Giữa muôn ảo ảnh

DANH ĐỨC 22/01/2019 04:01 GMT+7

TTCT - Cuộc gặp Donald Trump - Kim Jong Un lần thứ nhì sẽ hoàn toàn khác cuộc gặp đầu tiên ở Singapore ngày 12-6-2018: thực tế hơn, bớt kỳ vọng hay ảo tưởng hơn.

Ảnh: Vox
Ảnh: Vox

 

11h07 (giờ Hong Kong) sáng thứ ba 15-1, truyền hình CNN đưa tin: “Trump gửi thư cho lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un”. Trước đó nửa tháng, 3h28 phút (giờ Seoul) chiều cuối năm dương lịch 2018, Reuters loan tin: “Kim của Bắc Triều tiên gửi thư cho Trump về đàm phán hạt nhân”. Giữa hai mẩu tin về mối quan hệ được báo chí phương Tây gọi đùa là “chuyện tình Trump-Kim”, nhưng nếu nhìn lại tình hình quan hệ Mỹ - Triều từ sau cuộc gặp “lịch sử” Trump-Kim ấy, sẽ thấy tất cả đã không còn là màu hồng!

Ảo ảnh cuộc đời

Có vẻ cả hai bên đã đến gặp nhau trong một sự hăm hở lạc quan rất ư “lãng mạn”, có thể gọi là “ảo ảnh cuộc đời” - mượn tựa tiếng Việt một phim do tài tử Michel Picoli đóng vai chánh.

Còn nhớ trưa thượng đỉnh lịch sử 12-6-2018, ông Trump đã hào hứng chiếu cho ông Kim một mẩu phim “tuyên-cáo” (tuyên truyền quảng cáo) về tương lai xán lạn đang chờ đợi ông Kim...

Bắt đầu là luận về “anh hùng cái thế” chung chung: “7 tỉ người đang sống trên hành tinh này song chỉ một số rất ít sẽ đưa ra quyết định hay tiến hành đổi mới đất nước mình và thay dòng lịch sử... Chỉ một số ít người mới có tiếng gọi làm nên sự khác biệt... Bước ra khỏi bóng tối để cho ánh sáng tiến đến và hi vọng rực rỡ”.

Kế đến là tương lai của ông Kim nếu ông chịu đi cùng ông Trump: “Hãng phim Định Mệnh trình chiếu một câu chuyện của vận hội. Một khởi đầu mới. Hai người đàn ông, hai nhà lãnh đạo, một định mệnh... Người ấy sẽ chọn gì? Đi lui hay đi tới?...

Tương lai đang chờ đợi: một thế giới mới có thể bắt đầu từ hôm nay, thế giới của tình bạn, của sự tôn trọng và thiện chí. Hãy là một phần của thế giới đó, các cánh cửa vận hội đã sẵn sàng mở ra. Đầu tư từ khắp nơi, nơi ta có thể đạt được những đột phá y tế, những tài nguyên phong phú, công nghệ tiên tiến và những khám phá mới”.

Cuối cùng là giờ phút sự thật: “Người ấy sẽ bắt tay hòa bình và tận hưởng sự thịnh vượng chưa từng thấy? Một cuộc sống tuyệt vời hay sự cô lập? Người ấy sẽ chọn con đường nào?”. Và phần “generic” cuối phim: “Với sự góp mặt của Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong Un, trong một cuộc họp để làm nên lịch sử. Để tỏa sáng dưới ánh mặt trời. Một khoảnh khắc. Một lựa chọn”.

Tiếc là người viết kịch bản đoạn phim “tuyên-cáo” quên rằng cả ông Trump lẫn ông Kim đều quá tuổi tin có ông già Noel... từ rất lâu rồi!

Có vẻ như ông Trump tin rằng ông Kim đã bị nội dung “tuyên-cáo” đầy hứa hẹn đấy thuyết phục, nhất là trong khung cảnh hào nhoáng của một Singapore mà ông Kim đã cất công ra tới khu Marina Bay “hóng gió” tối hôm trước, nên trong cuộc họp báo trước khi ra về, ông Trump bày tỏ niềm tin vào kết quả hội nghị, nhất là vào cuộc gặp riêng “tay đôi” chỉ có người phiên dịch mỗi bên trong nửa giờ ở thư viện khách sạn Capella trên đảo Sentosa:

Ông ấy rất quyết đoán, do lẽ thực tế ông ấy muốn làm việc này (tức hòa giải). Tôi nghĩ ông ấy có thể muốn cũng ngang bằng tôi, thậm chí nhiều hơn tôi... Bởi vì họ thấy một tương lai tươi sáng cho Bắc Triều Tiên. Ngày hôm nay, chúng tôi đã ký một văn kiện toàn diện... và tôi tin rằng ông ấy sẽ sống căn cứ theo văn kiện đó”.

Sau cuộc họp báo, ông Trump đã bị cho là quá lạc quan về ông Kim. Và quả là từ khi hai bên đi vào họp chi tiết, các bất đồng thực tế mới lộ ra, thậm chí bùng nổ thành những tiếng bấc, tiếng chì. Ba tuần sau, hai bên bắt đầu gặp nhau cấp bộ trưởng ở Bình Nhưỡng.

Họp xong, tiễn Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lên máy bay xong, Thông tấn xã Triều Tiên KCNA 7-7-2018 ra thông cáo: “Không còn hồ nghi gì nữa, thái độ và lập trường của Hoa Kỳ bày tỏ trong cuộc gặp cấp cao đầu tiên này là đáng tiếc”.

Theo KCNA, Hoa Kỳ đã đưa ra những yêu sách về phi hạt nhân theo kiểu “găngtơ” và rằng phía Hoa Kỳ “đã phản bội tinh thần cuộc gặp thượng đỉnh tháng trước khi đưa ra những yêu sách đơn phương về vấn đề CVID” - tức phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên một cách trọn vẹn, kiểm chứng được và không thể đảo ngược.

Thông cáo nêu rõ: “Chúng tôi đã kỳ vọng rằng phía Hoa Kỳ sẽ đến với các biện pháp hữu ích cho việc xây dựng niềm tin theo tinh thần của thượng đỉnh, và chúng tôi đã cân nhắc việc đưa ra điều gì đó tương ứng... (song) những kỳ vọng và hi vọng của chúng tôi quả là ngây thơ đến mức có thể gọi là điên rồ”.

Ở chặng dừng chân Tokyo, Ngoại trưởng Pompeo đáp trả phía Triều Tiên: “Nếu các yêu cầu đó giống kiểu găngtơ thì thế giới này là một găngtơ, do lẽ các yêu cầu đó chính là quyết định nhất trí của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc về những gì cần phải làm... Các lệnh trừng phạt sẽ cứ còn đó cho tới khi diễn ra việc phi hạt nhân hóa rốt ráo trọn vẹn đã được kiểm chứng mà Chủ tịch Kim từng đồng ý”.

Trong vũng lầy

Rõ ràng hai bên đã ít nhiều ảo tưởng ở Singapore, một nơi gặp gỡ thật phù hợp trớ trêu, nếu biết rằng đảo quốc này từng chỉ là một bãi lầy lau sậy trong quá khứ. Ông Trump thậm chí lạc quan tới mức tuyên bố trong họp báo sau cuộc gặp rằng ông đã làm được điều không tổng thống tiền nhiệm nào của ông làm được.

Bãi lầy thực tế của mối quan hệ Mỹ-Triều là thực lực hạt nhân của Triều Tiên và yêu cầu phi hạt nhân hóa. Nếu vũ khí hạt nhân của Triều Tiên dưới thời cha và ông nội của ông Kim mới chỉ ở dạng tiềm tàng thì nay đã là một sức mạnh hiện thực.

Bốn tuần trước cuộc gặp Kim-Trump năm ngoái, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye Gwan đã nhắc nhở thực tế này: “Nếu Hoa Kỳ cứ cố dồn chúng tôi vào một góc để buộc chúng tôi đơn phương từ bỏ hạt nhân, chúng tôi sẽ không còn hứng thú với cuộc đối thoại...

Thật phi lý khi so sánh CHDCND Triều Tiên, một quốc gia có vũ khí hạt nhân, với Libya - vốn mới ở giai đoạn đầu phát triển hạt nhân” - Wall Street Journal 16-5-2018 viết. Đừng thắc mắc tại sao không đầy ba tháng sau cuộc gặp ở Singapore, The National Interest 6-9-2018 đặt câu hỏi: “Đàm phán hạt nhân với Triều Tiên đình trệ. Giờ sao đây?”.

Bài viết nhận định: “Một hiệp ước hòa bình là yêu cầu trung tâm của Bắc Triều Tiên vì hiệp ước đó ngụ ý tính hợp pháp của Bắc Triều Tiên. Việc nhà nước A ký hiệp ước với nhà nước B ngầm thừa nhận rằng nhà nước B tồn tại là có thật, đang kiểm soát người dân và lãnh thổ của họ đủ để có thể cùng đàm phán với...

Bắc Triều Tiên muốn chính xác điều đó từ Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Cho tới giờ, tất cả đều hi vọng rằng sẽ có một ngày Bắc Triều Tiên sụp đổ, sau đó là thống nhất theo các điều kiện sách từ miền Nam. Hàn Quốc thậm chí còn tôn vinh hi vọng này trong hiến pháp của mình, vốn xác định rẳng Hàn Quốc là quốc gia hợp pháp duy nhất trên bán đảo. Một hiệp ước hòa bình sẽ hủy bỏ những hi vọng và khát vọng đó, sẽ xem Bắc Triều Tiên như là một quốc gia riêng biệt”.

Ý nghĩa của một hiệp ước hòa bình Triều Tiên-Hoa Kỳ không dừng ở đó, theo The National Interest: “Một hiệp ước hòa bình cũng sẽ tước bỏ cơ sở cho sự hiện diện của Liên Hiệp Quốc tại Hàn Quốc và lực lượng Hoa Kỳ tại Hàn Quốc. Nếu Triều Tiên không còn trong tình trạng chiến tranh nữa, và hai bên ngầm thừa nhận nhau bằng cách đưa ra một tuyên bố thay đổi hiện trạng, thì Hoa Kỳ ở lại miền Nam sao được nữa?”.

Có thể mở rộng tính toán trên: Nếu Triều Tiên không còn trong tình trạng chiến tranh thì lực lượng Hoa Kỳ ở lại miền Nam sao được nữa, bắt đầu là các hệ thống phòng không THAAD vốn đe dọa Trung Quốc và Nga ngay từ khi tên lửa hai nước này rời dàn phóng? Đừng thắc mắc tại sao ông Kim đã bốn lần sang Bắc Kinh tham vấn!

Đến đây, xuất hiện một “nạn nhân” khác trong “vũng lầy” đó, tuy không phải vai chính song cũng không hẳn là vai phụ: “Liên minh cánh tả của tổng thống Hàn Quốc hiện tại có thể không phản đối logic đó, nhưng với các cử tri trung dung và bảo thủ thì logic đó rất đáng ngờ. Tất cả tờ báo lớn của Hàn Quốc phản đối một hiệp ước hòa bình vội vã có thể gây nguy hiểm cho sự ràng buộc của Hoa Kỳ với Hàn Quốc”. Té ra, đừng quên đây là chuyện tình tay ba!■

Lợi thế của ông Kim

The Hill, một trang web tự nhận là “trang tin chính trị hàng đầu của Hoa Kỳ, được Nhà Trắng và nhiều nhà lập pháp đọc hơn bất kỳ trang web nào khác ”, đã dự báo “Triều Tiên hoạch định năm 2019 là năm của Triều Tiên” trong một bài viết đề ngày 25-11-2018.

Theo đó, “Nếu ông Kim không thử nghiệm bất kỳ vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa tầm xa nào, Triều Tiên rất có thể thoát khỏi “vòng kim cô” ngoại giao và kinh tế - tức sức ép tối đa mà Mỹ đã cố áp đặt... Tất nhiên, nước Mỹ đang phải đối mặt với một thách thức ngày càng lớn không dễ giải quyết: Một Triều Tiên, với vũ khí hạt nhân, ngày càng được cộng đồng quốc tế chấp nhận”.

Đáng phiền là, theo The Hill: “Điều đó sẽ không gây ngạc nhiên. Với việc Nga và Trung Quốc mong muốn khuyến khích quan hệ ngoại giao và kinh tế ấm áp hơn với Bình Nhưỡng, và Hàn Quốc đang quan tâm nhiều hơn đến các thách thức quân sự phi hạt nhân từ Triều Tiên, Washington ngày càng tỏ ra lạc lõng với dư luận quốc tế. Không một quốc gia nào trong số này cảm thấy thoải mái với việc chế độ Kim đang có trong tay vũ khí có thể giết chết hàng triệu người, nhưng họ không còn cho phép thực tế này ngăn họ từ bỏ mối quan hệ mới với Triều Tiên”. Tình hình trước thượng đỉnh Trump - Kim lần thứ nhì là như thế, điều bất khả biến thành khả thi, điều không thực biến thành có thực.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận