo ông, “sự hợp tác đó sẽ bổ sung cho các khuôn khổ hợp tác hiện có ở cấp khu vực và tiểu khu vực”. Các khuôn khổ hợp tác hiện hữu có thể kể là Tuyên bố hòa bình, tự do và trung lập (ZOPFAN) của ASEAN 1971, Hiệp ước khu vực Đông Nam Á phi hạt nhân (SEA-NWFZ) 1995, các cơ chế Thượng đỉnh Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị mở rộng các bộ trưởng quốc phòng (ADMM-Plus), Diễn đàn hàng hải ASEAN (EAMF), các cuộc gặp ASEAN+... Đáng lưu ý, việc ông Prayuth nhắc đích danh TAC như một nền tảng của khối. Hiệp ước này ràng buộc những nước ký kết không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực với nhau, tôn trọng chủ quyền và sự vẹn toàn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào chuyện nội bộ của nhau và giải quyết mọi tranh chấp bằng phương cách hòa bình. Hiệp ước này không chỉ được ký kết giữa các nước ASEAN, mà còn với một số nước bên ngoài ASEAN. Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước ngoài ASEAN đầu tiên tham gia TAC từ năm 2003, rồi Mỹ 2009, EU 2012..., gần đây nhất là Iran 2018. Cùng thời điểm với TAC, ZOPFAN 1971, trong bối cảnh cao điểm chiến tranh lạnh, đã thiết lập nền tảng trung lập cho khối với ý thức rõ ràng tránh cho ASEAN mọi hình thức can thiệp và lôi kéo từ bên ngoài của các siêu cường. ZOPFAN 1971 cũng có một điều khoản quy định rõ ràng là các nước ASEAN sẽ không để cho nước ngoài đóng căn cứ trên lãnh thổ mình, cũng như không tham gia liên minh quân sự. Tất nhiên, các văn kiện đó là của thời chiến tranh lạnh. Còn bối cạnh đối kháng hiện giờ hoàn toàn khác. ZOPFAN 1971 sau đó đã được sửa tên gọi, thay “trung lập” bằng “thịnh vượng”, điều cũng phản ánh phần nào bối cảnh mới, và thay cho “hòa bình qua trung lập” là “hòa bình qua luật pháp” hoặc “hòa bình qua hợp tác khu vực”. Tuy nhiên, những diễn tiến căng thẳng leo thang gần đây đã thực sự thách thức các cơ chế cũ. Thành ra, “Tầm nhìn” mới của ASEAN có thể coi như một sự thăm dò những động thái mới trong khu vực, nhằm gia cố và đổi mới các khuôn khổ hợp tác cũ. Các nhà lãnh đạo ASEAN đều thừa nhận thực tế đó, khi văn kiện nêu rõ cả bối cảnh lẫn mong muốn của khối: “ASEAN đóng vai trò trung tâm và chiến lược (trong khu vực); “một khu vực đối thoại và hợp tác thay vì đối đầu”; “một khu vực phát triển và thịnh vượng cho tất cả mọi người”... Để có những gì mình muốn Nói cho ngay, các nước ASEAN, trong sự đoàn kết nội khối, vẫn có những tính toán riêng cho từng nước, nên phải có một nước đứng ra làm “đầu tàu” cho tầm nhìn trung lập, trung gian, ủng hộ hòa bình nói trên. Nước đó chính là Indonesia, Tổng thống Indonesia Jokowi đã và đang là người cầm trịch, như Thủ tướng Thái Lan Prayuth đã giới thiệu trong diễn văn khai mạc. Năm ngoái, Indonesia đã soạn thảo tài liệu khái niệm “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” và gửi cho 10 nước thành viên ASEAN để thảo luận về tương lai của khu vực rộng lớn đang dần trở thành một trong những động lực chính của nền kinh tế toàn cầu này. Indonesia tuy không phải là một trong những bên tranh chấp trên Biển Đông, song do vị trí địa lý và tầm vóc của nước này (quốc gia duy nhất của khu vực là thành viên khối G20), nên một ASEAN trung lập và hòa bình cũng chính là vì lợi ích cao nhất của Indonesia. Ngoài ra, cũng cần nhắc việc căn cứ quân sự mới của Indonesia đã được khánh thành hôm 18-12-2018 tại Natuna Besar - hòn đảo lớn nhất ở vùng ngoại vi phía nam Biển Đông, vốn đang chứng kiến ngày càng nhiều các hoạt động quân sự của Trung Quốc. Trong dài hạn, tầm nhìn về một ASEAN trung lập có lẽ cần được nhấn mạnh nhiều hơn nữa. Đồng thời, để đảm bảo được nền trung lập thực thụ, ASEAN sẽ cần sự đoàn kết nội khối và phát huy nội lực có lẽ là chưa từng thấy trong lịch sử tổ chức này ở hiện tại và tương lai. ■ Hợp tác hàng hải là 1 trong 4 lĩnh vực hợp tác được ASEAN nhất trí trong văn kiện Tầm nhìn và được nêu ra đầu tiên (các lĩnh vực kia là kết nối, các mục tiêu bền vững 2030 của Liên Hiệp Quốc và hợp tác kinh tế). Hợp tác hàng hải được nhìn nhận dựa trên “những thách thức địa chính trị hiện tại và đang phát sinh mà các nước trong khu vực phải đối mặt”. Hợp tác hàng hải được nhấn mạnh phải tuân thủ nguyên tắc của luật pháp quốc tế được thừa nhận trên toàn cầu, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982. Các lĩnh vực cụ thể bao gồm: hợp tác giải quyết hòa bình tranh chấp; tự do, an toàn và an ninh hàng hải và hàng không; quản lý bền vững tài nguyên biển; bảo vệ sinh kế của các cộng đồng ven biển; phát triển kinh tế xanh; thương mại hàng hải; hợp tác giải quyết nạn ô nhiễm biển; hợp tác khoa học kỹ thuật về biển... Tags: ASEANẤn Độ DươngXoay trục châu ÁTầm nhìn ASEANTrung Quốc mộng
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Chợ Bến Thành là di tích cấp thành phố, ban quản lý cam kết bảo tồn hiệu quả HOÀI PHƯƠNG 22/11/2024 Năm di tích được công bố xếp hạng di tích cấp thành phố gồm trụ sở Cục Hải quan TP.HCM, trụ sở UBND quận 1, chợ Bến Thành, đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty - Thừa vụ lang họ Trần.