TTCT - Ngày 12-3, cử tri Greenland, hòn đảo thuộc Vương quốc Đan Mạch, đi bầu quốc hội địa phương. Vấn đề then chốt trong kỳ bầu cử này là quyền tự trị toàn phần (ngoại trừ quốc phòng và ngoại giao vẫn do Đan Mạch chủ động), giúp Greenland có toàn quyền quyết định việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên của đảo. Phóng to Nuuk, thủ phủ của Greenland, với 16.000 dân đang chứng kiến sự bùng nổ đầu tư từ nước ngoài - Ảnh: panoramio.com Greenland có diện tích lên tới 2.166.086km2 và 44.087km bờ biển, nhưng chỉ có vẻn vẹn 57.000 dân và đã có cơ chế bán tự trị từ tháng 6-2009. Hiện Greenland vẫn nhận từ Đan Mạch một khoản trợ cấp hằng năm là 3,6 tỉ kroner (hơn 627 triệu USD) chưa kể các chi phí quốc phòng, an ninh trật tự, cứu hộ trên biển, khảo sát địa chất... Quyền tự trị của Greenland có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với cục diện cả vùng địa cực do vai trò chiến lược của hòn đảo này tại đây. Sức hấp dẫn của “quốc gia mỏ” Theo ước tính, khu vực Bắc cực chứa tới 30% lượng khí thiên nhiên và 13% dầu mỏ chưa khai thác của thế giới. Còn theo Viện Nghiên cứu địa chất Đan Mạch GEUS thì Greenland là một trong 20 “quốc gia mỏ” của thế giới, với các mỏ sắt, đồng, chì, kẽm, vàng, bạch kim, kim cương, hồng ngọc, còn có thủy diên (molybdenum)*, đất hiếm, uranium... Trong những năm gần đây tình trạng băng tuyết tại Bắc cực tan nhanh do biến đổi khí hậu tuy có làm những chuyên gia môi trường lo ngại, nhưng lại giúp triển vọng khai thác thương mại những nguồn tài nguyên phong phú tại đây thành hiện thực. Đó là chưa nói tới khả năng mở ra hải lộ mới trên Bắc Băng Dương, có thể rút ngắn thời gian hành trình từ Âu sang Á tới 40%. Do vậy, trong phiên họp đầu năm nay của Hội đồng Bắc cực tổ chức tại Tromsoe (bắc Na Uy), các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Ấn Độ, Ý, khối EU cùng bảy tổ chức quốc tế đã đồng loạt nộp đơn xin tham gia hội đồng với tư cách quan sát viên. Trong số các tổ chức thì ngoài các tập đoàn khai thác dầu khí và khoáng sản còn có Tổ chức Green Peace (Hòa bình xanh) do sự quan ngại về những tác động xấu lên môi trường nơi đây, một khi các dự án khai thác tài nguyên thiên nhiên được triển khai ào ạt. Hội đồng Bắc cực thành lập năm 1996, gồm những nước có quyền lợi trực tiếp tại khu vực Bắc cực là Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Iceland, Mỹ, Canada và Nga. Tuy nhiên chỉ vài năm gần đây hội đồng mới trở thành một nhân tố quan trọng trong sự hợp tác giữa các thành viên, ví dụ như trong công tác cứu hộ tại Bắc Băng Dương hay đối phó với thảm họa chẳng hạn như khi có sự cố tràn dầu, và nay là trước cuộc đua khai thác nguồn tài nguyên. Sự tham gia của EU cùng sáu nước và bảy tổ chức nói trên tất nhiên sẽ có những đóng góp nhất định cho Hội đồng Bắc cực, nhưng nhiều thành viên hội đồng, đặc biệt là Canada và Nga, tỏ ra không mấy hào hứng trước viễn cảnh có sự tham gia của những quốc gia hàng tỉ người như Ấn Độ hay Trung Quốc... Chinatown ở thủ phủ Nuuk! Hiện các công ty Mỹ (Alcoa), Anh, Úc, Trung Quốc và Hàn Quốc đang ra sức đẩy mạnh hoạt động thăm dò và khai thác mỏ tại Greenland. Có tám dự án đang được triển khai cùng nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, đường sắt, cảng biển. Tuy nhiên sự phát triển của Greenland cũng đưa tới nhiều vấn đề phức tạp. Khó khăn đầu tiên là nguồn nhân lực trên đảo rất hạn chế mà các chủ đầu tư, nhất là Trung Quốc và Hàn Quốc, không muốn thuê mướn lao động Đan Mạch do mức lương và các chế độ lao động quá cao. Dự kiến khi tám dự án nói trên chính thức đi vào hoạt động sẽ cần khoảng 30.000 cán bộ công nhân kỹ thuật nhập cư - bằng hơn một nửa dân số trên đảo. Chỉ riêng mỏ sắt Isua của Công ty London Mining, liên kết với Trung Quốc, có vốn đầu tư 13 tỉ kroner (226,4 triệu USD), đã cần tới 3.000 lao động, đó là chưa tính đến hàng loạt dự án đang chờ được cấp phép hay triển khai. Sự hiện diện của quá nhiều lao động nhập cư cũng như việc chính quyền địa phương đồng ý cho các nhà đầu tư Trung Quốc trả lương công nhân thấp hơn mức lương tối thiểu tại đây sẽ tác động không nhỏ đến môi trường sinh hoạt trên đảo và thị trường lao động Đan Mạch. Giờ thì nhiều nhà báo Đan Mạch đã gọi thủ phủ Nuuk của Greenland là “Chinatown” vì đi đâu cũng gặp người Trung Quốc! Nhưng điều khiến nhiều người lo lắng nhất là vấn đề khai thác uranium. Từ năm 1988 Đan Mạch và Greenland đã ký một thỏa thuận có hiệu lực 20 năm về việc khai thác uranium như một sản phẩm phụ (by-product) khi khai thác đất hiếm tại Kvanefjeld và Kringlerne, phía nam Greenland. Thỏa thuận này giới hạn lượng uranium thu được khi chiết xuất đất hiếm là 60 gam/tấn đất (60ppm). Tuy nhiên khảo sát cho thấy lượng uranium thu được khi chiết xuất đất hiếm tại mỏ Kvanefjeld lên tới 350 ppm/tấn, gần gấp sáu lần mức bình thường. Nay thì thỏa thuận này đã đáo hạn và đất hiếm cũng như uranium là một trong những nguồn tài nguyên quan trọng của Greenland nên có khả năng sau kỳ bầu cử 12-3, chính quyền tự trị sẽ mau chóng áp dụng chính sách mới về khai thác và xuất khẩu uranium trên đảo. “Đồn lũy” kiểm soát Bắc cực? Vấn đề Greenland đã gây nên nhiều tranh cãi trong Quốc hội Đan Mạch. Các đảng đối lập mạnh mẽ chỉ trích chính phủ liên đảng cầm quyền đã trao cho Greenland quyền hạn quá rộng để giải quyết các vấn đề như khai thác tài nguyên thiên nhiên và cơ chế nhập cư lao động... Họ cũng tỏ ra bức xúc khi Đan Mạch hầu như bị gạt ra khỏi cuộc đua giành quyền khai thác tài nguyên mỏ tại Greenland. Hơn thế nữa, nghị sĩ Claus Hjort Frederiksen (Đảng Tự do) còn lên tiếng cảnh báo nguy cơ Trung Quốc dùng Greenland như một “đồn lũy” để giành quyền kiểm soát Bắc cực. Theo ông: “Trung Quốc có cả khả năng tài chính lẫn sự kiên nhẫn để củng cố ảnh hưởng của họ tại khu vực Bắc cực chiến lược” (Berlingske 29-1-2013). Thủ tướng Helle Thorning-Schmidt cho rằng một khi Greenland đã tự trị về hành chính thì Đan Mạch phải tôn trọng quyền tự quyết của Greenland đối với tài nguyên thiên nhiên của họ, và trách nhiệm trước hết thuộc về chính phủ tiền nhiệm đã ủng hộ cơ chế tự trị của đảo này! Người dân Greenland tất nhiên rất phấn khởi trước tương lai công nghiệp hóa, vì nếu lấy giá trị ước tính của tài nguyên chưa khai thác trên đảo chia cho số dân thì ai cũng là triệu phú đôla Mỹ. Tuy nhiên những nhà hoạt động môi trường lại lo lắng về các tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái cũng như nếp sống và truyền thống của người Inuit tại Greenland. Ông Aqqaluk Lynge, chủ tịch Hiệp hội người Inuit tại Greenland, trong xã luận ngày 6-3-2013 trên nhật báo Berlingske Tidende đã đặt câu hỏi liệu tương lai công nghiệp hóa của Greenland sẽ là chuyện thần tiên hay cơn ác mộng? Các nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh "chiếm đất" Việc các nhà đầu tư nước ngoài mua hay thuê số lớn đất của các nước thế giới thứ ba (để hưởng lợi từ nhu cầu mùa màng ngày càng tăng theo mức tăng dân số) đang trở thành xu hướng. Spiegel đã dùng cụm từ “land grabbing” - chiếm đất - để nói về tình trạng này mà theo tờ báo là “một hình thái của chủ nghĩa thực dân mới” đi ngược lại lợi ích của người bản địa. Không ít các nước đang phát triển đã bán hay cho các nhà đầu tư nước ngoài thuê đất nông nghiệp. Quá trình này đang tác động tới nhiều quốc gia, từ châu Phi tới Nam Mỹ, từ châu Á sang Đông Âu. Đứng đầu danh sách là Liberia, nước có 100% đất nông nghiệp nằm dưới quyền sở hữu của nước ngoài. Một nửa đất nông nghiệp của Philippines do người nước ngoài nắm. Còn ở Ukraine, các công ty Mỹ đã kịp bảo đảm cho họ 1/3 đất nông nghiệp của nước này. Tăng trưởng dân số ở các nước như Ấn Độ, Brazil đã đẩy nhanh yêu cầu mùa màng lương thực và đầu tư vào đất nông nghiệp đương nhiên mang lợi lớn. Trong nhiều trường hợp, dân bản địa là người chịu thiệt bởi việc độc canh đã làm thoái hóa đất trồng. Ở châu Á, cụ thể là tại Campuchia, các nhà hoạt động vì phát triển bền vững đã chỉ rõ: vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Campuchia đã làm gia tăng quá trình “chiếm đất” này. Theo thống kê của Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc, FDI vào Campuchia từ gần như không có gì của năm 1990 đã lên tới 800 triệu USD vào năm 2008. Nếu những năm đầu nguồn FDI này chủ yếu đầu tư vào du lịch, hạ tầng và công nghiệp may mặc thì những năm gần đây đã chuyển sang đầu tư vào đất nông nghiệp. Giải thích sự chuyển hướng này, các chuyên gia cho biết cuộc khủng hoảng tài chính và lương thực toàn cầu năm 2007-2008 đã khiến đất nông nghiệp trở thành nguồn tài sản quý giá, giúp các nước giàu có hơn “thuê ngoài” đất trồng nhằm đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước mình. Thống kê của Liên minh Phát triển nông thôn và cải cách nông nghiệp Campuchia cho biết đất nông nghiệp ở Campuchia đang bị thâu tóm với tỉ lệ bình quân 2%/năm. Đến hết năm ngoái (2012) đã có 22% đất nông nghiệp tại Campuchia cho các công ty nước ngoài thuê. MINH THƯ (Theo Spiegel, IPS) ___________ (*): Molybdenum: dùng trong luyện kim, được tìm thấy trong tình trạng oxy hóa của khoáng sản Tags: Nhà đầu tư nước ngoàiThế giới không phẳngGreenlandQuốc gia mỏChiếm đất
Tranh cãi 'lối đi ưu tiên' sẽ thu 100.000 đồng/khách tại sân bay Đà Nẵng CÔNG TRUNG 01/12/2024 Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sẽ trở thành sân bay đầu tiên trong 22 sân bay tại Việt Nam thí điểm thu phí dịch vụ "lối đi ưu tiên" tại khu vực kiểm tra an ninh soi chiếu 100.000 đồng/khách.
Rần rần trend 'đám giỗ bên cồn' của Lê Tuấn Khang: Rồi bên cồn có đám cưới không? THƯỢNG KHẢI 01/12/2024 'Đám giỗ bên cồn' - một câu 'thương hiệu' của TikToker Lê Tuấn Khang xuyên suốt các video do anh đăng tải trên TikTok, Youtube đang là từ khóa gây sốt trên mạng xã hội.
Ông Zelensky: Ukraine cần lá chắn NATO để sống sót TRẦN PHƯƠNG 01/12/2024 Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói nước này cần sự đảm bảo an ninh từ NATO và nhiều vũ khí hơn trước khi bước vào đàm phán với Nga.
Ông Đồng Văn Thanh được bầu làm bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang LÊ DÂN 01/12/2024 Ông Đồng Văn Thanh, chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, được bầu làm bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025.